Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 9, 28b-36)
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: "Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu. Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến.
Suy niệm
Được chiêm ngắm dung nhan sáng láng, và đầy vinh quang của Thầy Chí Thánh trên đỉnh núi Ta-bor, các Tông đồ như lạc vào chốn tiên cảnh, quên hết mọi lắng lo trong cuộc đời, đồng thời, các ông không muốn quay trở lại với đời thường, để thực hiện trọn vẹn trách vụ của mình. Một cảnh tượng đầy sáng láng như thế chắc ai trong chúng ta cũng có nhiều cảm xúc giống như các Tông đồ. Chính những cảnh tượng đó phần nào gợi mở về điểm đến của hành trình đức tin, của một chuyến xuất hành trở về quê hương đích thực của mình. Phụng vụ Lời Chúa tuần thứ hai mùa chay mời chúng ta đánh giá lại chuyến xuất hành của bản thân, để thấy được sự cố gắng từng ngày trong việc vượt qua những mệt mỏi của thể xác, vượt qua những yếu đuối của phận người, cũng như vượt qua những mong manh của niềm tin, khi hướng về mầu nhiệm cứu độ của Thầy Chí Thánh.
Bài đọc 1 là một câu chuyện hướng về cuộc xuất hành đầu tiên trong lịch sử nhân loại, khi Thiên Chúa chọn một con người, đặt làm tổ phụ một dân tộc, để từ đó, Ngài bước vào ngôi nhà của nhân loại. Ab-ram, một người chồng trong một gia đình son sẻ, thế nhưng, khi Thiên Chúa mời ông từ giã quê hương, ra đi theo sự hướng dẫn của Ngài, để từ gia đình ông, Thiên Chúa xây dựng một dân tộc. Trớ trêu thay, một gia đình son sẻ, Thiên Chúa lại chọn để xây dựng một dân tộc lớn, vậy mà ông vẫn từ bỏ tất cả, ra đi trong sự dẫn dắt của Thiên Chúa. Trong chuyến xuất hành đầu tiên này, Thiên Chúa chỉ cho vị tổ phụ thấy một bầu trời đầy sao, và đó là dấu chỉ hướng về một dân tộc đông đúc còn hơn thế nhiều: “Trong những ngày ấy, Thiên Chúa dẫn Ab-ram ra ngoài và nói với ông: "Ngươi hãy ngước mắt lên trời, và nếu có thể được, hãy đếm các ngôi sao". Rồi Chúa nói tiếp: "Miêu duệ của ngươi sẽ đông đảo như thế". Ab-ram tin vào Thiên Chúa, và vì đó ông được công chính”. Để trở thành tổ phụ một dân tộc, Ab-ram đã chấp nhận một cuộc phiêu lưu đầy hiểm nguy, không biết ngày mai sẽ ra sao. Ông chỉ biết rằng người dẫn ông đi là một Đấng đầy quyền năng, là một vị thần không biết dối lừa. Ông đã chấp nhận từ bỏ sự tính toán cá nhân, để toàn tâm toàn ý thực hiện những gì Thiên Chúa mong muốn: “Trong ngày đó, Chúa đã thiết lập giao ước với Ab-ram mà nói rằng: "Ta ban xứ này cho miêu duệ ngươi, từ sông Ai-cập cho đến sông Eu-phrát".
Để có thể bước vào vinh quang của mầu nhiệm phục sinh, người tín hữu cần phải đi qua chặng đường đau khổ của mầu nhiệm thập giá. Đó là tâm tình xác tín của thánh Phaolo, và cũng là lời nhắc của ngài dành cho giáo đoàn Phi-lip-phê: “Bởi chưng như tôi đã thường nói với anh em, và giờ đây tôi đau lòng ứa lệ mà nói lại, có nhiều người sống thù nghịch với thập giá Ðức Kitô. Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này”. Cùng đích cuộc đời của con người không dừng lại những hạnh phúc chóng qua này, nhưng là Nước Trời. Để bước tới đích điểm đó, người tín hữu cần phân biệt đâu là hạnh phúc đích thực và đâu là hạnh phúc giả tạo. Của cải vật chất và quyền bính thế gian có đưa họ tới mầu nhiệm phục sinh của Con Thiên Chúa được không, bởi quê hương đích thực của người tín hữu đang kiếm tìm không thuộc về thế gian và cõi đời tạm này: “Phần chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, nơi đó chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Chuộc là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.
Được Thầy dẫn lên núi và cho chứng kiến vinh quang của Thiên Chúa trong sự huy hoàng của Thiên quốc, các Tông đồ mong muốn được ở lại trong cõi vinh phúc đó, không cần thiết là có nhà cửa hay chỗ trú chân. Nhưng Thầy đã giải thích cho các ông biết, đó là phần thưởng cho những ai dám từ bỏ mình, vác thập giá mình đi theo Thầy. Đức Giesu đang cùng các ông hướng về Giê-ru-sa-lem như là một chuyến xuất hành đi về quê hương đích thực, trong chuyến đi này, Đức Giesu cho các ông thấy trước vinh quang của mầu nhiệm phục sinh, phần thưởng cho những ai biết đón nhận mầu nhiệm thập giá và chấp nhận vác thập giá theo Chúa: “Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem”. Niềm hạnh phúc của người tín hữu là được ở bên cạnh Thiên Chúa ngay hôm nay và mai sau, Ngài luôn mở rộng vòng tay đón con cái, luôn mong ước con cái hãy biết chọn lựa những giá trị đích thực, những giá trị thánh thiêng cùng với những niềm hạnh phúc Nước Trời, đừng chạy theo lối sống của xã hội thực dụng và bản thân không đủ niềm tin.
