Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 30 Tháng 10 2021 10:12

Giới luật và Bí Tích

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  GIỚI LUẬT VÀ BÍ TÍCH | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXXI Thường Niên, Năm B

TMĐP- Bí tích Rửa Tội đã làm cho chúng ta trở nên con Thiên Chúa, và cùng lúc cho chúng ta trở nên anh em với mọi người.

Khi sai các môn đệ đi truyền giáo, Đức Giêsu không chỉ ban một lệnh truyền mang tính luân lý khi phán: Dạy bảo họ “tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền” nhưng còn ban chính mình như Bí Tích Tình Yêu khi dặn dò: “Làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần… Và Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19.20).

Lệnh truyền Đức Giêsu ban là “Yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi”, và “yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,29.30).

Thánh Gioan quảng diễn giới luật yêu thương này trong thư của Ngài: “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa”, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy”. Vậy “ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1 Ga 20.21).

Nhưng nếu dừng lại ở phạm trù giới luật, thì Tình Yêu sẽ chỉ là đòi hỏi của luân lý, và thuần túy là nghĩa vụ của con người tự nhiên, như chúng ta thường nói: “làm người thì phải ăn ngay ở lành”. Và vì là đòi hỏi nền tảng của con người tự nhiên, nên các tôn giáo đều có chung đòi hỏi tín đồ, giáo hữu phải sống giới luật “làm người ngay lành, lương thiện”. Đây là lý do đã dẫn đến kết luận : đạo nào cũng như đạo nào, vì tất cả đều dậy ăn ngay ở lành.

Đức Giêsu đã truyền dạy giới luật tình yêu, nhưng giới luật Ngài ban không bắt nguồn từ bản tính con người, nhưng từ Ngài; không lớn lên nhờ có gắng sống tốt của con người, nhưng nhờ sức sống của chính Ngài. Và để thực hiện điều này, nghiã là “nâng tầm” giới luật lên hàng bí tích, nâng đòi hỏi luân lý lên hàng siêu nhiên, nâng việc làm tự nhiên lên hàng thánh thiêng, Đức Giêsu đã sai các môn đệ “đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19).

Làm phép rửa cho muôn dân là làm cho muôn dân đi vào đời sống bí tích, nghĩa là làm cho mọi người đi vào hiệp thông, hiệp nhất với Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, như Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân – Lumen Gentium của Công Đồng Vaticanô II đã khẳng định về yếu tính của Giáo Hội: “Giáo Hội ở trong Đức Kitô như bí tích hoặc dấu chí và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể” (LG 1) – Bản dịch Việt ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X).

Tại sao Phép Rửa như bí tích của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và với nhân loại?

Thưa, vì Bí Tích Rửa Tội ban cho chúng ta ơn trở nên con Thiên Chúa. Được rửa tội trong Đức Giêsu, tức là “được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Giêsu”. Và được dìm vào nước thanh tẩy chính là “được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đuợc sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6, 3-4). Đời sống mới ấy là đời sống làm con Thiên Chúa, nên khi chịu phép rửa, Chúa Cha cũng nói với mỗi người chúng ta như đã nói với Đức Giêsu, khi Ngài chịu phép rửa ở sông Giođan: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Lc 3,22).

Bí tích Rửa Tội như thế đã làm cho chúng ta trở nên con Thiên Chúa, mà đã là con thì yêu mến, hiếu thảo với Cha không còn là bổn phận nhưng là niềm hạnh phúc, nỗi khát khao.

Bí tích Rửa Tội không chỉ làm cho chúng ta được trở nên con Thiên Chúa, nhưng cùng lúc cho chúng ta trở nên anh em với mọi người. Đây là điểm chúng ta dễ lãng quên, vì không mấy quan tâm, trong khi lại là điều Đức Giêsu không ngừng nhấn mạnh và nhắc nhở trong Tin Mừng. Do đó, tình yêu dành cho Thiên Chúa sẽ chỉ có giá trị và ý nghĩa nếu chúng ta cũng yêu thương anh chị em mình, như hạnh phúc chúng ta khao khát tìm kiếm, mà không như một lề luật nặng nề, trói buộc.

Như kinh sư trong Tin Mừng hôm nay đã được Đức Giêsu khuyến khích: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu” (Mc 12,34), xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để yêu mến Chúa và yêu mến mọi người, mà hành động yêu mến cao quý, đẹp lòng Chúa hơn cả chính là “dâng lễ tế hy sinh, trước là đền tội của mình”, để tỏ lòng yêu mến Chúa, và “sau là để đền thay cho người khác” (Dt 7,27), để thực hiện ước muốn yêu thương, phục vụ tha nhân như Chúa dạy.

Jorathe Nắng Tím
https://tinmungduongpho.com/gioi-luat-va-bi-tich-suy-niem-tin-mung-chua-nhat-xxxi-thuong-nien-nam-b/

Read 290 times Last modified on Chủ nhật, 31 Tháng 10 2021 08:10