Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 30 Mùa Thường Niên-Khánh Nhật Truyền Giáo
Posted by Ban Biên TậpTin mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Marco (Mc 16, 15-20)
Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.” Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
Suy niệm
Hàng năm, vào ngày Chúa nhật thứ ba trong tháng 10, Mẹ Giáo hội dành riêng để cầu nguyện cho việc truyền giáo, một công việc như gắn liền với mọi sinh hoạt của Giáo hội, hơn nữa, đó cũng là bản chất của Giáo hội Công Giáo. Nhắc tới việc truyền giáo, nhiều người chỉ dừng lại một suy nghĩ, đây là công việc của các Giáo sĩ, các Tu sĩ và các nhà truyền giáo đặc biệt, thế nhưng, đọc lại bài tin mừng của ngày lễ đặc biệt này, chúng ta nghe lại lời mời của Đấng Phục Sinh trước khi về trời, đã nhắn gởi các môn đệ của Ngài là các Tông đồ, và chúng ta hôm nay, những môn đệ của Đức Giesu, để biết rằng, việc truyền giáo là bổn phận của mọi người, vì thế, những ai được gọi là Kito hữu sẽ tiếp bước các Tông đồ, đi vào giữa lòng thế giới, để gieo niềm vui và hy vọng, để làm tan chảy mọi oán hờn, để xây dựng tình gia đình thiêng liêng của Thiên Chúa trong cộng đoàn, giữa cuộc sống xã hội hôm nay.
Sau khi bị đoạn tuyệt với Thiên Chúa, tổ tiên con người bước đi trong bóng đêm của tội lỗi và sự chết, chặng đường phía trước đầy những thử thách, đặc biệt là những cạm bẩy của tội lỗi. Thế nhưng, khi đuổi con người ra khỏi mối tình thân thiện, Thiên Chúa không từ bỏ con người, Ngài đã hứa sẽ cứu thoát con người, đưa con người ra khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi, trở thành con người tự do. Các tiên tri đã loan báo về ngày của Chúa đang đến gần, ngày cứu độ muôn dân luôn trông đợi. Tiên tri I-sa-i-a đã nối tiếp lời tiên báo đó với tâm tình an ủi, khích lệ mọi dân tộc, hãy đứng lên, hãy cố gắng đợi trông: “Ðứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Ðức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi. Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Ðức Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước”. Dân Do thái được coi là dân riêng của Thiên Chúa, vì thế, họ có trọng trách giới thiệu cho muôn dân biết về ơn cứu độ của Thiên Chúa, họ phải biến đổi cuộc đời họ như một ngọn đèn sáng, một gương sống thực sự, để họ nhận ra đó là dấu chỉ hướng về ngày cứu độ, ngày đầy tràn niềm vui cứu độ.
Khi tuyển chọn những người cộng sự viên cho mình trong hành trình truyền giáo, thánh Phaolo luôn nhắc nhở mỗi người phải ý thức trọng trách lớn lao, đó là giới thiệu ơn cứu độ cho mọi người, ơn cứu độ đó đến từ Thiên Chúa ngang qua Đức Giesu Kito, Đấng Cứu Độ trung gian duy nhất của con người: “Vậy tiên vàn mọi sự, tôi truyền phải dâng lời khẩn xin, cầu nguyện, tạ ơn cho hết mọi người, cho vua Chúa và hết các người quyền cao chức trọng, ngõ hầu ta được qua một đời yên hàn, ổn định, trong đạo đức vẹn toàn và nghiêm chỉnh. Ðó là điều tốt lành, đẹp lòng Thiên Chúa, Cứu Chúa của ta. Người muốn cho mọi người được cứu thoát và được nhìn biết sự thật”. Trở thành người môn đệ của Đức Giesu tất nhiên đó phải là người loan tin mừng cứu độ cho muôn dân, vì thế, bất cứ ai được gọi là môn đệ của Đức Giesu, thì trách vụ đầu tiên là loan báo niềm vui cứu độ cho mọi dân tộc, loan báo tin vui đó không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng cả cuộc đời, bằng gương sống mỗi ngày, đặc biệt là bằng một tình yêu vô vị lợi.
Sứ mạng của Đức Giesu khi bước vào trần gian là đem tình yêu thương của Chúa Cha đến cho con người qua việc cứu họ thoát khỏi tội lỗi và sự chết. Bởi đó, trước lúc được Chúa Cha đưa về trời, Đức Giesu thấy còn bao nhiêu con người chưa nhận biết Thiên Chúa, chưa được ghi tên trong gia đình của Ngài, vì thế, Ngài mời các Tông đồ lên đường, nối tiếp sứ vụ của Ngài, đem tin vui và ơn cứu độ đến cho muôn dân trải qua mọi thời đại: “Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Một lời mời rất trang trọng nhưng không kém phần khẩn thiết, bởi Ngài thấy rằng: “Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên”. Một thao thức lớn của Đấng Cứu Thế ngày xưa và cũng là thao thức của Mẹ Giáo hội hôm nay, trước một thế giới đang tôn thờ chủ nghĩa cá nhân và sống thực dụng này.
