Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 14 Tháng 9 2021 12:25

Bi thương nhưng không mất đường hy vọng

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Bi thương nhưng không mất đường hy vọng


15 09 Tr Thứ Tư Tuần XXIV Thường Niên.

Đức Mẹ sầu bi, lễ nhớ.

Lễ nhớ có bài đọc riêng:

Hr 5,7-9; Ga 19,25-27 hoặc Lc 2,33-35.

Bi thương nhưng không mất đường hy vọng

Liền sau lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa được mừng hàng năm vào ngày (14/09) là lễ kính Ðức Mẹ Sầu Bi (15/09), chúng ta không thể nào tách rời Mẹ Maria ra khỏi thập giá Chúa. Danh gọi lễ kính Ðức Mẹ Sầu Bi có thể làm chúng ta dễ hiểu lầm chỉ nghĩ đến khía cạnh sầu bị, đau buồn mà quên đi khía cạnh tích cực được tham dự vào sự đau khổ có sức mạnh cứu rỗi của Thiên Chúa. Mẹ Maria âm thầm dâng hiến chính mình cùng với hy tế của Con, được lãnh nhận đặc ân là tham dự vào cuộc cứu rỗi trở nên người Mẹ của toàn thể nhân loại.

Hôm nay, chúng ta cùng với toàn thể Giáo hội mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi. Ngẫm nghĩ đến việc mừng lễ Đức Mẹ sầu bi, dường như ta cảm thấy có cái gì đó kỳ kỳ, không ổn thì phải! Đời thuở nhà ai lại đi ăn mừng lễ một người mẹ khi người mẹ đó gặp cảnh sâu thảm, bi thương vì phải chứng kiến cái chết của con mình bao giờ! Ở trong nỗi khổ đau, sầu bi thì làm sao có cái gì để mà ăn mừng?!

Thực ra, hôm nay mừng lễ Đức Mẹ Sâu Bi, Giáo hội nhắc nhớ cho chúng ta biết về giá trị của hạnh phúc, giá trị của niềm hy vọng trong chính nỗi khổ đau và chết chóc. Ngay ở bài đọc 1 trích trong thư gửi tín hữu Do thái hôm nay, chúng ta được nhắc nhớ về niềm hy vọng trong đau thương, hoạn nạn. Tác giả thư Do thái viết: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Chúa Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính”.

Suy gẫm đoạn lời Chúa này, bấy lâu nay ta không khỏi thắc mắc: Chúa Giêsu Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà xin Cha Ngài khỏi phải chết và rõ ràng tác giả thư Do thái bảo rằng Ngài đã được nhậm lời! Nhưng thực tế, Chúa Giêsu vẫn phải chết tức tưởi trên thập giá! Vậy nghĩa là sao?

Lời kêu xin của Chúa Giêsu đã được Thiên Chúa Cha chấp nhận ở chỗ: Thiên Chúa Cha đã cho Ngài được bình an đón nhận cái chết, và đón nhận cái chết với một niềm tin tưởng, hy vọng, chứ không thất vọng ê chề. Trong đời sống thường ngày, chúng ta đã từng chứng kiến hoặc kinh nghiệm được rằng trước những tai ương, hoạn nạn, khổ đau, nhiều người chưa kịp chết về đàng thân xác, nhưng đã bị hoạn nạn, khổ đau giết chết về đàng tinh thần rồi! Đối với Chúa Giêsu thì khác, hoạn nạn, khổ đau có thể giết chết Ngài về đàng thân xác, nhưng tinh thần của Ngài không bao giờ bị vùi dập, bị giết chết. Tâm hồn Ngài vẫn tràn trề niềm cậy trông và phó thác vào Cha Ngài.

Với Mẹ Maria cũng vậy, dù phải đứng dưới chân thập giá và phải chứng kiến cái chết thảm thương của con Mẹ là Chúa Giêsu, nhưng lòng mẹ vẫn ngập tràn niềm tín thác vào quyền năng và tình thương của Đấng Tối Cao. Về mặt xác thịt con người, chắc chắn lòng mẹ không khỏi tan nát, buồn đau, nhưng trong lòng tin, Mẹ vẫn có được niềm hy vọng hướng về tương lai tươi sáng của sự phục sinh vinh hiển của con Mẹ.

