Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 02 Tháng 6 2022 14:52

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 20, 19-23)

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con!" Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại".

Suy niệm

Cuộc đời của một con người khởi đi từ tiếng khóc chào đời, hành trình của Giáo hội Công giáo khởi đi từ ngày được khai sinh, ngày Giáo hội đón nhận nguồn sống từ Thiên Chúa Cha, qua Đức Giesu, trong Chúa Thánh Thần. Trước khi rời cộng đoàn Giáo hội ban đầu, Đức Giesu đã ban Chúa Thánh Thần cho mỗi người, cho công đoàn. Từ đây, Chúa Thánh Thần chính thức hiện diện, hoạt động và hướng dẫn Giáo hội từng ngày trong cuộc lữ hành của mình. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống được coi là ngày sinh nhật của Giáo hội, là ngày gia đình của Thiên Chúa ở trần gian chính thức mở cửa đón con cái vào trong mái ấm tình Trời đó. Trong mái ấm tình yêu này, Chúa Thánh Thần từng bước dẫn con cái Thiên Chúa đi trong ánh sáng của Tình yêu, của Chân lý và của Sự sống thiêng liêng đến từ Thiên Chúa Cha tình yêu. Trong mái ấm của ngôi nhà này, con người được nhìn nhận đúng với giá trị của mình, được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn từng ngày trong tình yêu và chân lý, để mỗi người sống ơn gọi của mình có ý nghĩa hơn và thu lượm được nhiều hoa trái tình yêu hơn.

Trở lại với những sinh hoạt của buổi ban đầu trong cộng đoàn Giáo hội, chúng ta nghe tác giả sách Tông đồ Công vụ kể: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, tất cả các môn đệ đều tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp. Lại có những lưỡi như thể bằng lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người. Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho họ nói”. Các Tông đồ là những chứng nhân trực tiếp của biến cố tử nạn cũng như phục sinh của Đức Giesu, nay họ đứng lên làm chứng trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Họ nói bằng thứ ngôn ngữ của con người, của những người dân chài thất học, nhưng tất cả mọi người tề tựu trước đền thờ Gierusalem đều có thể hiểu những bài giáo lý cơ bản của Giáo hội, đồng thời, họ được đón nhận hơi thở của Giáo hội là Chúa Thánh Thần. Dù khác biệt vùng miền, nhưng tất cả đều có thể hiểu nhau nhờ ngôn ngữ của đức tin, ngôn ngữ của tình yêu, và đó là ngôn ngữ đến từ Chúa Thánh Thần. Chính ngôn ngữ đó đã kết nối tất cả mọi người nên một trong ngôi nhà của Thiên Chúa ở trần gian là Giáo hội.

Sau khi trở lại từ biến cố ngã ngựa trên đường Damas, thánh Phaolo được tái sinh trong sức mạnh của Đấng phục sinh, ngài đã chấp nhận để cho Đấng phục sinh thay đổi con người của mình, trở nên một chứng nhân sống động. Là một đứa trẻ sinh ra muộn màng, như tâm tình ngài thổ lộ, thánh Phaolo luôn đi theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong ơn gọi là Tông đồ cho dân ngoại, đi tới đâu, ngài đều thực hiện theo sự chỉ dạy của Chúa Thánh Thần. Trong lá thư gởi cộng đoàn giáo hội Corinto, thánh nhân quả quyết rằng, tất cả những gì ngài đã và đang thực hiện đều do Chúa Thánh Thần hướng dẫn: “Anh em thân mến, không ai có thể nói "Ðức Giêsu là Chúa" mà lại không do Thánh Thần. Vậy có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều thứ chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa, là Ðấng làm mọi sự trong mọi người. Sự xuất hiện của Thánh Thần được ban cho từng người, tuỳ theo lợi ích”. Ngay từ buổi bình minh của Giáo hội, Chúa Thánh Thần đã thực hiện những việc lạ lùng, từ những chuyến đi truyền giáo của các Tông đồ, cho đến những sinh hoạt trong các cộng đoàn, Ngài đã xây dựng tình gia đình thiêng liêng, tình hiệp thông huynh đệ dựa trên nền tảng là tin mừng, là nhân bản Kito giáo. Và hôm nay, Chúa Thánh Thần vẫn đang thực hiện những câu chuyện còn dang dở từ Đấng Cứu Thế.

Với những ưu tư lo lắng cho cộng đoàn, cho anh em, các Tông đồ đã nhận được niềm vui khi Đấng Phục sinh xuất hiện, ban bình an cho tất cả, hơn nữa còn ban Chúa Thánh Thần cho mọi người, để Ngài giữ gìn các chứng nhân được bình tâm trước mọi hiểm nguy đang rình rập trong cộng đoàn. Nhận được sức mạnh từ Chúa Thánh Thần, các Tông đồ như bừng tỉnh, như được đánh thức, như bước từ vùng tối tăm ra chốn ánh sáng, họ mạnh dạn, tự tin để loan báo tin mừng cứu độ cho các dân tộc, đồng thời làm chứng cho sự hiện diện của Đấng phục sinh đang ở giữa anh em: “Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại". Buổi đầu của Giáo hội không thiếu những cơn sóng to gió lớn, không thiếu những bè phái chống lại cộng đoàn của Thiên Chúa, do đó, nếu không có Chúa Thánh Thần, Giáo hội không thể vượt qua được những thách đố đó, đồng thời, khó có thể xây dựng được một cộng đoàn huynh đệ thiêng liêng. Chúa Thánh Thần đã làm những việc lớn lao và đang còn làm những việc lớn lao hơn giữa lòng thế giới, trong lòng Giáo hội hôm nay.

