Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 05 Tháng 4 2020 11:43

Ta là ai trong các nhân vật trong Tin Mừng hôm nay

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Ta là ai trong các nhân vật trong Tin Mừng hôm nay


6.4 Thứ hai
Ga 12, 1-11

TA LÀ AI TRONG CÁC NHÂN VẬT TRONG TIN MỪNG HÔM NAY

Chúng ta đã tiến vào Tuần Thánh, tuần lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu, về việc Người phải bỏ thế gian này mà về với Chúa Cha.

Phần Phụng Vụ hôm nay đặt trước chúng ta đoạn mở đầu chương 12 của Tin Mừng theo thánh Gioan, được dùng như là một nối kết giữa Sách các Dấu Lạ và Sách của sự Tôn Vinh. Tại cuối của “Sách các Dấu Lạ” thấy có xuất hiện, rất rõ ràng sự căng thẳng giữa Chúa Giêsu và các chức sắc tôn giáo đương thời (Ga 10, 19-21, 39) và sự nguy hiểm mà Chúa Giêsu đang phải đối mặt. Nhiều lần họ đã cố gắng giết Chúa đến nỗi mà hầu như Chúa Giêsu phải sống một cuộc sống bí mật, bởi vì Người có thể bị bắt bất cứ lúc nào.

Trong 3 ngày đầu Tuần Thánh, các bài đọc thứ nhất đều trích từ sách ngôn sứ Isaia, viết về người tôi tớ Thiên Chúa, chịu đau khổ một cách nhẫn nhục để chuộc tội loài người. Còn các bài Tin Mừng thì thuật lại những việc xảy ra trong những ngày cuối cùng trước khi Chúa Giêsu bước vào cuộc tử nạn.

Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu được xức dầu tại Bêtania, “Sáu ngày trước Lễ Vượt Qua,” tức là sáu ngày trước khi Ngài chết. Có 3 vai đáng chú ý:

Maria: Việc cô lấy một cân dầu thơm hảo hạng xức chân Chúa Giêsu và lấy tóc mình mà lau biểu lộ lòng yêu mến (không tiếc tiền của), và sự kính trọng (lấy tóc lau chân) đối với Ngài. Phần Chúa Giêsu thì coi việc làm này có ý nghĩa cử hành trước nghi thức mai táng Ngài.

Đây là lần thứ hai Maria được tường thuật ngồi dưới chân Chúa Giêsu. Một lần trong Tin Mừng Luca, cô được Chúa Giêsu khen, vì đã ngồi dưới dân Chúa để nghe lời Người trong khi cô chị Mácta bận rộn để phục vụ (Lc 10, 38-42). Lần này, cô tỏ bày tình yêu với Chúa Giêsu bằng cách lấy dầu thơm xức chân Chúa Giêsu. Cô xoã mái tóc mình ra mà lau, đây là điều cấm kỵ, không một phụ nữ Do Thái nào dám làm ở nơi đông người. Maria không bận tâm người ta nghĩ gì, nói gì. Cô chỉ chú tâm vào Đức Giêsu, chỉ muốn diễn tả lòng quý mến với Ngài. Maria đổ nguyên cả bình dầu thơm mà không tính toán, cũng chẳng tiếc nuối, vì cô muốn dành cho Đức Giêsu những gì quý giá nhất của mình. Sự hào phóng, cho đi mà không tính toán, so đo, đó chính là dấu hiệu của tình yêu thật sự.

Ta thấy hành động của cô Maria lấy dầu thơm xức chân Chúa Giêsu, được chính Ngài công nhận là một hành động mang tính ngôn sứ: “Dầu thơm này có ý dành cho ngày mai táng Thầy.” Dù trước mặt mọi người, hành động của Maria có vẻ khó hiểu, nhưng đối với cô điều đó không quan trọng, bởi vì cô đã hành động theo sự thúc đẩy của tình yêu dành cho Đức Kitô. Chính tình yêu giúp cô đồng cảm sâu xa với Ngài; và ngay từ lúc này, cô đã cùng Đức Kitô đi vào cuộc khổ nạn với Ngài.

Có lẽ, Maria đã làm với một tấm lòng yêu mến, đáp trả lại tình yêu thương của Chúa “Tình yêu, đáp đền tình yêu”. Bởi gia đình cô thật diễm phúc được Chúa viếng thăm, em cô vừa được Ngài cho sống lại từ cõi chết (Ga 11, 1-44) và chính cô được Chúa đưa ra khỏi cái quá khứ đen tối, đầy tội lỗi. Chứ Maria cũng không hiểu thấu tâm trạng Chúa lúc này, Ngài đang xao xuyến trong tâm hồn biết chừng nào?

