Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 09 Tháng 3 2020 07:24

Đừng hình thức nữa

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Đừng hình thức nữa.


Thứ Ba 10.3

Mt 23, -12

ĐỪNG HÌNH THỨC NỮA

Trong Do thái giáo, luật đóng thuế thập phân trên những sản phẩm con người làm ra là một hành động tôn giáo để nhìn nhận quyền tối cao của Thiên Chúa. Theo luật Môsê được ghi trong sách Thứ Luật, thì chỉ buộc trả thuế thập phân trên những sản phẩm chính là gạo, rượu, dầu, con vật đầu lòng.

Thế nhưng, có lẽ vì quá sốt sắng, những Luật sĩ và Biệt phái muốn áp dụng thuế thập phân cho những sản phẩm nhỏ, không cần thiết như: bạc hà, thì là, rau húng. Chúa Giê-su thường dùng các dụ ngôn với những lời lẽ rất tế nhị nhưng thâm thúy để răn dạy dân chúng. nhưng hôm nay Ngài lại gay gắt lên án các giới chức lãnh đạo Do Thái: “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình” (Mt 23, 13).

Đọc những lời này, chúng ta có thể tưởng tượng được sự căm giận đến bầm gan tím ruột của các kinh sư và Pharisêu lúc ấy. Với kiến thức giáo lý và hiểu biết lề luật đầy mình nên mỗi khi xuất hiện trước dân chúng, họ luôn tỏ ra đạo mạo với “tua áo thật dài, hộp kinh trên trán” thế mà lúc này, Chúa Giêsu trong vai một anh thợ mộc nhà quê đang mạnh mẽ lên án họ là những kẻ giả hình.

Chưa dừng ở đó, Chúa Giêsu còn kể ra những thiệt hại mà họ gây ra cho người khác: “Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục gấp đôi các người” (Mt 23, 15). Lời này cho ta hiểu rằng những người Pharisêu và kinh sư cũng ra đi ‘khắp biển cả lẫn đất liền’ mà giảng dạy, thuyết phục người ta nhập đạo, nhưng sau đó lại không giúp người ta đến được với Thiên Chúa.

Vì lối sống hình thức, vụ luật mà họ đã dạy người ta những điều sai trái: “Ai chỉ bàn thờ mà thề thì có thề cũng như không; nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề, thì bị ràng buộc” (Mt 23, 18), trong khi sách luật ghi rõ: “Bàn thờ là vật rất thánh; tất cả những gì chạm đến bàn thờ cũng sẽ là vật thánh” (Xh 29, 37). Không phải họ không biết điều này cho bằng họ cố tình bẻ cong huấn lệnh của cha ông để lại. Vì thế, Chúa Giê-su đã mắng họ là những kẻ dẫn đường mù quáng.

Chúa Giêsu không kết án các Luật sĩ và Biệt phái vì sự tuân giữ luật Môsê một cách tỉ mỉ; nhưng Ngài kết án vì thái độ không trung thực: họ tuân giữ những điều hết sức nhỏ để tỏ ra mình sốt sắng đạo đức, nhưng họ lại lỗi phạm những điều lớn về đức công bằng và tình yêu thương, họ làm như thế chẳng khác nào lọc lừa con muỗi ra ngoài, nhưng lại nuốt con lạc đà nguy hiểm hơn.

Chúa Giêsu tố cáo sự giả hình của các Luật sĩ và Biệt phái: họ xây mồ cho các tiên tri và sửa sang phần mộ những kẻ mà cha ông họ đã sát hại; họ than trách tội ác của cha ông họ trong quá khứ và tự phụ rằng nếu sống vào thời tổ tiên, họ sẽ không hành động như thế; nhưng họ quên rằng họ là con cháu của những kẻ đã sát hại các tiên tri, và giờ đây họ đang đi vào con đường đó bằng việc mưu hại Ngài.

Thái độ vụ hình thức thứ hai của các Luật sĩ và Biệt phái còn được thể hiện trong sự tuân giữ những nghi thức bên ngoài, mà không chăm lo tinh tuyền bên trong: họ lo rửa chén đĩa bên ngoài, mà bên trong tâm hồn thì đầy cướp bóc, tham lam. Việc tuân giữ nghi thức thanh tẩy bên ngoài, việc đến nhà thờ đọc kinh ngoài môi miệng mà thôi chưa đủ, cần phải để cho ơn Chúa biến đổi tận bên trong tâm hồn ngõ hầu trở nên con người mới. Sự hoán cải nội tâm quan trọng hơn và phải đi trước những thực hành đạo đức bên ngoài để tránh thái độ giả hình, vụ hình thức đáng bị Chúa khiển trách.

Trước bất công, hiểu lầm, thật giả trong cuộc sống, chúng ta là nạn nhân hay nguyên nhân? Chắc hẳn không ai trong chúng ta muốn mình là cớ gây vấp phạm cho người khác, lại càng không mong trở thành nạn nhân. Để được như thế, mỗi Kitô hữu phải xác tín rằng theo đạo vì đạo có lương thực thiêng liêng là Thánh Thể và Lời Chúa nhắc ta sống trung thực và bác ái hơn chứ không theo vì lời dẫn dụ của người này hoặc do sự lôi kéo của người kia.

