Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 09 Tháng 7 2022 07:11

Ai thân cận ai ?

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Ai thân cận ai ?

 

 

10.7 Chúa Nhật thứ Mười Lăm Mùa Quanh Năm

Đnl 30:10-14; Tv 69:14-17,30-31,33-34,36-37; Tv 19:8,9,10,11; Cl 1:15-20; Lc 10:25-37

Ai thân cận ai ?

Trong thế giới luật pháp có ‘luật người Samari nhân hậu’, luật này yêu cầu bảo vệ hợp pháp với những ai giúp đỡ chính đáng cho người khác khi người đó bị thương tích, đau yếu hoặc trong những tình cảnh hiểm nghèo. Luật người Samari nhân hậu này nhằm khuyến khích người khác trợ giúp những ai lâm cảnh hoạn nạn

Theo quan niệm người Do thái, thì: “Thân cận” là người có quan hệ tự nhiên gần gũi với mình như: cùng dân tộc, cùng gia đình, cùng thành phần giai cấp… còn đối với Chúa Giêsu, thì thân cận là người hiện lúc này đang cần đến tình yêu thương và sự giúp đỡ của ta. Nạn nhân bị quân cướp trấn lột, là người Do thái. Thấy anh nằm vệ đường, người Samari có thể bảo mình: đây là người ngoại quốc, tôi không biết hay đây là một kẻ thù, không đáng giúp đỡ. Nhưng ngược lại, người Samari đã động lòng thương xót, tiến lại gần, không phải để hỏi han qua loa, nhưng người ấy lại nhận lấy trách nhiệm giúp đỡ nạn nhân cho đến khi họ không cần thiết nữa.

Người thông luật trong Tin Mừng hôm nay hỏi Chúa Giêsu: “Ai là người thân cận của tôi?” Thay vì trả lời, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn người Samari tốt lành: Một khách bộ hành đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, bị bọn cướp đánh nhừ tử, trấn lột, rồi bỏ nằm nửa sống nửa chết bên lề đường. Trong khi hai thầy tư tế và Lê vi “tránh qua bên kia mà đi”, thì người Samari ngoại đạo lại dừng chân, băng bó vết thương, đem nạn nhân về nhà trọ săn sóc.

Người Luật sĩ đã hỏi Chúa Giêsu đâu là người thân cận của ông ta, và Ngài đã trả lời cho ông thấy người thân cận chính là anh em của mình, và phải yêu thương họ như chính mình. Qua câu nói đó, Ngài muốn chúng ta đi xa hơn để vượt ra khỏi ranh giới chủng tộc, quốc gia, giai cấp, địa vị để yêu thương bằng một tình yêu vị tha thay thế cho vị ngã. Người Samaritanô đã chạnh lòng thương đến người bị nạn, ông đã coi nỗi đau khổ của người bị nạn chính là nỗi đau của ông, nên ông cảm thấy trách nhiệm và cần phải giúp đỡ người bị nạn. Tình thương đã khiến cho ông gần tha nhân hơn là những rào cản tôn giáo, dân tộc.

Chúa Giêsu hỏi lại người thông luật: “Vậy ai là người thân cận của kẻ bị cướp?”. Hỏi tức là trả lời. Và người thông luật đáp: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót”. Chúa Giêsu bảo: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10, 37).

Người Samaria là một anh chàng không có đạo, mà không có đạo cũng đồng nghĩa với không thể sống bác ái lương thiện. Quan niệm Do Thái hẹp hòi và thiển cận ấy, như một mẫu mực để những ai muốn có cuộc sống đời đời phải nhìn đó mà noi theo. Người Samaria ngoại đạo đã trổi vượt hơn những người chính thống, đạo đức nhất của xã hội và Giáo Hội lúc bấy giờ là thầy Lêvi và vị tư tế. Trổi vượt trong lãnh vực yêu thương, cứu giúp những người gặp vận nạn hiểm nguy trong cuộc sống.

Thầy tư tế chuyên lo việc đền thờ, nhưng đền thờ đích thực nơi con người, những thụ tạo được Chúa dựng nên giống hỉnh ảnh Ngài, thì ông ta lại không màng. Cũng vậy, các thầy Lêvi thường hay đeo bảng khắc lề luật ở trước ngực, nhưng luật của tình yêu thì ông lại nhẫn tâm dẫm đạp, để mặc người bị nạn nằm đó chờ chết. Còn người Samaritanô ngoại giáo thì khác. Anh ta không biết chút gì về lề luật trên lý thuyết, nhưng trong thực hành, ông lại quá tuyệt vời.

Sự ích kỷ và vô tâm nơi mỗi người, thường xuất phát từ thái độ tự mãn mà chúng ta vẫn hay có. Trong Tin mừng Matthêu chương 18, Chúa nặng lời chỉ trích thái độ trịch thượng, khoe khoang của những người biệt phái và ký lục giả hình. Họ là những con người bề ngoài xem ra rất đạo đức nhưng trong lòng thì rống tuếch, chẳng khác gì mồ mả sơn phết bên ngoài.

