Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 10 Tháng 7 2021 06:54

Sứ vụ loan báo Tin Mừng

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG | Suy Niệm Tin Mừng CN 15, Thường Niên, Năm B



TMĐP- Nguyện xin ơn Chúa tuôn đổ để chúng ta mở lòng đón nhận sứ vụ làm chứng nhân, và loan báo Tin Mừng, đó chính là Ơn Gọi của người Kitô hữu.

Có một sự thật đáng buồn là phần đông người Kitô hữu đã không biết mình được gọi để loan báoTin Mừng, cũng như đa số không đủ xác tín về ơn gọi và sứ vụ “loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến” của mình, mặc dù vẫn cùng chủ tế và cộng đoàn phụng vụ long trọng xác nhận sứ vụ này khi dâng thánh lễ.

Các bài đọc trong phụng vụ của Chúa Nhật 15, Thường Niên Năm B cho chúng ta thấy rất nhiều sự thật nền tảng liên quan đến sứ vụ truyền giáo của mỗi người Kitô hữu, môn đệ Đức Giêsu.


1/ Thiên Chúa không ngừng kêu gọi mọi người làm môn đệ và sai họ đi, để nhân danh Ngài tiếp nối sứ vụ loan báo Tin Mừng của Ngài:

Ngài mời gọi mọi người, và mỗi người được Ngài gọi từ thân thế, điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, và một cách khác nhau, nhưng để thi hành chung một sứ vụ loan báo Tin Mừng: ngôn sứ Amốt trước đó là “người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung” đã được Thiên Chúa chọn làm ngôn sứ để “tuyên sấm cho Ítraen”, dân của Ngài (x.Am 7,15), mặc dù “trên lãnh thổ Ítraen và dân tộc này không còn chịu nổi bất cứ lời nào của ông ta nữa” (Am 7, 10), vì lời tuyên sấm của ông đụng chạm, và khó nghe (x. Am 7,11); Phaolô vốn là người bách hại đạo, trên đường đi Đamát tìm bắt những người tin vào Đức Giêsu Kitô đã được gọi làm tông đồ dân ngoại, và cho đến tận thế, Thiên Chúa vẫn tiếp tục kêu gọi mọi người đi theo làm môn đệ Ngài để loan báo Tin Mừng Cứu Độ.

Vì được kêu goi và sai đi thực hiện sứ vụ của Đức Giêsu là rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, người môn đệ phải nằm lòng lời căn dặn của Đức Giêsu, Đấng tuyển chọn và sai đi, là “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” làm phép rửa cho muôn dân, dạy bảo họ tuân giữ lệnh truyền, cũng như chữa bệnh, trừ quỷ. Nói cách khác, nhà truyền giáo khi loan báo Tin Mừng sẽ không nhân danh mình, hay bất cứ cá nhân, tập thể, tổ chức nào, mà chỉ nhân danh Thiên Chúa, nhân danh Đức Giêsu Kitô, vì sứ vụ của nhà truyền giáo là sứ vụ của Đức Giêsu, đã được chính Ngài trao phó để tiếp tục thực hiện cho đến tận thế (x. 28,19-20).

2/ Không ai có quyền cản trở, ngăn cấm người loan báo Tin Mừng:

Ngôn sứ Amốt đã bị Amátgia, tư tế đền thờ Bết-ên, cùng với Gia-róp-am, vua Ítraen tìm cách tống khứ khỏi lãnh thổ Ítraen, và không cho ông rao giảng trên đất nước “miền bắc” này, như lời của tư tế Amátgia nói với Amốt: “Này thầy chiêm ơi, mau chạy về đất Giuđa, về đó mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm!” (Am 7,12), nhưng Thiên Chúa Giavê đã phù hộ ngôn sứ của Ngài, và lời Ngài trở nên sự trừng phạt nặng nề trên Ítraen (x. Am 7,16-17).

Thực vậy, ngay khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, để trở thành môn đệ Đức Kitô, người Kitô hữu đương nhiên là nhà truyền giáo, người được sai đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Đức Giêsu. Sứ vụ ngôn sứ gắn liền với ơn gọi Kitô hữu, nên người Kitô hữu không chỉ có bổn phận mà còn có quyền loan báo Tin Mừng, quyền này bất khả xâm phạm, vì là quyền của Ngôi Lời Thiên Chúa ban cho môn đệ Ngài.

