29/01/2020
Thứ Tư Tuần III Mùa Thường Niên
2 Sm 7, 4-17; Mc 4, 1-20
HÃY ĐỂ CHO LỜI CHÚA SINH HOA KẾT QUẢ
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người gieo giống để giảng về Nước Trời. Việc gieo giống có lẽ rất quen thuộc với người Việt Nam, vì có đến 4/5 dân số sống bằng nghề nông nghiệp. Người gieo giống nào cũng muốn gieo hạt trên đất đã cày bừa cẩn thận; Thiên Chúa cũng muốn tâm hồn con người được trở nên như thửa đất để hạt giống Lời Ngài có thể mọc lên, phát triển và sinh nhiều hoa trái, làm ích cho mình và cho người khác nữa.
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn “Người Gieo Giống” để nói cho dân chúng biết về mầu nhiệm Nước Trời. Hạt giống gieo vào đất là bước khởi đầu của Lời Chúa được ban cho thế giới. Các loại đất đón nhận hạt giống là những cách đáp ứng khác nhau trước Lời Chúa. Tột đỉnh của dụ ngôn là mùa gặt, nghĩa là sự hoàn tất của Nước Thiên Chúa.
Hạt giống Lời Chúa được ban cho tất cả mọi người. Thế nhưng trong thực tế, không phải bất cứ ai nghe Lời Chúa cũng hiểu và thực hành đúng. Quả thật, hiểu được dụ ngôn và có nghị lực thực hành Lời Chúa là hồng ân Thiên Chúa ban vì nếu không có ơn Chúa thì người ta sẽ “nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu” (Mc 4, 12). Đồng thời, cũng cần có tâm hồn đơn sơ và rộng mở trước Lời Chúa, để nhờ Thánh Thần Chúa hoạt động, sứ điệp Tin Mừng của Đức Giêsu được đơm bông kết hạt.
Đức Giêsu cắt nghĩa dụ ngôn cho các môn đệ (c.13-20). Ngài phân tích rõ từng hoàn cảnh mà Lời Chúa không có tác dụng hay được trổ sinh mỹ mãn. Có lẽ đây là mảnh đất tâm hồn của mỗi người chúng ta.
Trang Tin Mừng này như một bản xét mình về đời sống thiêng liêng, chúng ta đã để Lời Chúa được gieo vãi trong tâm hồn chúng ta như thế nào?. Nếu tâm hồn tôi là vỉa hè, đường trải nhựa, xi măng không đất cát, nóng bỏng, thì làm sao hạt giống đâm rễ được ?. Nếu tâm hồn ta là một bụi gai um tùm, đâm tua tủa, khi hạt giống rơi vào sẽ bị vướng và nằm chơ vơ giữa bụi gai, thì làm sao hạt giống chạm tới đất và nảy mầm được ?. Nếu cõi lòng tôi như một mảnh đất hoang khô cằn sỏi đá, không một dòng nước hay một bóng cây, chỉ có nắng, sỏi với đá cứng cỏi, khô khốc... và nếu hạt giống có rơi vào kẽ đá và nảy mầm, thì “tuổi thọ” của nó cũng không kéo dài được bao lâu hoặc chỉ phát triển trong èo uột vì thiếu nước, thiếu đất.
Có những hạt giống không bao giờ trở thành một cái gì tốt đẹp, vì rơi trên vệ đường, sỏi đá, bụi gai… Chỉ những hạt giống rơi vào đất tốt mới đem lại hoa quả cho đời. Ta thử hình dung nếu hạt giống mà biết buồn biết vui thì thật tội nghiệp cho những hạt rơi vào bụi gai, sỏi đá hay trên vệ đường. Chúng sẽ tủi phận như ‘thân gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu” … Chúa Giêsu giải thích rằng hạt giống đây là Lời Chúa. Và ta thấy đó, Lời Chúa nhiều khi thật tội nghiệp, thật tủi thân!
Khi gieo Lời Chúa vào mảnh đất tâm hồn chúng ta, Chúa muốn hạt giống của Ngài sinh nhiều hoa trái. Chính tinh thần của Tin Mừng làm phát triển đời sống của người Kitô hữu và đời sống của Hội Thánh.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta phải đón nhận và lắng nghe Lời Chúa như sau: “Tất cả việc Phúc Âm hóa được thiết lập dựa trên sự lắng nghe, suy niệm, sống, cử hành Lời Chúa và làm chứng cho Lời Chúa. Thánh Kinh là nguồn mạch của việc Phúc Âm hóa. Vì vậy, chúng ta phải liên tục được đào luyện trong việc lắng nghe Lời Chúa. Hội Thánh không rao giảng Tin Mừng nếu không liên tục để cho mình được Phúc Âm hóa. Ðiều quan trọng là Lời Chúa "càng ngày càng trở nên trung tâm của mọi hoạt động của Hội Thánh". (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 174).
Đức Thánh Cha cũng kêu gọi các giáo phận, giáo xứ tổ chức học hỏi Lời Chúa một cách “nghiêm túc và kiên trì”: “Việc Phúc Âm hóa đòi hỏi chúng ta phải làm quen với Lời Chúa, và điều này đòi buộc các giáo phận, các giáo xứ và các nhóm Công Giáo đề ra một chương trình học hỏi Thánh Kinh nghiêm túc và kiên trì, cũng như thúc đẩy việc đọc Thánh Kinh trong cầu nguyện của cá nhân và cộng đồng.” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 175).
Nhìn lại cuộc đời của ta, có lẽ ta phải thành thật nhận rằng từ trước tới nay chúng ta chưa đón nhận và sống Lời Chúa được bao nhiêu, bởi vì ta vẫn để cho tâm hồn xao xuyến lo lắng, những đam mê sự đời, tham vọng địa vị và của cải làm chết ngạt Lời Chúa. Ðấy là chưa kể những biến cố xảy đến trong cuộc sống bản thân, gia đình, xã hội, đều là những tiếng Chúa nhắc nhở, mời gọi ta, nhưng ta vẫn chưa thoát khỏi những đam mê, ích kỷ trong đời sống. Lời Chúa vẫn chưa bén rễ sâu trong tâm hồn ta.
Nếu ta là đất tốt, Lời Chúa sẽ sinh sôi thành ba chục, sáu chục, hay một trăm. Nếu ta là vệ đường, sỏi đá hay bụi gai, Lời Chúa sẽ thành vô ích vĩnh viễn. Lời là ánh sáng, Lời có sức cứu độ, Lời đem lại sự sống… mà cuối cùng trở thành vô ích cho ta! Hãy hình dung nỗi buồn của Chúa, người gieo Lời!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy cải tạo mảnh đất lòng mình, cộng tác với ơn Chúa để cho Lời Chúa triển như ý Chúa muốn. Và ta cũng xin Chúa cho ta biết mở rộng tâm hồn đón nhận hạt giống Lời Chúa. Xin làm cho những hạt giống ấy được bám rễ, mọc lên tươi tốt và trổ sinh được nhiều bông hạt, để mỗi ngày ta được lớn lên trong tình yêu Chúa và góp phần xây dựng Giáo Hội Chúa ngày một lớn mạnh hơn.
Huệ Minh