Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 14 Tháng 10 2022 19:14

Can đảm

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  CAN ĐẢM


15/10 Thứ Bảy

Thánh Têrêxa thành Avila, Đtts

Ep 1:15-23; Tv 8:2-3,4-5,6-7; Lc 12:8-12

Can đảm

Trong Giáo Hội có nhiều thánh nữ mang danh là Têrêxa, và mỗi vị Têrêsa đều có một nét riêng đặc biệt nào đó. Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu thường được trìu mến gọi bằng Chị Thánh vì tính cách đơn sơ dễ thương. Thánh Têrêxa Calcutta thường được gọi là Mẹ Têrêxa vì cung cách đối xử tốt lành mẹ giành cho những người nghèo khổ bệnh tật với tâm tình như một người mẹ hiền. Chúng ta còn có một Têrêsa-Mẹ, vì là mẹ Bề trên sáng lập dòng Cacmen, mà người Việt Nam thường gọi là Dòng Kín (vì kỷ luật nhiệm nhặt của dòng này). Đây chính là vị thánh mà hôm nay chúng ta muốn nói tới.

Thánh nữ Têrêsa sinh ngày 28/3/1515, tại Avila, nước Tây ban Nha. Thánh nữ là một trong 12 người con của một gia đình hàng quí tộc An-phong. Ngay từ nhỏ, Têrêxa đã tỏ ra thích đọc truyện các thánh. Với lòng nhiệt thành, em cảm thấy lòng mình lâng lâng niềm hạnh phúc vì những ân thưởng dạt dào Chúa dành cho những tâm hồn thánh thiện, cũng như run sợ tột độ khi nghĩ đến hình khổ mãi mãi của hỏa ngục. Có lần em đau khổ thốt lên: “ai có thể chịu nổi cái ý nghĩa như thế được?”.

Một hôm, em cùng cậu em trai là Rô-tin đọc hạnh các thánh tử đạo, thấy các ngài can đảm hi sinh chịu chết vì Chúa, và được nên thánh trong Giáo hội, Têrêsa bảo em: “chúng ta hãy đến chỗ người ta đang bắt đạo, để chị em mình được chết vì đạo, được Chúa thưởng lên trời hưởng phúc với các thánh”. Vì mong ước được tử đạo, nên một ngày kia, em lén dẫn cậu em Rodrigue đi về miền dân dữ tợn đang hành hạ các Kitô hữu; nhưng mới đi được nửa dặm đường thì ông cậu bắt được đem trở về nhà. Không được tử đạo, các em đành trở thành những nhà ẩn tu, làm những cái hầm nhỏ và cầu nguyện lâu giờ tại đó. Nhưng rồi một ngày kia, những bức tường nhỏ bằng đá cũng bị sập. Các em nhỏ này thường nhịn ăn để làm việc bác ái. Têrêsa có lòng kính mến Đức Mẹ và mỗi ngày đều lần hạt Mận Côi. Năm 12 tuổi, mẹ Têrêsa mất, ngài đến quì trước ảnh Đức Mẹ, xin Đức Mẹ nhận làm con, và hứa suốt đời sống xứng đáng là con của Đức Maria.

Rồi Têrêsa sang tuổi dậy thì, cô bắt đầu nhiễm mùi thế tục, ưa làm dáng, thích được người ta ngắm nhìn, khen ngợi ve vãn, ngày ngày mơ mộng viển vông. Cô lén đọc những truyện kiếm hiệp nên tâm hồn càng thêm mơ mộng phiêu lưu. Thấy vậy, cha cô lo âu rồi quyết định gởi cô vào nội trú nơi các nữ tu dòng Autinh. Têrêsa không thích thú gì, càng không muốn sau này mình trở thành nữ tu, nhưng cô buộc phải vâng lời cha. Và cô sắp tìm lại được lòng đạo đức của tuổi ban đầu khi sống gần những bậc thầy chân tu này. Một đàng, cô khao khát những của cải thiêng liêng bất diệt, nhưng đời sống khắc khổ trong tu viện làm cô e sợ ngại ngùng.

