05 27 X Thứ Năm Tuần XVIII Thường Niên.
(Tr) Cung hiến vương cung thánh đường Đức Ma-ri-a tại Roma.
Thứ năm đầu tháng. Ngày các Linh mục.
Ds 20,1-13; Mt 16,13-23.
Vác Thập Giá Theo Chúa Giêsu
“Ngay từ thời tiên khởi, Ðức Trinh nữ đã được vinh danh với tước hiệu Mẹ Thiên Chúa, và các tín hữu đã cầu khẩn và ẩn náu dưới sự che chở của ngài trong lời cầu nguyện khi họ gặp gian nan khốn khó. Vì vậy, sau Công Ðồng Êphêsô, dân Chúa đã gia tăng lòng sùng kính Ðức Maria cách lạ lùng, trong sự kính mến, trong sự cầu khẩn và noi gương…” (Hiến chế Tín lý về Giáo hội, 66).
Đây là bức ảnh thánh của đức Nữ trinh Maria tại nhà nguyện Paulin của thánh đường này có lẽ là bức ảnh lâu đời nhất tại Rôma. Bức ảnh được gọi là “Đức Mẹ Cứu giúp của Dân Rôma” dựa trên sự kiện phép lạ trong đó bức ảnh thánh đã giữ thành phố khỏi bệnh dịch. Ảnh thánh này có tuổi đời ít nhất một ngàn năm, và truyền thống cho rằng chính thánh Luca thánh Sử khi còn sống đã vẽ ảnh này. Theo như những gì đã xuất bản tại vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, thì cácbon phóng xạ xác định được tuổi của bức ảnh thánh là khoảng 2000 năm tuổi, và như vậy nó củng cố thêm cho truyền thống.
Sau khi được xây cất lần đầu tiên theo lệnh của Ðức Giáo Hoàng Liberius vào giữa thế kỷ thứ tư, đền Liberius được Ðức Giáo Hoàng Xystô III cho xây cất lại vào năm 431 một ít lâu sau khi Công Ðồng Êphêsô xác định danh xưng của Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Sau khi được tái cung hiến cho Mẹ Thiên Chúa, Ðền Ðức Bà Cả là nhà thờ lớn nhất thế giới để vinh danh Thiên Chúa qua Ðức Maria.
Tọa lạc trên một trong bảy ngọn đồi ở Rôma, đền đã trải qua nhiều lần tu bổ mà vẫn giữ được đặc tính của một vương cung thánh đường thời xa xưa. Bên trong vẫn chia làm ba gian được ngăn cách bởi các cột lớn với đường nét trạm trổ thời hoàng đế Constantinô. Những tấm khảm từ thế kỷ thứ năm vẫn còn hiển hiện trên các bức tường là chứng tích cho sự cổ kính của đền.
Ðền Ðức Bà Cả là một trong bốn thánh đường ở Rôma nổi tiếng là các thánh đường chính được xây cất để kính nhớ các trung tâm đầu tiên của Giáo hội. Ðền Thánh Gioan Latêranô tượng trưng cho ngai tòa thánh Phêrô, tòa Rôma; đền thánh Phaolô ngoại thành Rôma tượng trưng cho tòa Alexandria, được khẳng định do thánh Máccô chủ trì; đền thánh Phêrô tượng trưng cho tòa Constantinople; và Ðền Ðức Bà Cả tượng trưng cho tòa Antiôkia, là nơi người ta cho rằng Ðức Maria sống ở đây lâu nhất.
Một truyền thuyết truyền tụng lại kể từ năm 1000 đã khiến ngày lễ này có một tên khác: Ðức Bà Tuyết. Theo truyền thuyết, một vợ chồng quý tộc người Rôma hứa dâng tặng tài sản kếch sù cho Ðức Maria. Ðể xác nhận điều ấy, ngài làm phép lạ tuyết đổ giữa mùa hè, và bảo họ xây một đền thờ ở chỗ ấy. Vào ngày 5 tháng tám hàng năm, truyền thuyết này thường được cử hành bằng cách thả hoa hồng trắng như tuyết rơi từ vòm đền thờ xuống đất.
Có lẽ chúng ta quá quen thuộc với hình ảnh của Thập giá. Nơi nào có người Kitô hữu thì nơi đó có Thập giá. Vào thời Chúa Giêsu, Thập giá là một cực hình làm cho con người khiếp sợ, tủi hổ. Hằng ngày, người Do thái chứng kiến cảnh các tội nhân vác những khúc gỗ lớn tuần hành qua các khu phố trước khi đến Núi Sọ; những khúc gỗ sần sùi ấy sẽ được sử dụng để treo chính các tội nhân.
Theo dõi Tin Mừng hôm nay, chương 16 câu 13-23, chúng ta cùng chú ý về 2 nhân vật chính trong cuộc đối thoại khá lý thú này. Đó là Chúa Giêsu và Tông đố Phê-rô.
Khi Thầy trò đến thành Xê-da-rê Philipphê, thì Chúa Giêsu hỏi các môn đệ của mình một vấn nạn mà dân chúng đang xôn xao về danh tánh của Ngài. Người ta thắc mắc và bàn luận với nhau, có kẻ cho rằng Ngài là một vị ngôn sứ thời xưa, thậm chí là Gioan Tẩy Giả mới bị trảm quyết. Điều Chúa Giêsu quan tâm không phải là danh tánh của Ngài đã được dân chúng thừa nhận hoặc suy tôn, nhưng là "còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" (c.15).
