Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 15 Tháng 8 2022 21:13

Từ bỏ

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Từ bỏ


16.8 Thứ Ba trong tuần thứ Hai Mươi Mùa Quanh Năm

Ed 28:1-10; Đnl 32:26-27,27-28,30,35-36; Mt 19:23-30

Từ bỏ

Của cải có sức thu hút và mê hoặc lòng người, bởi vì dường như nó có thể đáp ứng mọi nhu cầu và đời sống hưởng thụ của con người. Chẳng vậy mà người đời có câu: “có tiền mua tiên cũng được”, hay “tiền là tiên là phật…” Người có nhiều tiền của được gọi là người giàu. Theo quan niệm của người Do-thái cũng như quan niệm của nhiều người thì đó là những người được phúc. Thế nhưng, lời của Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay gây sốc không những cho người nghe lúc bấy giờ (các môn đệ vô cùng sửng sốt) mà gây sốc cho rất nhiều người trong mọi thời đại: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Thiên Chúa” (c. 24). Đồng thời ngược lại, Chúa lại hứa ban thưởng gấp trăm cả đời này lẫn đời sau cho những ai từ bỏ mọi sự mà theo Người.

Có mâu thuẫn không giữa những điều Chúa nói? Chẳng phải nếu Chúa ban cho họ gấp bội ở đời này thì họ lại trở thành người giàu hay sao, và khi ấy phải chăng họ lại trở thành những kẻ khó vào nước trời? Thực ra, mấu chốt của vấn đề là tinh thần từ bỏ; người có tinh thần từ bỏ không bị ràng buộc bởi của cải, hay nói khác đi, họ không bị của cải vật chất cản trở bước đường làm người môn đệ, nhưng biết dùng nó như phương tiện Chúa ban để sống theo ý Chúa. Vì thế, họ có thể là người rất giàu có về của cải nhưng luôn coi nó là hồng ân, là quà tặng của Thiên Chúa ban mà sống trong tinh thần tri ân, cảm tạ và luôn sẵn sàng chia sẻ, cho đi không tính toán.

Đã hẳn Thiên Chúa không bao giờ muốn con người phải sống nghèo nàn mạt rệp. Vì cái nghèo cho thấy sự tồn tại của điều ác. Nó chỉ cho chúng ta biết xã hội, môi trường chúng ta sống vẫn còn đó sự bành chướng của ích kỷ; vẫn còn đó những con người không biết chia sẻ, chỉ biết vun đắp cho chính mình, thiếu vắng tinh thần quảng đại sẵn sàng cho đi của một tình yêu vị tha.

Hơn nữa, sự nghèo túng, bần hàn, khốn cùng như ‘sự dữ hiện hình’ làm cho con người không còn nhân phẩm, sống không ra người và đó không phải là điều Thiên Chúa muốn; vì khi tạo dựng vũ trụ, con người, chẳng phải Thiên Chúa đã chúc phúc và ra lệnh cho nó sinh sôi và phát triển phong phú hay sao? Và Thiên Chúa – Chúa Giêsu Kitô khi đến cứu độ trần gian Ngài đã đến với thân phận nghèo hèn khốn cùng của con người là để cứu vớt, nâng họ lên khỏi vực sâu của bần cùng tội lỗi cho họ trở nên ‘giàu có’ vì được làm con Thiên Chúa.

Tuy nhiên, sự giàu có lại khiến con người dễ xa rời Thiên Chúa bởi mê lầm, tự mãn. Mê lầm vì nghĩ rằng của cải là cứu cánh có thể thỏa mãn tất cả, đem lại sung sướng và hạnh phúc - tiền có thể làm cho họ đạt được danh vọng, vinh quang và mọi thú vui ở đời – bởi thế mà ‘có tiền mua tiên cũng được’; và cũng từ đó dẫn đến tự mãn không cần Thiên Chúa, và tồi tệ hơn nữa là họ có thể quay lưng lại với Thiên Chúa, loại trừ Thiên Chúa, bất chấp mọi thủ đoạn để có thể đạt được những ước muốn bất chính của mình. Vì vậy mà Chúa Giêsu nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ… các ngươi không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền của được” (Lc 16, 13). Vì tiền của có thể là một tên đầy tớ tốt, hữu dụng, nhưng ngược lại nó sẽ là ông chủ xấu xa, độc ác.

