Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 19 Tháng 5 2020 07:09

Mở lòng đón nhận Chân Lý

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Mở lòng đón nhận Chân Lý


20.5.2020

Thứ tư

Ga 16, 12-15

MỞ LÒNG ĐÓN THẦN CHÂN LÝ

Trước khi trở về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu đã hứa ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ (Ga 14,16). Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý giúp các môn đệ thấu hiểu Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu (Ga 16,5-13). Mầu Nhiệm này, tự sức mình, con người không thể thấu hiểu được (Ga 16,12b), bởi lẽ, không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thánh Thần của Thiên Chúa ban cho (1 Cr 2,11). Như vậy, với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, con người sẽ thấy được vẻ đẹp tròn đầy của Sự thật (Ga 16,13).

Những điều Thiên Chúa muốn nói qua Người Con đã được ghi lại trong bộ Thánh Kinh, còn Chúa Thánh Thần dần dần vén màn cho chúng ta thấu hiểu được sự thật toàn vẹn. Chính vì thế, chúng ta không lấy làm lạ khi thấy các tông đồ phải đợi đến khi Chúa Thánh Thần hiện xuống mới hiểu được những lời Chúa Giêsu đã nói. Và cũng không lạ khi những lời đã được viết ra cả hằng ngàn năm nay, mỗi khi được tuyên đọc, vẫn khơi dậy trong chúng ta những tâm tình những hiểu biết và những sứ vụ luôn luôn mới.

Chúa Giêsu ngỏ với các môn đệ “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi” (c.12). Chúa Giêsu đã gián tiếp giới thiệu về sứ mệnh của Chúa Thánh Thần; đó là Ngài sẽ nói những điều mà Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ. Có lẽ vì bản tính con người yếu đuối, các môn đệ không thể hiểu lời của Chúa Cha và Chúa Con, nên Chúa Thánh Thần can thiệp và thiết lập mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa. Hơn nữa, Ngài còn ban ơn soi sáng đức tin của chúng ta, là những kẻ vốn khó chấp nhận Mầu Nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể.

Chúa Giêsu chấp nhận ra đi khi việc huấn luyện còn dang dở. Ngài chấp nhận mình không phải là vị thầy duy nhất: Sau này, Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều (Ga 14,26). Ngài cũng chẳng phải là Ðấng Bảo Trợ duy nhấtvì còn một Ðấng Bảo Trợ khác đến sau Ngài (Ga 14,16). Ngài đã vén mở cho các môn đệ thấy sự thật, sự thật về Cha, về bản thân mình và về con người. Nhưng Ngài biết rằng cần có Thánh Thần từ từ dẫn dắt các môn đệ mới hiểu thấu và đi vào toàn bộ sự thật. Vì lợi ích của họ, Chúa Giêsu sẵn sàng ra đi (Ga 16,7), để nhường chỗ cho Ðấng Cha và Ngài sai đến.

Ta thấy lời khuyên nhủ của Thánh Phaolô cho các tín hữu Galat luôn cần thiết cho các Kitô hữu: Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước (Gl 5, 25). Thật vậy, khi để Thần Khí hướng dẫn đời mình, người Kitô hữu mới thoát khỏi những đam mê của tính xác thịt, những niềm vui dối trá mà thế gian ban tặng (Gl 5,16.18); và, họ sẽ chiếm hữu được niềm vui thật do chính Ngài ban cho (1Tx 1,6), vì, Chúa Thánh Thần chính là Thầy dạy Chân lý về Thiên Chúa – Đấng giàu lòng xót thương.

Thánh Thần chỉ có sứ mạng là đưa con người đến với Cha và Con là Chúa Giêsu. Ngài chẳng tìm vinh quang cho mình, nhưng chỉ tìm tôn vinh và làm chứng cho Chúa Giêsu. Cha cũng chẳng tim mình. Cha chẳng giữ gì làm của riêng. “Mọi sự Cha có đều là của Thầy” (c.15) Cha là nguồn mạch luôn trào dâng qua Con. Con là Con vì đón nhận tất cả từ Cha. Tình yêu liên kết Cha và Con là Thánh Thần, Khi chiêm ngắm thế giới của Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta thấy đó là một cộng đoàn lý tưởng. Mỗi ngôi vị đều sống cho hai ngôi vị kia. Yêu thương và hiệp thông với nhau đòi từ bỏ Nhưng từ bỏ lại làm cho mỗi ngôi vị trọn vẹn là mình, và sống trong hạnh phúc viên mãn.

