Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 21 Tháng 3 2022 11:36

Bài học yêu thương

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Bài học yêu thương


22.3 Thứ ba trong tuần thứ Ba Mùa Chay
2 V 5:1-15; Tv 42:2-3; Lc 4:24-30

Bài học yêu thương

Mùa chay - mùa của tĩnh lặng và sám hối, mùa của sự trở về của những đứa con hoang đàng. Sau một thời gian đi hoang xa cách Cha, xa nhà Cha, đứa con đã cảm nghiệm, đã ngộ ra được hạnh phúc mà mình đánh mất ở bên cha, ở trong nhà cha….Bản kinh lạy Cha hôm nay Đức Giê-su dạy mỗi người chúng ta dùng để trò chuyện với Cha trên trời đã cho chúng ta cảm nghiệm hết hạnh phúc được làm con của Cha thật quá sức tưởng tượng, vượt tầm trí khôn, nhưng đồng thời là một hạnh phúc có thật dành cho chúng ta nhờ Đức Giê-su Ki-tô Đấng cứu chuộc chúng ta.

"Lạy cha chúng con Đấng ngự trên trời.” Chúng ta có cha ở trên trời, một người cha toàn năng và Ngài thể hiện sự toàn năng đó trong tình yêu. Sự toàn năng của ngài là sự toàn năng của tình yêu. Có người cha như thế, còn gì bảo đảm hơn cho chúng ta, còn gì hạnh phúc hơn cho chúng ta, có còn gì làm chúng ta sợ hãi… Xin Thiên Chúa là cha ban ơn giúp chúng con cảm nhận và lãnh hội được niềm hạnh phúc này, để chúng con thôi những bước chân đi hoang mà về bên cha, sống trong tình cha. “Lạy cha chúng con Đấng ngự trên trời” cũng có nghĩa chúng con là anh em với nhau, chúng con là hình ảnh của cha và chúng con phải giống cha mình. Bởi thế, Chúac Giêsu thật có lý khi ngài nói: “Anh em hãy nên hoàn thiện như cha trên trời là Đấng hoàn thiện.”

Sống ở trên đời người ta thường đến với nhau theo quy luật “có qua có lại”, ta chỉ đối xử tốt với người có đồng quan điểm với mình, chỉ giúp đỡ những ai đem đến cho ta chút lợi lộc. Còn Chúa Giêsu thì khác, Ngài dạy chúng ta yêu thương kẻ thù, làm ơn cho những người ghét chúng ta. Những điều chúng con không thích người khác làm cho mình thì đừng làm cho người khác.

Cách yêu thương này thật khó thực hiện bởi con người chúng ta có tính ích kỷ và yếu đuối. Làm sao yêu thương được khi người khác lăng nhục chúng ta. Làm sao đối xử tốt được với người hàng xóm keo kiệt hay gây phiền toái cho ta. Làm sao yêu thương được người đồng nghiệp lật mặt tráo trở trong hợp đồng làm ăn. Làm sao tha thứ được những đứa con hư thân bất hiếu với cha mẹ… Biết bao vấn đề, bao nhiêu con người bị loại ra khỏi mối liên hệ với chúng ta vì chúng ta chưa yêu thương đủ và chưa thực tình tha thứ cho nhau.

Câu trả lời cho tất cả những khúc mắc trên đó là hãy soi mình vào tình yêu của Chúa Giêsu để học biết hai chữ Yêu Thương. Hãy nhìn lên thập giá Chúa để có được câu trả lời trọn vẹn, nhìn vào Thánh Thể Chúa để cảm nhận được tận cùng của sự tự hiến. Tình yêu ấy giúp chúng ta vươn lên sống cao đẹp hơn, quảng đại hơn. Tình yêu ấy có khả năng hóa giải mọi hận thù, ghen ghét. Nhờ Đức Mến, Thiên Chúa đổ vào lòng chúng ta ngọn lửa tình yêu, ngọn lửa ấy thanh tẩy tâm hồn cùng những quyến luyến trần trần tục và quy hướng lòng ta về với Chúa và anh em đồng loại.

Một cách khác để hóa giải những vấn đề trắc trở của mối dây yêu thương đó là đời sống cầu nguyện. Chúa Giêsu đã dạy “Hãy cầu nguyện cho những người bách hại anh em”. Cầu nguyện không phải để quên đi lỗi lầm của người khác nhưng là để đón nhận họ với tất cả sự yếu đuối và những giới hạn. Cầu nguyện là để biết mình. Đôi khi chính chúng ta cũng đang bách hại anh em một cách gián tiếp. Bách hại trong lời nói, trong thái độ khinh dể loại trừ. Bởi vì đã là người ai dám chắc chắn mình sẽ không phạm lỗi. Thế nên mỗi ngày chúng ta phải cầu nguyện để cảnh tỉnh chính mình khỏi ngã khi nghĩ mình đang đứng vững, khỏi chết khi mình vẫn đang sống.

