Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 15 Tháng 9 2021 12:24

Lòng sám hối

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Lòng sám hối


16 10 Đ Thứ Năm Tuần XXIV Thường Niên.

Thánh Co-nê-li-ô, Giáo hoàng, và thánh Sip-ri-a-nô, Giám mục, Tử đạo, lễ nhớ.

1Tm 4,12-16; Lc 7,36-50.

Lòng sám hối

Sau khi Thánh Fabian tử vì đạo thì Giáo Hội thời bấy giờ không có giáo hoàng trong vòng 14 tháng, vì sự bách hại quá mãnh liệt. Trong thời gian ấy, Giáo Hội được điều hành bởi một tập thể linh mục. Cyprian, một người bạn của Cornelius, viết lại rằng Cornelius được chọn làm giáo hoàng "bởi quyết định của Thiên Chúa và của Ðức Kitô, bởi sự chứng thực của hầu hết mọi giáo sĩ, bởi lá phiếu của người dân, với sự đồng ý của các linh mục lớn tuổi và những người thiện chí".

Trong thời gian hai năm Thánh Cornelius làm giáo hoàng, vấn đề lớn nhất thời bấy giờ có liên quan đến Bí Tích Hòa Giải và nhất là vấn đề tái gia nhập Giáo Hội của các Kitô Hữu đã chối đạo trong thời kỳ bị bách hại. Cả hai thái cực đều bị lên án. Ðức Cyprian, giám mục của Phi Châu, yêu cầu đức giáo hoàng xác định lập trường mà Ðức Cyprian chủ trương, đó là người bội giáo chỉ có thể hoà giải bởi quyết định của vị giám mục (trái với thông lệ thật dễ dãi của Novatus).

Tuy nhiên, ở Rôma, Ðức Cornelius lại gặp một quan điểm đối nghịch khác. Sau cuộc bầu giáo hoàng, một linh mục tên Novatian (một trong những người điều hành Giáo Hội) tự mình tấn phong làm Giám Mục Rôma - giáo hoàng đối lập đầu tiên. Novatian chủ trương rằng, không những người bội giáo, mà ngay cả những người phạm tội sát nhân, tội ngoại tình, tội gian dâm hay người tái hôn thì Giáo Hội cũng không có quyền tha tội! Ðức Cornelius được sự hỗ trợ của hầu hết mọi người trong Giáo Hội (nhất là Ðức GM Cyprian ở Phi Châu) để lên án chủ thuyết của Novatian, dù rằng giáo phái này kéo dài trong vài thế kỷ.

Vào năm 251, Ðức Cornelius triệu tập thượng hội đồng ở Rôma và ra lệnh những người "sa ngã" được hòa giải với Giáo Hội qua "bí tích hoà giải" thông thường.

Một tài liệu từ thời Ðức Cornelius, cho thấy sự phát triển của Giáo Hội Rôma trong giữa thế kỷ thứ ba, mà lúc ấy gồm 46 linh mục, bảy phó tế, bảy trợ phó tế. Số Kitô hữu được ước lượng khoảng 50.000 người.

Thánh Cornelius từ trần vì hậu quả của sự lưu đầy ở phần đất bây giờ là Civita Vecchia.

Thật đúng để nói rằng trong lịch sử Giáo Hội, có nhiều giáo thuyết lầm lạc được đưa ra vào một thời điểm nào đó. Thế kỷ thứ ba đối diện với một vấn đề mà ít khi chúng ta để ý đến - một khi đã phạm tội trọng thì phải sám hối trước khi giao hoà với Giáo Hội. Những người như Thánh Cornelius và Thánh Cyprian, là công cụ của Thiên Chúa để giúp Giáo Hội tìm ra con đường khôn ngoan giữa hai thái cực của sự nghiêm khắc và sự lỏng lẻo. Họ là những phần tử của một Giáo Hội truyền thống đầy sinh động, nhằm đảm bảo tính cách liên tục của những gì đã được Ðức Kitô khởi sự, và lượng giá những cảm nghiệm mới qua sự khôn ngoan và kinh nghiệm của những người đi trước.

Giáo Hội hôm nay cũng tôn vinh thánh Síp-ri-a-nô,giám mục. Thánh nhân sinh vào năm 200 tại Phi Châu trong một gia đình ngoại giáo, giầu sang,phú quí. Với, dòng dõi quí phái, Ngài chắc chắn có một chỗ đứng vững chắc trong xã hội lúc đó. Nhưng không, Ngài đã trở lại đạo công giáo và với ơn Chúa thúc đẩy, thánh nhân đã bán hết gia sản,phân chia cho người nghèo khó đúng như lời Chúa nói trong bài giảng trên núi: "Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó." và cũng đúng lời Chúa thúc giục chàng thanh niên giầu có:" Anh hãy về bán hết của cải,phân chia cho người nghèo.".