Chuyến xuất hành của tổ phụ Ab-ram cũng đầy những thách đố, đầy những thương đau, trở thành tổ phụ một dân tộc, trở thành người cha của những kẻ tin, tổ phụ con người đã từ bỏ tất cả, gia đình, quê hương, bản thân để lên đường. Ông tin rằng Thiên Chúa gọi mời ông lên đường không dẫn ông vào chỗ chết, nhưng sẽ thực hiện những gì Ngài đã hứa ban. Ông đã can đảm lên đường. Chuyến xuất hành của dân Do thái từ Ai cập về cũng vậy, vất vả trong sa mạc hơn 40 năm, họ phải chấp nhận để Thiên Chúa gọt dũa, mài nhẵn những góc cạnh xù xì của cái tôi ích kỷ, hẹp hòi, để rồi kết thúc với một bản giao ước tại núi Si-nai. Chuyến xuất hành đưa họ về đất hứa, mảnh đất chảy sữa và mật, nhưng đổi lại, họ phải đặt cược cuộc đời trong tay Thiên Chúa với một niềm tin tuyệt đối. Hai chuyến xuất hành này, dù có sự hiện diện của Thiên Chúa rất gần gũi, nhưng Ngài đòi hỏi con người phải có niềm tin vào một Thiên Chúa tình yêu. Niềm tin đó giúp họ vượt qua những khó khăn đau khổ của mầu nhiệm thập giá, và bước vào mầu nhiệm phục sinh trong niềm vui vỡ òa.
Chuyến xuất hành của các Tông đồ về đền thờ Giê-ru-sa-lem cũng vậy. Được chứng kiến vinh quang trên núi Ta-bor, nhưng Đức Giesu còn đòi hỏi các Tông đồ phải có một niềm tin vẹn toàn, một sự từ bỏ nhất định, mới có thể bước vào niềm vui phục sinh với Thầy Chí Thánh. Và chúng ta mỗi ngày sống cũng là một chuyến xuất hành, cùng nhau đi về quê hương đích thực là Nước Trời, người tín hữu được chiêm ngưỡng niềm vui phục sinh của Thầy qua lời chứng của các Tông đồ, do đó, phần thưởng cho ai biết sống một niềm tin sắt son, một niềm tin chân thành và một niềm tin độc thần, là Nước Trời, là niềm hạnh phúc ở bên cạnh Thiên Chúa. Để có được niềm tin trọn vẹn như Thiên Chúa đợi chờ, người tín hữu có đủ can đảm để phân biệt đâu là những điều cần thiết cho hạnh phúc mai sau và đâu là những điều cần phải xa tránh trong cuộc sống hiện tại. Từ khởi điểm đó, họ ra đi trong niềm hy vọng, trong thái độ sống lạc quan và khiêm tốn, bởi Thiên Chúa không bao giờ thất tín, không bao giờ bỏ rơi con cái của Ngài.
Sống ơn gọi nào giữa cuộc đời cũng cần có một niềm tin đích thực. Dù sống bên cạnh nhau trong một gia đình, nhưng người vợ và người chồng cũng cần có một niềm tin thực sự, mới có thể xây dựng được tổ ấm thực sự, niềm tin đó còn là động lực giúp họ dám hy sinh cho nhau, dám từ bỏ cái tôi của bản thân, để sống cho, sống vì và sống với người bạn đời. Đánh mất niềm tin lẫn nhau, sẽ khó nắm tay nhau xây dựng một gia đình, một cộng đoàn yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Ơn gọi dâng hiến cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó, nếu người Tu sĩ hay các Giáo sĩ thiếu niềm tin, hoặc niềm tin mong manh, khó có thể biến cuộc đời mình thành nhịp cầu đem ơn Chúa và bình an cứu độ cho tha nhân. Niềm tin vẫn mãi là một yếu tố quyết định cho người tín hữu bắt đầu từ hôm nay, đủ can đảm vượt qua những khó khăn nhất định, để sống ơn gọi của mình ngày một trọn vẹn, đồng thời đưa người tín hữu tiến lại gần Thiên Chúa hơn. Thiên Chúa đang đợi chờ nơi con người một chút cố gắng như thế, mong sao con người dám tin, dám sống và dám chết cho niềm vui Nước Trời.
Lạy Chúa Giesu, vâng lời Chúa Cha, Ngài đã đi vào trần gian để cứu độ con người. Con đường Ngài chọn để cứu độ là hy sinh, là từ bỏ tất cả, xin cho chúng con biết noi gương Ngài, dám từ bỏ những lợi ích của thế gian, dám từ bỏ những lời mời hấp dẫn của thế gian, để trở nên người tín hữu đang làm chứng cho một tin mừng cứu độ giữa đời. Chúa đã mở cho các Tông đồ cánh cửa của niềm tin khi chứng kiến vinh quang trên núi Ta-bor, để các ông can đảm theo Chúa trên chặng đường khổ giá, xin giúp chúng con luôn biết hướng về niềm vui Nước Trời, để chu toàn mọi bổn phận của mình, hầu mai sau được ngụp lặn trong niềm vinh quang vô tận của Nước Trời. Amen.
Lm Phêrô Trần Bảo Ninh