Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 13 Tháng 9 2021 08:34

Tôn thờ Thánh Giá

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Tôn thờ Thánh Giá


14 08 Đ Thứ Ba Tuần XXIV Thường Niên.
SUY TÔN THÁNH GIÁ, lễ kính.

Không cử hành lễ cầu cho người qua đời (D2, D3), trừ lễ an táng.

Ds 21,4b-9; (hoặc Pl 2,6-11); Ga 3,13-17.

TÔN THỜ THÁNH GIÁ

Người Công Giáo tôn thờ Thánh Giá, điều đó mọi người đều biết. Thập tự là biểu hiệu (logo) của Thiên Chúa giáo, cũng như chữ Phạn của Phật giáo, trăng lưỡi liềm của Hồi giáo, hay búa liềm của Cộng Sản. Những biểu tượng này được những người theo tôn giáo hay học thuyết đó quí trọng và đề cao, điều đó cũng là lẽ thường tình. Thế nhưng người Công Giáo suy tôn Thánh Giá, tôn thờ Thánh Giá, chắc hẳn không chỉ đơn thuần là tôn thờ một biểu tượng, càng không phải tôn thờ đau khổ và chết chóc, cũng chẳng phải tôn thờ một báu vật gợi nhớ một kỷ niệm xa xưa.

Phụng vụ Giáo hội hàng năm, dành ngày 14 tháng 9 để mời gọi con cái mình cử hành lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa Giêsu với niềm vui vì được ơn cứu độ. Ngày này, Thánh Giá được trình bày không phải dưới khía cạnh khổ đau, hay nặng nề thiết yếu của cuộc sống cần phải vác theo Đức Kitô, nhưng dưới khía cạnh vinh quang, như cái cớ để những người tin vào Chúa Giêsu tự hào và không có khóc lóc.

Thánh Giá, một khí cụ man rợ và khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại người Do thái dùng làm hình khổ để đóng đanh Chúa Giêsu, nhưng Người đã biến nó thành phương thế để cứu độ thế gian. Từ đó, Thánh Giá trở nên Niềm Hy Vọng độc nhất trong Vinh Quang toàn thắng của Đức Kitô, ban tặng cho con ngươi hồng ân tha thứ và mọi phúc lành. Vì thế, “chúng ta phải hãnh diện về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nơi Người, ta được giải thoát, được sống và được sống lại; chính Người giải thoát và cứu độ ta”

Trong lịch sử cứu độ, con rắn được nhắc đến lần đâu tiên trong Sách Sáng Thế và lần cuối cùng là trong Sách Khải Huyền. Rắn là loài vật mà theo Kinh Thánh mang một biểu tượng mạnh mẽ của sự nguyền rủa, của tội lỗi (St 2,) và một cách mầu nhiệm cũng là biểu tượng của sự cứu chuộc.

Trong hành trình sa mạc. Dân chúng không muốn đi trong cảnh lương thực ít ỏi như thế nữa. Họ kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê. Chúa cho rắn bò ra làm hại những kẻ cứng lòng không tin, để gieo rắc sự sợ hãi và cái chết cho đến khi dân chúng biết chạy đến nài xin Môsê sự tha thứ. Thiên Chúa lại truyền cho Môsê đúc một con rắn đồng treo lên cây gỗ, để tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống. Thật là mầu nhiệm, mầu nhiệm ở chỗ : Khi dân hối hận, Thiên Chúa không giết chết các con rắn, nhưng Ngài để chúng đó. Nếu có con rắn nào làm hại dân chúng, chỉ cần họ nhìn lên con rắn đồng thì sẽ được cứu. Giương cao con rắn lên.

Con rắn tượng trưng cho tội lỗi. Con rắn giết hại người ta nhưng nó cũng chữa lành. Và đó chính là mầu nhiệm của Đức Kitô. Thánh Phaolô nói: “Đức Giêsu là Đấng chẳng biết tội là gì, thì Thiên Chúa lại biến Người thành hiện thân của tội.” Như vậy cách nào đó, Chúa Giêsu chính là con rắn được giương cao lên. Bài đọc I ngày lễ chất chứa cái nhìn có tính tiên tri: Chúa Giêsu như là hình ảnh con rắn,” hiện thân của tội lỗi”, đã được giương cao lên để cứu độ con người. (Trích bài giảng lễ thứ ba n 15/03/2016, tại nguyện đường Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô).

