11.4 CHÚA NHẬT II PHỤC SINH
– Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa.
– Không cử cử hành lễ nào khác, kể cả lễ an táng.
– Các bài đọc Lời Chúa: Cv 4,32-35; 1 Ga 5,1-6; Ga 20,19-31.
LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA
Chúa Giêsu đến trần gian là để thực thi lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa Cha đối với toàn thể nhân loại, đỉnh cao của lòng thương xót ấy chính là cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá của Chúa. Dấu chứng của lòng thương xót ấy chính là các vết thương ở chân tay và cạnh sườn còn để lại nơi thân thể Chúa sau khi phục sinh.
Dẫu rằng không còn ở lại với con người bằng thân xác trước đây, nhưng điều đó không ngăn cản được lòng thương xót vô biên của Chúa đối với con người. Bằng chứng là ngay sau khi phục sinh Chúa đã đến gặp các tông đồ, cho các ông xem dấu vết của Lòng Thương Xót, ban tặng bình an (cc.19.21), ban tặng Thánh Thần và hồng ân tha thứ của Bí tích Hòa giải cho các ông (c.23). Lòng thương xót ấy vẫn không muốn mất đi một con chiên nào, nên đã đến với Tôma yếu tin chỉ vì Tôma và cho Tôma.
Tin Mừng hôm nay thuật lại hai lần Chúa phục sinh hiện ra với rất nhiều chi tiết: lần thứ nhất xảy ra vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, tức là chiều Chúa nhật tuần trước, khi ấy các tông đồ còn chưa hết hoang mang sợ hãi, các ông đang sống mà như đã chết, một đàng vì sợ người Do Thái, đàng khác, các ông còn đang bị ám ảnh bởi cái chết của Thày, và tương lai của các ông chưa biết sẽ như thế nào, chính lúc ấy Chúa Giêsu Phục sinh đã hiện ra để cũng cố đức tin cho các ông.
Món quà đầu tiên mà Chúa Giêsu ban cho các tông đồ lúc này đó chính là ơn bình an: Bình an cho các con, nói thế rồi Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người, bình an là ơn mà các tông đồ đang thực sự cần thiết trong lúc này. Tiếp theo ơn bình an, Chúa Giêsu ban cho các tông đồ ơn lớn lao hơn đó là Ơn Thánh Thần và ơn tha tội, Ngài thổi hơi và phán: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha, các con cầm tội ai thì tội người ấy bị cầm lại.
Kể từ đây, Chúa Thành Thần trở thành sức mạnh cho các tông đồ Ngài hiện diện và hoạt động trong các tông đồ và giáo Hội, ban cho các tông đồ quyền năng tha tội là quyền năng của chính Thiên Chúa, và cũng từ đây các ông sẽ trở thành những con người nối dài và thực thi quyền năng của Thiên Chúa trên trái đất đồng thời trở thành điểm tựa đức tin cho mọi người.
Câu chuyện về lần hiện ra lần thứ hai muốn nhấn mạnh đến sứ mạng làm chứng nhân đức tin về màu nhiệm phục sinh của Giáo hội, và tông đồ Tôma đã được cũng cố đức tin nhờ sư hiệp thông với Phêrô và Giáo hội. Có lẽ có cùng tâm trạng sợ hãi và chán nản như các tông đồ khác sau biến cố tử nạn của Chúa, nhưng Tôma đã bỏ anh em tông đồ để ra đi, vì thế lần trước Chúa Phục sinh hiện ra với các anh em khác, thì đã không có Tôma, và vì thế anh đã nhất định không tin, và anh còn đi đến một lập trường cứng rắn: Nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không xỏ bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin. Điều đó càng cho thấy rằng niềm tin vào Chúa phục sinh không thể là một niềm tin tự mình có thể khám phá, mà phải là một niềm tin được ban cho và được đón nhận, đồng thời niềm tin này được ban qua Giáo hội và chỉ khi hiệp thông với giáo hội thì mới có thể đón nhận được.
Tám ngày sau khi Toma trở về hiệp thông trọn vẹn với anh em tông đồ, tức là Giáo Hội, Chúa Phục sinh lại hiện ra với các tông đồ và dành cho Toma một sự ưu ái đặc biệt, Ngài đã gọi đích danh Toma và mời gọi Toma: Hãy đặt ngón tay con vào đây và hãy nhìn xem tay Thày. Đưa tay ra và đặt vào cạnh sườn Thày. Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin.
Cuộc gặp gỡ này là một ân huệ và quả thật đã thay đổi hoàn toàn con người của Toma. Cho ông đụng chạm vào các vết đinh, tức là Chúa Giêsu cho ông được đụng chạm đến những dấu tích yêu thương của ngài, được đụng chạm đến lòng thương xót của Ngài; xỏ bàn tay vào cạnh sườn Chúa, Toma sẽ được đụng chạm đến trái tim yêu thương của Thiên Chúa, chính cuộc tiếp xúc này đã làm cho đức tin của Toma được hồi sinh và được vững mạnh và ông đã tuyên xưng niềm tin của mình: Lạy chúa tôi, Lạy Thiên Chúa của tôi.
