26.2 Thứ Tư Lễ Tro
Mt 6, 1-6. 16-18
ĂN CHAY TRỌN NGHĨA
Mùa Chay đã về. Sắc tím của phẩm phục phụng vụ, cung điệu của các bài thánh ca cũng như các lời kinh cầu nguyện tạo cho ta một cảm giác trầm buồn, sâu lắng. Trong nghi lễ khai mạc Mùa Chay, khi khiêm tốn đón nhận một chút tro bụi trên đầu, lời thánh ca gọi ta về với thực tại của thân phận con người:
“Hỡi người hãy nhớ, mình là bụi tro,
Một mai người sẽ trở về bụi tro”
Con người sinh ra từ bụi đất nhưng con người không bằng bụi đất, vì con người có hơi thở và hơi thở này là hơi thở sự sống của Thiên Chúa, đến từ Thiên Chúa. Các muông thú động vật cũng có hơi thở, nhưng sẽ chết đi và biến thành tro bụi. Con người khác xa các loài thụ tạo, vì sự sống của con người đến từ Thiên Chúa, Đấng hằng sống. Ngài là sự sống: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1, 27).
Con người được Thiên Chúa dựng nên giống Ngài, nên con người cũng sẽ được như Ngài là sống bất diệt, chứ không phải để chết như vạn vật. Chính vì tình yêu mà Thiên Chúa đã biến đổi thân phận của hạt bụi. Và hạt bụi đó được Thiên Chúa biến hoá thành con người giống hình ảnh Chúa để được sống và sống dồi dào trong tình Chúa yêu thương, trong sự thuận hoà với đồng loại.
Hôm nay, ngày khởi đầu cho mùa chay thánh,với hành vi xức tro trên đầu như nhắc nhở chúng ta: “Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro”. Tro bụi là biểu tượng của sự dòn mỏng của con người, nay còn mai mất, nên khi nhận một ít tro, người tín hữu phải nhớ mình là kiếp phù du. Hãy biết sống đẹp trước mặt mọi người khi ta đang có cơ hội sống bên nhau. Hành vi này cũng nhắc nhở các tín hữu về nguồn gốc của mình “Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở nên một sinh vật”.
Nghi thức xức tro cũng là khởi đầu của mùa thống hối, gợi nhớ cho tín hữu về một thời điểm quan trọng đang bắt đầu liên hệ tới ơn cứu rỗi của họ, đó là Mùa Chay. Tro là dấu chỉ để mỗi người chúng ta đều nhìn nhận mình là tội nhân. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa sẽ tha tội cho chúng ta và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính.Với điều kiện chúng ta phải biết nhìn nhận tội lỗi của mình để xin lỗi Chúa và với anh em mà mình đã lỗi phạm.
Tại nhiều nơi, cứ vào mùa tranh cử, người ta lại dễ dàng nhìn thấy những bảng hiệu ghi ơn dân biểu này, nghị sĩ nọ, hoặc loan báo những công trình xây dựng của các nhân vật chính trị. Dĩ nhiên, ai cũng hiểu đó là những vận động gián tiếp, những hứa hẹn với dân chúng để hy vọng được bầu vào những chức vụ công quyền. Tâm thức và lối hành xử thường tình của con người là như thế đó: làm việc tốt để kể công, để được trọng vọng, khen thưởng. Người Kitô hữu cũng dễ bị cám dỗ để có tinh thần khoe khoang kể công như trên vào đời sống đạo đức.
Tin Mừng hôm nay ghi lại những lời dạy của Chúa Giêsu về tinh thần tu đức cần phải có, với nguyên tắc sống đạo: đừng làm việc lành có ý phô trương cho người ta thấy. Theo luật Môsê, bố thí, cầu nguyện, ăn chay là những việc lành cao quý, và người ta thường tổ chức các việc đạo đức đó cách công khai để thúc đẩy nhiều người tham gia. Chúa Giêsu không phản đối các việc đó, nhưng Ngài chỉ muốn người ta thực hiện chúng với ý hướng mới, đó là làm vì lòng yêu mến và tìm đẹp lòng Chúa hơn là để được người đời khen ngợi. Chẳng vậy, các việc đạo đức ấy có thể chỉ có hình thức, đấy là chưa nói đến trường hợp có nhiều người làm bộ cầu nguyện lâu giờ, ăn chay nhiều ngày, bố thí rộng rãi để dễ lừa gạt người khác.
Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta đề phòng thứ đạo đức vụ hình thức. Nhưng việc đạo đức tự nó rất ích lợi cho bản thân, cho tha nhân và đáng được Thiên Chúa ban thưởng, với điều kiện chúng được thực hiện với ý ngay lành. Chúng ta cần thực hành các việc lành với ý hướng này, vì đó là lẽ sống, là niềm vui và là động lực cho cuộc đời hy sinh phục vụ của chúng ta.
Ăn chay thể hiện tinh thần thờ phượng Thiên Chúa và là hành vi đẹp lòng Người (Ds 29,7). Ăn chay còn có ý nghĩa thể hiện lòng thành tín để xứng đáng được Thiên Chúa nhận lời cầu xin (2 Sm 12, 16-22); để thể hiện tinh thần sám hối đền tội, xứng đáng được Chúa tha thứ (Lv 23, 27); Ăn chay hỗ trợ hiệu quả cho việc trừ Qủy… (Mt 17, 21). Ăn chay còn nói lên tính vị tha là thực hiện công lý và tình thương (Is 58, 6-7). Ăn chay là phương thế thánh hóa bản thân, siêu thoát tinh thần để được hưởng sự sống đời đời. Ăn chay giúp chúng ta không còn bám víu vào của cải vật chất đời này, không cậy dựa vào sức riêng mình cách thái quá mà biết cậy dựa vào Lời Chúa như Chúa dạy: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4).
Ăn chay không phải là một hình thức làm cho qua lần, chiếu lệ. Ăn chay không phải chỉ là nhịn ăn một hai bữa cơm. Ăn chay có mục đích nhắc nhớ ta hãy biết hãm dẹp thân xác, hãm dẹp những tính mê tật xấu, hãm dẹp những gì làm mất lòng Chúa và làm phiền lòng anh em. Giáo Hội giản lược việc ăn chay vào hai ngày trong một năm, không phải vì coi nhẹ việc ăn chay, nhưng vì Giáo Hội muốn tránh thái độ ăn chay hình thức, để tập trung vào việc ăn chay trong tâm hồn.
Nhịn ăn một bát cơm không bằng nhịn nói một lời có thể làm buồn lòng người khác. Nhịn ăn một miếng thịt không bằng nhịn đi một cử chỉ xúc phạm đến anh em. Nhịn một bữa cơm ngon không bằng nhường nhịn, tha thứ, làm hòa với nhau. Kiềm chế cơn đói không bằng kiềm chế cơn nghiện rượu, nghiện ma túy, nghiện cờ bạc. Kiềm chế cơn khát không bằng kiềm chế dục vọng, tính tham lam, thói kiêu ngạo.
Tuy nhiên, việc ăn chay chỉ có giá trị trước mặt Chúa và nhận được ơn Chúa ban nếu được thực hiện trong tinh thần khiêm hạ như lời Đức Giê-su: “Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ mặt rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh” (Mt 6, 16-18).
Để ăn chay trong tinh thần và để thực sự hướng về tha nhân, nhiều nước trên thế giới đã biến việc ăn chay thành những hành động bác ái cụ thể. Mỗi ngày trong Mùa Chay, họ bớt chi tiêu một chút, gửi tiền tiết kiệm giúp những nơi nghèo khổ, bị thiên tai. Nhờ thế, việc ăn chay của họ không còn là hình thức, nhưng là những hy sinh thực sự và trở nên những việc làm đầy tình bác ái huynh đệ.
Ngay đầu Mùa Chay, Phụng vụ đã nhắc nhở ta cần phải trầm tư để chiêm niệm về thân phận: “Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về tro bụi”. Ý nghĩa của Lời Chúa quá rõ ràng: mọi người sẽ phải chết. Vậy ta lao tâm khổ trí, vất vả ngược xuôi, ganh đua tranh dành để tìm kiếm của cải, danh vọng, thú vui…, ta nỗ lực học hỏi, tìm tòi, phát minh, xây dựng… nhưng khi cái chết đến, ta mang theo được thứ gì, tất cả có nghĩa gì cho ta? Cuối cùng thì cái gì là đáng quan tâm nhất trong đời? Ðâu là bậc thang giá trị đời ta?
Huệ Minh