Trái ngược với Maria là một Giuđa Iscariot luôn tính toán và phê bình: Thấy hành động của cô, ông liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?”. Ông để lộ chân tướng hẹp hòi, ích kỷ của mình. Ông bực tức, phản đối hành động của cô Maria. Ông che đậy lòng tham của mình, viện cớ để số tiền ấy giúp người nghèo nhưng thực chất là để thỏa lòng ham tiền, hám lợi của chính mình. Ông theo Chúa nhưng lòng trí ở xa Chúa.

Thánh Sử chú giải rằng Giuđa không hề lo lắng cho người nghèo khó đâu, mà hắn ta là một tên trộm cắp. Họ có một cái quỹ chung và hắn ta đã bớt xén tiền ở trong đó. Một lời lên án mạnh mẽ về Giuđa. Lời lên án không phải vì y không quan tâm đến người nghèo khó, mà là sự đạo đức giả lợi dụng người nghèo khó để tự quảng cáo và làm giàu cho chính mình. Giuđa, trong lợi ích vị kỷ của hắn ta, chỉ nghĩ về tiền bạc. Đây là lý do tại sao hắn ta đã không nhận thức được những gì bà Maria đang nghĩ ở trong lòng. Chúa Giêsu đọc được điều này và bênh vực bà Maria.

Giuđa người môn đệ cùng ở với Chúa. Hàng ngày đồng bàn với Ngài. Nhưng không đồng lòng với Ngài, không đón nhận lời yêu thương từ nơi Ngài. nên chẳng những ông không nhìn thấy nỗi lo lắng thẳm sâu trong lòng Chúa để đồng cảm, yêu thương. Trái lại, ông chỉ thấy tiếc xót bình dầu và trách cứ Maria đã phung phí (Ga 12, 5). Tiền bạc đã làm ông mù quáng, đã dẫn ông đến chỗ phản bội Thầy sau này (Ga 12, 4)

Và nhìn lại Giuđa, lời ông chỉ trích Maria phí của biểu lộ lòng tham tiền của ông. Đối với Giuđa lúc này, tiền của còn quý hơn tình nghĩa đối với Chúa Giêsu. Chính vì thế thánh Gioan là người vốn tế nhị mà hôm nay còn nói: “Y nói thế không phải vì lo cho người nghèo mà vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những thứ gì người ta bỏ vào quỹ chung.”

Các Thượng tế: Họ “quyết định giết luôn cả Ladarô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do Thái đã bỏ họ và tin vào Chúa Giêsu.” Rõ ràng họ đang bị tính ghen ghét xui khiến. Nếu họ có nói lý do giết Chúa Giêsu là gì đi nữa thì việc họ muốn giết Ladarô rõ ràng là vì uy tín của Chúa Giêsu vượt hơn uy tín của họ.

“Người nghèo thì anh em luôn có bên cạnh, còn Thầy thì anh em chẳng có mãi đâu.” Phục vụ Chúa và phục vụ tha nhân đều là hai việc tốt. Tuy nhiên Chúa dạy ta hai điều: Phải biết cân nhắc khi nào thì ưu tiên cho việc nào; Đừng viện cớ phục vụ tha nhân mà bỏ bổn phận phục vụ Chúa.

Đám đông và chính quyền. Là bạn của Chúa Giêsu có thể bị nguy hại. Ông Lagiarô có nguy cơ bị tử vong vì đời sống mới nhận được từ Chúa Giêsu. Người Do Thái đã quyết định ra tay giết ông. Lagiarô còn sống là một bằng chứng sống động rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Đây là lý do tại sao đám đông đang lùng kiếm ông, bởi vì người ta muốn thử nghiệm chặt chẽ bằng chứng sống động về quyền năng của Chúa Giêsu. Một cộng đoàn sống động có nguy cơ bị tiêu diệt bởi vì nó là bằng chứng sống của Tin Mừng Thiên Chúa!

Dành những phút thinh lặng, đặt mình vào vị trí của Mácta, Maria, Ladarô, Giuđa… để chiêm ngắm Chúa Giêsu những ngày trước lúc Ngài chịu khổ hình… và xin ơn được đồng cảm với Chúa để biết hành động sao cho đẹp lòng Chúa.
Huệ Minh

Read 428 times Last modified on Thứ hai, 06 Tháng 4 2020 18:51