Câu chuyện này xem chừng như quen quen :
Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết.
Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua.
Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua.
Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc.
Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: ‘Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông’.
Quá quen và dường như nghe quá nhiều lần trong cuộc đời nữa là đàng khác !
Câu chuyện không khó để tìm ra ý nghĩa. Ý nghĩa dễ thấy nhất đó chính là sự vô cảm mà bi đát nữa đó là sự vô cảm lại phát xuất từ những con người gọi là tri thức, đạo đức và trình độ.
Có 3 người trong câu chuyện này kèm với nạn nhân nửa sống nửa chết.
Người tư tế thì rất sợ không dám đụng vào vì theo luật Do Thái thì sẽ bị ô uế. Luật nói như thế này : Ai đụng vào người chết, bất cứ người chết này là ai, đều bị nhiễm uế trong bảy ngày liền. Ngày thứ ba và thứ bảy, người đó sẽ lấy nước nói trên mà thanh tẩy mình và sẽ được sạch; nếu người đó không thanh tẩy mình ngày thứ ba và thứ bảy, thì sẽ không được sạch. Ai đụng vào người chết -thi thể của một người đã chết- mà không thanh tẩy mình, người đó làm cho Nhà Tạm của Đức Chúa bị nhiễm uế, người như thế phải bị diệt trừ khỏi Ít-ra-en, vì nó đã không được dội nước tẩy uế. Nó đã bị nhiễm uế, và ô uế vẫn tồn tại nơi nó. (Ds 19, 11-13).
Chính vì vậy nên tư tế không dám đụng vào. Trợ tế thì cũng như vậy. Cuối cùng còn người Samari.
Những người Sa-ma-ri là ai?
Người Sa-ma-ri sống ở một vùng thuộc phía bắc của Giu-đê. Người Sa-ma-ri bao gồm con cháu của những cặp vợ chồng mà một trong hai người không phải là người Do Thái.
Đến thế kỷ thứ nhất công nguyên, người Sa-ma-ri lập tôn giáo riêng. Họ chấp nhận năm sách đầu của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ nhưng thường bác bỏ những phần còn lại.
Nhiều người Do Thái vào thời Chúa Giê-su khinh miệt người Sa-ma-ri và tránh giao thiệp với họ. Một số người Do Thái dùng cụm từ “người Sa-ma-ri” như là cách sỉ nhục.
Với 3 con người này, Ta thấy câu chuyện này chỉ ra một lối sống thay vì chỉ nghĩ đến bản thân mình, mà cần phải biết quan tâm đến tha nhân. Đây là lối sống vô cảm.
Ngày hôm nay, ta thấy giữa một xã hội phải nói là quá buồn vì căn bệnh vô cảm. Vô cảm ngày mỗi ngày len lỏi vào trong đời sống của con người không trừ một ai. Cả những người Kitô hữu vẫn sống vô cảm và vô cảm ngay với anh chị em trong cùng ngôi nhà của mình, trong cùng cộng đoàn của mình.
Chỉ vì một chút lợi nhuận, một chút đất, một chút của hội môn mà tình huynh đệ tương tàn với nhau. Ra đường thì người ta dường như sống theo kiểu mackeno hay là sống chết mặc bay. Lối sống ích kỷ, lối sống chỉ biết mình ngày hôm nay dường như đang lên ngôi trong xã hội.
Chúa Giê-su nói với người thông luật cũng chính là nói với mỗi người chúng ta hãy thực hành như người Samari nhân hậu đã làm. Chúng ta phải có thái độ của người Samari nhân lành để chứng minh về đức tin của mình. Thánh Gia-cô-bê để nhắc nhở chúng ta rằng, “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Chúng ta nên tự chất vấn lương tâm mình, nếu đức tin của chúng ta sinh hoa kết trái, thì nó sẽ sản sinh những công việc tốt lành, hoặc ngược lại, nếu nó khô cằn thì ắt hẳn nó sẽ trở nên chết chóc hơn là sống động.
Chúng ta hãy đi và làm như người Samari đã làm. Tất cả chúng ta phải tiếp tục nhiệm vụ của người Samari nhân hậu bên cạnh tất cả những ai chúng ta gặp và chân tình giúp đỡ, băng bó các vết thương của họ, những vết thương nghèo đói, đau yếu, bệnh tật, cô đơn, chết chóc… Đừng ngồi đặt vấn đề : "Ai là anh em tôi ?", nhưng hãy đi và tỏ ra "mình là anh em của mọi người". Đừng dừng lại tìm xem người đó là ai, có đạo hay không có đạo. Nhưng hãy đi và làm như người Samari kia, nhìn thấy vết thương thì băng bó, nhìn thấy người đau khổ thì cứu giúp. Phải vượt qua quan niệm hẹp hòi của người Do Thái, để đi đến tình huynh đệ phổ quát, đại đồng.
Yêu mến Chúa trong nhà thờ, không đủ, nếu không yêu mến Chúa trên đường đi và trong người anh em đồng bào, đồng loại. Chúng ta phải sống đạo chứ không phải chỉ biết luật dạy mến Chúa yêu người trong sách vở. Thánh Gioan Tông đồ đã nói : "Anh em đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương thực sự bằng việc làm". Ngài còn nói : "Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối. Ai yêu thương anh em mình thì sống trong ánh sáng. Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối và bước đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu, vì bóng tối đã làm cho người ấy ra mù quáng" (1Ga 2,9-11).
Lm. Anmai, CSsR