26.1.2022 Thứ Tư
Thánh Timôthêô và Titô, Gm
2 Sm 7:4-17; Tv 89:4-5,27-28,29-30; Mc 4:1-20
Hạt giống Lời Chúa
Thánh Timôthêô và thánh Titô đã dâng hiến cả cuộc đời, thời giờ và sức lực của mình cho Chúa Giêsu. Các ngài là những môn đệ đích thực của thánh Phaolô.
Ngoài việc là những thánh nhân và là những giám mục trong Giáo hội sơ khai, Timôthêô và Titô còn có vài điểm giống nhau nữa. Cả hai đều nhận lãnh ơn đức tin do lời rao giảng của thánh Phaolô.
Cả hai đều nhận lãnh ơn đức tin do lời giảng của Thánh Phaolô
Thánh Timôthêô sinh ở Lycaonia thuộc vùng Tiểu Á. Thân mẫu ngài là người Dothái và thân phụ ngài là người dân ngoại. Khi Phaolô đến Lycaonia giảng dạy thì Timôthêô, thân mẫu và bà ngoại của ngài, tất cả đều được trở nên những Kitô hữu. Sau nhiều năm, Phaolô trở lại và nhận thấy Timôthêô đã khôn lớn. Phaolô cảm thấy Chúa muốn gọi Timôthêô làm tông đồ truyền giáo cho Chúa nên đã mời Timôthêô cộng tác với mình rao giảng Tin mừng.
Sau đó, Timôthêô rời bỏ cha mẹ, nhà cửa và đi theo Phaolô. Ngài cùng chia sẻ đau khổ với Phaolô. Các ngài vui mừng ra đi mang lời Chúa đến cho mọi người. Timôthêô là tông đồ yêu quý đặc biệt của Phaolô; và Phaolô xem ngài như đứa con nhỏ của mình. Timôthêô đã cùng Phaolô đi khắp nơi cho tới khi được đặt làm giám mục thành Êphêsô. Rồi Timôthêô ở đó coi sóc đoàn chiên của ngài. Như Phaolô, Timôthêô cũng được phúc tử đạo.
Thánh Titô là người ngoại giáo. Ngài cũng là môn đệ của Phaolô. Titô có tâm hồn quảng đại và đức tính chăm chỉ. Ngài rất vui sướng khi được cùng với Phaolô rao giảng Tin mừng trong những chuyến mục vụ. Vì Titô rất đáng tín nhiệm nên Phaolô đã trao phó cho ngài “công việc rao giảng” cho các cộng đồng Kitô hữu. Titô giúp họ kiện toàn đức tin trong Chúa Giêsu Kitô. Ngài có thể kiến tạo hòa bình khi có những cuộc cãi vã hoặc tranh chấp giữa các tín hữu. Titô có ơn đặc biệt trong việc hòa giải. Phaolô rất quý trọng ơn này nơi Titô và ngài chân nhận đó là công việc của Chúa Thánh Linh. Ngài hay sai Titô đi dàn xếp những vấn đề khó khăn. Khi Titô xuất hiện giữa những Kitô hữu đang bất bình cãi vã nhau, thì họ liền hối hận và lại làm hòa. Họ xin Titô tha thứ và hứa sẽ đền bù những thiệt hại đã gây ra cho nhau. Khi hòa bình được tái lập, Titô trở về và thuật lại cho Phaolô nghe những thành quả tốt đẹp. Điều này đã làm cho Phaolô và những Kitô hữu tiên khởi vui mừng hạnh phúc.
Thánh Phaolô đã đặt Titô làm giám mục vùng quần đảo Crêta, nơi ngài định cư cho tới khi qua đời.
Thánh Timôthêô và thánh Titô đã dâng hiến cả cuộc đời, thời giờ và sức lực của mình cho Chúa Giêsu. Các ngài là những môn đệ đích thực của thánh Phaolô. Người ta rất dễ không mộ mến vì quá quen hoặc không để tâm đến những người như vậy. Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho hết thảy mọi người đang rao giảng Tin mừng như Phaolô, Timôthêô và Titô.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người gieo giống để giảng về Nước Trời. Việc gieo giống có lẽ rất quen thuộc với người Việt Nam, vì có đến 4/5 dân số sống bằng nghề nông nghiệp. Người gieo giống nào cũng muốn gieo hạt trên đất đã cày bừa cẩn thận; Thiên Chúa cũng muốn tâm hồn con người được trở nên như thửa đất để hạt giống Lời Ngài có thể mọc lên, phát triển và sinh nhiều hoa trái, làm ích cho mình và cho người khác nữa.
Dụ ngôn Người gieo giống kéo dài trong 7 câu, từ câu 3 đến câu 9, mà có lẽ mỗi người trong chúng ta nghe ít nhất không dưới một lần. Trong dụ ngôn này, người gieo hạt giống thật phung phí quá sức. Ông ta đi trên bờ, tay giơ cao và giang rộng để vung thật xa những hạt giống nhỏ bé. Từ tay ông, hạt giống rơi vào nhiều ngõ ngách, nơi chốn khác nhau : vệ đường, bụi gai, sỏi đá và đất màu mỡ. Ta thấy lòng quảng đại của người gieo hạt giống.