“Mọi sự Chúa Cha có đều là của thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Ngài sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (c.15). Câu này chỉ lập lại câu 13 và nhấn mạnh ý nghĩa hơn. Chúa Giêsu như muốn khẳng định lại sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Giêsu nói những lời của Chúa Cha, làm những việc của Chúa Cha, đến nỗi Ngài tóm lại bằng một câu ngắn gọn: Cha và Ta là một (Ga 10, 30).

Ta thấy Chúa Thánh Thần lại lấy những điều nơi Chúa Giêsu mà loan báo cho các môn đệ. Như thế có nghĩa là Chúa Thánh Thần cũng làm công việc của Chúa Giêsu và những công việc ấy cũng phát xuất từ Chúa Cha, khi làm sứ mệnh này, Ngài chính là Thần Khí Sự Thật, vì Ngài đang nói về một sự thật đời đời: Đó là Thiên Chúa Ba Ngôi- sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó là Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng được Chúa Cha sai xuống trần gian để cứu độ.

Chúa Giêsu khẳng định: “khi nào Thần Khí Sự Thật đến, Ngài sẽ đưa anh em tới sự thật toàn vẹn” (c.13a). Một sự thật về Chúa Cha, về Chúa Giêsu và về Ba Ngôi Thiên Chúa. Một sự thật về Tình Yêu của Thiên Chúa và con đường cứu độ của Ngài. Sự thật ấy đời đời ở trong Ba Ngôi Thiên Chúa, ở nơi cung lòng Chúa Cha. Sự Thật ấy chính là Ngôi Hai Thiên Chúa: “Ngài không tự mình nói ra, nhưng những gì Người nghe, Ngài sẽ nói lại và loan báo những điều sẽ xảy đến” (13b).

Như thế, Chúa Thánh Thần ở đây đóng vai trò giảng dạy và củng cố niềm tin cho các Tông Đồ. Ngoài ra, Ngài cũng tỏ lộ những điều sẽ xảy ra trong tương lai như một bằng chứng về quyền năng Thiên Chúa của Ngài.

Một sứ vụ khác của Chúa Thánh Thần là tôn vinh Chúa Giêsu “Ngài sẽ tôn vinh Thầy, vì Ngài sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (c.14). Như thế, Chúa Thánh Thần là ngôn sứ mới, sẽ nói về Chúa Cha và ở đây Ngài cũng nói về Chúa Con. Ngài tôn vinh Chúa Con trong Chúa Cha, vì việc làm của Chúa Con là thực hiện trọn vẹn chương trình cứu độ của Chúa Cha. Ngài chỉ nói lại, chỉ làm sáng tỏ những Mầu Nhiệm nơi Chúa Con, những lời nói hành động của Chúa Con mà các Tông đồ chưa thấu hiểu khi các ông còn ở trong trần gian, còn sống trong xác thịt yếu đuối.

Lãnh nhận niềm vui Phục sinh, mỗi người chúng ta được Hội thánh mời gọi làm cho niềm vui ấy được kéo dài trong từng ngày sống và lan toả đến những người chung quanh, bằng cách để Thánh Thần hướng dẫn đời mình. Nhờ đó, họ trở nên những chứng nhân về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa (Cv 1,8); và, hoa trái của Thánh Thần là: bác ái, hoan lạc, bình an, quảng đại, nhân từ, lương thiện, trung tín, hiền hòa, và tiết độ (Gl 5,22-23) sẽ trổ sinh trong cuộc đời của họ.
Huệ Minh

Read 626 times Last modified on Chủ nhật, 14 Tháng 6 2020 17:21