Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 08 Tháng 3 2020 06:50

Hãy có lòng nhân từ

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Hãy có lòng nhân từ


Thứ Hai 9.3 Lc 6, 36-38

HÃY CÓ LÒNG NHÂN TỪ

Nhiều khi trong đời sống chung, chúng ta thường hay mắc phải điều này. Chúng ta nhận xét, phê bình, đánh giá và thậm chí kết tội người khác theo cái nhìn chủ quan. Cùng một sự kiện xảy ra với người mà ta thân thiện, thì ta cho rằng: Chẳng sao đâu, đó chỉ là do lầm lỗi. Còn nếu việc đó xảy ra với người , chúng ta thù ghét, thì lại bảo: Tội đó thật đáng chết, phải trừng phạt đích đáng để làm gương.

Nhiều khi chúng ta đóng vai quan toà để kết án người khác mà quên mất cái đà trong mắt mình. Chúng ta quên rằng chỗ đứng của chúng ta là: tội nhân và chúng ta thường ngồi nhầm ghế quan toà khi xét xử người khác. Chúng ta quên mất Thiên Chúa và chỉ có Ngài là Vị Thẩm phán chí tôn, công thẳng. Ngài sẽ xét xử chúng ta theo như công việc chúng ta đã làm cho người anh chị em.

Ba câu ngắn gọn của bài Tin Mừng hôm nay (Lc 6, 36-38) là phần cuối cùng của một bài giảng vắn tắt của Chúa Giêsu (Lc 6, 20-38). Trong phần đầu của bài giảng, Chúa Giêsu nói với các môn đệ (Lc 6, 20) và với người giàu có (Lc 6:24), công bố bốn mối phúc thật cho các môn đệ (Lc 6, 20-23) và bốn mối họa cho các người giàu có (Lc 6, 20-26).

Trong phần thứ hai, Chúa Giêsu nói với tất cả những ai đang lắng nghe (Lc 6, 27), đó là, đoàn lũ đông đảo dân chúng, người bệnh tật và nghèo khó, kéo đến từ khắp nơi (Lc 6, 17-19). Những lời mà Chúa nói với đám đông dân chúng và với tất cả chúng ta thì đòi hỏi khắt khe và khó khăn: yêu thương kẻ thù (Lc 6, 27), không nguyền rủa người ta (Lc 6, 28), đưa má bên kia cho kẻ đã vả mặt mình và không phàn nàn nếu có kẻ soán đạt tài sản của chúng ta (Lc 6, 29). Làm sao mà lời khuyên nhủ khó khăn này có thể hiểu được? Lời giải thích được đưa ra trong ba câu của bài Tin Mừng hôm nay, từ đó mà chúng rút ra được trọng tâm của Tin Mừng được Chúa Giêsu đem đến.

Chúa nói với các môn đệ rằng các con hãy có lòng nhân từ, như Cha các con là Đấng nhân từ. Các Mối Phúc Thật cho các môn đệ (Lc 6, 20-23) và mối họa cho những kẻ giàu có (Lc 6, 24-26) không thể được giải thích như là một cơ hội cho người nghèo khó trả thù những kẻ giàu có. Chúa Giêsu ra lệnh phải có thái độ trái ngược lại. Người nói: “Hãy yêu thương kẻ thù!” (Lc 6,27).

Việc thay đổi hoặc hoán cải mà Chúa Giêsu muốn mang đến trong chúng ta không chỉ đơn thuần là hoán chuyển điều gì đó để đảo ngược hệ thống bởi vì trong cách này không có gì sẽ thay đổi. Người muốn thay đổi hệ thống. Sự đổi mới mà Chúa Giêsu muốn xây dựng xuất phát từ kinh nghiệm mà Người có với Chúa Cha đầy lòng trìu mến, Đấng chấp nhận tất cả mọi người, tốt cũng như xấu, Đấng cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu lẫn người tốt và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính (Mt 5, 5, 45).