Qua lời Thiên Chúa dậy ngôn sứ Amốt trả lời cho nhà Ítraen: Vì không cho ngôn sứ tuyên sấm, nên “vợ ngươi sẽ đi làm điếm trong thành phố, con trai con gái ngươi sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, lãnh thổ ngươi sẽ bị phân chia từng mảnh, còn ngươi, ngươi sẽ chết trên một miền đát ô uế, và Ítraen sẽ bị đày xa quê cha đất tổ” (Am 7,17) khi vua tôi nhà này xung đột và tìm cách trục xuất Amốt ra khỏi lãnh thổ Ítraen, vì ngôn sứ tuyên sấm chống lại họ: “Gia -róp- am sẽ chết vì gươm, và Ítraen sẽ bị đày biệt xứ” (Am 7,11), cũng như qua lời Đức Giêsu truyền cho các môn đệ trong Tin Mừng Máccô: Hãy rao giảng Tin Mừng khắp mọi nơi và “bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối” (Mc 6,10-11) đã nói lên chân lý rất quan trọng, đó là không ai, cũng không thế lực nào có quyền và có thể ngăn cấm sứ vụ truyền giáo của người môn đệ Đức Giêsu, vì đây là sứ vụ nhận từ Thiên Chúa, có Thiên Chúa bảo vệ, đồng hành.


3/ Thiên Chúa tôn trọng tự do đón nhận hay khước từ Tin Mừng của mỗi người:

Nếu Đức Giêsu đã chỉ thị cho các môn đệ trên đường truyền giáo “không được mang gì đi đường … ; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng” (Mc 6,8), vì Ngài muốn bước chân truyền giáo của các vị được thanh thoát, nhẹ nhàng, mà không lấn cấn, nặng nề, vướng mắc khi đến với muôn dân. Ngài còn muốn một điều quan trọng khác nữa, đó là để các môn đệ hiểu rằng khi truyền giáo, các vị không truyền giáo với của cải, thế lực; không “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” bằng sức mạnh của vật chất, hay nhờ của cải, vinh quang thế gian hỗ trợ. Nói cách khác, nhà truyền giáo không làm áp lực trên người khác, khi loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, không mị dân bằng chiêu trò vật chất, nhưng hoàn toàn dựa vào Thiên Chúa, và đơn sơ, nghèo khó khi trông cậy vào lòng tốt và quảng đại của những người mình tìm đến gặp gỡ, và rao giảng Tin Mừng. Chẳng thế mà Đức Giêsu đã dặn dò các môn đệ khi sai họ: “Khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi”, và chia sẻ đời sống với họ một cách đơn sơ, tình nghĩa.

Thực vậy, trong công cuộc truyền giáo, Đức Giêsu không chỉ đòi nhà truyền giáo phải tự nguyện truyền giáo, mà cả người được rao giảng cũng phải tự do đón nhận Tin Mừng.

Ở nhà truyền giáo, Ngài đòi họ tự do lên đường, tự do tín thác tuyệt đối, tự do đến với mọi người mà không lỉnh kỉnh hành trang vật chất, tự do loan báo Lời Chúa mà không bị áp lực hay áp lực trên người được rao giảng. Ở người được loan báo Tin Mừng, Ngài đòi họ tự do đón tiếp, tự do giúp đỡ nhà truyền giáo thực hiện sứ vụ, tự do cộng tác trước lời mời của Thiên Chúa, tự do nghe lời giảng dậy, tự do đón nhận ơn làm môn đệ.

Quả thực, Lời Thiên Chúa mời gọi con người tự do, Lời Chúa đề nghị con ngưòi tự do, nên Đức Giêsu luôn nói với những người Ngài gặp “Lời tự do” của Thiên Chúa: “Nếu con muốn, nếu anh chị muốn”, mà không áp đảo tinh thần, hay làm áp lực dưới bất cứ hình thức nào, trên bất cứ ai.

Nguyện xin ơn Chúa tuôn đổ tràn trề, để chúng ta mở lòng đón nhận sứ vụ làm chứng nhân, và loan báo Tin Mừng, đó chính là Ơn Gọi của người Kitô hữu.

Jorathe Nắng Tím

 

https://tinmungduongpho.com/su-vu-loan-bao-tin-mung/

Read 929 times Last modified on Thứ hai, 09 Tháng 8 2021 17:33
More in this category: « Từ bỏ Phản Thầy »