Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 29 Mùa Thường Niên
Posted by Ban Biên TậpTin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 10, 35-45 )
Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: "Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy". Người hỏi: "Các con muốn Thầy làm gì cho các con?" Các ông thưa: "Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy". Chúa Giêsu bảo: "Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?" Các ông đáp: "Thưa được". Chúa Giêsu bảo: "Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định".
Mười môn đệ kia nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: "Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người".
Suy niệm
Con người luôn mong muốn tìm gặp sự thiện, điều tốt lành. Đức Giesu xuất hiện trong vai trò là Đấng Cứu Thế, đã giới thiệu cho con người con đường tới Đấng Toàn thiện là Thiên Chúa. Bước vào con đường đó không phải để chiếm đoạt quyền bính, để tích góp nhiều của cải hay có trong tay địa vị giữa cuộc sống, nhưng bước vào con đường đó là phải từ bỏ, phải cúi xuống, phải phục vụ và hy sinh. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ 29 thường niên gợi lên hình ảnh người bộ hành trên hành trình tìm về với Thiên Chúa, sẽ là người trở nên rốt hết, trở nên nhỏ bé và hủy mình ra không. Đức Giesu, người khởi xướng hành trình đó, đã vâng lời Chúa Cha, đã từ bỏ ngai vàng thiên quốc, xuống làm người, trở nên một con người như bao người, ngoại trừ tội lỗi, đã cúi xuống và trở nên đầy tớ cho mọi người. Vì thế, Ngài đã được trọng thưởng trên trời, và hôm nay, Ngài mời chúng ta bước vào hành trình đó trong tâm tình cúi xuống phục vụ.
Cuộc đời của tiên tri I-sa-i-a là một bức tranh kiểu mẫu về người tôi tớ phục vụ sẽ như thế nào. Ông đã vâng lời Thiên Chúa, lên đường trong sứ vụ mới, đối diện với muôn vàn thăng trầm, khổ đau và hiểu lầm cũng như bắt bớ. Trải qua những tháng ngày như thế, tiên tri I-sa-i-a cách nào đó nhìn ra hình ảnh người tôi tớ đau khổ trong vòng tay Thiên Chúa ra sao: “Chúa đã muốn hành hạ người trong đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn, và nhờ người, ý định của Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi khổ tâm của người, người sẽ thấy và sẽ được thoả mãn”. Trong tâm tình phục vụ và hy sinh, ông cảm thấy như ngụp lặn trong hạnh phúc của Thiên Chúa ngang qua đau khổ và nhiều thăng trầm giữa cuộc đời. Và đó cũng là tâm tình gởi đến cho các môn đệ Đức Giesu đang đối diện với một xã hội thực dụng và đầy những hấp lực của thế gian.
Chiêm ngắm cuộc đời của Đức Giesu đã để lại trong tâm hồn bao nhiêu người tâm tình cúi xuống và phục vụ tha nhân như thế nào. Tác giả thư gởi tín hữu Do thái là một trong số những người đã cảm nghiệm điều đó khi ông viết lên trong lá thư rằng: “Anh em thân mến, chúng ta có một Thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có vị Thượng tế không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi”. Một Đức Giesu cúi xuống và hy sinh, không đi tìm vinh quang cho mình, không đi tìm địa vị cho bản thân, chỉ với một mong muốn duy nhất là quy tụ mọi con cái về cùng một mái ấm gia đình của Thiên Chúa, Ngài đã trở nên nghèo khó, trở nên nhỏ bé và trở nên người đầy tớ phục vụ anh chị em để dẫn đưa họ về trời vinh quang.
