Bài Tin Mừng khó hiểu và giá trị lớn trong đời sống con người
Posted by Ban Biên TậpTrong Tin Mừng, có những đoạn xem chừng khó hiểu cũng như khó lọt tai người đọc và người nghe.
Đơn cử như trong đoạn Tin Mừng Chúa Nhật XX thường niên năm C mà ta đang sống.
Nghe qua những lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng : “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên ! ... Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao ? Thầy bảo cho anh em biết : không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ...”
Nếu như chỉ nghe thoáng qua hay không bình tĩnh thì chả ai chấp nhận và đón nhận Tin Mừng kiểu này.
Từ lửa thì có thể dễ hiểu đôi chút. Trong Kinh Thánh, hạn từ “lửa” được đề cập 480 lần, mang 2 ý nghĩa tích cực và tiêu cực.
Thứ nhất, lửa mang nghĩa biểu tượng thánh liêng dùng để chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, để Người tỏ mình ra. Trong Cựu Ước, trước hết, Thiên Chúa tỏ mình ra cho ông Môsê giữa bụi gai cháy rực cháy (x. Xh 3,2) và chọn gọi ông thực thi sứ mệnh của Người (x. Xh 3,4). Thứ đến, lửa là sự hiện diện của Thiên Chúa để cho dân Israen thấy khi Người lập giao ước dưới chân núi (x. Đnl 1,33; 4,11-12.36; 5,4.22). Lửa còn là hình ảnh của Thiên Chúa hướng dẫn dân Do Thái trong sa mạc (x. Xh 13,21). Cuối cùng, Thiên Chúa chính là một ngọn lửa thiêu (x. Hb 12,29; Is 33,14; Đnl 4,24), nghĩa là, lửa vừa là hình ảnh của Thiên Thiên Chúa, vừa chỉ sự thánh thiện của Người.
Trong Tân Ước, lửa là hình ảnh, là sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Lửa là hình ảnh của Chúa Thánh Thần khi Người ngự xuống các tông đồ dưới dạng hình lưỡi lửa vào ngày Lễ Ngũ Tuần (x. Cv 3,2). Lửa là sức mạnh của Chúa Thánh Thần bởi vì khi các Tông đồ nhận được Chúa Thánh Thần, các ông đã trở nên con người hoàn toàn mới: dám mạnh dạn ra đi rao giảng Tin Mừng (x. Cv 1,8), làm chứng, hy sinh vì Tin Mừng và vì tình yêu của Đức Kitô Phục Sinh. Hơn nữa, lửa chính là tình yêu nồng cháy của Đức Giêsu (x. Lc 12,49).
Thứ hai, lửa là tượng trưng cho sự thanh luyện, sự thiêu huỷ và sự phán xét. Đó là ngọn lửa từ trời xuống thiêu huỷ thành Sôđôma và Gômôra (x. St 19,24). Lửa đó còn là mưa lửa từ trời xuống như một phần của sự phán xét trong ngày tận cùng của thế giới (x. Lc 17,29); hay là lửa soi sáng trong Ngày của Thiên Chúa (x. 1 Cr 3,13; Mt 3,11-12).
Tạm hiểu lửa chính là tình yêu nồng cháy mà Chúa muốn “ném” vào thế gian cũng như Chúa mong cho lửa tình yêu đó bừng cháy.
Còn câu chuyện Thầy đến để gây chia rẽ ! Hiểu như thế nào với kiểu nói sốc như thế này ?
Chúa thật sự đến gây chia rẽ vì lẽ có những người trong cùng một gia đình, trong cùng một dòng tộc nhưng có người tin Chúa nhưng có người không tin. Và, Chúa chính là hoàng tử của bình an đến trần gian để ban sự bình an cho nhân loại, cho mỗi người. Câu chuyện ở đây đó là ai mở lòng ra đón nhận Chúa thì sẽ bình an và ngược lại.
Thế giới này vẫn bất an như mọi người thấy. Xứ đạo và gia đình cũng bất an như mọi người thấy. Vì sao con người bất an ? Vì họ không đón nhận Chúa vào trong cuộc đời mình. Những ai không để Chúa điều khiển cũng như chi phối đời mình thì sẽ bất an.
Nhìn vào thực tế, ta dễ thấy điều đó. Những ai có Chúa trong người, thật sự họ sẽ rất bình an. Những người có Chúa ta sẽ nhận ra nơi họ sự thanh thoát cũng như một tâm hồn đơn sơ và chân thành. Những ai không có Chúa thì dường như lúc nào họ cũng cau có, bực bội cũng như có thể thóa mạ bất cứ ai mà họ thích. Người có Chúa thì phải phản chiếu lại khuôn mặt của Chúa là lòng khiêm nhường và hiền hậu.
Và như vậy, những điều xem chừng khó hiểu hay có thể sốc trong Tin Mừng hôm nay đã được rõ.
Chúa đến để đem tình yêu và sự bình an vào trong trần gian này để rồi những ai mở lòng ra đón nhận tình yêu cũng như sự bình an của Chúa thì họ sẽ bình an cũng như yêu như Chúa yêu.
Người có Chúa trong mình thật sự thì cung cách sống của họ sẽ khác. Người có Chúa thật sự thì họ sẽ diễn tả ra bên ngoài của họ một cuộc sống như Chúa đã sống. Những người như vậy họ sẽ họa ảnh lại khuôn mặt nhân từ của họ.
Cuộc đời mỗi người chúng ta, chúng ta ngày mỗi ngày đều tiếp xúc và tương quan với người khác để rồi sau những lần gặp gỡ, sau những lần nói chuyện mỗi chúng ta ít nhiều cũng lượng giá về người mà ta tương quan. Chúng ta thừa khả năng cũng như thừa sức để nhận định bất cứ một ai đó về cung cách sống của người đó. Dù họ là ai nhưng rồi cung cách của họ bày tỏ ra bên ngoài.
Ta cũng vậy, khi ta có tình yêu cũng như sự bình an của Chúa thật sự trong tâm hồn thì chắc chắn ta cũng sẽ diễn tả điều đó qua lối sống. Chuyện quan trọng đó là ta có mở lòng ra để đón nhận lửa tình yêu của Chúa cũng như sự bình an của Chúa vào trong cuộc đời của chúng ta không ? Một khi ta khép cửa lòng ta lại thì mãi mãi ta vẫn hận thù, ghen ghét và bất an.
Bài Tin Mừng xem ra khó hiểu nhưng lại có ý nghĩa và giá trị rất lớn trong cuộc đời của mỗi chúng ta.
Lm. Anmai, CSsR