Cũng thế, hai ‘đấng bậc’ mà Chúa nhắc đến hôm nay, Thầy tư tế và Thầy Lêvi, đã hoàn toàn tỏ ra vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Họ vẫn tự cho mình là những người đạo đức, không dám sờ chạm đến xác chết vì sợ bị nhiễm uế. Nhưng sự vô cảm và ích kỷ lại chính là tình trạng nhiễm uế ghê tởm nhất từ chính bên trong tâm hồn của họ. Chúng ta cũng dễ rơi vào tình trạng giống vậy. Ông Wilberforce, một nhà tu đức đã nói: “Chắp tay lại để cầu nguyện thì rất tốt, nhưng biết mở tay ra để đến với anh em, nhất là những con người cùng khổ, thì vẫn tốt hơn.”

Đối với Chúa Giêsu, dựa trên tinh thần đạo đức siêu nhiên, Ngài đã bổ túc luật cũ, lấy tiêu chuẩn hành động là Thiên Chúa; “Đây là điều răn của Thầy: ” Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15, 12; 13, 34). Công Đồng Vaticanô II trong Hiến Chế Lumen Gentium đoạn 40 cũng nhắc nhở: “Bởi vậy, Người đã sai Thánh Thần đến với mọi người, để từ bên trong Ngài thôi thúc họ yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn cùng hết sức họ (Mc 12,30) và yêu thương nhau như Chúa Kitô yêu thương họ” (Ga 15, 12; 13, 34)

Khi đề cao người Samaria, Chúa Giêsu muốn chúng ta cũng phải là những người chăm sóc. Con đường Giêrusalem tới Giêricô chính là đường đời, trên đó không thiếu những người bất hạnh cần được chăm sóc. Mỗi người cũng được Chúa ban có nhiều khả năng chăm sóc: một lời an ủi động viên, một cử chỉ thân ái, một giúp đỡ thiết thực chính là chút rượu và chút dầu xoa dịu những thương đau cho người anh em mình đang gặp đau khổ.

Là người Kitô hữu, chúng ta mắc một món nợ, tức là nợ yêu thương đối với bất kỳ ai đang cần được giúp đỡ. Có người ở ngay sát nhà ta, nhưng họ không cần ta giúp đỡ, nên chưa phải là người thân cận ta, nhưng nếu người xa lạ gặp ta và cần sự giúp đỡ mà ta có khả năng đem lại cho họ, thì khi đó họ trở nên người thân cận của ta. Người đó cần tình yêu thương của ta. Tình yêu thương ấy ta phải thi hành đúng lúc, hữu hiệu và vô vị lợi.

Mỗi người hãy nhìn lại, là thành viên của gia đình, cộng đoàn, nhóm tông đồ… nhưng chúng ta có thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ nỗi niềm đau đớn tinh thần cũng như thể xác của người thân trong gia đình, của cộng đoàn, của nhóm mình hay không? Hay chúng ta vẫn vô tâm trước những đau khổ của người khác? Hay chúng ta thay vì xoa dịu lại còn gây thêm đau khổ cho người khác?

Hành động bác ái còn có tác dụng rất lớn trong việc truyền giáo. Tôi biết được nhiều người trở lại đạo vì họ cảm kích việc bác ái của người Công Giáo. Chẳng hạn như ở họ đạo mà tôi đang phục vụ, có nhiều người Công Giáo sống xa nhà thờ, xen lẫn với bà con lương dân, khi các gia đình Công Giáo hay các gia đình lương dân nầy có tang chế, những người giáo dân trong họ đạo không quản ngại xa xôi, hao tốn đến giúp về tinh thần lẫn vật chất… những việc làm như thế rất đánh động bà con lương dân và sau đó thường có những người xin học đạo. Như thế hành vi bác ái không những chứng tỏ chúng ta là môn đệ thật của Chúa Giêsu, mà còn có thể qua đó giúp tha nhân đến với Chúa nữa.

Mến Chúa và yêu người không thể tách rời nhau. Thật vậy, yêu thương giúp đỡ người khác mà thiếu lòng yêu mến Chúa thì việc làm đó khó bền vững và thường dẫn tới tự cao tự mãn. Yêu thương giúp đỡ người khác như là dấu chỉ của lòng yêu mến Chúa, như thánh Giacôbê đã từng dạy rằng: đức tin không có việc làm là đức tin chết. Hay như mẹ Têrêsa đã nói: hoa trái của đức tin là bác ái, hoa trái của bác ái là phục vụ, hoa trái của phục vụ là bình an.
Huệ Minh

Read 250 times Last modified on Chủ nhật, 10 Tháng 7 2022 06:54