Chúa Giêsu muốn các môn đệ không nghe dân chúng xôn xao bàn luận mà ngả theo, nhưng là lập trường của chính các ông: Thầy là ai, đối với anh? Thầy ở đâu? Chiếm vị trí nào trong tâm trí, trong suy nghĩ của các anh? Các anh là những người theo Thầy bấy lâu, vậy các anh nghĩ gì về Thầy? Câu hỏi này có lẽ khiến các môn đệ dừng lại suy nghĩ không ít. Và thánh sử viết tiếp: "Simon, Phêrô lên tiếng: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (c.16).
Có lẽ bấy giờ Phêrô trả lời, nhưng chẳng hiểu mình đang nói gì hoặc ông đã trích dẫn lời Kinh Thánh của ngôn sứ Nathan trong 2 Sm7,14; bởi vì sau đó ông đã ngăn cản con đường Thập Giá của Chúa Giêsu. Và chính Chúa Giêsu cũng khẳng định rằng, lời Phêrô vừa nói ra do chính Chúa Cha mặc khải.
Ngày nay, Chúa Giêsu cũng đang tra vấn mỗi người chúng ta: "Phần con, con nói Ta là ai?", nhất là đối với những người đang làm công tác rao giảng Tin Mừng. Vì khi chúng ta xác định: Đức Kitô là ai, chúng ta là ai, thì lời rao giảng mới có thần lực, mới không bị lệch lạc. Nhiều khi mang danh là dẫn người khác đến với Chúa, chúng ta lại đưa họ đến với cá nhân chúng ta qua việc khẳng định cái tôi trong lời giảng dạy hoặc trong tổ chức lúc đó. Đức Kitô bị lu mờ trong lối sống "cha chú", ăn trên ngồi trước hoặc tư tưởng sai khiến" của chúng ta, chứ không còn là lòng yêu thương, tinh thần phục vụ và dấn thân cho người nghèo khổ.
Chúa Giêsu đã loan báo về cái chết của Ngài, đồng thời mời gọi các môn đệ Ngài cũng hãy vác Thập giá của mình để tiến bước theo Ngài. Theo Chúa Giêsu, đó là lời mời gọi cốt yếu của Kitô giáo. Vì sự nghiệp, vì lý tưởng, người ta có thể hy sinh mạng sống của mình. Một người vô tín ngưỡng có thể vì lý tưởng dám hy sinh tất cả cuộc đời của mình; thế nhưng điểm chính yếu của Tin Mừng lại là một con người, đó là Chúa Giêsu Kitô. Ðời sống Kitô giáo chỉ có thể là đời sống, nếu nó được tiếp tục nuôi dưỡng bởi con người Chúa Kitô như là nguồn mạch của sự sống.
Chúng ta ghi dấu Thánh giá trên người chúng ta, chúng ta mang Thánh giá trong người chúng ta, đó không là dấu hiệu của sự chết, nhưng là biểu dương của một sức sống của Ðấng đã chết, đã phục sinh và đang tác động trong chúng ta. Nói như thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi". Chúa Kitô sống trong chúng ta để tiếp tục và hoàn tất công trình cứu rỗi của Ngài. Chúa Kitô đã vác Thập giá và đã chết một lần, cuộc Tử nạn ấy cần phải đươc tiếp tục qua các Kitô hữu. Cũng chính thánh Phaolô đã nói: "Tôi cần phải bổ khuyết những gì còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Chúa Kitô".
Thập giá đang được vẽ lại dưới muôn nghìn hình thức. Chúa Kitô đang tiếp tục vác Thập giá với những người đang bị giam giữ một cách bất công, những người bị tước đoạt quyền sống, những người bị tra tấn và hành hạ. Chúa Kitô đang tiếp tục cuộc tử nạn của Ngài qua con người chúng ta. Người Kitô hữu chịu gian khó thử thách vì ý thức rằng Chúa Kitô đang sống trong chúng ta.
Con đường Đức Ki tô đi là con đường Thập Giá mà người tông đồ xưa đã cản và chính chúng ta ngày nay cũng cố tình "phớt lờ" hoặc né tránh. Đức Giêsu nói với Phêrô cũng là nói với chúng ta "lui lại đàng sau Thầy…" (c.23) vì đó không phải là đường lối của Thiên Chúa, không là cách thức riêng của Thầy.
Ngày nay, trên bước đường truyền giáo, người tông đồ có ngồi bên chân Chúa để kiểm duyệt lại xem đây có phải là tư tưởng của Chúa hay của cá nhân tôi? Công việc tôi đang làm có tôn vinh Chúa hay mưu cầu lợi ích cá nhân tôi? Tôi đang làm cho danh Chúa cả sáng hay làm rạng rỡ tên tuổi của tôi? "Lui lại đàng sau Thầy" là hãy bước vào con đường của Thầy giẫm lên dấu chân của Thầy. Đường của Thầy là con đường Thập Giá, là hi sinh tính mạng vì bạn hữu, là yêu đến cùng, không tính toán, vô vị lợi.
Huệ Minh