Buổi đầu của Giáo hội Công giáo có những biến cố thật đặc biệt. Các Tông đồ sau khi nhận lãnh Thánh Thần, đã mở tung cánh cửa của sự sợ hãi, nhát đảm, bước ra thế giới đầy những đau thương, các ngài đã loan tin vui cứu độ cho thế giới, các ngài đã đem bình an của Đấng phục sinh đến cho nhân loại, trong những phút giây đặc biệt đó, tất cả mọi người cảm thấy đây là gia đình của mình, đây là cộng đoàn huynh đệ của mình, mọi người thấu hiểu nhau, cảm thông với nhau và chia sẻ cho nhau những gì có trong cuộc sống. Sợi dây nào đã kết nối tất cả mọi tâm hồn với nhau, có phải là vật chất của cải không, có phải là một triết lý sống mới được du nhập vào đất nước Do thái không, chắc không phải do những yếu tố của thế gian nhưng tất cả đến từ ngôn ngữ của niềm tin do Thánh Thần đem đến. Chúa Thánh Thần đã biến đổi nhận thức của mỗi người về giá trị của chính họ, Chúa Thánh Thần đã thay đổi thứ ngôn ngữ bấy lâu tồn tại trong tâm trí họ, bằng một thứ ngôn ngữ mới hoàn toàn, đó là ngôn ngữ của tình yêu cứu độ. Sợi dây vô hình đó đã quy tụ mọi người về cùng một mái nhà chung, trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, thế gian không thể nhận ra được điều đó bởi họ phủ nhận sự hiện diện của Thiên Chúa, đặc biệt là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, và họ cho rằng các Tông đồ đã đầy rượu, quả thực họ đã đầy rượu nhưng đó là rượu tình yêu Thánh Thần Thiên Chúa.

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của Chúa Thánh Thần, Giáo hội đang đi theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua từng biến cố, từng con người. để thay đổi hình ảnh Thiên Chúa trong suy nghĩ và niềm tin của người tín hữu hôm nay, Chúa Thánh Thần quy tụ Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ 16 với chủ đề Giáo hội hiệp hành. Một sự thay đổi dành cho mọi thành phần dân Chúa chứ không dành riêng cho một ai, cho một thành phần nào, Thiên Chúa cúi xuống với con người, cứu độ con người, hoán đổi con người trở nên thánh trong từng ơn gọi, phần con người là cộng tác với Chúa Thánh Thần để tái xây dựng Giáo hội là một gia đình, một cộng đoàn huynh đệ thiêng liêng như thưở ban đầu. Chúa Thánh Thần đang làm việc miệt mài để giúp con người hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện, thế nhưng, Giáo hội đang ở giữa lòng thế giới, đối diện với muôn vàn xu hướng tục hóa, Giáo hội cũng đang hội nhập vào một thế giới thực dụng, nặng về vật chất và quyền bính, do đó, con người cần phải cộng tác với Chúa Thánh Thần nhiều hơn, tích cực hơn để đưa Giáo hội ra khỏi vòng kim cô của thế gian, đưa Giáo hội ra khỏi xu hướng tục hóa tất cả những giá trị thánh thiêng của Giáo hội do các Tông đồ để lại. Công việc đó cần rất nhiều tấm lòng quảng đại của các tín hữu Kito, đồng thời, cùng nhau phải dùng chung một thứ ngôn ngữ của Thánh Thần, đó là ngôn ngữ tình yêu, ngôn ngữ niềm tin. Có như thế mới có thể xây dựng một Giáo hội là hiền thê của Đức Kito, sống đúng với ơn gọi và trọng trách của mỗi người và mọi người.

Lạy Chúa Giesu, trước khi rời thế gian, Chúa đã ban Thánh Thần cho các Tông đồ, cho các cộng đoàn giáo hội ban đầu, rồi từ đó, Chúa Thánh Thần đã kiến tạo một Giáo hội thánh thiện và tinh tuyền ở trần gian, có sự cộng tác của con người, xin cho chúng con nghe được tiếng mời gọi của Chúa Thánh Thần, để được cộng tác với Ngài, cùng nhau xây dựng gia đình của Thiên Chúa nơi trần gian. Chúa Thánh Thần là Thần Chân lý, là Sự Sống và là Tình yêu của Thiên Chúa, xin Chúa ban thêm sức mạnh của Thánh Thần cho chúng con, để mỗi người can đảm làm chứng cho sự thật, làm chứng cho tình yêu và làm chứng cho sự sống đời đời. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, chúng con đang mong chờ Ngài. Amen.

Lm Phêrô Trần Bảo Ninh

Read 429 times Last modified on Thứ bảy, 04 Tháng 6 2022 20:32