Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 08 Tháng 3 2022 07:26

Niềm tin vào Chúa

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
Niềm tin vào Chúa

9.3 Thứ Tư trong tuần thứ Nhất Mùa Chay

St 3:1-10; Tv 51:3-4,12-13,18-19; Lc 11:29-32

Niềm tin vào Chúa

Niềm tin vào Chúa thật sự là một niềm tin do ân huệ Chúa ban cách nhưng không, cho những ai thành tâm tìm kiếm Ngài, chứ không phải do điều kiện mà có được niềm tin ấy. Người thành tâm như thế, sẽ nhận ra Chúa ở mọi nơi, mọi lúc qua các dấu chỉ trong đời thường, cũng như lúc cầu nguyện, làm các việc đạo đức, khi gặp gỡ người khác, hay khi làm việc tông đồ. Từ đó, họ sẽ có kinh nghiệm về Chúa, tin Chúa, đón nhận những tác động của Chúa mà sám hối, hoán cải trở về với Chúa. Biết được ý Chúa mà thi hành như một sứ mạng Chúa trao, đem lại cho họ một niềm vui thiêng liêng trong đời sống làm người Kitô hữu.

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta biết hiện trạng cứng lòng tin và não trạng đòi dấu lạ của đám đông dân chúng thời Chúa Giêsu. Thực trạng này đã được thánh Luca đề cập trước đó với việc Chúa Giêsu trừ một quỷ câm (Lc 11,14-22), chính thái độ cứng lòng tin, nên dân chúng cho rằng Chúa Giêsu dựa thế quỷ vương Bêendêbun mà trừ quỷ và đòi thêm dấu lạ từ trời (Lc 11,15-16). Cùng một hiện trạng đó, dân chúng trong bài Tin Mừng hôm nay cũng xin Đức Giêsu thực hiện một dấu lạ để chứng thực Ngài là người được Thiên Chúa sai đến, và để họ tin lời Ngài rao giảng.

Tuy nhiên, trái với những chờ đợi của dân chúng, không những Đức Giêsu không thực hiện một dấu lạ nào (ngoài phép lạ Giôna, tức ám chỉ đến cái chết và phục sinh của Ngài), nhưng Ngài còn nhận xét: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác” (Lc 11,29). Nặng nền hơn, chính thái độ cứng lòng không chịu tin Đức Giêsu và giáo huấn của Ngài để sống hoán cãi, họ sẽ bị kết án trong ngày phán xét.

Bởi vì, Salômôn tuy chỉ với ơn khôn ngoan Thiên Chúa ban, nhưng nữ hoàng Phương Nam đã cất công đến nghe những lời hay ý đẹp của vua ấy, và với những lời kêu gọi của Giôna mà toàn dân đã ăn năn sám hối (Lc 11,31-32). Trong khi đó, Salômôn hay Giona chỉ là hình bóng của Chúa Giêsu, chính Ngài mới thực sự là Đấng Khôn Ngoan và là dấu lạ mà muôn dân cần nhận ra và tin vào sứ điệp rao giảng của Ngài.

Có thể nói, chẳng khác gì với não trạng của đám đông dân chúng xưa kia, con người thời nay vẫn rất hiếu kỳ và dễ dàng chạy theo những dấu lạ điềm thiêng xuất hiện đó đây nhằm thỏa mãn tính tò mò của tai mắt. Tuy nhiên, thử hỏi có mấy ai khởi đi từ tính hiếu kỳ đó để thúc bách mình ngẫm nghĩ rằng: con người, cuộc đời và sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô thực sự là một dấu lạ lớn lao trong tương quan với tôi không? Hay một suy nghĩ ngược lại: cuộc đời của tôi có phải là một dấu lạ trong tương quan với Chúa Giêsu?

Quả thực, chúng ta là những kẻ mang trong mình não trạng chạy theo dấu lạ, trong khi đó Chúa Giêsu thực sự là dấu lạ của mọi dấu lạ đã được thực hiện cho nhân loại và mỗi cá nhân mà chúng ta đang bỏ quên. Nếu con người vẫn mãi chạy theo dấu lạ hơn là tin vào Chúa Giêsu, thì Chúa Giêsu có làm bao nhiêu dấu lạ đi nữa thì cũng không làm cho chúng ta thêm vững tin. Bởi vì, như vua Pharaô đã chứng kiến biết bao dấu lạ điềm thiêng của Thiên Chúa thực hiện qua ông Môsê, nhưng rốt cuộc ông vẫn lòng chai dạ đá. Hay như đám đông dân chúng mà thánh Luca đề cập trong trình thuật Chúa Giêsu trừ một quỷ câm (Lc 11,14-22), dù đã chứng kiến phép lạ ngay trước mắt, nhưng họ đã chối bỏ tất cả, và đức tin của họ vẫn là con số không, cuối cùng họ vẫn đòi thêm dấu lạ (Lc 11,29-32).

Vì vậy, điều quan trọng là tin nhận Chúa Giêsu là dấu lạ vượt trên mọi dấu lạ để ăn năn sám hối.

Nhờ ánh sáng của Lời Chúa hôm nay,  ta nhận ra điều khẩn thiết mà Chúa chờ đợi và mời gọi thực hiện trong Mùa Chay là hãy gột rửa não trạng đòi dấu lạ. Bởi vì ẩn núp đằng sau não trạng chạy theo dấu lạ là một biểu hiện của sự cứng lòng tin, và cũng có thể là thái độ thách thức Thiên Chúa. Nhưng chúng ta phải gột rửa bằng cách nào?