Thánh nhân đã thực hiện lời Chúa cách triệt để vì thế mới theo Chúa có một năm, lòng nhiệt thành truyền giáo của Ngài đã vang dôi khắp nơi,được rất nhiều người biết tới.Thánh nhân được gọi lên chức linh mục và sau đó được đề cử giữ chức giám mục thành Carthage.Phi Châu lúc đó sống trong lo sợ vì bạo vương Ðêciô ra tay triệt để tàn sát các người công giáo. Giữa hoàn cảnh cực kỳ khó khăn như vậy, Ðức Cha cảm thấy phải đảm bảo an toàn, điều khiển Giáo phận âm thầm hơn là đương đầu với kẻ thù cách vô ích. Ngài đã rút vào nơi bí mật để điều khiển Giáo phận. Ngài đã viết nhiều thư mục vụ luân lưu để khích lệ các Kitô hữu đang bị giam cầm, can đảm,trung thành với Giáo Hội và những kẻ chối đạo trở về với Hội Thánh. Cuộc cấm đạo và bắt bớ tạm yên, Ngài phải lo kiếm tiền,kiếm của cải để giải thoát cả trăm ngàn Kitô hữu giáo phận của Ngài đang bị bắt làm nô lệ.Thánh nhân phải đương đầu với bè rối Novatianô và đã viết nhiều sách kêu gọi họ quay trở về với Giáo Hội.

Valêrianô vào năm 257,ban hành sắc lệnh cấm đạo lần nữa cách gay gắt hơn. Thánh nhân bị bắt và bị đầy ở đảo Curubi . Thánh Síp-ri-a-nô bị buộc dâng hương tế thần,Ngài nhất quyết từ chối.Ngày 14/9/258,thánh nhân được phúc tử vì đạo.

Tin Mừng hôm nay ghi lại một phiên tòa; phiên tòa này không có luật sư biện hộ, không có bản án được đọc lên, nhưng kẻ được ân xá ra về với bình an trong tâm hồn.

Có được bình an trong tâm hồn là điều quí giá nhất Chúa Giêsu mang lại cho con người. Nhưng để có được bình an ấy, điều kiện tiên quyết là con người phải có lòng sám hối. Sám hối vốn là nội dung chủ yếu trong sứ điệp của Chúa Giêsu. Lời đầu tiên của Ngài khi bắt đầu sứ vụ công khai là: "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng". Ngài đến là để khơi dậy lòng sám hối của con người; Ngài đến là để hòa giải tội nhân với Thiên Chúa. Cái chết của Ngài trên Thập giá không phải là cái chết của nhà cách mạng hay chính trị gia, mà thiết yếu là để đền bù tội lỗi con người.

Người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay đã nhận ra sự cần thiết của sám hối. Bất chấp những lời dị nghị, bất chấp sự khinh bỉ của người xung quanh, bà đã thể hiện một cách chân thành và trọn vẹn lòng sám hối của mình. Chúa Giêsu đã nói lên ý nghĩa hành động của người phụ nữ này như sau: "Bà đã được tha nhiều, vì bà đã yêu mến nhiều". Càng cảm nhận được ơn tha thứ, con người càng được thôi thúc thể hiện lòng yêu mến nhiều hơn.

Lịch sử Giáo Hội được tô điểm bằng lòng sám hối thể hiện qua tình mến. Cuộc đời của bất cứ vị thánh nào cũng đều bắt đầu bằng lòng sám hối, nghĩa là ý thức sâu xa về tội lỗi của mình. Nhưng sám hối không chỉ là ý thức về tội lỗi của mình. Có lẽ không ai ý thức được hành động phản bội của mình cho bằng Yuđa, nhưng ý thức ấy chưa hẳn là sám hối. Phêrô cũng đã chối Thầy, nhưng nơi ngài lòng sám hối không chỉ dừng lại ở ý thức tội lỗi, nhưng đã biến thành tình yêu thương; Phêrô đã nói lên lòng sám hối bằng ba lần thưa với Chúa: "Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa".

Người ta thường nói đến cuộc khủng hoảng về đức tin. Trong thực tế, khủng hoảng đức tin cũng chính là khủng hoảng về lòng sám hối. Khi con người đánh mất ý thức về tội lỗi, con người cũng không còn cảm nhận được thế nào là ơn tha thứ của Chúa, và dĩ nhiên cũng đánh mất sự cảm thông và tha thứ đối với người khác. Thái độ khoan nhượng của con người chỉ xuất phát từ ý thức về nỗi bất toàn và sự tha thứ mà mình cảm nhận được. Xét cho cùng, bác ái chính là hoa trái của lòng sám hối: càng cảm thấy mình được yêu thương và tha thứ, con người càng được thúc đẩy để tha thứ và yêu thương.

Với tình yêu Chúa chân thành, thì một cử chỉ nhỏ mọn cũng trở thành của lễ dâng đẹp lòng Chúa. Vậy, mỗi lần đọc kinh, dâng lễ, hay làm những nghĩa cử chia sẻ cho người khác, hoặc làm những việc khổ chế thân xác để bày tỏ lòng sám hối ăn năn, hay bất cứ việc nhỏ bé nào, bạn hãy làm vì lòng mến Chúa. Thánh Phaolô nhắc bạn rằng giả như bạn có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác để thiêu đốt, mà không có lòng mến, thì chẳng ích gì (1Cr 13,3).
Huệ Minh

Read 371 times Last modified on Thứ sáu, 17 Tháng 9 2021 06:40