Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 26 Tháng 3 2021 08:58

Thấy dấu lạ những không tin

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Thấy dấu lạ những không tin


27Thứ Bảy Tuần V Mùa Chay
– Kinh Tiền Tụng thương khó I.

– Các bài đọc Lời Chúa: Ed 37,21-28; Ga 11, 45-57.

THẤY DẤU LẠ NHỮNG KHÔNG TIN

Tin Mừng hôm nay kể lại quyết định thực hiện dã tâm loại trừ Chúa Giêsu của giới lãnh đạo Do Thái, và hướng đến sứ mệnh cao cả của Chúa Giêsu, sứ mệnh cứu độ nhân loại của Đấng Mê-si-a mà các tổ phụ, các tiên tri người Do Thái hằng trông mong chờ đợi.

Chứng kiến hay nghe nói về phép lạ lớn lao ông Ladarô đã chết, được chôn táng trong mồ bốn ngày, nhưng lại hồi sinh bởi lời của Đức Giê-su, có những người tin nơi Đức Giêsu. Nhưng tin là gì? Đâu là những hệ quả của lòng tin trong cuộc sống, trong những lựa chọn, trong hướng đi, trong cách sống, trong tương quan với Chúa và với người khác? Chúng ta cũng đã nhận ra bao “dấu lạ” Chúa làm trong cuộc đời của chúng ta, chúng ta có tin không? Nếu có tin, thì đức tin đó là đức tin nào? Có biến đổi sâu xa tương quan của chúng ta với Chúa và với “mọi sự khác” không? Thiên Chúa đối với chúng ta là ai, Đức Ki-tô là ai? Niềm tin này có trở thành lẽ sống của chúng ta không?

Như thế, dấu lạ thì chỉ có một lần hay một vài lần thôi, nhưng tin là một hành trình kéo dài suốt đời và đầy khó khăn. Cũng tương tự như hai người trẻ nam nữ, giống như mỗi người chúng ta và Hội Dòng, sau một thời gian tìm hiểu và đến một thời điểm xác định nào đó, được mời gọi trao ban lòng tin cho nhau, nhưng phải sống niềm tin trọn đời. Và đó là một hành trình không dễ dàng và đòi hỏi phải làm mới lại lòng tin yêu không ngừng.

Sau sự kiện anh La-da-rô ở làng Bê-ta-ni-a đã chết được bốn ngày, người ta đã chôn anh trong mộ đá; rồi Chúa Giêsu đến thăm gia đình anh, và trước sự chứng kiến của nhiều người, Chúa Giêsu làm cho anh sống lại đã khiến nhiều người tin. Một số người khác thấy dấu lạ La-da-rô sống lại và quyền năng siêu phàm nơi Chúa Giêsu người Na-da-rét, thì đem lòng đố kỵ và ganh ghét; họ đi thuật lại cho các thượng tế và người Pha-ri-sêu.

Sắp sửa đến lễ Vượt qua, một đại lễ quan trọng của người Do Thái; đền thánh Giê-ru-sa-lem là trung tâm của Do Thái giáo; vì thế, dịp lễ này toàn dân sẽ tập trung về đây để thanh tẩy và mừng đại lễ. Các thượng tế và người Pha-ri-sêu nghe kể lại về dấu lạ Đức Giêsu Na-da-rét làm cho người chết sống lại ở Bê-ta-ni-a, thì lo sợ những người tin vào Chúa Giêsu sẽ nổi dạy để ủng hộ Người; như thế, bạo loạn sẽ xảy ra và làm cớ cho quân đội Lamã đang đồn trú gần thành thánh can thiệp và mạnh tay đàn áp. Họ lo sợ và triệu tập Thượng Hội Đồng bàn mưu tính kế giết người; trong Thượng Hội Đồng, thượng tế Cai pha đã xảo quyệt hiến kế: “thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” Và họ quyết định giết Đức Giêsu.