Vệ đường làm sao có đất để nảy mầm, trong bụi gai dù có nảy mầm cũng không thể phát triển hơn được; Nơi sỏi đá khô cằn, cứng cỏi khó mà len lỏi sống sót. ]hế mà, ông vẫn gieo, bởi vì niềm hy vọng vào thành quả thu được chỉ xuất phát từ ¼ số lượng gieo vãi. Cứ 4 hạt, chỉ có một hạt là rơi vào đất tốt, có thể nảy mầm và trổ sinh hoa trái. Điều này muốn nói rằng : Cho dù hạt giống nảy mầm èo uột, ngay cả thân cây bị bóp nghẹt, nhưng mùa gặt vẫn dồi dào, phong phú, “hạt được 30, 60, và 100” (c.8).
Thật thế, dù công cuộc rao giảng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa có gặp khó khăn, trở ngại, thất bại hay bị chống đối của người đời và sự dữ, thì sức mạnh của Tin Mừng vẫn lướt thắng, vì Tin Mừng Chúa Giêsu rao giảng là công trình của Thiên Chúa, chứ không phải của loài người. Vì thế, chúng ta cần phải tin tưởng vào công cuộc loan báo Tin Mừng. vào sức mạnh tiềm tàng của Tin Mừng. hy vọng việc rao giảng Tin Mừng sẽ thành công và đạt kết quả tốt đẹp.
Sau khi giảng dạy cho họ theo lối dụ ngôn, thì ngay cả những người từng đi theo Ngài cũng không hiểu (x.c10). Họ xúm lại hỏi Chúa Giêsu về ý nghĩa của dụ ngôn này. Chúa Giêsu đã trích dẫn sách Isaia chương 6, từ câu 9 đến câu 10 để nói về tình trạng mù quáng của thính giả. Có hai loại người lãnh hội Tin Mừng. Nhóm 12 và các môn đệ thân tín của Chúa Giêsu thuộc loại người không tin là những kẻ ở ngoài, nên phải dùng dụ ngôn để nói với họ (11b).
Đó là lý do Chúa Giêsu sử dụng dụ ngôn vì “ xác họ trố mắt nhìn cũng không thấy, có lắng tai cũng không nghe, không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ” (c.12). Ý nói sự cứng lòng của con người , vì họ không tin nên không thấy, không nghe, không hiểu, nên không thể trở lại để lãnh nhận ơn tha thứ. Lời Chúa gieo vãi cho mọi người, nhưng chỉ sinh ơn cứu độ cho những ai biết mở lòng đón nhận và thực hành Lời Chúa.
Chúa Giêsu cắt nghĩa dụ ngôn cho các môn đệ (c.13-20). Ngài phân tích rõ từng hoàn cảnh mà Lời Chúa không có tác dụng hay được trổ sinh mỹ mãn. Có lẽ đây là mảnh đất tâm hồn của mỗi người chúng ta. Cuối năm dương lịch, bài Tin Mừng này như một bản xét mình về đời sống thiêng liêng, chúng ta đã để Lời Chúa được gieo vãi trong tâm hồn chúng ta như thế nào?. Nếu tâm hồn tôi là vỉa hè, đường trải nhựa, xi măng không đất cát, nóng bỏng, thì làm sao hạt giống đâm rễ được ?. Nếu tâm hồn tôi là một bụi gai um tùm, đâm tua tủa, khi hạt giống rơi vào sẽ bị vướng và nằm chơ vơ giữa bụi gai, thì làm sao hạt giống chạm tới đất và nảy mầm được ?. Nếu cõi lòng tôi như một mãnh đất hoang khô cằn sỏi đá, không một dòng nước hay một bóng cây, chỉ có nắng, sỏi với đá cứng cỏi, khô khốc... và nếu hạt giống có rơi vào kẽ đá và nảy mầm, thì “ tuổi thọ” của nó cũng không kéo dài được bao lâu hoặc chỉ phát triển trong èo uột vì thiếu nước, thiếu đất.
Nhìn lại cuộc đời của mình, có lẽ chúng ta phải thành thật nhận rằng từ trước tới nay chúng ta chưa đón nhận và sống Lời Chúa được bao nhiêu, bởi vì chúng ta vẫn để cho tâm hồn xao xuyến lo lắng, những đam mê sự đời, tham vọng địa vị và của cải làm chết ngạt Lời Chúa. Ðấy là chưa kể những biến cố xảy đến trong cuộc sống bản thân, gia đình, xã hội, đều là những tiếng Chúa nhắc nhở, mời gọi chúng ta, nhưng chúng ta vẫn chưa thoát khỏi những đam mê, ích kỷ trong đời sống. Lời Chúa vẫn chưa bén rễ sâu trong tâm hồn chúng ta.
Xin Chúa cho chúng ta biết mở rộng tâm hồn đón nhận hạt giống Lời Chúa. Xin làm cho những hạt giống ấy được bám rễ, mọc lên tươi tốt và trổ sinh được nhiều bông hạt, để mỗi ngày chúng ta được lớn lên trong tình yêu Chúa và góp phần xây dựng Giáo Hội Chúa ngày một lớn mạnh hơn.
Huệ Minh