Trong đời sống đạo hiện nay, cũng có nhiều khi chúng ta tìm mọi cách để che đậy những chuyện xấu xa, khuyết điểm, lỗi lầm để tự cho mình là người đạo đức hơn người. Điều khó hiểu là chúng ta an tâm để sẵn sàng lên án kẻ khác vì những thiếu xót của họ mà không hề suy nghĩ hay áy náy gì đến lỗi lầm của mình! Hơn nữa, nhiều khi quá giỏi che đậy, nên không ai biết đến những khuyết điểm của mình, vì vậy, chúng ta lại an tâm và “bình chân như vại” để tiếp tục lún sâu vào con đường tội lỗi tiếp theo.

Chúa Giêsu than trách các luật sĩ và biệt phái về tội giả hình: lo đạo đức bên ngoài, còn bên trong tâm hồn thì đầy những tính xấu: háo danh, tham lợi, bất công, bất tín. Chúa Giêsu đánh giá con người không phải chỉ dựa vào hình thức bên ngoài, nhưng còn dựa vào nội dung và tâm ý bên trong. Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta đừng vội xét đoán giá trị của một người khi chỉ nhìn hình thức bên ngoài, nhưng còn phải dựa vào tâm tình và ý hướng bên trong nữa. Đồng thời, nghe lời Chúa sửa dạy, chúng ta cũng tránh thói giả hình, sống sao cho thái độ bên ngoài biểu hiện tấm lòng chân thật bên trong.

Lời dạy của Chúa Giêsu với những người Pharisiêu cũng là lời cảnh tỉnh cho con người ngày nay. Bên ngoài người ta có thể rất đạo mạo, lịch sự, cao trọng, chức quyền nhưng bên trong lại chứa đầy tham lam “đầy những chuyện gian tà, cướp bóc” hay người ta tô điểm thêm bên ngoài của mình với những việc làm bác ái hay bố thí nhưng bên trong lại đầy những mưu mô, ham hố danh vọng, tiền tài. Vì vậy Tin Mừng hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy trở về bên trong với con người thật của mình, để ở đó chúng ta gặp được Chúa Giêsu, để Ngài biến đổi chúng ta để từ đó ta hành động với một tấm lòng trong sạch, một tình yêu được kín múc từ chính Đức Giêsu.

Điều quan trọng là làm sao để tâm hồn mình được sạch vì “Kẻ tay sạch lòng thanh sẽ được lên núi Chúa” (Tv. 23, 3.4). Và Chúa Giêsu đã nói trong tin mừng hôm nay “Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.” (c. 41) Hay nói khác hơn phải sống đơn thành trước Thiên Chúa và hãy có tinh thần yêu thương vị tha chia sẻ đích thực đối với đồng loại – Hãy có lòng xót thương!

Trong đời sống đạo hiện nay, cũng có nhiều khi chúng ta tìm mọi cách để che đậy những chuyện xấu xa, khuyết điểm, lỗi lầm để tự cho mình là người đạo đức hơn người. Điều khó hiểu là chúng ta an tâm để sẵn sàng lên án kẻ khác vì những thiếu xót của họ mà không hề suy nghĩ hay áy náy gì đến lỗi lầm của mình! Hơn nữa, nhiều khi quá giỏi che đậy, nên không ai biết đến những khuyết điểm của mình, vì vậy, chúng ta lại an tâm và “bình chân như vại” để tiếp tục lún sâu vào con đường tội lỗi tiếp theo.

Nhưng xin nhớ rằng: chúng ta có thể che giấu bằng những biện pháp tinh vi, xảo quyệt để che mắt người đời, nhưng với Chúa, Ngài biết hết và biết rõ ràng từng lỗi lầm của chúng ta. , không ai trong chúng ta là những người hoàn hảo, tốt lành. Chúng ta cần khiêm tốn nhìn nhận rằng, tất cả chúng ta đều cần đến lòng thương xót của Chúa. Điều quan trọng là chúng ta có thẳng thắn nhìn xem, có làm cớ cho ai vấp phạm, có ngăn cản ai đón nhận Tin Mừng của Chúa hay không! Chúng ta cần kiểm điểm lòng mình xem có khi nào lời nói và việc làm của mình ngăn cản những người chung quanh chúng ta, nhất là những người trong gia đình, trong khu xóm, bạn hữu nhận rằng sự hiện hữu của Thiên Chúa và đón nhận ơn cứu độ của Ngài hay không!

Xin cho mỗi người chúng ta luôn biết sống chân thành và trung thực để mọi người chung quanh nhận biết tình yêu và lòng thương xót của Chúa đang hoạt động và sinh hoa trái nơi chính cuộc đời của chúng ta.

Huệ Minh

Read 470 times Last modified on Thứ ba, 10 Tháng 3 2020 12:07