Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 05 Tháng 8 2021 13:23

Chúa Hiển Dung

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Chúa Hiển Dung


06 28 Tr Thứ Sáu Tuần XVIII Thường Niên.

CHÚA HIỂN DUNG, lễ kính.

Thứ Sáu đầu tháng. Ngày đền tạ Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu.

Không cử hành lễ cầu cho người qua đời (D2, D3), trừ lễ an táng.

Đn 7,9-10.13-14; 2Pr 1,16-19; Mc 9,2-10.

HIỂN DUNG NHƯ CHÚA

Hôm nay, Lễ Chúa Hiển Dung, bài Phúc âm thánh Matthêu nói về cuộc biến hình của Chúa Giêsu trên núi. Phêrô, Giacôbê và Gioan đã nhìn thấy khuôn mặt vinh quang của Con Thiên Chúa lần đầu tiên. Họ đã ở với Chúa Giêsu hằng ngày trong khoảng thời gian ba năm. Họ đã nhìn thấy Ngài, lắng nghe Ngài giảng dạy, chứng kiến những phép lạ Ngài làm, nhưng họ vẫn chưa thực sự nhận ra Ngài là ai.

Trong cuốn “Jésus: A Fait De Moi, Un Témoin”, “Chúa Giêsu Đang Sống Qua Nhân Chứng”, cha Emiliano Tardif chia sẻ như sau: “Một sứ giả Tin Mừng trước tiên phải là một chứng nhân có một kinh nghiệm cá nhân về sự chết và Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô và là người truyền đạt cho kẻ khác, không chỉ là một đạo lý, mà một Đấng-Vẫn- Sống đang ban sự sống dồi dào”. “Không ai có thể trở thành sứ giả đích thực của Tin Mừng, nếu người đó không có kinh nghiệm đời sống mới mà Chúa Giêsu ban cho”.

Đoạn Tin mừng hôm nay kể lại rằng: Chúa Giêsu đem Phêrô, Giacôbê và Gioan lên một ngọn núi cao và tại đó, Ngài đã biến hình trước mặt các ông. Mặt Ngài chiếu sáng như mặt trời. Áo Ngài trở nên trắng tinh như tuyết. Rồi lại có Môisê và Elia hiện ra và trò chuyện với Ngài.

Chính lúc Chúa Giêsu biến đổi hình dạng, là lúc có sự hiện diện của ông Mô-sê và ông Elia, tượng trưng cho lịch sử cứu độ. Chúng ta hãy lắng nghe các ngài đàm đạo. Theo thánh sử Lu-ca, các vị đàm đạo về cuộc Xuất Hành Người sẽ hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem (Lc 9, 31). Như thế, lịch sử cứu độ (Lề Luật và ngôn sứ) loan báo mầu nhiệm Vượt Qua và mầu nhiệm

Vượt Qua hoàn tất lịch sử cứu độ. Mà lịch sử cứu độ là gì? Là lịch sử kể lại sự hiện diện, sự quan phòng và cách dẫn đưa của Thiên Chúa giầu lòng thương xót hành trình làm người của những cuộc đời, của một dân tộc, đầy thăng trầm và tội lỗi, bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ, không chỉ từ khởi đầu của dân tộc Israel, nhưng ngay từ khởi của loài người (x. St 3). Chúng ta hãy chiêm ngắm Đức Giêsu trở nên chói lọi như mặt trời, như bản văn Tin Mừng tường thuật: “Dung nhan người chói lọi như mặt trời, và y phục người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17, 2). Như thế, chính khi lịch sử cứu độ được hoàn tất nơi ngôi vị của Đức Giêsu, dung nhan của Ngài trở nên Mặt Trời, Mặt Trời ban ánh sáng, sức nóng và sự sống: “Chẳng có chi tránh được ánh dương nồng” (Tv 19, 7).

Dưới ánh sáng của lịch sử cứu độ được hiểu như trên, chúng ta được mời gọi đọc lại và nhận ra cuộc đời chúng ta cũng là một “lịch sử cứu độ”, như kinh nghiệm thiêng liêng của hai môn đệ trên đường Emmau (Lc 24, 13-35), tuy đầy thăng trầm, tội lỗi và bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ, nhưng hướng tới Mầu Nhiệm Vượt Qua và được Mầu Nhiệm Vượt Qua hoàn tất, như thánh sử Gioan mong ước: “Những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.” (Ga 20, 31). Chính khi nhận ra hành trình làm người và hành trình ơn gọi của chúng ta, quá khứ, hiện tại và tương lai của cuộc đời chúng ta hướng tới và được hoàn tất nơi ngôi vị của Đức Kitô, đó sẽ là lúc chúng ta sẽ có được kinh nghiệm chiêm ngắm Dung Nhan chói ngời của Đức Kitô.