Với lòng dạ nham hiểm, độc ác; giới lãnh đạo tinh thần Do Thái đưa ra kế sách để vừa loại trừ một đối thủ tầm cỡ đang được nhiều người mộ mến; vừa củng cố được địa vị và đảm bảo quyền lợi, bổng lộc do đế quốc La Mã ban tặng; đó là giết Đức Giêsu Na-da-rét.

Xét về chiều kích xã hội: những giáo huấn và việc làm của Chúa Giêsu đang nhắm đến tái lập một xã hội công bình, chính trực, dựa trên nền tảng là giới luật yêu thương, tha thứ; những điều này đối lập với lối sống ích kỷ, tham lam, vụ hình thức, vốn đã ăn sâu vào tiềm thức người Do thái qua những truyền thống lầm lạc của tiền nhân, khiến cuộc sống đầy dẫy những bất công, tội ác.

Xét về chiều kích tâm linh, nhiều người Do Thái tin vào Chúa Giêsu vì họ thấy phép lạ Người làm; nhưng hơn thế nữa, họ đã nghe truyền tụng về Người và trực tiếp nghe giáo huấn của Người. TrangTin Mừng hôm nay mặc khải cho chúng ta công trình cứu độ mà Chúa Giêsu đã thực hiện để cứu chuộc nhân loại. Ở nơi Chúa Giêsu lời giáo huấn chuyển tải chân lý dẫn đến hạnh phúc đời đời của mỗi người; còn gương sáng: những cử chỉ trìu mến, yêu thương và khát vọng ban hạnh phúc cho nhân loại được thể hiện qua những lo toan, vất vả và khổ đau khi Chúa Giêsu thi hành sứ mệnh Chúa Cha trao cho, nhất là thể hiện lòng thương xót tha thứ cho những người tội lội, những kẻ yếu đau tật nguyền, khi Người dùng quyền năng giải thoát họ khỏi khổ đau và quyền lực ma quỷ; sau cùng Chúa Giêsu đã hy sinh mạng sống để minh chứng Người là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ trần gian; Người sẽ tái lập công lý và hòa bình đích thực cho nhân loại.

Các thượng tế, kỳ lão và người pha-ri-sêu quyết định loại trừ, giết Người vì Người không thuộc về thế gian, Người đối lập với lòng hận thù, ganh ghét, đố kỵ, tham lam, ham hố quyền bính và lợi lộc của họ; nhưng Người trở nên nhân chứng sống động trong lịch sử Cứu Độ nhân loại của Thiên Chúa.

Thượng tế Cai-pha đề nghị giết Chúa Giêsu để loại trừ khả năng một cuộc nổi loạn đậm chất chính trị trần gian có thể xẩy ra và hậu quả là cả dân Do Thái và thành thánh Giêrusalem có thể bị quân La-mã tàn sát và hủy diệt. Mưu đồ gian ác của thượng tế Cai pha trong Thượng Hội Đồng Do Thái đã trở thành lời tiên tri về sứ mệnh cứu độ của Đấng Mê-si-a, Đấng phải chết thay cho toàn thể nhân loại để nhân loại nhờ Người mà được sống. Chúa Giêsu không chỉ chết thay cho dân mà còn qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát khắp nơi về một mối; vì chính Người đã hoàn tất công trình Cứu độ và ban phát ơn cứu độ cho mọi người.

Trong cuộc Thương Khó, chúng ta thấyy đã bày tỏ cho tôi tình yêu đến cùng của Chúa dành cho tôi, dù tôi là ai và đang ở trong tình trạng nào. Tôi được mời gọi tôi nhận ra nơi những gì Chúa Giêsu mang lấy trong cuộc Thương Khó, có chính bản thân tôi, như tôi là, nhỏ bé, giới hạn, yếu đuối, tội lỗi; tôi hiện diện cách trọn vẹn, được đón nhận cách trọn vẹn và được bao dung cách trọn vẹn trên đôi vai của Chúa Giêsu, trong ánh mắt của Chúa Giêsu, trong trái tim của Chúa Giêsu.
Huệ Minh

Read 554 times