Mẹ Maria không tránh né đau khổ nhưng sẵn sàng đứng bên cạnh con cùng dâng hiến với con trong âm thầm và như vậy được thông phần vào ơn cứu rỗi. Mẹ đã âm thầm nhưng rất mực trung thành hành trình bên cạnh Con Mẹ luôn luôn trong mọi lúc, lúc Con Mẹ mới bắt đầu công việc rao giảng, trong khi rao giảng Tin Mừng và giờ đây kết thúc quan trọng trên thập giá, trên đồi Golgotha.

Mẹ Maria không chỉ là một tấm gương hay là một thí dụ điển hình cho chúng ta. Hơn thế nữa, Mẹ luôn đứng ngay bên cạnh chúng ta trong những lúc sầu khổ và khó khăn của cuộc sống. Là người Mẹ của chúng ta trên Thiên Đàng, Đức Mẹ Sầu Bi luôn an ủi và giúp chúng ta đi qua những giây phút khó khăn trong đời sống. Là Mẹ của Giáo Hội, Đức Mẹ Sầu Bi có thể hiểu được những gì chúng ta đang hoặc sẽ trải qua.

Điều này làm cho chân thánh giá trở thành một nơi chốn tốt đẹp để chúng ta tiếp cận với Đức Mẹ Sầu Bi, mỗi khi chúng ta bị xáo trộn bởi những nỗi lo buồn, thì Mẹ Maria có thể an ủi và giúp chúng ta, thí dụ như: Khi con chúng ta bị bạn bè trêu trọc nơi học đường và bị tổn thương tình cảm, Đức Mẹ Sầu Bi có thể giúp chúng ta và con chúng ta tin tưởng rằng Thiên Chúa bằng một cách nào đó sẽ mang lại một sự bình an. Hoặc lúc chúng ta phải thức suốt đêm khi đứa con bị bệnh, Đức Mẹ cũng sẽ thức trắng đêm với chúng ta.

Mẹ Maria đã không có thể chạy trốn hoặc có thể làm giảm đi nổi đau khổ của mình khi Mẹ đứng dưới chân thập giá của Chúa Giêsu. Và đó là điểm mà chúng ta được mời gọi để suy tư. Đức Mẹ đã không cố gắng chối bỏ và không chịu chấp nhận những giây phút đau đớn của sự mất con. Ngược lại Mẹ đã chấp nhận “thập giá” của mình nơi núi sọ; với niềm tin tưởng rằng bằng cách nào đó Thiên Chúa sẽ mang sự cứu rỗi cho nhân loại qua cái chết đau thương của đứa con trai của mình.

Bằng cách này Mẹ Maria cho chúng ta thấy Mẹ đã đón nhận ý của Thiên Chúa như thế nào, cho dù điều đó sẽ làm cho mẹ không vui. Qua việc làm này Mẹ Maria cho chúng ta thấy được ân sủng của Thiên Chúa làm việc như thế nào trong những lúc sầu khổ.

Vì lẽ đó, hôm nay chúng ta mừng lễ với Mẹ: Vui mừng với Mẹ, vì khi gặp nỗi khổ đau tột cùng là phải chứng kiến cái chết thê thảm của con Mẹ, Mẹ vẫn không để nỗi khổ đau ấy bóp chết con tim yêu mến và ngập tràn hy vọng của Mẹ.

Sống ở đời này, ai trong chúng ta cũng phải kinh qua đau khổ. Ta không đau khổ vì điều này thì sẽ đau khổ vì điều khác. Đau khổ vì bệnh tật, vì nghèo đói, vì bất công, vì thiên tai, vì nhân tai. Đau khổ vì bị tù đầy, bị kỳ thị, bị khinh khi, miệt thị. Và đau khổ lớn nhất của thân phận nhân loại chúng ta đó là vì sự chết chóc đau thương. Nhưng đứng trước mọi nỗi đau khổ, Lời Chúa hôm nay mời gọi ta hay đón Đức Mẹ về nhà mình, đón Mẹ về với tâm hồn mình để Mẹ dạy cho ta con đường tin yêu, hy vọng ngay trong nỗi đau khổ tột cùng.
Huệ Minh

Read 537 times Last modified on Thứ năm, 16 Tháng 9 2021 06:42