Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 16 Tháng 11 2022 12:01

Giờ Chúa Viếng Thăm

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
Giờ Chúa Viếng Thăm

 

17/11 Thứ NămThánh Elizabeth nước Hung Gia Lợi,

Kh 5:1-10; Tv 149:1-2,3-4,5-6,9; Lc 19:41-44

Giờ Chúa viếng thăm

          Tuy cuộc đời của Thánh Elizabeth thật ngắn ngủi, nhưng lòng thương yêu ngài dành cho người nghèo và người đau khổ thật lớn lao, đến nỗi ngài được Giáo Hội đặt làm quan thầy của các tổ chức bác ái Công Giáo, và của Dòng Ba Phanxicô. Là con gái của vua Hung Gia Lợi, thay vì chọn một đời sống xa hoa nhàn hạ, Thánh Elizabeth đã đi theo con đường khổ hạnh và hãm mình. Quyết định đó, đã để lại trong tâm khảm của bao người dân Âu Châu niềm cảm mến sâu xa.

          Khi lên 14 tuổi, ngài kết hôn với ông Louis ở Thuringia (một quận chúa của Ðức), là người mà ngài rất yêu mến, và có được ba mặt con. Dưới sự linh hướng của các tu sĩ Phanxicô, ngài sống đời cầu nguyện, hy sinh và phục vụ người nghèo cũng như người đau yếu. Không những thế, ngài còn muốn trở nên một người nghèo thực sự qua cách ăn mặc thật đơn sơ. Mỗi ngày, ngài phân phát thực phẩm cho hàng trăm người nghèo trong vùng, mà lúc nào cũng đầy nghẹt trước cửa nhà.

          Sau sáu năm thành hôn, ngài thật đau khổ khi nghe tin chồng tử trận trong cuộc Thập Tự Chinh. Buồn hơn nữa, gia đình nhà chồng lại coi ngài là người hoang phí tiền bạc của hoàng gia, nên đã đối xử với ngài thật thậm tệ, và sau cùng họ đã tống ngài ra khỏi hoàng cung. Nhưng sau cuộc thập tự chinh, những người thân thuộc bên chồng trở về đã phục hồi quyền lợi cho ngài, vì con trai của ngài là người thừa kế chính thức.

          Vào năm 1229, ngài gia nhập dòng Ba Phanxicô, và dùng quãng đời còn lại để chăm sóc người nghèo trong một bệnh viện, mà ngài đã thiết lập để vinh danh Thánh Phanxicô. Sức khỏe của ngài ngày càng sa sút, và sau cùng ngài đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày sinh nhật thứ 24, năm 1231. Vì sự nổi tiếng về nhân đức của ngài, nên chỉ bốn năm sau ngài đã được phong Thánh.

           Thánh Elizabeth hiểu rất rõ bài học của Ðức Kitô, khi Người rửa chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly: người Kitô phải là người phục vụ những nhu cầu cần thiết của tha nhân, dù người phục vụ có địa vị cao trọng. Là một người trong hoàng tộc, Thánh Elizabeth đã có thể sai khiến người dân, nhưng ngài đã phục vụ họ với một tâm hồn thật đại lượng, đến nỗi trong cuộc đời ngắn ngủi ấy ngài đã được sự quý mến của rất nhiều người. Thánh Elizabeth còn là gương mẫu cho chúng ta về sự tuân phục vị linh hướng. Thăng tiến đời sống tâm linh là một tiến trình thật khó khăn. Chúng ta rất dễ tương nhượng, nếu không có ai khích lệ hay chia sẻ những kinh nghiệm để giúp chúng ta tránh được các cạm bẫy

          Nhìn trong văn mạch, biến cố được nhắc đến trong Tin Mừng hôm nay, đi liền sau biến cố Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem. Nhưng không như bao lần khác, Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem lần cuối cùng này để thực hiện cuộc Vượt Qua đem lại ơn cứu rỗi, hòa giải giữa con người với Thiên Chúa, và giữa con người với nhau. Ðây là giờ Thiên Chúa viếng thăm, giờ mang đến ơn cứu rỗi, tuy nhiên, những vị lãnh đạo Do thái tại Giêrusalem, như chúng ta sẽ thấy trong cuộc khổ nạn của Chúa, họ không những từ chối, mà còn xách động dân chúng chối bỏ Chúa, yêu cầu quan Philatô ra lệnh đóng đinh Chúa vào Thập giá và tha Baraba cho họ. Như thế, dù có sự nồng nhiệt hoan hô Chúa khi Ngài cỡi trên lưng lừa tiến vào thành thánh, thì sự nồng nhiệt đó cũng chỉ là thoáng qua, và Chúa Giêsu nhận thấy ơn cứu rỗi mà Ngài mang đến bị con người khước từ hơn là đón nhận.

          Cuộc hành trình đi Giêrusalem được kết thúc bằng một cuộc khải hoàn long trọng tiến vào thành. Nhưng khi đến gần, nhìn thấy thành Giêrusalem, Chúa thấy trước thành này sẽ bị tàn phá, cũng là báo trước cuộc phán xét trong ngày cánh chung, nên Chúa thốt lên những lời than tiếc cho thành Giêrusalem. Họ có lỗi bởi vì Thiên Chúa luôn yêu thương dân Người, nhưng họ đã từ chối tình thương của Thiên Chúa, từ chối ơn cứu độ và sự bình an Người mang đến cho họ. Và vì không đón nhận nên họ phải đau khổ.

