02 24 X Thứ Hai Tuần XVIII Thường Niên.
(Tr) Thánh Êu-xê-bi-ô Véc-se-li, Giám mục. (Tr) Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma, Linh mục.
Ds 11,4b-15; Mt 14,13-21 (hoặc Mt 14,22-26).
Năng cầu nguyện
Cuộc đời chúng ta có lúc yên bình, nhưng lắm khi cũng gặp giông bão, khiến chúng ta sợ hãi bất an. Xin Chúa luôn ở bên che chở, chấn an và giúp ta biết chọn lựa hướng sống sao cho đúng ý Người, nhờ đó thuyền đời của ta dễ dàng vượt qua sóng gió hiễm nguy giữa biển đời trần mà đạt đến bến bờ bình an, nhờ sức mạnh ơn ban của Chúa
Trích đoạn tin mừng theo thánh Mátthêu hôm nay bắt đầu với hình ảnh Chúa Giêsu đi tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện: “Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình”, sau khi Ngài đã giảng dạy và chữa lành bệnh tật cho nhiều người. Và rồi đến cuối phân đoạn Mt 14: 22-36, Thầy Giêsu lại tiếp tục sứ vụ công khai của mình. Ta nhận ra sự đan xen giữa cầu nguyện và việc rao giảng. Thực ra sự hoà quyện giữa đời sống cầu nguyện và sứ vụ công khai này được thể hiện trong rất nhiều trích đoạn tin mừng khác nhau. Điều này chứng tỏ rằng cầu nguyện, hay cũng gọi là việc liên kết liên lỉ với Chúa Cha, gắn liền với việc rao giảng Nước Trời. Cầu nguyện và công việc bác ái tông đồ là hai yếu tố không thể tách biệt trong cuộc sống của Chúa Giêsu; và cũng là cho mỗi người môn đệ Chúa.
Cầu nguyện là gì? Câu hỏi này được nhắc đến trong nhiều tôn giáo khác nhau. Ngay cả trong Công giáo cũng có nhiều định nghĩa khác nhau về cầu nguyện.
Trong thời gian ở Tiền Tập, chúng tôi cũng đã thảo luận về câu hỏi này. Đối với một người anh em, Cầu nguyện là mối tương quan với Đấng Tạo Hóa của chúng ta; “ở đó” ta có thể giãi bày hết những suy tư, lo âu, cho một Người, tuy không hiện diện trong thể xác, nhưng ở bên cạnh ta cách thiêng liêng. Một thỉnh sinh khác nói: Cầu nguyện là một phương thức giao tiếp giữa con người và Thiên Chúa; con người mở lòng mình ra và nâng chính mình lên với Thiên Chúa. Người thứ ba nói: Cầu nguyện là một cuộc trò chuyện yêu thương giữa con người và Thiên Chúa. Như bất kỳ cuộc đối thoại nào, cầu nguyện đòi hỏi sự hiện diện. Chính Thiên Chúa kêu gọi và khởi xướng cuộc gặp gỡ trong cầu nguyện. Con người, về phần mình, đáp trả lại lời mời gọi này. Trong sự đáp trả ấy, chúng ta được mời gọi để mở rộng tâm trí và trái tim của mình nhằm nhận ra những gì Chúa đang nói với ta.
Nơi con người, luôn có sự hiện diện của Thiên Chúa; có nghĩa là mối tương quan với Thiên Chúa không phải là “một phần thêm vào”, nhưng nằm trong căn tính của mỗi người. Nếu chúng ta coi mối tương quan đó là “cầu nguyện”, chúng ta có thể nói cầu nguyện là phổ quát, nghĩa là mỗi người đều được kêu gọi sống mối tương quan với Thiên Chúa.
Tuy nhiên mỗi chúng ta được mời gọi cụ thể hóa rõ nét hơn mối tương quan sống động của chiêm niệm. Do đó trong lòng Mẹ Giáo Hội, chúng ta được thánh hiến để sống và làm chứng cho “cầu nguyện”, cho mối thân tình với Thiên Chúa. Cầu nguyện không tách biệt khỏi việc bác ái tông đồ. Mỗi người Kitô hữu được kêu gọi để đem hoa trái của đời sống cầu nguyện đến với tha nhân. Hoa trái ấy là đức mến, là lòng vị tha, là sự bao dung, vv. Như vậy, với cái nhìn của người có Chúa, mỗi việc bác ái tông đồ, dầu lớn dầu nhỏ, đều xuất phát từ mối thân tình với Thiên Chúa. Ta nhận ra sự đan xen lẫn nhau của đời sống cầu nguyện và sống tình huynh đệ với tha nhân.
Về việc cầu nguyện, nhiều người thường bỏ cầu nguyện với lý do: “Tôi bận quá không có thời giờ rảnh để cầu nguyện với Chúa”... Nhưng thật ra Chúa luôn ở bên ta, ngay trong lòng ta. Chỉ cần ta ý thức sự hiện diện của Chúa Giê-su và thưa chuyện với Người bằng một lời nguyện tắt. Tại sao mỗi ngày chúng ta có nhiều giờ đi uống cà phê tán gẫu với chúng bạn hay ngồi hàng giờ xem truyền hình… mà lại không thể bớt ra ít phút để vào sa mạc của lòng mình cầu nguyện với Chúa. Mỗi ngày chúng ta có khá nhiều cơ hội để gặp gỡ Chúa, mà vì không ý thức về sự cần thiết của việc cầu nguyện, nên ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội gặp gỡ Người. Chẳng hạn: Những lúc cửa hàng vắng khách, khi chờ đèn xanh đèn đỏ, khi bị kẹt xe hay bất ngờ nhà bị cúp điện… Thay vì bực bội khó chịu, chúng ta hãy ý thức sự hiện diện của Chúa và thưa chuyện với Người về những điều làm ta lo lắng hay đang phải đối phó.
Đôi khi Chúa để chúng ta gặp phải các tai ương, bệnh tật và đau khổ là Người muốn thử thách đức tin của chúng ta như người ta thường nói: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Cũng như dù đang cầu nguyện trên núi, nhưng Đức Giê-su vẫn dõi mắt theo con thuyền của các môn đệ đang lênh đênh trên biển cả và Người đã đi trên mặt nước để đến cứu giúp các ông, thì ngày nay Người cũng luôn quan tâm đến con thuyền Hội Thánh trong cơn phong ba bão táp hầu kịp thời ứng cứu khi cần. Nếu thực sự tin vào quyền năng của Đức Giê-su, thì chúng ta cũng sẽ không hoảng sợ khi phải đương đầu với các nghịch cảnh, vì tin rằng Chúa vẫn luôn dõi theo chúng ta và sẽ kíp thời cứu giúp chúng ta khi cần. Hãy luôn ý thức: “Có Chúa cùng đi với chúng ta, chúng ta sẽ không còn sợ chi và chắc chắn sẽ đạt đến bến bình an”.
Xin Chúa ban thêm lòng tin nơi chúng ta, để dù trong bất cứ hoàn cảnh thử thách nào, ngay cả những lúc bước đi trong đêm tối của đức tin, chúng ta cũng vẫn an tâm tiến bước trên sóng gió của biển đời. Xin Chúa thương hiện diện và đồng hành mãi với chúng ta mà hướng dẫn để chúng con biết lối tiến bước về bến bờ bình an.
Huệ Minh