TMĐP- Người Kitô hữu không thể là người kỳ thị dưới bất cứ hình thức. Và chỉ với đức ái, chúng ta mới có Chúa và có nhau không chỉ trong cõi đời này
Kỳ thị là tội ác, nhưng khuynh hướng kỳ thị lại là khuynh hướng mạnh tiềm tàng nơi mỗi người, nên chúng ta dễ dàng kỳ thị những người không cùng vùng miền, không cùng ngôn ngữ, không cùng màu da, không cùng văn hoá, không cùng tôn giáo; chúng ta cũng bị thúc đẩy kỳ thị những người không cùng hàng ngũ, thành phần, trình độ, và bất cứ khác biệt nào giữa chúng ta và người chung quanh cũng có thể trở thành nguyên nhân và động lực đẩy chúng ta xuống hố sâu kỳ thị là sản phẩm độc hại của lòng ganh ghét, đố kỵ.
Dân Do Thái là dân riêng của Thiên Chúa. Vì tính “riêng biệt, vượt trội, và được Thiên Chúa Giavê chọn” mà nhiều người Do Thái công khai kỳ thị đối với các dân tộc lân bang, điều mà Đức Giêsu đã nhiều lần lên tiếng chống lại. Không những thế, Ngài còn biểu lộ tình yêu thương, lòng tín nhiệm đặc biệt của Ngài đối với những người ngoại quốc, ngoài đạo bị kỳ thị, như đã ca ngợi đức tin của người đàn bà xứ Canaan (x. Mt 15, 28), hay với viên đại đội trưởng thuộc quân đội đế quốc Rôma, Ngài đã không tiếc lời tuyên dương ông trước mặt đám đông người Do Thái: “Tôi bảo thật các ông: Tôi không thấy một người Ítraen nào có lòng tin như thế. Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên goài … ” (Mt 8, 10-12), hoặc với người phụ nữ trải qua nhiều đời chồng xứ Samari Ngài đã thân tình trò chuyện và quan tâm lắng nghe chị trao gửi tâm sự lâu giờ bên bờ giếng Giacóp (x. Ga 4,7-26).
Đặc biệt trong Tin Mừng chúa nhật này, Đức Giêsu cho chúng ta thấy đồng hương Nadarét của Ngài cũng tỏ ra kỳ thị với Ngài, bởi một khi đã lây nhiễm vi trùng Kỳ Thị, người ta sẽ không chỉ kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, mà còn kỳ thị giầu nghèo, sang hèn giữa đồng hương, đồng bào, đồng đạo với nhau, như nhiều bà con, láng giềng của Ngài ở Nadarét đã nói với nhau về Ngài: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” (Lc 4,22). Nhưng ý nghĩ kỳ thị, khinh bỉ, coi thường thân thế “không có gì đặc sắc, nổi bật” của cha mẹ Ngài và của Ngài đã bị Ngài lật tẩy, và Ngài đã từ chối làm phép lạ tại quê nhà (x. Lc 4, 23-24).
Với đồng hương dịp về Nadarét, Đức Giêsu còn thẳng thắn công kích chủ trương kỳ thị của phần đông người Do Thái và làm chứng cho họ thấy rằng: ngay trong Cựu Ước, các ngôn sứ cũng đã chống lại chủ nghĩa kỳ thị, khi Ngài kể cho họ nghe chuyện ngôn sứ Êlia khi trời hạn hán, “thiếu gì bà góa ở trong nước Ítraen, thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xarépta miền Xiđôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Êlisa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ítraen, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Xyri thôi” (Lc 4,25-27).
Về phần chúng ta, có nhiều khi chúng ta tưởng thời đại chúng ta đang sống không còn nạn kỳ thị, không còn những cuộc chiến tranh đẫm máu vì kỳ thị, không còn những nhà độc tài “kỳ thị” khát máu như Hitler đã thề tiêu diệt đến người Do Thái cuối cùng trên mặt đất.
Rất tiếc, thực tế khác xa điều chúng ta tưởng, bởi chính chúng ta đang tránh xa những người không giống chúng ta, chính chúng ta đang kịch liệt công khai hoặc âm ỉ kỳ thị anh em, chị em trong cùng cộng đoàn, cùng giáo xứ, cùng giáo phận chỉ vì họ khác biệt chúng ta về khả năng, sứ vụ, lãnh vực hoạt động, trong khi tất cả những khác biệt ấy đều là ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người như các chi thể của một thân thể duy nhất để phục vụ Thân Thể mầu nhiệm của Ngài là Hội Thánh.
Và như thế, gốc rễ của nạn kỳ thị ở phạm vi quốc gia chính là chúng ta, phong trào kỳ thị có tầm vóc toàn cầu bắt nguồn từ trái tim phân biệt, loại trừ của chúng ta, như vết dầu ngày càng loang rộng, loang xa biến chúng ta thành những ốc đảo hoang vắng ích kỷ kình chống, xa lánh người khác .
Tóm lại, người Kitô hữu không thể là người kỳ thị, không thể chủ trương đường lối kỳ thị dưới bất cứ hình thức, và ở bất cứ mức độ nào, vì hoàn toàn đi ngược Tin Mừng, chống lại đòi hỏi của Đức Ái là yếu tính của người môn đệ Đức Giêsu như thánh Phaolô đã qủa quyết: không có đức ái thì cho dù tài giỏi, khôn ngoan, quyền năng, đạo đức đến đâu, chúng ta cũng chẳng là gì và chẳng đem lại lợi ích cho ai, kể cả cho chính mình (x. 1Cr 13,1-6).
Quả thực, chỉ với đức ái, chúng ta mới có Chúa và có nhau không chỉ trong cõi đời này, nhưng thiên thu vĩnh cửu, và ngay cả hôm nay, nếu một trong chúng ta có phải chết đi, chúng ta vẫn có nhau trong bao la vô tận của cõi sống đời đời, vì ở đó Thiên Chúa quy tụ tất cả những người yêu thương, và cho hiệp nhất với Ngài những ai có trái tim biết “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7) vì tin “Thiên Chúa là Tình Yêu”, và “Tình Yêu không bao giờ mất được” (1 Ga 4,8 ; 1 Cr 13,8).
Jorathe Nắng Tím
https://tinmungduongpho.com/ky-thi-suy-niem-tin-mung-chua-nhat-iv-mua-thuong-nien-nam-c/