Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 15 Tháng 5 2021 06:20

Chứng nhân của Chúa Thánh Thần

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  CHỨNG NHÂN CỦA CHÚA THÁNH THẦN | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 7 Mùa Phục Sinh, Năm B


TMĐP- Thiên Chúa ban Thần Khí là Tình yêu của Ngài cho chúng ta, để chúng ta hiệp nhất với nhau trong Danh của Chúa Cha. Và chúng ta hiệp nhau cầu xin ơn hiệp nhất trong Giáo Hội, ơn hiệp nhất giữa những người tin vào Đức Kitô, trở thành những chứng nhân đáng tin cậy, làm chứng cho muôn dân Đức Giêsu, Thiên Chúa Tình yêu.

Sau khi Chúa về trời, các Tông Đồ ở lại với nhau ở Giêrusalem, như lời Đức Giêsu truyền: “Không đuợc rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa” (Cv 1,4), đó là “anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8).

Trong thời gian chờ đợi Thánh Thần, các Tông Đồ đã tiến hành việc chọn người thay thế Giuđa, người đã nộp Đức Giêsu cho các Thượng Tế, Kỳ Mục, và sau đó đã đi thắt cổ. Kết qủa là Matthia đã được chọn vào Nhóm Mười Hai (x. Cv 1, 23-26).

Từ việc chọn ông Matthia làm Tông Đồ thay thế ông Giuđa, với các bài đọc trong phụng vụ, chúng ta nhận thấy:


1. Được Giáo Hội kêu gọi và tuyển chọn:

Biến cố bổ xung Matthia vào Nhóm Mười Hai Tông Đồ làm nổi bật ý nghiã của đời sống người Kitô hữu là đi theo Đức Giêsu trong Giáo Hội và với Giáo Hội của Ngài.

Tông đồ mới được chọn là Matthia chính là hình ảnh của người môn để Đức Giêsu: người môn đệ không đơn độc đi theo Đức Giêsu, không đơn thân độc mã rao giảng “Đức Giêsu chịu đóng đinh” đã sống lại, không đơn chiếc được sai đi, nhưng giữa một cộng đoàn mà ơn gọi của người ấy được thực hiện, giữa một cộng đoàn mà sứ vụ của người ấy được thành hình, giữa một cộng đoàn mà người ấy được sai đi. Cộng đoàn ấy là Giáo Hội được đặt trên nền móng các Tông Đồ.

Giáo Hội không chỉ là tập thể những người đi theo Đức Giêsu, như đám đông đi theo Đức Giêsu để nghe Ngài giảng dạy, chữa bệnh, trừ quỷ, làm phép lạ …, nhưng Giáo Hội còn là một Tạo Dựng mới, một Trời mới, Đất mới được Chúa Thnáh Thần thánh hóa, vì Giáo Hội được sinh ra duới tác động của Chúa Thánh Thần và lớn lên với ơn phù trợ của Ngài. Vì thế, Giáo Hội không là đám đông mà người này đứng bên cạnh người kia, nhưng tất cả là chi thể của một Thân Thể duy nhất. Do đó, sự hiệp nhất giữa các chi thể quan trọng thế nào đối với toàn thân, thì sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu cũng quan trọng như thế đối với Giáo Hội, là Thân Thể mầu nhiệm của Đức Kitô.


2. Hiệp nhất giữa các chứng nhân:

Người môn đệ của Đức Giêsu là người được gọi và sai đi để làm chứng Thiên Chúa là Tình Yêu cứu độ, nên việc đầu tiên người môn đệ phải làm, đó là xác tín mình được gọi để yêu thương, vì chính mình không yêu thương, người môn đệ không thể biểu lộ cũng như không thể làm chứng tình yêu là ơn của Chúa Thánh Thần, Đấng là Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con đang hoạt động trong Giáo Hội, từ đó và ở đó, người môn đệ được gọi, đươc sai đi, như thánh Gioan Tông Đồ khẳng định: “Người đã ban Thần Khí của Người cho chúng ta” (1 Ga 4,13). Và hiệp nhất là dấu chỉ của tình yêu giữa những người được Thiên Chúa chọn làm chứng nhân.

Thực vậy, Thiên Chúa ban Thần Khí là Tình yêu của Ngài cho chúng ta, để chúng ta hiệp nhất với nhau trong Danh của Chúa Cha, như lời cầu xin của Đức Giêsu cho Giáo Hội của Ngài trước khi lên đường chịu khổ hình: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta” (Ga 17,11).

Như thế, chỉ có sự hiệp nhất trong Thiên Chúa mới bảo đảm lời chứng của người Kitô hữu khi họ làm chứng Đức Kitô; chỉ có sự hiệp nhất mới là dấu hiệu chính xác để mọi người nhận ra người Kitô hữu là môn đệ đích thực của Đức Kitô (x. Ga 13,35); chỉ có hiệp nhất mới có khả năng thuyết phục người chưa tin, vì hiệp nhất làm cho chứng nhân và chứng từ của họ đáng tin. Ngoài ra, không có gì đủ sức làm cho chúng ta trở thành những chứng nhân đáng tin cậy trước mặt những ngưòi chúng ta gặp gỡ, đồng hành, rao giảng …


3. Niềm vui của Thần Khí tình yêu:

Kitô hữu là người được sai đi, như Đức Giêsu đã quả quyết: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21), nên không có người Kitô hữu “bất động, ù lì, ươn lười nằm yên một chỗ suốt đời có đạo”. Trái lại, đã là người Kiô hữu là được sai đi, là có “bài sai” lên đường “loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến”. Bài sai này có ngtay từ lúc lnãh nhận bí tích Rửa Tội, và không ai có quyền tước đoạt, hay thu hồi quyền “loan truyền và tuyên xưng” Chúa chịu chết và sống lại này.

Vì thế, sau khi “nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22), người môn đệ được sai vào thế gian, “dù thế gian ghét họ”, “dù họ không thuộc về thế gian” (x. Ga 17,14), nhưng Đức Giêsu muốn họ vào giữa thế gian, với lời hứa “canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất” (Ga 17,12), để làm chứng Thiên Chúa là Tình Yêu cứu độ, hầu thế gian được cứu rỗi, và niềm vui của Thiên Chúa được trọn vẹn nơi những người thuộc về Ngài (x. Ga 17,13).

Chúng ta hiệp nhau cầu xin ơn hiệp nhất trong Giáo Hội, ơn hiệp nhất giữa những người tin vào Đức Kitô, vì không hiệp nhất, chúng ta không thể là những chứng nhân đáng tin cậy khi làm chứng cho muôn dân Đức Giêsu, Thiên Chúa Tình yêu.

Jorathe Nắng Tím

https://tinmungduongpho.com/chung-nhan-cua-chua-thanh-than-suy-niem-tin-mung-chua-nhat-7-mua-phuc-sinh-nam-b/

Read 815 times Last modified on Thứ bảy, 15 Tháng 5 2021 06:50