Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 11 Tháng 9 2022 07:06

Nhân hậu

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Nhân hậu


11.9 Chúa Nhật thứ Hai Mươi-Tư Mùa Quanh Năm

Xh 32:7-11,13-14; Tv 51:3-4,12-13,17-19; 1 Tm 1:12-17; Lc 15:1-32; Lc 15:1-10

Nhân hậu

Dụ ngôn trong Kinh Thánh diễn tả tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa với nhân loại và lòng tha thứ vô biên vượt khỏi sự mong đợi của phạm nhân. Mục đích chính của dụ ngôn hướng dẫn ta về mầu nhiệm nước trời.

Dụ ngôn mặc dù có nhiều điểm tương tự như chuyện ngụ ngôn vì cả hai đều nhắm đến mục đích hướng dẫn cách sống, cách xử thế của con người nhưng ngụ ngôn hoàn toàn khác với dụ ngôn. Điểm khác biệt chính trong chuyện ngụ ngôn là dùng hình ảnh động vật, cây cối hoặc phong cảnh thiên nhiên trong chuyện để giải thích, hướng dẫn về đạo đức trong cuộc sống trong khi dụ ngôn trong Kinh Thánh nhân vật chính là tình yêuThiên Chúa và lòng xót thương của Ngài đối với con người.

Dụ ngôn thường có rất ít chi tiết trong chuyện. Nếu nhắc đến chi tiết thì mỗi chi tiết dù nhẹ nhàng, nhỏ đến đâu chúng đều có ý nghĩa riêng của nó. Dụ ngôn cũng không nhắc đến nơi chốn cố định, rõ ràng và thời gian. Chi tiết trong dụ ngôn rất thực với thực tế cuộc sống và hiện thực trong xã hội loài người vì thế dụ ngôn bất biến với thời gian và văn hoá. Chính điểm này biến dụ ngôn thành bất biến với thời gian. Có thể áp dụng dụ ngôn thích hợp cho cuộc sống trong mọi thời đại và mọi hoàn cảnh với phong tục tập quán khác nhau.

Thiên Chúa yêu thương cũng được tỏ bày như người mẹ, người mẹ hiền ấp ủ con thơ (Is 49, 13-16). Người mẹ trao ban sự sống cho con mình thế nào, thì Thiên Chúa cũng là sức sống cho dân Người như vậy (Gr 31, 1-9). Con người mắc nợ Thiên Chúa sự sống, sự hiện hữu của mình. Không chỉ con người mà toàn thể vũ trụ này, toàn thể muôn loài thọ sinh đều mắc nợ Thiên Chúa, bởi vì “Tình thương Người chan hòa mặt đất” (Tv 32). Cả thế giới là một bài ca tán dương tình yêu của Người. Đặc biệt tình yêu đó tỏ lộ qua lòng xót thương. Lòng xót thương này cùng một trật cho thấy con người mỏng dòn, yếu đuối, tội lụy và cần đến Chúa biết bao.

Trong xã hội Do Thái lúc bấy giờ, người thu thuế bị xếp vào hạng tội lỗi, là những người thường bị lên án. Người thu thuế đuợc coi là những người làm ăn sinh sống bằng nghề khá mập mờ. Họ không quan tâm đến luật lệ của Thiên Chúa; Họ chẳng biết giá trị của tinh thần. Còn người tội lỗi, họ lãng quên Thiên Chúa, tránh né để khỏi phải bận tâm, gò bó.

Trái lại người biệt phái, kinh sư là những nhà chuyên môn, thông thạo lề luật, nói những lời đáng tin về Thiên Chúa. Nhưng họ lại chẳng theo Chúa, không đến để nghe Chúa giảng mà còn xầm xì nhỏ to: “Ông này đón tiếp những người tội lỗi và ăn uống với chúng…”. Và họ còn tìm cách hãm hại Chúa và làm cho Chúa mất tín nhiệm.

Thế nhưng qua bài Tin Mừng thánh Lu-ca tường thuật lại những người thu thuế và người tội lỗi lại theo Chúa thật đông, họ vây quanh Chúa để nghe Chúa Giảng. Những người pharisêu và các kinh sư thấy Chúa Giê-su bỏ công đến với những người thu thuế và tội lỗi thì họ cho là mất công vô ích, nên họ phản đối. Đối với họ, việc làm của Chúa Giê-su là không đáng, bởi vì những kẻ tội lỗi là hạng đáng vất đi, không đáng quan tâm. Nhưng đối với Chúa những người tội lỗi lại rất quan trọng. Một đồng xu quý giá thế nào đối với người đàn bà nghèo khổ, một người con quý giá thế nào đối với tấm lòng người cha, thì một người tội lỗi cũng đáng giá thế ấy đối với tấm lòng của Chúa.

Trang Tin Mừng Lc 15,1-3.11-32 đã từng được gọi là dụ ngôn đứa con hoang đàng. Nhưng bản văn đề cao quyết định quay trở về của người con này hơn là sự hoang đàng của anh ta. Hiện nay người ta thường gọi là dụ ngôn người cha nhân hậu, nhưng có lẽ bản văn nhấn mạnh hơn đến sự không nhân hậu của người con cả, là người đã trách cha và miệt thị em mình. Có thể dụ ngôn trên đây có ý nghĩa rất phong phú liên quan đến cách sống và cách xử sự của cả ba nhân vật: Người cha và hai người con. Dường như nhân vật nổi bật của dụ ngôn là người anh cả. Bởi vì trong câu chuyện, những nhân vật đang nghe Chúa Giêsu kể dụ ngôn có cách sống và cách xử sự giống như người con cả.

Sự phong phú về ý nghĩa của bản văn làm cho việc đặt một tựa đề thường là rất khó. Một câu chuyện mô tả ba cách nhìn cuộc đời khác nhau của ba nhân vật thì không thể tóm tắt chỉ trong dăm ba chữ. Có lẽ nên tìm hiểu ý nghĩa của dụ ngôn này trong bối cảnh văn chương của nó, để từ đó có thể thưởng thức, lắng nghe và sống với dụ ngôn hơn là loay hoay tìm cách đặt một tựa đề.

Như vậy, nếu Thiên Chúa đã tỏ lòng nhân hậu với chúng ta, mặc dù chúng ta đáng tội chết, thì đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải yêu thương và sẵn lòng tha thứ cho những người xúc phạm đến ta. Kinh nghiệm cho thấy, chúng ta không thể tha thứ được cho người khác là vì chúng ta luôn nghĩ mình tốt lành hơn họ. Nhưng trong thực tế, đôi khi tội của ta còn nặng hơn gấp bội lỗi của anh chị ta, chỉ có điều tội của ta thì không ai biết nên ta dễ dàng vênh vang và tự phụ, nhưng Chúa biết cả.

Bao lâu chúng ta nghĩ mình cũng là người yếu đuối và đã được Thiên Chúa yêu thương thì chúng ta cũng cần tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.
Huệ Minh

Read 305 times Last modified on Chủ nhật, 11 Tháng 9 2022 10:37