Nhưng chẳng may, Têrêsa ngã bệnh nặng, phải trở về nhà chữa trị. Dường như Chúa muốn luyện lọc tôi tớ ngài qua nhiều thử thách:12 tuổi mồ côi mẹ, 15 tuổi nhiễm mùi thế tục, nay lâm trọng bệnh! Trong thời gian chữa bệnh, cô nhận ra đời sống con người thật mỏng manh, nay khỏe mai đau, nay còn mai mất. Và cái chết đến bất cứ lúc nào, và nếu chết mà sa hỏa ngục thì khốn khổ dường nào !…

Vớí ý nghĩ ấy, cô quyết định theo Chúa, hiến thân trọn vẹn cho Chúa, suốt đời chỉ yêu mến và phụng sự một mình Chúa thôi. Sau khi sức khỏe hồi phục, để thực hiện ý định, vào năm 1536, lúc này Têrêsa đã 19 tuổi, cô xin vào Dòng Kín tại Avila. Lúc đó nhà dòng còn sống thoải mái tự do, chưa nhiệm nhặt như ngày nay. Cô xác tín rằng ơn gọi của mình là sống đời nữ tu. Nhưng những chống đối dữ dội nổi lên trong lòng, cộng với sự phản đối chối từ của cha khiến cô khổ sở như xương cốt rã rời và tan nát con tim, nhưng cô đã mạnh mẽ thắng vượt mọi thử thách.

Vào năm 1555, Têrêsa cảm nhận một biến chuyển sâu xa trong tâm hồn khi suy niệm về cuộc thương khó của Chúa Giêsu, và cũng nhận được nhiều thị kiến lạ lùng được các nhà thần học công nhận là xác thực.Ngài phát biểu: “Mỗi khi suy tưởng đến Đức Kitô, chúng ta hãy nhớ đến tình yêu đã khiến Ngài ban cho ta biết bao ân huệ. Hãy nhớ Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta dường nào khi thể hiện tình yêu ấy nơi Đức Kitô. Và vì tình yêu đòi hỏi tình yêu nên mỗi khi nhớ đến điều ấy lại thúc đẩy chúng ta yêu mến hơn”.

Têrêsa đã trải qua 27 năm tại tu viện Nhập Thể nơi luật dòng chưa khép vào nhiệm nhặt như ngày nay. Ngài còn phải trải qua một bước dài trước khi dấn thân vào con đường chông gai để xây dựng và cải tổ dòng tu. Lại nữa, sức khỏe yếu kém của ngài xem ra không kham nổi cuộc thử thánh. Các bác sĩ đành bó tay trước tình trạng bệnh tật và khuyên ngài trở về nhà. Ngài chạy đến khẩn nài và phó thác nơi thánh Giuse như vẫn thường làm, và được khỏi bệnh cách lạ lùng. Têrêsa còn phải qua nhiều năm chịu thử thách bằng khô khan trong tâm hồn, bằng sợ hãi hỏa ngục.

Và trong vòng 20 năm, ngài không tìm được cha linh hướng hiểu được tình trạng tâm hồn mình để giãi bày những thị kiến bí ẩn. May thay sau cùng, ngài được cha Phanxicô Borgia nâng đỡ, rồi buộc ngài ghi lại những điều đã xảy ra trong lòng mình. Và thánh nữ một người ít học đã viết nên những tác phẩm có giá trị cao về tu đức, để sau này được Đức giáo hoàng Phaolô VI phong tặng danh hiệu Tiến sĩ vào ngày 27.9.1970.

Nếu khi bắt đầu đời tiến đức, sự sợ hãi các hình khổ đời đời đã dẫn Têrêsa vào con đường hẹp đưa tới sự cứu rỗi, thì nay tình yêu Chúa xâm chiếm tâm hồn như cơn hỏa hào dẫn tới việc ngài luôn kết hiệp với Đấng chịu đóng đinh và ước ao chịu khổ nên nhiều người được nghe thánh nữ thốt lên: “Lạy Chúa, hoặc là chết, hoặc là đau khổ”.

