Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 01 Tháng 3 2020 08:15

Mùa chay và lòng bác ái

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Mùa chay và lòng bác ái


2.3
Mt 25, 31-46

MÙA CHAY &LÒNG BÁC ÁI

Mùa Chay : mùa chia sẻ, mùa làm việc bác ái. Hơn nữa bài này vén mở cho ta thấy một lối hiện diện khác của Chúa Giêsu. Ngài không chỉ hiện diện nơi tấm bánh thánh, nơi tâm hồn ta, nơi Giáo hội, mà Ngài còn ở nơi những người đói, khát, khách lạ, trần truồng, đau yếu, ngồi tù. Khuôn mặt của Ngài xem ra chẳng có gì cao quý, uy nghi, sáng láng, nhưng đầy nét đau khổ, nhục nhằn, phiền muộn. Chúa Giêsu ở đây không phải là người ban phát đầy quyền năng, mà là người ăn xin yếu đuối ngửa tay cần ta giúp đỡ..

Tin Mừng chỉ rõ, mỗi việc bác ái chúng ta làm, là làm cho chính Chúa: " Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với" (Mt 25, 34-36). Hơn nữa, "Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta" (Mt 25,40).

Cuộc phán xét tình yêu, đưa chúng ta trở về với thực tại chân đặt trên đất, đầu ngẩng lên nghe Chúa Kitô phán xét. Vương triều của Chúa Kitô rất khác với chuyên quyền trần thế, bởi tình yêu là tiếng nói cuối cùng còn tồn tại.

Chúa Giêsu cho chúng ta thấy ý nghĩa của vương quốc hay quyền lực là để phục vụ người khác. Người khẳng định rằng Người là Chúa, là Thầy (Ga 13, 13), và là Vua (Ga18, 37), nhưng Người đã thi hành chức năng Thầy của mình bằng cách rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13, 4 ), và trao ban mạng sống mình. Chúa là Vua cai trị bằng sự khiêm nhường nằm trong (máng cỏ!) và bước lên ngai vàng là Cây Thập Giá.

Khi phục vụ những người nghèo trong khu ổ chuột ở Ấn Độ, mẹ Têrêsa Calcutta trả lời các nhà phỏng vấn: “Tôi thấy Chúa qua những con người bé nhỏ này”. Vì thế, mẹ Têrêsa đã phục vụ họ một cách trân trọng, như một con người, mang trong mình hình ảnh Đức Kitô. Mẹ đã sống Lời Chúa một cách triệt để. Bởi vì Chúa Ki-tô hiện thân nơi người nghèo, như Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta. Việc bác ái mang chất Ki-tô này giúp ta làm việc lành mà không cầu danh lợi, không huênh hoang tự đắc, không tìm lời khen, không coi thường người nghèo nhưng luôn tôn trọng họ... Chất Ki-tô khiến chúng ta làm tất cả để tôn vinh danh Chúa, để tình người được lớn lên trong tình Chúa.

Ta tự hỏi rằng Vua Tình Yêu phán xét thế nào ? Khi Chúa Giêsu giáng lâm, tất cả mọi người tốt hay xấu, lành hay dữ, thiện hảo hay ác độc, đều có mặt để Người xét xử. Tiêu chuẩn là tất cả những gì chúng ta thực hiện cho anh em. Chính người tuyên án: "Mỗi lần các ngươi đã làm (hay các ngươi đã không làm) cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm (hay các ngươi đã không làm) cho chính Ta" (Mt 25, 40.45). Vì thế, cái gì sẽ xảy ra cho những kẻ không những không cho kẻ đói ăn, mà còn cướp lương thực khỏi họ; không những không tiếp rước khách lạ, mà còn là nguyên nhân làm cho người khác trở nên khách lạ.

Chúa Giêsu Kitô thay mặt Thiên Chúa. Những người bên phải là những người phục vụ Đức vua bằng chính hành vi đầy bác ái của họ đối với những người nghèo khổ : cho kẻ đói ăn, cho người khát uống, tiếp rước khách lạ, mặc áo cho kẻ trần truồng, thăm viếng và an ủi kẻ đau yếu, tù đầy… Họ làm những công việc ấy với tất cả tấm lòng mà không biết là mình đang làm cho Đức Vua. Họ vâng theo huấn lệnh yêu mến tha nhân mà chẳng hề tính toán đến công sức, thù lao hoặc giá trị hành vi họ làm. Qua cuộc phán xét này, Đức Vua đã mạc khải cho họ thấy tầm mức chiều sâu của sự liên đới giữa Thiên Chúa và những người khốn cùng. Đức Vua kết luận trong một công thức cô đọng ngắn gọn “ Điều gì các ngươi làm cho một trong những người anh em bé mọn nhất của Ta đây, là làm cho chính Ta”.

