(Lc 6,27-38)
Tin mừng hôm nay nhấn mạnh đến những lời Chúa Giêsu dạy về cách đối xử với kẻ thù ghét mình: đừng thù ghét, nhưng hãy yêu thương, làm ơn, chúc phúc và cầu nguyện cho họ, đừng trả đũa, nhưng hãy nhường nhịn. Đây là bài giáo lý rất tuyệt vời mà Chúa Giê-su đưa ra cho chúng ta về đức ái: hãy yêu thương tha nhân như chính bản thân mình. Tha nhân có thể là người yêu thương chúng ta, nhưng cũng bao gồm những người không thương, lại còn ghét chúng ta, thậm chí cả những người làm hại chúng ta nữa. Đó là luật yêu thương kẻ thù. Đây là một luật có tính cách siêu việt. Để thực hiện luật yêu thương này, Đức Giêsu đơn cử ra hai việc phải thực hành:
Thứ nhất “Hãy làm lành cho kẻ ghét các con”: Ở đây muốn nói: Tình yêu thương tha nhân không phải thôi không giận hờn, không báo oán nữa, nhưng phải tỏ ra bằng hành động cụ thể qua những cử chỉ rõ ràng là những việc lành như giao tiếp, giúp đỡ.
Thứ hai là “cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ”: Đây là thái độ biểu lộ tình yêu tha nhân cách tích cực: lấy điều lành đền đáp lại điều dữ. Ta có bổn phận phải yêu thương bạn hữu. Song chỉ yêu bạn thì có gì đáng thưởng. Vì cho được thưởng đời đời thì nhân đức phải bắt nguồn từ suối siêu niên. Vì thế, nếu làm sự dữ để trả ơn lành là ma quỷ. Còn làm sự lành để trả ơn lành chỉ là con người nhân loại, nhưng làm sự lành để trả sự dữ là Thiên Chúa.
Vậy người Kitô hữu không được đứng ở chỗ con người nhân loại, mà phải tiến xa hơn đến chỗ Thiên Chúa. Như thế mới xứng đáng là con cái Chúa, Đấng làm ơn lành cho kẻ ghét Ngài.
Rồi những lời dạy về cách đối xử với tha nhân cách chung: Làm ơn và cho đi mà không cần đáp trả, cư xử nhân hậu với họ, đừng xét đoán và kết án ai, và hãy tha thứ.
Lý do của tất cả cách cư xử trên là vì Cha trên trời: “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ”, “Đừng xét đoán thì các con sẽ khỏi bị Cha trên trời xét đoán, hãy tha thứ thì các con sẽ được Cha trên trời tha thứ; hãy cho thì Cha trên trời sẽ cho lại các con”.
Ngày xưa, nhiều người cũng có chủ trương như Chúa Giêsu đã dạy: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy”.
Chẳng hạnh như học thuyết của Khổng Tử: Trong vấn đề cư xử, học thuyết này giống luật báo oán của Cựu ước. Ngài dạy học thuyết: “Dĩ trực báo oán”. Nhưng sau này, các đệ tử của ngài muốn đi xa hơn, họ đã thêm vào học thuyết của ngài câu: “Dĩ đức báo oán”.
Còn Đức Phật Thích Ca: Ngài tìm phương thế giải thoát con người ra khỏi vòng đau khổ. Ngài chủ trương giáo thuyết TỪ BI, lấy từ bi làm phương châm cho mọi hoạt động, mà đã từ bi thì phải hỉ xả, do đó, ngài không chấp nhận luật công bình, mà chỉ chấp nhận luật tha thứ. Ngài nói: “Lấy oán báo oán, oán ấy chồng chất. Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan”.
Ông Mahatma Gandhi nói: “Luật vàng của xứ thế là tha thứ lẫn nhau”. Ông đã dùng thuyết bất bạo động để giải phóng dân tộc Ấn Độ khỏi ách thống trị của người Anh.
Mục sư Luther King: Trong tác phẩm của ông “Chỉ có một cuộc cách mạng”, ông nói: “Trong Tân ước, chúng ta thấy từ “Agapè” được dùng để chỉ tình yêu. Đó chính là tình yêu dồi dào không đòi một đáp trả nào hết. Các nhà thần học nói đó là tình yêu Thiên Chúa được thực hiện nơi tâm hồn con người. Khi vươn lên đến một tình yêu như vậy, chúng ta sẽ yêu hết mọi người, không phải vì chúng ta có thiện cảm với họ, cũng không phải vì chúng ta đánh giá cao lối sống của họ, chúng ta yêu thương họ vì Thiên Chúa yêu thương họ”.
Xin Chúa ban cho con quả tim của Chúa, một quả tim quảng đại, biết vươn mình lên cao, vượt lên trên mọi tình cảm tầm thường: không xét đoán, không lên án, nhưng biết mặc lấy tâm tình bao dung, tha thứ. Xin cho con biết vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen, mọi trả thù ti tiện. Xin cho quả tim con đủ lớn để có thể yêu người con không ưa, biết cầu nguyện và làm ơn cho họ. Xin cho vòng tay con luôn rộng mở để con có thể ôm cả những người thù ghét con. Xin cho con biết noi gương Chúa Cha là Đấng trọn lành và giàu lòng thương xót, để tình yêu lan toả trong cuộc sống con. Amen.
Lm Giuse Hồ Quang Hân, SDB