Ngày tự ràng buộc bởi lời khấn anh hùng này, nhưng lại chẳng tỏ ra nhiệm nhặt chút nào, trái lại còn nhanh nhẹn vui tươi duyên dáng tới mức gõ mõ mua vui cho chị em trong dòng. Vị nữ tu chiêm niệm này còn để lộ một hiểu biết tích cực , một tinh thần thực tiễn sẽ đưa ngài tới cuộc cải tổ dòng Camelô.

Định mệnh sắp đặt đưa ngài qua những chặng đường để thiết lập các tu viện theo hướng nhiệm nhặt. Trước hết, năm 1562, khép mình ở Avila, nhưng một nhà dòng mang danh thánh Giuse, là nơi các nữ tu sống trong thinh lặng, khó nghèo, cầu nguyện, chay tịnh, đi chân không trong mọi mùa. Ra khỏi nơi này, Têrêsa không ngừng thiết lập những tu viện mới với trăm ngàn khó khăn chồng chất: phần vì chung sống với bệnh tật, phần vì những cuộc hành trình trong thời tiết nóng nung về mùa hạ hay lạnh lẽo thấu xương vào mùa đông, và những cuộc bắt bớ tấn công. Ngài viết cho một vị ân nhân: “Thiếu tiền bạc đã vậy, nhưng khi chúng tôi như bị ném đá, thì công việc lại trôi chảy”.

Và khi đã vượt qua những trở ngại để thiết lập xong một tu viện, mẹ lại trải qua những đau đớn tâm lý khi giã từ các con cái yêu dấu để ra đi xây dựng tu viện ở nơi khác. Ngài tâm sự:đây là nỗi thống khổ đau đớn nhất. Tim tôi tan nát vì nghĩ rằng sẽ không còn gặp lại họ nữa”. Được thánh Gioan thánh gía trợ lực, ngài trải rộng việc canh tân tới các tu sĩ dòng Camelô mà ngài muốn tái lập sự nghiêm nhặt ban đầu, điều gây nên bao xôn xao và đường như làm cho ngài bị cầm tù. Nhà vua và Đức giáo hoàng bảo vệ ngài. Ngài đã thiệt lập hơn 30 tu viện.những hoạt động chồng chất, những việc xây dựng,những cuộc du hành,những khó khăn vô số…đã không ngăn cản niềm vui hưởng sự hiện diện của Chúa, kiên trì cầu nguyện đi tới xuất thần; ngài nói: “tôi không hiểu tại sao người ta bảo tôi là người sáng lập, chính Chúa sáng lập chứ không phải tôi”.

Với sự linh hoạt, ngài dùng vài lời tóm gọn linh đạo: “phải can đảm để có thể trở thành nữ tử của Cha trên trời. Đừng lo suy nghĩ nhiều, nhưng là yêu nhiều. Nỗ lực của ta là bắt chước con tằm, xây tổ bằng cách tẩy trừ ích kỷ và thực hiện việc sám hối, cầu nguyện, hi sinh, vâng lời. Chúa sẽ biến ta thành bướm trắng khi Ngài muốn. Quan trọng là biết yêu mến và kính sợ, hai nhân đức vĩ đại. Khi bị đau khổ bên ngoài cần chăm lo việc bác ái và biết đặt hi vọng vào lòng thưong xót của Chúa”. Nhiệm nhặt nhưng vui tươi trong thánh thiện, đôi khi điểm chút hài hước hóm hỉnh như chi tiết sau đây được nhiều người biết đến khi ngài bị thương ở chân: “Lạy Chúa, sau bao nhiêu phiến muộn, lại đến chuyện này nữa, cha đối xử với các bạn cha như thế đó…Vâng lạy Chúa, thảo nào Chúa ít bạn !”.

Chính tình yêu qúa mức hơn là cơn bệnh đã đưa tới cái chết của ngài. Khi đưa Thánh Thể như của ăn đàng vào phòng bệnh nhân, ngài tung mình ra hỏi giường nói to: “Lạy Chúa, đến lúc chúng ta gặp nhau rồi”. Ngài qua đời ngày 15.10.1582, và đời đời Têrêsa đã hiệp nhất với tình yêu.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống. Ngày nay chúng ta thấy trong cuộc sống không có những cuộc bách hại đạo công khai, không còn những hình phạt đe dọa. Nhưng trái lại, người Kitô hữu đang phải trải qua rất nhiều những khó khăn phải chịu để nói lên niềm tin của mình đến mức độ như là tử đạo. Nhưng lời Chúa hôm nay dạy chúng ta hãy an tâm, vì “ngay trong giờ đó Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói” (Lc 12, 12). Chúa Thánh Thần là hồn sống, Ngài luôn hoạt động trong Hội Thánh để dẫn dắt Hội Thánh can đảm rao giảng rao giảng Tin Mừng.

