Thứ Ba tuần XVIII TN Mt 14, 22-33
Lòng tin khi gặp thử thách gian nan
Trong sách Tin Mừng Matthêu, đây là sự tuyên xưng đức tin đầu tiên. Chúng ta phải giữ lại trang Tin Mừng này cho cơn bão tố sắp tới của chúng ta. Phêrô suốt đời sẽ nhớ lại điều này, khi ông sẽ bước vào những cơn giông tố khác trầm trọng hơn ở Rôma vào thời của Vua Nêrôn.
Sau khi hóa bánh ra nhiều cho dân chúng được ăn no nên trong hoang địa, Chúa Giêsu buộc các môn đệ xuống thuyền sang bờ hồ bên kia, còn Ngài thì giải tán đám đông dân chúng và lên núi cầu nguyện một mình. Các ông, đa số là những ngư phủ dày dặn kinh nghiệm, biết rằng vượt biển hồ rộng lớn trong đêm tối rất nguy hiểm. Thánh Mát-thêu không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào cho thái độ kỳ lạ của Chúa Giêsu. Chúng ta biết được nhờ Tin Mừng thứ tư: “Chúa Giêsu biết người ta sắp tôn Ngài làm vua, một lần nữa, một mình rút lui lên núi” (Ga 6: 15). Chúa Giêsu cẩn trọng tách riêng các môn đệ ra khỏi đám đông, vì sợ rằng các ông để cho mình bị đám đông lôi cuốn nẩy sinh trong lòng ước muốn tái lập vương triều Ít-ra-en. Đó không là sứ mạng của Ngài.
“Người đâu mà kém tin vậy!” Chủ đề “đức tin nhỏ bé” là một trong những chủ đề mà Matthêu không ngừng nhấn mạnh (6,30; 8,26; 14,31; 16,8; 17,20). “Người có đức tin quá nhỏ bé… bước đầu của đức tin… đức tin không hoàn hảo…” chúng ta nhận thấy mình trong cách diễn tả đức tin không phải là một đồ vật làm sẵn, có được một lần là xong. Đúng hơn đó là một “sự sống” đang tăng trưởng hoặc đang suy thoái. Đó là một “lịch sử” đang vận hành và vì là quan hệ giữa hai người nên không ngừng biến đổi.
Chúa Giêsu chấp nhận sự yếu đuối đức tin của chúng ta nhưng nmời gọi chúng ta tiến bộ. Và chính trong thử thách, trong bão tố mà “đức tin nhỏ bé, kém cỏi” của chúng ta được thẩm định và thực hành.
Ở đây đức tin được trình bày trong một bối cảnh bi đát như một cuộc chiến đấu chống lại sự hồ nghi và sợ hãi. Phêrô người tín hữu đầu tiên không được đặt lên hàng đầu vì những phẩm chất cá nhân. Chúng ta thấy ông đã hụt chân, như buổi tối mà ông đã chối Chúa ba lần sau khi hung hăng lớn tiến tuyên bố lòng trung tín (Mt 26,35.69.75)
Tuy nhiên giữa lúc hoài nghi, ông cầu nguyện: “Thưa Ngài, xin cứu con với! Kyrie eleison!”
Nhiều khi chúng ta có cảm tưởng đã bị Chúa bỏ rơi khi Người để chúng ta liên tiếp gặp phải các tai nạn rủi ro như người ta thường nói: “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Nhưng thực ra đó lại là cách Chúa dùng để huấn luyện đức tin cho chúng ta. Người muốn thử thách đức tin của chúng ta như: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức!”. Nếu gặp những tai ương hoạn nạn mà chúng ta lo lắng sợ hãi, bỏ cầu nguyện dự lễ và chạy theo bói toán, bùa ngải… thì đức tin nơi ta đã chết. Nhưng nếu chúng ta vẫn trung thành với Chúa, vẫn luôn chu toàn các việc đạo đức và càng năng xin Chúa ban ơn soi sáng để biết phải làm gì và làm như thế nào, vẫn luôn tín thác vào Chúa quan phòng… thì mới chứng tỏ đức tin của chúng ta mạnh mẽ và đẹp lòng Chúa.
