Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 23 Tháng 5 2020 07:27

Làm chứng cho Thầy

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Làm chứng cho Thầy


24.5 Chúa Nhật Chúa thăng thiên

Mt 28, 16-20

LÀM CHỨNG CHO THẦY

Kế hoạch của Thiên Chúa được ghi trong Kinh Thánh không chấm hết cùng với cái chết, phục sinh và lên trời vinh hiển của Chúa Glêsu, mà còn tiếp tục trong Hội Thánh. Sứ điệp Tin Mừng được hoạch định “cho muôn dân”, được rao giảng “bắt đầu từ Giêrusalem”.

“Anh em là chứng nhân của những điều đó”. Chúa Giêsu đã tuyên bố với các môn đệ như vậy. Và trước khi lìa bỏ các ông để “được đưa lên trời”, Người loan báo cho các ông biết rằng, các ông sẽ “nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống”, quyền năng mà Cha đã hứa, để hoàn thành sứ mạng vĩ đại vượt quá sức riêng của các ông.

Chúa về trời mang lại cho nhân loại, cho Giáo Hội và cho các tông đồ một mối Phúc lớn lao vì nếu Chúa không ra đi thì Đấng bàu chữa không đến. Chúa về trời, Ngài đã làm tròn lời hứa ban Thánh Thần và trao quyền năng cho các tông đồ, cho Giáo Hội:” Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dậy muôn dân…Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế ” (Mt 28, 17-20).

Ta thấy rằng với biến cố Thăng Thiên vào “ngày thứ bốn mươi” để bắt đầu cuộc sống mới của Chúa Giêsu vượt qua không gian và thời gian… thì cũng là lúc khởi sự trang đầu tiên của Công vụ Tông đồ! Kết thúc thời gian của Chúa Giêsu Nadarét…là bắt đầu thời kỳ của Giáo hội.

Biến cố Thăng Thiên là điều kiện tất yếu của biến cố Ngũ Tuần, vì Thăng Thiên đồng nghĩa với việc Chúa Giêsu được tôn vinh. Chính khi Đức Kitô “được tôn vinh”, Người sẽ sai phái Thánh Thần hay Chúa Cha sai phái Thánh Thần nhân danh Người (Ga 14, 26). Tin Mừng Gioan nhấn mạnh nhiều lần: “Bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Chúa Giêsu chưa được tôn vinh” (Ga 7, 39) hay “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em.

Thật vây, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16, 7). Mặt khác, việc Chúa Giêsu không còn hiện diện hữu hình nữa là một giai đoạn cần thiết để chuẩn bị cho các môn đệ một cách thế hiện diện khác của Người, sự hiện diện vô hình và nội tại trong Thánh Thần.

Các môn đệ đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Giêsu, Người đã phục sinh. Các ông đã bắt đầu hiểu rằng sự việc phải đi tới đích điểm đó và phải được hoàn thành cách vinh quang. “Cần phải…”. Đây không phải là do định mệnh an bài. Cụm từ đó chỉ có ý nói rằng mọi biến cố tìm được ý nghĩa trong Thiên Chúa và chúng là tiếp nối của một quá khứ cao quý nhất. Một nụ hoa hé nở, một việc kỳ diệu Thiên Chúa làm ở giữa dân Người.

Chúa Giêsu được “đưa lên trời”. Những lời trăn trối cuối cùng của Người là lệnh “sai đi”, và là lời loan báo cho họ một sức mạnh từ trời cao, đó là Thần Khí được ban xuống, Thần Khí mà các Ngôn sứ đã loan báo. Từ nay, những con người ấy sẽ mang trên tay và trong trái tim ơn tái sinh. Các ông sẽ làm lây lan ơn Thiên Chúa, biến đổi cả nhân loại. Chúa Giêsu đi về cùng Cha Người, cốt để các ông ra đi đến tận cùng trái đất.