“Thầy nói cho anh em biết, phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt thiên thần của Thiên Chúa. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa” (Lc 12, 8-9).

Hơn bao giờ hết trong cuộc sống chúng ta hôm nay dễ làm cho chúng ta quên Chúa, chúng ta không chối Chúa cách công khai như Thánh Phêrô xưa, nhưng những chi phối trong đời sống, chúng ta đã và đang trên đà chạy theo danh vọng, chức quyền, và chạy theo những nhu cầu trong cuộc sống, vì đồng tiền, vì công việc, và những thú vui trần gian, những trào löu trong xã hội, đã đang lôi cuốn chúng ta tất cả như một cơn gió lốc đang xoáy và cuốn tròn lại cuộc đời chúng ta trong cơn lốc trần thế này.

Đứng trước những cám dỗ của thời đại này, cũng có những lúc, chúng ta cũng có những lần chối Chúa, cũng có những lúc chúng ta như bỏ đạo, khi chúng ta lao mình vào trong những cuộc vui chơi giải trí với bạn bè, mà quên đi ngày lễ Chúa Nhật, thậm chí quên đi mình là một Kitô hữu, khi tôi bán rẻ lương tâm trong việc tham nhũng, khi lỡ lầm mà đã đi đến chỗ hủy hoại đi một mầm sống, và cũng có những lúc chúng ta bon chen vào những việc làm tội lỗi, vì có tiền và kiếm được nhiều tiền mà tôi đã quên hẳn đi tôi là môn đệ của Đức Kitô “người môn đệ công chính”. Trong hoàn cảnh như thế tôi như đã và đang làm đảo lộn đi chân tính người mộn đệ của Chúa. Đúng ra tôi phải tuyên xưng Chúa trong mọi nơi mọi lúc, thì thay vào đó tôi đã để Chúa bị quên lãng, mặc dù đã bao nhiêu lần tôi được nghe Chúa Giêsu bảo đảm và hứa ban phần thưởng trọng hậu cho ai tuyên xưng Ngài bằng cách trung thành với Ngài trong cuộc sống hôm nay.

“Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, và phải nói gì, vì ngay trong giờ đó Thánh Thần sẽ dạy cho anh cho anh em biết những điều phải nói” (Lc 12, 11-12). Lời Chúa ngày hôm nay chúng ta nghe đọc, được tiếp nối với Lời Chúa ngày hôm qua có cùng một “chủ đề”: Chúa Giêsu khuyên các môn đệ hãy mạnh dạn sống và rao giảng Tin Mửng. Đừng sợ! Ngài trấn an các môn đệ vì biết chắc rằng, trong hành trình rao giảng của các ngài còn có Thiên Chúa, Đấng luôn quan phòng và nhờ Chúa Thánh Thần cùng đồng hành. Tình thương Thiên Chúa luôn quan tâm săn sóc con người và bao bọc con người, bảo vệ cho con người được an toàn và luôn vui hưởng hạnh phúc, hãy luôn tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, người luôn gìn giữ chở che.

Vậy được sống trong ân tình của Thiên Chúa, người Kitô hữu cố gắng sống sao cho xứng danh là người môn đệ: không gian tham, không bóc lột, không tham nhũng, nhưng luôn sống bác ái, khiêm nhường tha thứ thay vì báo thù. Người môn đệ của Chúa luôn sống theo tinh thần của Chúa trong mọi hoàn cảnh, dù phong ba bão tố của cuộc đời, dù an bình thư thái, người môn đệ luôn biết tuyên xưng Chúa Giêsu là Thầy và là Đấng Cứu Độ.

Huệ Minh

Read 239 times Last modified on Thứ bảy, 15 Tháng 10 2022 12:26