Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 30 Tháng 10 2020 06:54

Khiêm nhường

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Khiêm nhường


31 15 X Thứ Bảy tuần 30 Mùa TN.

Pl 1,18b-26; Lc 14,7-11

KHIÊM NHƯỜNG

Trang Tin Mừng hôm nay kể lại, Chúa Giêsu được mời đi dự tiệc tại nhà một thủ lãnh Pharisiêu, khi thấy người ta đi dự tiệc cứ chọn chỗ nhất, Chúa Giêsu đã dạy họ phải tìm chỗ cuối hết. Ngài không dạy cho chúng ta một mánh lới, một tiểu xảo để được vinh dự khi chủ nhà mời ta lên cỗ nhất. Trái lại, Ngài muốn nhân cơ hội đó dạy ta về đức khiêm nhường đích thật.

Người Do Thái cũng giống như người Việt Nam chúng ta, thường rất thích sĩ diện. Ngày xưa, các cố ông cố bà chỉ ao ước được một lần vinh dự ăn tiệc giữa làng, nơi chỉ có các chức sắc, vai vế trong hương thôn làng xã mới được mời, nên đã ví von bằng hình ảnh: “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Nhưng “miếng giữa làng” chắc gì đã ngon hơn “sàng xó bếp” vì coi chừng bị ngộ độc thực phẩm do làm vội, làm ẩu và làm bẩn; và chắc chắn “miếng giữa làng” sẽ chẳng no bụng như “ sàng xó bếp” vì tiệc xong về nhà lại phải dặm thêm một gói mì tôm.

Thế nhưng tại sao người ta vẫn thích, vẫn muốn và vẫn “mê” miếng giữa làng ấy? Thưa, bởi vì kèm theo “miếng giữa làng” là những ánh mắt thèm thuồng, ước ao, những lời xì xào bàn tán, những câu bình phẩm khen chê vì mình không được vinh dự đó. “Miếng giữa làng” ngày xưa ấy bây giờ đã được biến đổi. Nó không còn chỉ ở trên bình diện miếng ăn nữa mà nó đã trở thành sự háo danh và chen vào mọi sinh hoạt của người Kitô hữu, ngay cả những sinh hoạt đạo đức: muốn được ghi tên trên bảng vàng nhà thờ vì đã dâng cúng cái này cái kia, muốn được mọi người trong xứ biết đến vì mình đã có công với giáo xứ, thậm chí tôi dâng cúng cái ghế đá ở đài Đức Mẹ thì phải có tên gia đình tôi ở sau lưng ghế, đi lễ hằng ngày và đọc kinh to để mọi người thấy tôi là người đạo đức, cho ai cái gì thì tôi phải được mọi người chân nhận là đầy tình bác ái yêu thương…

Tóm lại, nhiều Kitô hữu chúng ta đang đi vào bước chân của những người Pharisiêu, những kẻ đã bị Chúa Giêsu kết án là giả hình. Để tránh cái thói háo danh và giả hình ấy, Chúa mời gọi chúng ta sống khiêm nhường, hãy thấy rằng mình cũng chỉ mang thân phận con người đầy những yếu đuối bất toàn trước mặt Thiên Chúa và vì vậy đừng lên mặt với người khác nhưng hãy biết vị trí thật của mình là gì. Chúa không chỉ dạy chúng ta sống đức khiêm nhường, nhưng chính ngài đã đi bước trước, đã sống trước: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự…” (Pl 2, 6 – 8).

Thánh Phaolô suy niệm và thấy rằng Đức Kitô đã khiêm nhường tự hạ và sự tự hạ sâu thẳm nhất đó là Ngài đã vâng lời thực hiện thánh ý Chúa Cha bằng việc chấp nhận chết đau thương trên thập giá. Điều đó cũng đúng trên Đức Maria, mặc dù được chọn sinh ra Đấng Cứu Độ muôn loài, nhưng Mẹ vẫn khiêm nhường tự nhận mình là tỳ nữ thấp hèn và sẵn sàng tuân hành thánh ý: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, tôi xin vâng như lời Sứ Thần truyền…” (Lc 1, 38).

Thánh Luca đã liên tưởng đến những cộng đoàn phụng vụ, trong đó khi người ta tụ họp lại, những vấn đề về giai cấp, giàu nghèo đã nảy sinh. Chính thánh Giacôbê cũng đã gặp vấn đề đó trong cộng đoàn của mình (Gc 2, 2-3).

Đó là một thực tế không chỉ xảy ra trong xã hội Do Thái, thời Chúa Giêsu, trong cộng đoàn tín hữu sơ khai, mà còn xảy ra trong xã hội và trong cộng đoàn Kitô hữu hôm nay.

Chúng ta không phủ nhận giá trị của những cách tổ chức, sắp đặt sao cho đúng người, đúng chỗ; nhưng điều quan trọng là mỗi người hãy biết cư xử đúng danh phận, nhất là biết khiêm nhường. Hơn nữa, danh phận, phẩm giá của một người không thể do thái độ chủ quan định đoạt mà là do thái độ trân trọng của cộng đoàn, đặc biệt là sự thẩm định của người chủ tiệc.

Chính thái độ trịch thượng, vượt trên danh phận, ngồi sai vị trí, mới làm cho người ta phải bẽ mặt khi có người danh phận cao hơn xuất hiện.

Khiêm nhường, tự hạ không chỉ là cách sống, là lời giảng dạy thường xuyên của Chúa Giêsu và còn là giáo huấn được các Tông đồ, môn đệ Chúa, thường xuyên nhắn nhủ. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê, tóm tắt cuộc đời khiêm nhường, tự hạ của Chúa Giêsu như sau: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự ” (Pl 2, 6-8).

Với đời sống khiêm nhường như thế, Chính Ngài được Chúa Cha tôn vinh: “Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2, 9).

Thế nhưng Thiên Chúa đã dùng Ngài như khí cụ để thực hiện những phép lạ phi thường. Đến lượt chúng ta, các Kitô hữu, con đường mà chúng ta phải đi cũng là con đường đó: bắt chước Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các Thánh để nỗ lực thực hiện đức khiêm nhường, để sẵn sàng vâng theo thánh ý Chúa, ý Giáo Hội và cả ý bề trên.

Ta xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết nhìn lên gương Chúa, sống khiêm nhường, tự hạ để mỗi người đều được tôn trọng đúng phẩm giá và được Chúa Cha là Chủ tiệc cất nhắc lên như chính Ngài đã được Chúa Cha tôn vinh.
Huệ Minh

Read 480 times Last modified on Thứ bảy, 31 Tháng 10 2020 08:55