Chúa Giêsu đã tự ví mình còn hơn cả vua Salômôn và Giôna, như vậy, chính Ngài là hiện thân cho sự khôn ngoan và là dấu lạ khả tín nhất để chúng ta đặt hết tin tưởng và sống theo giáo huấn của Ngài.

Do đó, Chúa thực sự muốn mỗi người chúng ta hãy noi gương dân thành Ninivê, tin vào sứ điệp Thiên Chúa đang gửi đến chúng ta mỗi ngày để sống sám hối và từ bỏ con đường tội lỗi, ngõ hầu được ân thưởng trong ngày phán xét. Đồng thời, chúng ta hãy bắt chước thái độ sẵn sàng và mau mắn của nữ hoàng Phương Nam đi tìm lẽ khôn ngoan nơi Chúa Giêsu để sống đúng thánh ý Thiên Chúa. Chung quy lại, vượt trên mọi dấu lạ, chúng ta hãy để dấu lạ Chúa Giêsu soi dẫn và biến đổi cuộc đời chúng ta trở nên những dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa trong một thế giới mà con người trở nên lạc hướng vì những dấu lạ giả dối.

Ta thấy các Luật Sĩ và Biệt Phái cứng lòng tin, dù họ đã nghe Chúa Giêsu giảng dạy, thấy những phép lạ Chúa làm, họ còn đòi Chúa các dấu lạ trên trời, như họ đã đọc thấy trong sách khải huyền Dothái: Nước trời đến kèm theo dấu lạ trên không trung, và họ quan niệm đó là kỳ công của Thiên Chúa như trong thời xuất hành, thời ngôn sứ Êlia. Chúa Giêsu nói với họ thật nghiêm khắc: Ôi thế hệ gian ác và ngoại tình chúng đòi dấu lạ, thay vì tin và sám hối. Họ đòi dấu lạ không phải như một bằng chứng để tin, nhưng là để khiêu khích Chúa, những gì họ đã nghe đã thấy chưa đủ cho Chúa thuyết phục họ.

Ta thấy Chúa Giêsu từ chối không làm phép lạ theo ý họ, Chúa dùng tích truyện Giona để nói về dấu lạ cả thể nơi chính bản thân Ngài, qua cuộc tử nạn và sau ba ngày Ngài phục sinh, để mời gọi mọi người tin và sám hối. Chúa Giêsu còn lấy gương mẫu dân thành Ninivê sám hối nhờ lời rao giảng của Ông Giôna, Ngài cũng liên tưởng đến Nữ Hoàng Phương Nam tìm nghe lời khôn ngoan của Vua Salômon. Đáng tiếc cho Biệt Phái và Luật sĩ vì Chúa Giêsu trọng hơn Giôna, và khôn ngoan hơn Salômon mà họ chẳng muốn nghe Ngài. Chứng tích sám hối của dân thành Ninivê và của thế hệ Nữ Hoàng Phương Nam như một lời tố cáo nặng nề tội lỗi của Biệt Phái và luật sĩ, vì họ cứng tin đòi dấu lạ và thất trung với giao ước.

Người Biệt Phái luật sĩ đòi dấu lạ, đó cũng là điều thông thường của chúng ta hôm nay, để thỏa mãn tính hiếu kỳ, sự đắc thắng của mình. Phép lạ chỉ có giá trị nâng đỡ niềm tin chứ không phát sinh hay ép buộc niềm tin. Cũng chính vì Chúa tôn trọng tự do con người Chúa không dùng phép lạ làm áp lực con người, nên Chúa đã không làm phép lạ như Biệt Phái và luật sĩ yêu cầu.

Qua lời khiển trách của Chúa Giêsu đối với Biệt Phái và luật sĩ, chúng ta hãy thức tỉnh lại, chúng ta có gian ác khi đòi Chúa làm phép lạ mới tin, khi chúng ta chai đá trước lời giảng dạy của Hội Thánh. Chúng ta ngoại tình khi chúng ta sống đạo vụ hình thức, hoặc chưa thực sự sống trọn vẹn cho Chúa mà còn để lòng mình quyến luyến thụ tạo hơn Chúa, đam mê các thú vui trần thế hơn việc đạo đức. Có khi chúng ta phản bội tình thương của Chúa, để chạy theo những đam mê xác thịt.

Trong ngày phán xét, ta có thể bị kết án nặng nề hơn người khác vì chúng ta đã làm mất ơn Chúa, không dùng ơn Chúa để sinh lợi ích cho linh hồn mình và tha nhân. Phép lạ đã xảy ra hằng ngày trong Thánh lễ, trong các Bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, trong đời sống chúng ta, chúng ta có dùng để nâng cao đời sống đức tin, đi sâu vào đời sống đạo hơn không? Trong bầu khí mùa chay, chúng ta hãy sám hối và trở về với Chúa, tin Chúa và sống đạo chân thật không cần dấu lạ nào hơn là chính Chúa đã chết và sống lại. Chúng ta cũng noi gương Chúa trong việc truyền bá đức tin bằng cách dùng lời Chúa, đời sống của Chúa, những việc Chúa đã làm để yêu thương chúng ta, hơn là áp đảo bằng những việc làm thỏa mãn sự hiếu kỳ đắc thắng của người chúng ta phục vụ.

Xin Chúa ban cho chúng ta biết sám hối về cách sống đạo lệch lạc của chúng ta theo kiểu Biệt Phái, luật sĩ, để tin vào lời Chúa, tin vào sự chết và sống lại của Chúa. Sẵn sàng mở rộng lòng mình đón nhận ơn Chúa qua Hội Thánh để sống đạo tốt và đúng ý Chúa hơn.

Huệ Minh

Read 302 times Last modified on Thứ tư, 09 Tháng 3 2022 17:57