Đọc lại lời mời của Đấng Cứu Thế, chúng ta thấy nội dung không gởi cho một ai đó cụ thể, nhưng là gởi tới cho tất cả những ai được gọi là môn đệ của Đức Giesu. Người môn đệ là người đã nhận lãnh bí tích Thanh tẩy, đã trở thành chi thể trong thân thể huyền nhiệm là Đức Giesu Kito. Do đó, lời mời lên đường sẽ đi cùng với người môn đệ trong suốt hành trình đức tin và cuộc sống. lên đường là bỏ lại đằng sau những gì gắn bó với bản thân hàng ngày, chấp nhận thiệt thòi và mạnh dạn vượt qua mọi trở ngại khác, đồng thời, trong từng bước chân của người loan tin vui đó, cần phải biết nói gì, nói với ai một sứ điệp gì đó liên quan đến cuộc đời của mỗi người.
Hiện diện giữa lòng Giáo hội hôm nay là Chúa Thánh Thần, người môn đệ cần đủ can đảm và khiêm tốn để lắng nghe tiếng nói và sự hướng dẫn của Ngài không, bởi Ngài là đấng kiến tạo sự hiệp nhất và hoàn thiện tình yêu nơi tâm hồn mỗi người. Lắng nghe và hiểu sứ mạng của mình rồi, người môn đệ cần mạnh dạn lên đường, đi vào giữa lòng thế giới, để loan tin mừng cứu độ cho muôn dân. Có nhiều cách để nói về tin mừng đó chứ không đơn thuần là những giáo điều, những bài giáo huấn sặc mùi lý thuyết và hình thức.
Đồng hành với những người nghèo trong hoàn cảnh hiện tại của họ là một chứng từ rất sống động, chia sẻ với họ mọi khó khăn và thiếu thốn, giúp đỡ những người bệnh nhân qua việc dừng chân bên giường bệnh với một cái nắm tay ấm áp, dòng chảy của tình yêu sẽ từ trái tim người môn đệ, chảy vào tâm hồn lạnh cóng của họ vì thiếu thốn tình người. Ngồi lặng lẽ bên những gia đình bất hạnh trong sự cảm thông, cùng khóc với người khóc, cùng vui với người vui, cùng đau với người đau, là những việc người môn đệ hôm nay có thể và nên thực hiện, để tha nhân cảm nghiệm dòng chảy tình yêu đó khởi đi từ Thiên Chúa, ngang qua Thập giá tình yêu, tuôn đến tâm hồn và gia đình họ.
Để có thể mạnh dạn lên đường và có thể làm bất cứ việc gì, giúp xây dựng tình người trong mầu nhiệm hiệp thông với Đức Giesu, người môn đệ cần có một trái tim nồng ấm của tình yêu. Có thể nói yếu tố đầu tiên để lên đường của người môn đệ là tình yêu, không có tình yêu làm sao có động lực để dấn thân, không có tình yêu làm sao có sức mạnh để phiêu lưu vào tâm dịch, không có tình yêu làm sao có thể chăm sóc và an ủi những bệnh nhân đang mang những căn bệnh nguy hiểm, chết chóc, không có tình yêu, không thể ngồi lại trong căn nhà rách nát của người nghèo và bệnh tật đâu. Tình yêu mạnh hơn sự chết, tình yêu mạnh hơn mọi yếu tố khác của thế gian. Để có một tình yêu mãnh liệt, người môn đệ của Đức Giesu, cần kết nối với Thầy Chí Thánh của mình hàng ngày, hàng giờ trong tĩnh lặng và khiêm tốn. Chính trong phút giây đó, trái tim người môn đệ sẽ ngập tràn tình yêu tự hiến, tình yêu quảng đại và tình yêu phục vụ, giúp họ hân hoan cất cao tiếng hát của người ra đi loan báo tin mừng cứu độ cho muôn dân.
Lạy Chúa Giesu, Đấng Tình yêu, Chúa đã chấp nhận đi vào thế giới con người để giải thoát con người và cứu độ con người trong quyền năng của Thiên Chúa, xin giúp chúng con ý thức tâm tình từ bỏ, dám hy sinh, biến cuộc đời mình như là một nhịp cầu tình yêu, để cho ơn cứu độ của Thiên Chúa được tuôn chảy đến với mọi gia đình, mọi dân tộc và mọi tâm hồn. Chúa đã yêu con người đến cùng, yêu cho đến chết và chấp nhận cái chết vì yêu, xin dạy chúng con biết yêu mến Chúa nơi tha nhân và qua tha nhân, để phục vụ, trân trọng và cảm thông với anh chị em trong những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Amen.
Lm Phêrô Trần Bảo Ninh