Người Do Thái đã kết án Chúa Giêsu khổ hình thập giá. Người đã chịu chết trên thập giá để biểu lộ tình yêu thương của Chúa đối với nhân loại. Trải qua hơn 20 thế kỷ, con người vẫn không ngừng ghen ghét sát hại những người tin Chúa. Thập giá ngày hôm nay vẫn đang hiện diện nơi cuộc đời, khi con người đối xử tệ bạc với nhau. Thập giá hiện diện nơi gia đình khi sự chung thủy và tình yêu bị phản bội. Thập giá hiện diện nơi cộng đoàn giáo xứ khi mọi người chia rẽ và thù ghét nhau. Thập giá hiện diện nơi cuộc đời, khi con người đối xử với nhau bằng mưu mô tính toán và ích kỷ hẹp hòi. Thập giá vẫn còn đó và chúng ta được mời gọi hãy mang thập giá cho nhau bằng cách hãy sống với nhau cách trung thực, nhân hậu. Đừng tăng thêm gánh nặng cuộc đời cho anh chị em mình, vì cuộc đời đã là một gánh nặng khó vác.

Khi suy tôn Thánh Giá, Giáo hội, Hiền Thê yêu dấu nhìn lên Thánh Giá nơi treo Chúa Giêsu vị Phu Quân của mình, chân tay đanh nhọn đâm thâu, cạnh sườn lưỡi đòng đâm thủng, máu cùng nước chảy ra làm cho Giáo hội nhớ đến ngày mình được sinh ra từ cạnh sườn Chúa với tất cả tình yêu, lúc Chúa ngủ trên Thánh Giá. Bởi theo thánh Ambrosiô, lúc Ađam đang ngủ Thiên Chúa đã lấy xương sườn của ông để tạo dựng Evà thế nào, thì lúc Chúa Giêsu chết nằm trên Thánh Giá, Giáo hội cũng được sinh ra từ Trái Tim bị đâm thủng của Chúa Giêsu như vậy, và Giáo hội tưởng nhớ đến tình yêu dâng trào ấy.

Lễ Suy tôn Thánh giá mời gọi chúng ta chiêm ngắm tình yêu vô tận của Thiên Chúa. Một tình yêu tự hạ để đến và sẻ chia với thân phận con người. Một tình yêu tự nguyện để đồng hành và thấu hiểu nỗi thống khổ của phận người. Một tình yêu tự hiến để hàn gắn tình nghĩa phụ tử của Thiên Chúa với con người.
Suy tôn Thánh giá không chỉ dừng lại ở việc nhận ra tình yêu hải hà của Thiên Chúa trên cuộc đời mình, mà còn mời gọi mỗi người chúng ta sống tình yêu đó một cách triệt để và cụ thể nơi cuộc sống hằng ngày. Để ngang qua đời sống chứng nhân đó, hình ảnh một Thiên Chúa đầy tình yêu thương và giàu lòng thương xót đến được với nhân loại đang quặn mình trong đau khổ và tội lỗi.

Giáo Hội luôn coi việc suy tôn Thánh Giá và cử hành Thánh Thể là trung tâm điểm của đời Ki-tô hữu; và điều đó thật là chí lý. Nhưng luôn có nguy cơ là tôi có khuynh hướng hạ thấp việc suy tôn đó xuống tầm một việc đạo đức mà thôi. Suy tôn Thánh Giá là một tuyên xưng niềm tin – cậy – mến thâm sâu nhất, và cần được biểu lộ hữu hình dưới hinh thức bí tích của cử hành Thánh Thể, rồi sau đó bằng chính đời sống hiện sinh của tôi trong cuộc sống thường nhật.
Huệ Minh

Read 208 times Last modified on Thứ tư, 15 Tháng 9 2021 12:20