Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 24 Tháng 8 2020 06:41

Thuốc đắng dã tật

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Thuốc đắng dã tật


25. 8 Thứ Ba tuần XXI Thường niên

2Ts 2, 1-3a. 14-17; Mt 23, 23-26

THUỐC ĐẮNG DÃ TẬT

Trong Do thái giáo, luật đóng thuế thập phân trên những sản phẩm con người làm ra là một hành động tôn giáo để nhìn nhận quyền tối cao của Thiên Chúa. Theo luật Môsê được ghi trong sách Thứ Luật, thì chỉ buộc trả thuế thập phân trên những sản phẩm chính là gạo, rượu, dầu, con vật đầu lòng. Thế nhưng, có lẽ vì quá sốt sắng, những Luật sĩ và Biệt phái muốn áp dụng thuế thập phân cho những sản phẩm nhỏ, không cần thiết như: bạc hà, thì là, rau húng.

Chúa Giêsu không kết án các Luật sĩ và Biệt phái vì sự tuân giữ luật Môsê một cách tỉ mỉ; nhưng Ngài kết án vì thái độ không trung thực: họ tuân giữ những điều hết sức nhỏ để tỏ ra mình sốt sắng đạo đức, nhưng họ lại lỗi phạm những điều lớn về đức công bằng và tình yêu thương, họ làm như thế chẳng khác nào lọc lừa con muỗi ra ngoài, nhưng lại nuốt con lạc đà nguy hiểm hơn.

Trong chương 23 của sách Tin Mừng theo thánh Mátthêu, Chúa Giêsu nói tới bảy lần “Khốn cho các ngươi…” (c. 13.15.16.23.27 và 29): bài Tin Mừng hôm qua ba lần, trang Tin Mừng hôm nay hai lần và bài Tin Mừng ngày mai hai lần còn lại:

Khi nói “khốn cho các người”, Chúa Giêsu có vẻ rất nặng lời, nếu chúng ta hiểu đó lời chúc dữ hay nguyền rủa, theo đó những người này, với cách hành xử như thế, sẽ chuốc lấy án phạt nặng nề hay sẽ gặp nhiều tai họa. Tuy nhiên, đó đúng hơn là những lời ta phán, có giá trị mặc khải căn bệnh người ta đang có nhưng không nhận ra; và bệnh tình tự nó đó có những hậu quả tiêu cực cho mình và cho người khác rồi.

Tương tự như những “bất hạnh” mà ngôn sứ Isaia đã công bố (x. Is 5, 8-24 và 10, 1-11, trong những câu này, vị ngôn sứ nói “Than ơi!” đến 8 lần). Chúa Giêsu không bao giờ nguyền rủa hay chúc dữ con người; bởi lẽ sứ mạng của Người chẳng phải là cứu thoát chúng ta khỏi những lời chúc dữ đó sao? Như Người đã nói: “Thầy đến không phải kêu gọi những người công chính, nhưng là những người tội lỗi” (9, 13)?

Con người ban đầu có thể từ chối Chúa Giêsu, nhưng sau đó, lại hối hận, cho dù là thật trễ, và tuyên xưng: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa” (c. 39); tương tự như người con thứ nhất ban đầu từ chối lời mời gọi đi làm vườn nho, trong dụ ngôn người cha có hai người con, “nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi” (Mt 21, 29). Trong lời nói của các ngôn sứ, nếu lời hứa cứu độ đã được công bố tiếp theo sau những lời đe dọa về những tai họa sẽ đến (Hs 2, 8.11.16 hoặc Is 6, 13), thì cũng vậy, trong sách Tin Mừng theo thánh Mátthêu, câu cuối cùng này của chương 23: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa” trồi hiện lên như là niềm hy vọng rạng ngời bao bọc toàn bộ bảy lời than trách.

Thái độ vụ hình thức của các Luật sĩ và Biệt phái còn được thể hiện trong sự tuân giữ những nghi thức bên ngoài, mà không chăm lo tinh tuyền bên trong: họ lo rửa chén đĩa bên ngoài, mà bên trong tâm hồn thì đầy cướp bóc, tham lam. Việc tuân giữ nghi thức thanh tẩy bên ngoài, việc đến nhà thờ đọc kinh ngoài môi miệng mà thôi chưa đủ, cần phải để cho ơn Chúa biến đổi tận bên trong tâm hồn ngõ hầu trở nên con người mới. Sự hoán cải nội tâm quan trọng hơn và phải đi trước những thực hành đạo đức bên ngoài để tránh thái độ giả hình, vụ hình thức đáng bị Chúa khiển trách.

Qua những lời, có thể nói, thật “đắng” như thuốc chữa bệnh, Chúa Giêsu muốn mặc khải cho những người Pha-ri-sêu và những nhà thông luật, rằng lối suy nghĩ và hành động của họ, là một thứ bệnh; và vì là bệnh, giống như bệnh thể lý, phải có người khám bệnh và cho biết đó là bệnh gì; ngoài ra, như chúng ta đều biết và đôi khi có kinh nghiệm, bệnh tật, tự nó là một bất hạnh. Hiểu theo nghĩa này, chúng ta có thể diễn đạt lại lời của Chúa Giêsu như sau: “bất hạnh cho các người”. Nếu là như thế, ở mức độ nào đó, chúng ta cũng phải được đánh động bởi những lời này của Chúa Giêsu, và nhất là để cho mình bị đụng chạm !

Chúa Giêsu khiển trách các luật sĩ và biệt phái về các tội giả hình. Sự khiển trách nầy có tính cảnh giác, nhằm mục đích để giúp họ sửa lỗi, vì sau lời khiển trách, Chúa lại ban lời hướng dẫn cho họ. Với tinh thần trách nhiệm, chúng ta cũng cần khiển trách lỗi lầm của tha nhân. Hãy theo gương Chúa, sự khiển trách nhằm giúp cho tha nhân hối lỗi và sửa sai, và quan trọng hơn nữa, ta cần tạo điều kiện để hướng dẫn anh em sống tốt hơn.

Trong đời sống đạo đôi khi chúng ta cũng nặng hình thức trình diễn mà quên sống đạo từ tình yêu. Chúng ta chú trọng đến luật thật tỉ mỉ, nhưng lại lỗi công bình, bái ái và thiếu yêu thương. Người biệt phái họ lo rửa tay, rửa chén bát mà lòng đầy gian tham, độc ác. Đôi khi chúng ta cũng chú trọng việc đi lễ mà thiếu lòng sám hối, thiếu tâm hồn hoán cải nên người tốt theo tin mừng. Đôi khi chúng ta chỉ là con chiên ngoan trong nhà thờ nhưng lại là sói dữ ở ngoài đơi. Chúa Giêsu Ngài cần tâm hồn con người sống đạo chân thành hơn là các nghi lễ bên ngoài. Chúa đòi buộc lời nói phải đi đôi với việc làm mới xứng danh là môn đệ của Chúa

Huệ Minh

Read 436 times Last modified on Thứ ba, 25 Tháng 8 2020 11:44