Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 05 Tháng 6 2021 07:21

LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA | Mùa Thường Niên – Năm B

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA | Mùa Thường Niên – Năm B

TMĐP – Hãy làm việc này để tưởng nhớ Đức Giêsu, Đấng đã không loại bỏ bất cứ người hèn mọn, yếu đuối, nghèo khổ, tội lỗi nào, nhưng chân tình yêu thương, qủang đại trao ban, rộng lượng cảm thông, bao dung tha thứ, và sẵn sàng chết đi như hạt lúa mì chịu thối rữa cho hạnh phúc.

Trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa Giavê đã ký kết với Ítraen, dân Ngài một Giao Ước. Theo Giao Ước này, Giavê Đức Chúa là Thiên Chúa của Ítraen sẽ che chở, bảo vệ Ítraen, và Ítraen là con dân của Ngài sẽ mãi mãi thờ phượng, vâng phục Ngài.

Giao Ước ấy đã được đánh dấu bằng máu của chiên bò, và được Môsê “lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy trên bàn thờ. Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: “Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo”. Bấy giờ, ông Môsê lấy máu rẩy lên dân và nói: “Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em dựa trên những lời này” (Xh 24, 6-8).

Dưới thời Tân Ước, trung thành với truyền thống của dân Chúa, Đức Giêsu, trong bữa ăn chia tay các môn đệ trước khi đi chịu chết, đã “cầm lấy bánh , dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy”. Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả cùng uống chén này. Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người ” (Mc 14,22-24).


Như thế, Giao Ước mới đã không còn được ghi dấu bằng máu chiên bò, nhưng là máu của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, như thánh Phaolô đã viết: “Đức Kitô đã đến làm Thượng Tế…. Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con, bò, nhưng với chính máu của mình. Người vào chỉ một lần thôi và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta”, bởi “nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống” (Dt 9, 11.12.14). “Bởi vậy, Người là trung gian của một Giao Ước mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa” (Dt 9,15).

Phần chúng ta, những người được đón nhận Mình và Máu Chúa, chúng ta được chính Chúa mời gọi “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy ” (Lc 22,19).


Hãy làm việc này để tưởng nhớ Đức Giêsu, Thiên Chúa đã tự hạ làm người, “mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân… , vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự ” (Pl 2, 7.8), để thực hiện chương trình cứu chuộc nhân loại vì yêu thương nhân loại.

Hãy làm việc này để tưởng nhớ Đức Giêsu, Đấng đã “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm gía chuộc muôn người” (Mt 20,28).

Hãy làm việc này để tưởng nhớ Đức Giêsu là Tình Yêu từ bỏ mình, là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29). Trên mình Ngài nặng nề những gánh tội của mỗi người chúng ta.

Hãy làm việc này để tưởng nhớ Đức Giêsu, Thiên Chúa của lòng thương xót đã yêu thương vô cùng và đến cùng (x.Ga 13,1,) khi trở thành Lương Thực cho chúng ta được sống đời đời.

Hãy làm việc này để tưởng nhớ Đức Giêsu, Nguồn Bình An, Trợ Lực cho “tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề” (Mt 11,28), vì Ngài hiền lành và khiêm nhường trong lòng (x. Mt 11.29).

Hãy làm việc này để tưởng nhớ Đức Giêsu, Đấng đã không loại bỏ bất cứ người hèn mọn, yếu đuối, nghèo khổ, tội lỗi nào, nhưng chân tình yêu thương, qủang đại trao ban, rộng lượng cảm thông, bao dung tha thứ, và sẵn sàng chết đi như hạt lúa mì chịu thối rữa cho hạnh phúc của người khác.

Hãy làm việc này để tưởng nhớ Đức Giêsu, Mục tử nhân lành biết từng con chiên của mình, và “đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).


Và hãy làm việc này để tưởng nhớ Đức Giêsu, Đấng đã sống, đã chết và đã sống lại, để những ai sống và chết với Ngài cũng sẽ được Ngài cho sống lại trong vinh quang của Ngài ngày sau hết, như lời Tông Đồ Phaolô khuyên nhủ môn đệ Timôthê của mình: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người” (2 Tm 2,11-12), vì Mình Máu Thánh, chính là Đức Kitô, nơi Ngài tất cả chúng ta được kêu gọi nên một, như chi thể của một Thân Thể trong mầu nhiệm Hy Lễ cứu độ.

Jorathe Nắng Tím
https://tinmungduongpho.com/le-minh-mau-thanh-chua-mua-thuong-nien-nam-b/

Read 451 times Last modified on Chủ nhật, 06 Tháng 6 2021 09:24