Tranh giành địa vị và quyền bính trong cuộc sống, vẫn mãi là một vấn nạn gây ra bao chia rẽ, bao hận thù và chiến tranh, bao đau khổ và chết chóc giữa gia đình nhân loại. Câu chuyện về hai người con ông Zê-bê-đê được tác giả thánh Mac-cô ghi lại, là một vấn nạn hiện hữu giữa cộng đoàn môn đệ của Đấng Cứu Thế. Thầy mình thì cúi xuống, hy sinh để phục vụ, trò thì muốn tìm địa vị và quyền bính, hai thái cực, hai quan niệm sống trái ngược nhau: “Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: "Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy". Người hỏi: "Các con muốn Thầy làm gì cho các con?" Các ông thưa: "Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy". Mong muốn được chỗ nhất bên cạnh Thầy hôm nay và ngày mai, là ước mơ không chỉ của hai ông mà hầu như là cả nhóm môn đệ, vì thế, các ông đã tranh luận gắt gao, đã nảy ra xung đột nội bộ. Câu chuyện này chắc chưa chấm dứt vào thời đó, nhưng nó âm thầm đi theo dòng chảy của lịch sử con người và lịch sử Giáo hội. Đây là một vấn nạn không thể chấp nhận được đối với Đấng Cứu Thế, Đấng đã trở nên con người, và hơn nữa đã cúi xuống phục vụ con người cho đến chết. Ngài nói cho các môn đệ hiểu phần nào mục đích Ngài đi vào thế gian là để cứu độ con người, chứ không đi tìm địa vị và vinh quang: “ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người".
Mỗi lần nhận được một thông điệp hay một tông thư của Đức Giáo Hoàng, chúng ta thấy Ngài nhận mình là tôi tớ của mọi tôi tớ. Một thái độ cúi xuống như Thầy Chí Thánh. Giáo hội là một gia đình của Thiên Chúa, là một gia đình của người nghèo, nơi đó con người được tôn trọng và yêu mến như nhau, nơi đó, có bao nhiêu người đang âm thầm phục vụ tha nhân cách này cách khác, chứ Giáo hội không ban phát địa vị, Giáo hội không tìm vinh quang trong quyền bính và cũng không mong được ngồi chỗ này, chỗ kia theo kiểu thế gian. Giáo hội đang tìm mọi cách để phục vụ con người, đặc biệt là các bí tích, là Thánh lễ, và những quyền tối thiểu của con người. Dù bên ngoài có vẻ giống một tổ chức của xã hội, nhưng Giáo hội là ngôi nhà của Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa, Ngài đang hướng dẫn Giáo hội đi trong ánh sáng của đức tin và Lời Chúa, đặc biệt trong một thế giới luôn suy tôn vật chất, địa vị và quyền bính.
Thấu hiểu và cảm thông với nỗi đau của con người, Giáo hội dành những lời cầu nguyện đặc biệt và những Thánh lễ đầy niềm tin, để cầu nguyện cho con cái, cho các bệnh nhân, cho các Bác sĩ, nhân viên y tế và bao nhiêu người khác đang là nạn nhân của đại dịch Cô-vid. Nếu không cúi xuống, nếu không sống tâm tình của Thầy Chí Thánh, chắc hẳn Giáo hội không thể chia sẻ với tha nhân những đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần. Đó là những bài học Thầy Chí Thánh đã dạy dỗ Giáo hội khi Ngài thiết lập. Và hôm nay, Đức Giesu mong muốn Giáo hội hãy cúi xuống phục vụ anh chị em đau khổ, nghèo đói và bệnh tật, phục vụ các linh hồn trong tâm tình tôn trọng, yêu thương và cảm thông. Đó cũng là tâm tình của ngày Chúa nhật 29 thường niên này, với một thánh lễ sốt sắng và chân thành, Giáo hội tin rằng Thiên Chúa sẽ nguôi cơn thịnh nộ, lau khô mọi giọt lệ và xoa dịu mọi nỗi đau của nhân loại, tha thứ mọi lầm lỗi cho các linh hồn, không phân biệt tôn giáo, màu da hay chủng tộc, đưa họ về gia đình của Thiên Chúa là Nước Trời.
Lạy Chúa Giesu, Chúa đã từ bỏ vinh quang trời cao đến với con người vì yêu thương, để cứu độ con người trong tâm tình phục vụ và hy sinh tất cả, xin cho chúng con luôn tâm niệm bài học phục vụ của Chúa, luôn thực hành những gì Chúa dạy cho người môn đệ đích thực là cúi xuống, là hy sinh, là phục vụ. Chúa đã được Chúa Cha trọng thưởng sau khi chu toàn bổn phận của người đầy tớ trung thành, xin Chúa cũng trọng thưởng cho những ai đã phục vụ anh chị em của mình, cách này cách khác, để họ được sống trong tình yêu thương của Thiên Chúa ngay từ hôm nay, và mai ngày trên nước trời. Amen.
Lm Phêrô Trần Bảo Ninh