Tin tưởng và luôn nhìn vào Chúa, ông Phê-rô đã có thể đi trên biển cả giống như thầy mình. Nhưng khi gió mạnh ào đến làm lung lạc đức tin, thì ông bắt đầu bị chìm xuống. Ông vội kêu lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!”. Bàn tay Đức Giê-su đã kịp thời đưa ra nắm lấy ông và đưa ông lên thuyền bình an, kèm theo lời trách nhẹ: “Người đâu mà kém tin như vậy! Sao lại hoài nghi?”
Trong cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng thế. Nếu biết đặt Chúa Giêsu ở trung tâm đời mình như một hiện diện đích thực và sống động, chúng ta sẽ được an bình nội tại, dù bên ngoài tứ bề sóng gió. Về phần mình, thánh Phê-rô là thuyền trưởng lèo lái con thuyền Giáo Hội. Để con thuyền trực chỉ hướng đến bến bờ bình an, vượt qua những phong ba bảo tố, hơn ai hết thánh Phê-rô nhận thức rằng không cậy dựa vào tài năng lèo lái của mình, nhưng đặt trọn niềm tin tưởng vào Đức Giê-su Phục Sinh: “Lạy Chúa, xin cứu con với!” (14: 30). Lời kêu cứu của thánh Phê-rô cũng là lời khẩn cầu của mỗi người chúng ta mỗi khi cần đến ơn phù trợ của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ của chúng ta: “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa”.
Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta hãy nhìn vào mình. Khi chúng ta cảm thấy tâm hồn bất an, chính là lúc chúng ta đã bỏ không nhìn lên Chúa. Khi bị chìm sâu trong các đam mê tội lỗi, là lúc chúng ta hoài nghi tình thương của Chúa và bỏ làm việc đạo đức. Chúng ta hãy noi gương thánh Phê-rô kêu cầu Chúa Giê-su: “Lạy Ngài, xin cứu con với!”. Chắc chắn Chúa sẽ đưa tay ra nắm lấy chúng ta và sẽ ban sự bình an cho chúng ta.
Như các chỗ khác trong Tin Mừng, lời tuyên tín này chắc hẳn không có giá trị như việc các môn đồ nhìn nhận tử hệ tự bản tính của Chúa Giêsu; song là nhìn nhận tử hệ theo nghĩa rộng; đây chỉ là lời công bố về thiên sai tính của Người. Tuy nhiên, có thể cộng đoàn Kitô hữu hậu-phục-sinh sau đó dùng lại lời tuyên tín của Phêrô và thêm vào ý nghĩa đầy đủ là Thánh Thần soi sáng. “Những kẻ ở trong đò” nghĩa là ở trong Giáo Hội, theo gương Phêrô và các môn đồ, tuyên xưng Chúa Giêsu thực là Người Con duy nhất của Thiên Chúa tối cao.
Hai hình ảnh về một lòng tin đã được thánh Mátthêu nối kết với nhau, như một đối trọng, nói lên sự hiện diện của “Thiên Chúa ở cùng” luôn là điều cần thiết cho các môn đệ năm xưa, cũng như cho mỗi người chúng ta hôm nay. Lòng tin của chúng ta vào Thiên Chúa như một mặt hồ phản chiếu. Có những lúc phẳng lặng trong suốt soi rõ những vẻ đẹp thiên nhiên. Nhưng nhiều khi chỉ một làn gió nhẹ làm gợn sóng, mặt hồ liền xao động, bao nhiêu vẻ đẹp đều tan biến.
Đức Tin mạnh biểu lộ qua việc năng cầu nguyện với Chúa. Tuy nhiên, chúng ta thường hay chữa mình: Tôi bận quá không có thời giờ rảnh để “vào sa mạc” mà cầu nguyện. Nhưng thật ra Chúa luôn ở bên cạnh và ở trong lòng ta. Chỉ cần thành tâm và có một chút cố gắng là ta có thể tạo ra khung cảnh sa mạc cho bản thân mình.
Huệ Minh