Tình yêu đích thực không phụ thuộc vào mà cũng chẳng có thể phụ thuộc vào những gì tôi nhận lãnh được từ những người khác. Lòng yêu thương là phải ước muốn những điều tốt lành cho người khác bất kể người ấy đã làm gì cho tôi. Bởi vì đây là cách mà tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Người là Đấng đầy lòng nhân từ không chỉ với những người tốt, mà với tất cả mọi người, ngay cả đối với “phường vô ân và quân độc ác” (Lc 6, 35). Các môn đệ của Chúa Giêsu phải nên lan tỏa tình yêu nhân từ này.

Và tiếp theo : Đừng xét đoán thì các con khỏi bị xét đoán. Những lời cuối cùng lặp lại một cách rõ ràng hơn những gì mà Chúa Giêsu đã nói trước đó: “Những gì các con muốn người ta làm cho mình, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế” (Lc 6, 31; xem Mt 7, 12). Nếu bạn không muốn bị xét đoán, thì đừng xét đoán! Nếu bạn không muốn bị kết án, thì đừng kết án. Nếu bạn muốn được tha thứ, thì hãy tha thứ! Nếu bạn muốn nhận được đấu đong hảo hạng, thì hãy dùng đấu hảo hạng này với những người khác! Đừng chờ đợi người khác chủ động, mà bạn phải nắm lấy cơ hội và bắt đầu ngay bây giờ! Và bạn sẽ thấy rằng nó là như thế đó!

“ Hãy tha thứ... sẽ được thứ tha. Hãy cho...sẽ được nhận lại”. Và chính Thiên Chúa là người trả lại những gì chúng ta đã làm cho Ngài. Ngài trả lại gấp trăm, gấp vạn những điều chúng ta làm cho người anh em bé mọn, nghèo

Chúa Giêsu dạy ta bày tỏ lòng nhân từ qua bốn mệnh lệnh: - hai mệnh lệnh tiêu cực: không xét đoán, không lên án; và hai mệnh lệnh tích cực: hãy tha thứ, hãy cho. Tại sao ta phải cố gắng bỏ thói quen hay xét đoán và lên án người khác? Tại sao ta phải nỗ lực vượt lên trên bản năng tự nhiên để tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình và cho đi cách quảng đại? Thưa, chỉ vì ta muốn noi gương Chúa Cha là Đấng nhân từ. Cha nào con nấy, hổ phụ sinh hổ tử; cũng vậy, chúng ta phải trở nên giống Cha của mình, để xứng danh là con cái Ngài.

Thiên Chúa đối xử với những ai yêu mến và tuân giữ lời Ngài “Ngài sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng, đã dằn đã lắc và đầy tràn...” Chúng ta thấy cái đấu của Thiên Chúa không ? Không những đong đủ, mà còn dằn xuống cho được nhiều hơn, còn lắc qua lắc lại để không còn một chỗ trống, khe hở nào và đầy tràn: đã đầy, còn tràn ra ngoài nữa. Ý nói: tình thương bao la, lòng quảng đại vô biên của Thiên Chúa đối với con người. Đâu là lý do Thiên Chúa đối xử với chúng ta như vậy: “ Vì anh em đong bằng đấu nào, Thiên Chúa sẽ đong lại bằng đấu ấy”. Một lần nữa, chúng ta lại thấy sự công thẳng của Thiên Chúa trong ngày sau hết được mô tả ở đây: Ai sống sao, Ta sẽ trả cho như vậy.

Trang Tin Mừng hôm nay nhắc chúng ta nhớ đến ngày phán xét chung thẩm trong Tin Mừng Mt 25, 31-46. Khi ấy, Thiên Chúa cứ theo những hành động bác ái ta đã đối xử với anh em mà thưởng phạt tuỳ theo mỗi người.

Huệ Minh

Read 449 times Last modified on Thứ hai, 09 Tháng 3 2020 18:56