Cầu nguyện để biết đón nhận tha nhân như món quà Chúa trao. Khi có đời sống cầu nguyện thiết thân với Chúa, chúng ta sẽ nhận ra tất cả là ân sủng của ngài, từ sự “khó thương” của người khác cho đến những chuyện thất bại trong cuộc đời chúng ta đều được an bài trong Chúa. Lúc vui lúc buồn, lúc phấn khởi hay khi chán chường thất vọng thì lời cầu nguyện của chúng ta càng trở nên tha thiết. Giữa lúc sung túc xum họp hay khi túng thiếu chia ly thì lời cầu nguyện càng giúp ta kiên trì giữ vững niềm tin. Và mục đích cuối cùng của cầu nguyện là đạt được chính Thiên Chúa. Thánh Têrêsa Avila khẳng định rằng: “Một linh hồn bền tâm cầu nguyện dù tội lỗi đến đâu, bị cám dỗ thế nào đi nữa và phạm đủ thứ tội ma quỷ xúi giục, tôi tin chắc chắn Chúa cũng dẫn họ tới Ơn Cứu Độ đời đời”

Tin Mừng hôm nay Chúa dạy chúng ta phải tha thứ luôn mãi. Thiên Chúa là người Cha nhân từ không bao giờ chấp tội chúng ta. Trái lại Người còn yêu thương và đón nhận những người tội lỗi. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa đã dạy chúng ta phải tha thứ cho người khác thì chúng ta sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Khuyết điểm của chúng ta là ghi nhớ những lỗi lầm của người khác nên khó lòng tha thứ cho họ. Sống là bước tiếp, là đi tới. Chúng ta hãy vượt qua những giới hạn lỗi lầm của tha nhân để hướng tới những điều tích cực. Hãy thiết lập mối quan hệ và đối xử tốt với mọi người xung quanh. Hãy mau mắn làm hòa với những người đã xúc phạm đến chúng ta, cách đó giúp chúng ta vượt qua mọi nỗi hận thù ghen ghét để tận hưởng được niềm vui lớn lao của tình yêu thương.

Thế giới này có biết bao nhiêu là sự dữ: sự dữ của chiến tranh, thiên tai, bệnh tật, đói nghèo… sự dữ của bất công, của những tệ nạn, của hận thù, ganh ghét… - sự dữ do con người, sự dữ do ma quỉ. Xin Cha cứu giúp và biến chúng ta như cánh tay nối dài của Cha đẩy lui bóng tối, đẩy lui sự dữ, để cuộc đời bớt đi những bi kịch đau thương và gia tăng thêm tiếng hát cười của tình người.

Tấm lòng của Thiên Chúa thì quá bao la còn tấm lòng của chúng ta thì hết sức hẹp hòi. Chúng ta đã xúc phạm đến Thiên Chúa và đến anh chị em không biết bao nhiêu lần, nhưng cũng ngần ấy lần Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Thiên Chúa vẫn nhẫn nại với chúng ta và Ngài sẽ còn nhẫn nại với chúng ta cho đến tận cùng, cho đến giờ phút cuối cùng của đời ta.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tha thứ và tha thứ không ngừng nghỉ! Tha thứ như thế thì mới được Thiên Chúa tha thứ cho mình.

Tha thứ là một điều rất khó, nhưng nó là tuyệt đỉnh và cao quí nhất mà Đức Giêsu đã cống hiến cho con người.

Tha thứ còn là của lễ đẹp lòng Thiên Chúa nhất, bởi vì nhờ tha thứ, con người trở nên giống Thiên Chúa, vì Thiên Chúa mà Đức Giêsu mạc khải cho loài người là Thiên Chúa của tha thứ không ngừng. Thế nên, chỉ có một mình Vị Thiên Chúa tha thứ không ngừng ấy, mới có thể đòi hỏi con người: “Ta không bảo con phải tha đền bẩy lần, nhưng là đến bẩy mươi lần bẩy”, tức là tha không ngừng.

Nếu có khó khăn trong việc tha thứ, ấy là chúng ta vẫn nhìn vào sức nặng của sự xúc phạm mà đối phương đã gây ra cho ta, trong khi đó, lẽ ra chúng ta phải nhìn vào tình thương của Thiên Chúa đối với mình khi Ngài tha thứ tội lỗi cho ta.
Huệ Minh

Read 724 times Last modified on Thứ hai, 25 Tháng 4 2022 18:22