Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 01 Tháng 6 2022 18:02

Hiệp nhất trong tình yêu

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Hiệp nhất trong tình yêu


Thứ Năm tuần VII PS

Tin Mừng Ga 17,20-26

Hiệp nhất trong tình yêu

Trước khi từ giã các môn đệ thân tín để trở về cùng Chúa Cha, Đức Giêsu đã dâng lời nguyện tế hiến (Chương 17) để cầu nguyện cho các môn đệ thân yêu của Ngài còn ở trần gian.

Mỗi người chúng ta cũng có phần trong lời cầu nguyện này của Chúa Giêsu: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con” (c.20). Lời cầu nguyện của Đức Giêsu thật tha thiết và cảm động, được xuất phát từ thâm tâm sâu lắng của Ngài. Lời cầu nguyện đặc biệt này đủ để an ủi và động viên các môn đệ, giúp các ông thêm mạnh mẽ và can đảm làm chứng tá cho Ngài giữa bao gian nan thử thách. Đời chứng tá của chúng ta chắc chắn cũng được nâng đỡ và phù trợ bằng sức mạnh chuyển cầu của chính Đức Giêsu bên cung lòng Chúa Cha.

Trọng tâm lời cầu nguyện của Chúa Giêsu chính là “Xin cho chúng nên một” (cc. 21-23). Đây là yếu tố nền tảng để các môn đệ có thể chu toàn sứ mệnh chứng tá giữa trần gian. Yếu tố này cũng là dấu hiệu thiết thực nhất để mọi người tin vào sứ điệp Tin Mừng mà chúng ta mang đến cho họ.

Nên một “như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (c.21). Chúa Giêsu đã thực sự “ở trong Cha” với một tình yêu tuyệt đối khi Ngài tự nguyện xuống trần gian, hoà mình trong kiếp nhân sinh, để hoàn tất thánh ý Cha qua cái chết và phục sinh của Ngài, nhờ đó cả nhân loại được ơn cứu độ. Chúng ta cũng được Chúa mời gọi hãy thành tâm tìm kiếm và chu toàn thánh ý Chúa Cha, bằng một tình yêu tinh ròng như Chúa Giêsu trong cuộc đời mỗi người, để chúng ta cũng được hoà nhập vào trong tình yêu của Cha và Con ngay từ cuộc sống trần thế này. Chúa Giêsu đã chia sẻ cho các môn đệ vinh quang phục sinh của Ngài. Vinh quang ấy chính là sự sống viên mãn trong tình yêu hiệp nhất với Chúa Cha, và nhờ đó các môn đệ được “nên một như chúng ta là một” (c. 22). Mỗi chúng ta cũng được chia sẻ vinh quang phục sinh của Đức Giêsu bằng đức tin và lòng mến, nếu mỗi ngày sống chúng ta biết trung kiên vác thập giá theo Ngài.

Trong tình yêu hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con, có sự hiện hữu của mỗi chúng ta theo chương trình yêu thương của Ngài “Con ở trong họ và Cha ở trong Con” (c.23). Chính sự hiệp nhất trong một tình yêu kỳ diệu ấy, là dấu hiệu căn bản để thế gian nhận ra sự hiện diện gần gũi và đầy yêu thương của Thiên Chúa. Trong ý nguyện sâu thẳm này, Đức Giêsu muốn mỗi người chúng ta hãy đi sâu vào mối tương quan thân mật với Chúa Cha và với chính Ngài, bằng một đời sống tâm linh tràn sức sống yêu thương. Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể hiệp nhất với nhau trong một gia đình, một cộng đoàn, một giáo xứ . . . Bởi lẽ chính sự hiệp nhất trong một tình yêu duy nhất này, mới có sức xoá tan mọi bất hòa, chia rẽ, để tạo nên một bầu khí chan hòa yêu thương trong an bình và hiệp nhất.

Kiếp nhân sinh chỉ là một cuộc sống tạm gởi, cuộc sống mai hậu mới là viên mãn trường cửu. Chúa Giêsu đã đi trước dọn chỗ cho chúng ta trong cung lòng yêu thương của Chúa Cha nơi Quê Trời vĩnh phúc: “Con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con” (c.24). Hạnh phúc thật sự của chúng ta là có được một vị trí nơi Quê hương Nước Trời, chứ không phải là những thành công, địa vị mau qua nơi trần thế này.

Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha trong Tin Mừng hôm nay hướng về những kẻ tin nhận Người, với mong muốn cho họ được hiệp nhất nên một: "Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con" (Ga 17,20-21) và Người khát mong: "Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa" (Ga 17,26).

Thế nhưng, lời cầu xin của Chúa Giêsu hình như đã bị con người lãng quên hoặc bị khước từ bởi tính kiêu căng và tự mãn. Do vậy, riêng trong Giáo Hội đã từng xảy ra những sự chia rẽ đáng tiếc, làm mất đi tinh thần hiệp nhất trong cùng một Thân Thể Chúa Kitô. Chính những cuộc chia rẽ ấy đã gây ra những vết thương, gương xấu trong Giáo Hội. Ý thức điều đó, ngày hôm nay, hằng năm Giáo Hội luôn dành một tuần lễ để cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. Vì hiệp nhất chính là sức mạnh, là niềm vui và là bình an.

Xin Chúa giúp chúng ta có được lòng khiêm tốn và quảng đại, để biết mở lòng mình đón nhận những khác biệt của nhau, với tinh thần tôn trọng và lòng yêu mến chân thành. Nhờ đó, chúng ta tích cực cộng tác với nhau và cùng nhau giới thiệu Tin Mừng đến với mọi người.

Huệ Minh

Read 360 times