Vậy, trên hành trình đi theo Đức Kitô trong ơn gọi gia đình và nhất là trong đời sống dâng hiến, chúng ta hãy ước ao và xin Chúa ban cho chúng ta kinh nghiệm thiêng liêng nền tảng này: Đức Kitô trở nên chói ngời trong cuộc đời và ơn gọi của chúng ta; và ước gì cuộc sống hằng ngày của chúng ta với những đòi hỏi của ơn gọi, là lời diễn tả tâm tình vui sướng: “Lạy Chúa, chúng con ở đây, thật là hay!” Bởi vì, ánh sáng chói lòa của Chúa Giêsu trên đỉnh núi muốn nói cho chúng ta về kinh nghiệm niềm vui và hạnh phúc của lựa chọn cho đi sự sống của mình, đánh liều cuộc đời mình trong một ơn gọi, vì Đức Kitô và vì Tin Mừng, như chính Ngài đã nói sáu ngày trước (Mt 16, 24-26).

Thiên Chúa đã đưa ba tông đồ lên núi, làm họ ngã sấp mặt xuống đất, thì cũng chính Ngài, qua Đức Giêsu Kitô lại nâng họ lên: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Rồi cùng với họ đi xuống núi. Trên đường đi xuống núi lòng họ hoang mang, đầy những câu hỏi, nghi vấn, nhưng Chúa Giêsu đã nói với họ rằng: “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”. Bí mật của cuộc biến hình này tạo nên sự tin tưởng cho các tông đồ khi phải đối diện với đau khổ và sự chết của Chúa Giêsu trên thập giá và của chính các ông sau này.

Sự biến hình của Chúa Giêsu trong vinh quang chính là niềm hy vọng và tăng cường sức mạnh cho chúng ta đang khi cố gắng trung thành với Ngài giữa những cám dỗ, đau khổ và thử thách. Giống như em bé trai thống khổ trong bức tranh vẽ của Raphael, chúng ta không bao giờ thất vọng khi nhìn ngắm vào thập giá của Chúa Giêsu, mà phải luôn tìm kiếm Ngài trong vinh quang. Chỉ qua Ngài, với Ngài, và ở trong Ngài chúng ta mới chiến thắng được thế gian và ma quỉ.

Cuộc biến đổi tích cực nào cũng đòi buộc con người phải hy sinh, phải công tác vào phần của mình một cách chủ động vào trong đó. Như hạt lúa muốn trở thành cây lúa thì phải chấp nhận một sự biến đổi âm thầm trong đau đớn vì sự mục nát và thối đi của mình. Vinh quang phục sinh và phần thưởng trọng đại trên thiên quốc cũng dành cho những ai biết hy sinh quên mình, biến chấp nhận được biến đổi và thanh lọc bởi Lời của Chúa và giáo huấn của Hội thánh.

Biết trước sự yếu đuối và nhát đảm của các môn đệ, Chúa Giêsu đã cho các ông thấy và chiêm ngấm trước vinh quang của Ngài, vinh quang mà Ngài sẽ lấy lại sau khi đi vào cuộc tử nạn nhằm cứu chuộc con người khỏi vòng nô lệ của tội lỗi. Vinh quang đó cũng sẽ dành cho các môn đệ và cho tất cả chúng ta nếu chúng ta tích cực và chủ động góp phần vào chương trình cứu chuộc mà Thiên Chúa đã và đang thực hiện vì con người và cho con người

Muốn có một kinh nghiệm nào đó về Thiên Chúa, muốn gặp gỡ Ngài, nhất thiết chúng ta phải ra khỏi đời sống thường ngày xô bồ náo nhiệt và được chính Ngài dẫn dắt. Người ta vẫn nói rằng có thể và phải gặp Thiên Chúa giữa lòng cuộc sống này. Điều này không sai, và còn cần thiết cho chúng ta là những người thường xuyên sống và dấn thân giữa lòng xã hội với những vấn đề và biết bao cuộc gặp gỡ với người khác. Nhưng để có thể gặp Chúa trong cuộc đời và cộng tác với Ngài, chúng ta đã phải thường xuyên gặp Ngài trong nơi cô tịch, trong thinh lặng, riêng tư: chúng ta đã thường xuyên được Ngài bao phủ “trong đám mây sáng chói”.

Mừng Kính Lễ Kính Chúa Giêsu Hiển Dung hàng năm, Hội Thánh mời gọi chúng ta suy niệm và sống ý nghĩa của sự cần thiết ‘Hiển dung’ và ‘biến đổi’ cuộc sống hàng ngày của chúng ta nơi dương thế. Nghĩa là, Chúa thách đố chúng ta ‘biến hình’ để rồi được ‘hiển dung’ với Chúa trên Núi Thánh. Ước chi mỗi người chúng ta luôn biết cố gắng thanh luyện và biến đổi đời sống của chúng ta nên tươi tốt và đẹp đẽ hơn trong mọi hoàn cảnh. Đồng thời trút bỏ mọi cồng kềnh và lỉnh kỉnh vô ích hầu chúng ta có thể nhẹ nhõm bước đi và lên đến đỉnh Núi Thánh trên Nước Chúa Vĩnh Hằng.

Huệ Minh

Read 582 times Last modified on Thứ sáu, 06 Tháng 8 2021 15:24