Cuối bài Tin mừng, chúng ta thấy một câu có vẻ không ăn nhập gì lắm, nhưng thực ra là một ý hướng chủ đạo dẫn dắt bản văn: “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu." (c. 30) Những kẻ ‘đứng chót’ ở đây – Chúa Giêsu muốn nói đến những con người ‘nghèo’ của Tin mừng – những người sống khiêm tốn, chỉ biết cậy dựa vào Thiên Chúa chứ không cậy dựa vào thế lực của giàu sang vinh hoa phú quí; họ là những kẻ được Thiên Chúa yêu thương, bênh vực và là những ‘người lớn’ trong nước trời (Lời kinh Magnificat).

Bởi vì họ lấy Chúa là sức mạnh, là gia nghiệp của đời mình. Họ là những người khôn ngoan biết tích lũy kho tàng trên trời nơi mối mọt không thể đục khoét hơn là tìm kiếm của cải phù vân (Lc 12, 33); họ hiểu ý nghĩa và vị trí của tiền của, biến nó thành phương tiện để thi hành ý Chúa chứ không coi nó là mục đích của cuộc đời. Vì thế, họ là những người được Thiên Chúa chúc phúc và nước trời sẽ là phần thưởng của họ. (c. 28. 29)

Như đã nói: Tiền của có sức hút và mê hoặc con người - ‘Đồng tiền đi liền khúc ruột’ – do đó, để có thể làm chủ được nó, con người không được khinh suất, nhưng rất cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa. Bởi thế mà Chúa Giêsu đã nói: "Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được." (c. 26) Với sự hướng dẫn và ơn Chúa ban, con người sẽ biết cách sử dụng tiền của để mưu cầu lợi ích cho mình và cho tha nhân, giúp phát triển xã hội ngày càng tươi đẹp, lành mạnh và phong phú.

Khi nói đến hai chữ “từ bỏ” tức là không còn hoặc mất đi một cái gì đó mà trước đây mình đã có hay đã sở hữu. Nhưng với suy nghĩ tự nhiên con người thường không chịu thua thiệt, luôn mong đòi sự cân xứng, hoặc ít là có qua có lại mới toại lòng nhau. Với suy nghĩ rất người ấy, tông đồ Phêrô đã hỏi thay cho chúng ta:“chúng con đã từ bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?”. Chắn chắn Chúa Giêsu không để cho những kẻ theo Ngài phải chịu thiệt thòi. Trái lại, Ngài còn trả lại cho họ hơn thế “được gấp bội và được sống đời đời”. Đây là một phần thưởng cao quý cho những ai dám hy sinh từ bỏ vì danh Chúa.

Thực ra, theo Chúa không phải là từ bỏ mà tìm kiếm và chiếm lấy Chúa làm gia nghiệp ưu tiên số một, còn những điều khác là thứ yếu, là tạm bợ, chóng qua, chỉ có Chúa mới là vĩnh cửu. Chúa Giêsu không muốn chúng ta quá bám víu vào vật chất, tiền bạc như người thanh niên để rồi khước từ Chúa và nước trời.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại cách sống đạo của chúng ta. Thách đố của Giáo Hội hiện nay cũng chính là thách đố của mỗi người chúng ta. Nếu những người cùng khổ chưa phải là thao thức trăn trở của chúng ta, thì có lẽ chúng ta còn quá xa với Giáo Hội Chúa Kitô. Nếu cuộc sống chúng ta chưa phải là cuộc sống liên đới chia sẻ với người khốn khổ, thì có lẽ chúng ta chỉ là những Kitô hữu hữu danh vô thực.
Huệ Minh

Read 285 times