Lời tuyên xưng của Toma vào Chúa Giêsu đã thể hiện một bước nhảy dài từ sự cứng lòng đi đến chấp nhận đức tin, và từ một đức tin đón nhận từ cộng đoàn, đi đến một xác tín cá nhân vào Chúa Phục sinh. Qua tuyên xưng: Lạy Chúa tôi, Lạy Thiên Chúa của tôi, Toma đã tuyên xưng Đức Giêsu Phục sinh không chỉ là Chúa, là Đấng Mesia cứu thế, mà con là Thiên Chúa, là Đức Chúa, Đấng đã tỏ mình cho ông Mose trên núi Sinai và là Đấng tổ tiên đã tôn thờ. Chúa Giêsu đã chấp nhận lời tuyên xưng của Toma và còn chúc phúc cho những thế hệ tín hữu sau các tông đồ và cho chúng ta hôm nay, những người không được chứng kiến những lần Chúa hiện ra, nhưng chúng ta vẫn tin dựa vào lời chứng của các tông đồ: Phúc cho những ai không thấy mà tin.
Bài đọc một cho thấy các tông đồ đã trở thành điểm thu hút dân chúng bởi vì những việc lạ lùng các ông đã thực hiện nhân danh Chúa phục sinh, và nhất là người ta nhìn thấy sự thay đổi trong cuộc đời của các tông đồ, từ những con người bình dân kém cỏi trở nên những con người thông thái, từ những con người nhát đảm trở thành những người mạnh dạn nói về Chúa Phục sinh, từ những con người hết sức bình thường giờ đây lại là những người làm nhiều phép lạ. Đoạn sách Công Vụ còn cho thấy Phêrô và các tông đồ đã trở nên như những con người siêu phàm quyền năng, khi các ông đi ngang qua, bóng của các ông phủ lên bệnh nhân nào thì người ấy được chữa lành. Tất cả những gì các tông đồ làm và rao giảng đều là những việc làm của thiên Chúa dưới sự tác động của Thánh Thần, mà Đấng Phục sinh đã ban cho các Ngài.
Là người tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh, song đức tin của chúng ta vẫn bị tấn công bởi thế gian và ma quỷ, bị đe dọa bởi khoa học và các chủ thuyết, nhất là niềm tin vào màu nhiệm phục sinh vẫn đang là một thách thức cho chúng ta, để có thể đứng vững trong đức tin trước những cơn bão tấn công của ngày hôm nay, trước hết chúng ta cần phải trở về trong sự hiệp thông và hiệp nhất với Giáo Hội.
Hãy khiêm tốn lắng nghe theo sự chỉ dạy của Giáo hội qua việc giải thích Kinh thánh và giảng dạy giáo lý, nhất là qua chính đời sống đức tin của Giáo hội đang được thể hiện qua những việc cử hành phụng vụ mỗi ngày. Vì chỉ ở trong Giáo Hội chúng ta mới có thể đón nhận được đức tin, và chỉ khiêm tốn lắng nghe, đức tin chúng ta mới được củng cố. Ngày hôm nay các thế lực của xã hội đang muốn chia tách chúng ta khỏi Giáo Hội và gieo những nghi ngờ cho chúng ta về Giáo Hội, về đức tin vào Chúa Giêsu, hãy hết sức cảnh giác với những âm mưu đó.
Để đức tin được vững mạnh, chúng ta cũng cần phải có những kinh nghiệm riêng tư về sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa, nói cách khác, chúng ta cũng cần phải có kinh nghiệm được “đụng chạm” đến Thiên Chúa và quyền năng của Ngài, hãy gặp gỡ tiếp xúc với Thiên Chúa cách thường xuyên qua cầu nguyện và nhất là qua việc tham dự các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, vì chính nhờ các bí tích chúng ta được đụng chạm đến lòng thương xót và sư hiện diện của Chúa Phục sinh.
Tôma đã bị lòng thương xót của Chúa chinh phục, khi ông đứng trước Chúa Giêsu phục sinh với các vết thương còn trên thân thể ngay trước mắt mình, ông đã phủ phục tuyên xưng lòng tín thác vào Chúa phục sinh hơn các anh em: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Lời tuyên xưng sở hữu này chỉ có trong tương quan tình yêu, đối với Tôma từ nay Chúa trở thành của ông, bởi ông đã nghiệm ra các vết thương Chúa chịu trên thân thể là vì ông, Chúa chết vì ông và cũng phục sinh cho ông, từ nay Chúa không chỉ là Thiên Chúa, mà Chúa còn là Thiên Chúa của ông, Chúa là sự sống của ông.
Thái độ của Toma có thể cũng giống thái độ của nhiều người trẻ hôm nay, cậy dựa vào khoa học và thực nghiệm để đi đến chỗ kiêu căng và thách thức Thiên Chúa, thách thức Giáo hội, từ chối sự hiện diện của Thiên Chúa và quay lại phê bình chỉ trích giáo hội là bảo thủ là cổ hũ. Các bạn trẻ hãy học theo gương của Toma, hãy khiêm tốn để trở về với sự hiệp thông với Phêrô Giáo Hội, hãy đón nhận lời chứng và sự chỉ dạy của Giáo Hội, và chỉ khi có một thái độ khiêm tốn và sẵn sàng, thì Chúa phục sinh sẽ cho các bạn được gặp Ngài, và cho các bạn được đụng chạm đến trái tim yêu thương của Ngài.
Huệ Minh