“Mỗi lần các ngươi làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (c. 40). Ngài gọi những người khốn cùng trong xã hội là anh em nhỏ nhất của Ngài. Làm cho họ là làm cho chính Ngài, chối từ họ là chối từ chính Ngài. Chúng ta sẽ bị xét xử vào ngày tận thế dựa trên tình yêu. Hôm nay ta có thể gặp Đức Giêsu ở nhà thương, nhà tù, nơi trại tị nạn, nơi gần một tỷ người bị đói trên thế giới, nơi bao người thiếu nước sạch để dùng.Hãy kính trọng trao cho Ngài những gì mình đã chắt chiu.

Khi ta ra trước mặt Chúa, Chúa phán xét đến lòng thương xót đối với người nghèo. Chúng ta có giúp đỡ khi họ cần đến chúng ta chăng? Dụ ngôn người Samaritanô là một cách phán xét. Chúa sẽ phán xét thái độ biết tha thứ hay không: Kinh Lạy Cha và dụ ngôn hai người mắc nợ.Chúa sẽ phán xét về thái độ đối với Ngài như thái độ đơn sơ của trẻ nhỏ, về lòng thống hối, nhất là về đức tin. Thánh Gioan và thánh Phaolô nhấn mạnh ngày phán xét là lúc quyết định tin hay không tin và là lúc Chúa phán xét chúng ta về thái độ đối với Lời Chúa.

Mỗi người sẽ được xét xử theo việc làm nghĩa là phải trả lẽ về những ơn mình đã nhận lãnh, chúng ta đã nhận mười nén bạc của Thiên Chúa ban như thế nào; Nén bạc đây hiểu là tất cả được gì? chúng ta là người và được làm con Chúa... Chúng ta sẽ được xét xử từ sự sinh thành cho đến của ăn, khả năng, thời gian, sức khỏe, tiền bạc... những biến cố, niềm vui nỗi buồn ở đời.

Thánh Phaolô cũng cho chúng ta thấy một tiêu chuẩn phán xét về việc làm. Vì chưng chúng ta sẽ phải xuất đầu lộ diện trước tòa Đức Kitô, để mỗi người lĩnh lấy thành quả đời mình trong thân xác xứng với các việc làm, việc lành hoặc dữ. Biết luật chưa đủ mà phải giữ luật, đức tin không việc làm là đức tin chết. Đức tin phải minh chứng bằng việc làm: “Ai gieo thứ gì thì gặt thứ ấy” (Gl 16, 6).

Hôm nay đây chúng ta biết rõ Thiên Chúa sẽ phán xét chúng ta. Chúng ta biết được những tiêu chuẩn nào Ngài sẽ phán xét, chúng ta đã chuẩn bị gì cho giây phút chúng ta ra hầu tòa Chúa chưa? Hãy nhớ rằng giây phút Chúa gọi ra khỏi đời này chúng ta sẽ không còn thay đổi gì được nữa, chúng ta không còn giây phút nào tự bào chữa đâu. Hãy luôn ở trong tư thế sẵn sàng.

Và rồi trong thực tế cuộc sống, đã bao lần chúng ta làm ngơ trước nhu cầu của anh chị em? Họ đang đói khát cơm bánh hàng ngày? Họ đang thiếu vắng sự đồng cảm của ta? Họ đang trống vắng trong đời sống tinh thần, đời sống thiêng liêng? Họ thèm khát và mong đợi một Đấng có thể làm khoả lấp niềm hi vọng của họ? Còn chúng ta, những người Kitô hữu, những người có thể đem Chúa đến cho họ, chúng ta đã làm gì? Biết bao lần chúng ta bỏ qua, thiếu quan tâm, ơ hờ, thậm chí chúng ta đã ngăn cản Chúa đến với họ qua những hành vi lời nói phản chứng của chúng ta.

Huệ Minh

Read 635 times Last modified on Thứ ba, 03 Tháng 3 2020 06:02