Sau khi tỏ mình cho các môn đệ nhận ra mình: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà” (c.39). Chúa Giêsu mở tâm hồn cho họ hiểu ý nghĩa của biến cố phục sinh: “Tất cả những gì sách luật Môsê, sách các ngôn sứ và các Thánh vịnh chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm” (c.44). Tất cả những gì các ông vừa trải qua cùng với Người, đều hiện rõ ý nghĩa dưới ánh sáng của Thánh Kinh, và chính Thánh Kinh được thực hiện hoàn hảo trong mầu nhiệm Vượt Qua: “Đấng Kitô phải chịu khổ hình rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại rồi phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội”.

Khi dẫn các môn đệ tới tận Bêtania, giờ đây Chúa Giêsu từ biệt và chúc lành cho các ông là những người kế thừa mình theo cách các thánh tổ phụ chúc lành cho các con vào lúc lìa cõi thế. Và đang khi Ngươi được “đem lên trời” các môn đệ “phủ phục bái lạy Người”, một cử chỉ tôn thờ chỉ dành riêng cho Thiên Chúa mà thôi.

Cuối cùng, các moôn đệ nghe Chúa Giêsu đã nói rõ: “Chúng con sẽ làm chứng cho Thầy tại Giêrusalem, Giuđê, Samari và cho đến tận cùng thế giới”. Giêrusalem là nơi lúc ấy các tông đồ đang ở, Giuđê xa hơn một chút nhưng cũng quen thuộc vì có nhiều người đã tin Chúa, Samari tuy gần mà xa vì dân miền đó tuy biết Chúa Giêsu nhưng không có cảm tình với Ngài, đến tận cùng thế giới là mục tiêu xa nhất và bao quát nhất.

Khi vẽ một bản đồ hành trình làm chứng như thế, ý Chúa Giêsu là hãy bắt đầu làm chứng cho Ngài ngay từ trong nội bộ của mình, rồi từ từ mới lan dần ra. Chúng ta thấy các tông đồ đã thực hiện đúng như thế: nhờ cộng đoàn Giêrusalem sống đoàn kết hiệp nhất, tương thân tương trợ mà người ngoài nhìn vào đã mến phục và xin gia nhập Giáo Hội, thế rồi từ Giêrusalem Giáo Hội lan sang Giuđê, lan sang Samari, lan sang Antiôkia và dần dần tỏa ra khắp thế giới.

Qua các thời đại, Giáo hội đã, đang và luôn mãi hăng hái, trung kiên thi hành sứ mệnh đó. Mặc dù Giáo hội luôn phải trải qua những giai đoạn khó khăn, bách hại, cấm cách; nhưng dân Chúa vẫn hiên ngang rao giảng và sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Tin Mừng, vì Nước Trời. Lòng can đảm, chí trung thành đó đã cho chúng ta nhận ra rằng chúng ta không phải đơn phương chiến đấu, nhưng Chúa luôn đồng hành với mỗi người như lời Ngài đã phán: Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho tới tận thế.

Việc Chúa Giêsu thăng thiên hay nói một cách cụ thể hơn là Ngài ra đi, trở về, kết hiệp với Chúa Cha để thực hiện lời hứa ban Đấng phù trợ tới cho các môn đệ và cho toàn Giáo Hội là một mầu nhiệm của lòng tin vì hôm nay chấm dứt một giai đoạn Chúa phục sinh hiện diện, chứng minh cho các môn đệ thấy rằng mình vẫn sống giữa các ông (Cv 1, 3).

Việc Chúa Giêsu thăng thiên đánh dấu một bước ngoặc trong việc loan báo Tin Mừng. Trước đây, loan báo Tin Mừng chủ yếu là việc của Chúa Giêsu. Nhưng từ đây, việc này chủ yếu là của Giáo Hội, với sự hỗ trợ đắc lực của Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần. Bởi đó, khi từ biệt các môn đệ, Chúa Giêsu đã trao sứ mạng “Anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

Lễ Thăng thiên được xem như đỉnh điểm của đời sống Đức Giêsu và là khởi điểm sứ vụ của Giáo hội. Do đó, mọi thành viên trong Giáo hội phải tích cực thi hành sứ vụ này bằng đời sống chứng nhân trước mặt mọi người.

Huệ Minh

Read 372 times Last modified on Thứ ba, 26 Tháng 5 2020 07:08