          Trên đường tiến về Giêrusalem, vừa thấy thành, Đức Giêsu đã khóc thương nó, vì thấy trước viễn cảnh sụp đổ bình địa của thành, vì dân thành đã không tin vào Người. Chúa Giêsu đã khóc, vì dường như bất lực trước sự cứng lòng của dân Do thái thành Giêrusalem. Người làm được mọi sự, nhưng đối với sự cứng lòng của người Do thái, Người không thể làm gì trước tự do của họ. Có thể nói, Thiên Chúa dường như bất lực trước sự tự do mà Người đã ban cho con người. Người Do thái là dân Chúa chọn nên họ đáng hưởng nhiều đặc ân, nhưng thực tế họ không được gì. Bởi Chúa đã giáng sinh nơi quê hương họ để cứu chuộc họ, nhưng họ đã không đón nhận.

          Dưới cái nhìn của các tiên tri, số phận của thành Giêrusalem gắn liền với niềm tin và lòng trung thành đối với Thiên Chúa. Sự trung thành của thành thánh luôn đem lại thịnh vượng và an bình. Trái lại, tai hoạ luôn là hình phạt cho sự phản bội. Ngay từ xa xưa, tiên tri Giêrêmia đã loan báo về sự sụp đổ của thành thánh vào năm -587.

          Trong Tin mừng, dường như Chúa Giêsu cũng muốn lấy lại ngôn ngữ của Giêrêmia để loan báo về sự sụp đổ của thành thánh vào năm 70. Tiếp theo những biến cố này là một loại tang thương xảy đến cho dân Do thái mà cao điểm là cuộc sát tế 6 triệu người Do thái do Đức quốc xã trong đệ nhị thế chiến.

          Như vậy, dưới cái nhìn của Luca, sự sụp đổ của Giêrusalem và bao tai hoạ xảy đến cho dân Do thái đều là hậu quả của sự khước từ hồng ân của Thiên Chúa 

Đức Giêsu đã khóc vì đau buồn trước viễn cảnh thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá bình địa: “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào”. Đền thờ là nơi Ngài thường đến hành hương từng năm, nơi đầy ắp kỷ niệm thời thơ ấu, nhà của Cha Ngài, nơi linh thiêng của cả dân tộc. Vậy mà Đền thờ ấy sẽ phải bị tàn phá. Quả thật, năm 70, nhân cuộc nổi dậy của người Do thái, tướng Titô đã tàn phá bình địa thành đô, và cho cày một luống dài giữa Đền thờ, để cho thấy từ nay nơi đây đã trở thành hoang phế. Cùng với Đền thờ là biết bao người dân, trong đó có cả những trẻ thơ vô tội, bị tàn sát dưới lưỡi gươm của lính Rôma. Thế mà giờ đây, Chúa Giêsu đến đem bình an cho dân thành; Ngài là Thiên Chúa đến thăm dân Ngài. Vậy mà, tiếc thay, dân thành đã dửng dưng, không đón nhận.

          Để nói lên thiện chí hoà bình giữa Ac-hen-ti-na và Chi-lê, Ac-hen-ti-na đã đem khí giới, đúc tượng Chúa Giêsu. Bức tượng được đưa lên dãy núi Andes là nơi đã xảy ra cuộc xung đột giữa hai quốc gia. Dưới bệ tượng có dòng chữ: “Chính Người là sự bình an của chúng ta. Người đã làm cho đôi bên nên một”.

          Lời Chúa hôm nay cho thấy Chúa Giêsu khóc thương Giêrusalem, bởi thành đã không nhận ra Chúa là nguồn bình an. Chúa Giêsu khóc thương thành, Người cũng khóc thương những người Do thái đương thời. Họ không nhận ra Thiên Chúa đang biểu lộ tình thương giữa họ.

          Trong cuộc sống, nhiều lúc chúng ta chạy theo những thứ bình an giả tạo, mà quên tìm kiếm bình an đích thực; chúng ta chối bỏ Thiên Chúa và đặt của cải, danh vọng, địa vị làm mục đích cuộc đời. Khi ấy, chúng ta cảm thấy bất an và mệt mỏi. Ngược lại, lúc chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa và bước đi trong ánh sáng của Người, chúng ta mới có bình an đích thực.

          Mỗi người chúng ta đều có giây phút Chúa đến viếng thăm, đó là giây phút hồng phúc mang đến ơn lành, ơn cứu rỗi và sự bình an. “Ước chi hôm nay, nơi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi”. Nhưng Chúa không bắt buộc tự do của mỗi người, sự tự do mà Ngài đã trao ban cho con người một lần vĩnh viễn không bao giờ muốn lấy lại. Dù biết rằng con người vẫn có thể lạm dụng sự tự do đó mà chống lại Ngài 

          Ðiều xẩy ra cho thành Giêrusalem cũng có thể xẩy đến cho mỗi người ở mọi thời: mỗi người đều có những giây phút hồng phúc được Chúa viếng thăm đem đến ơn lành. Theo quan niệm Kinh Thánh, giây phút Thiên Chúa viếng thăm là giây phút Ngài thực hiện lòng nhân từ. Thánh Luca đã nhấn mạnh ý nghĩa này trong hai bài thánh ca ở đầu sách Tin Mừng của Ngài, đó là bài ca của ông Dacaria và của Ðức Maria. Trong bài ca chúc tụng của mình, Dacaria đã nêu bật lòng nhân nghĩa của Thiên Chúa: chính vì lòng nhân nghĩa mà "Thái dương từ cao xanh khấng viếng thăm ta". Còn về phần mình, ý thức giờ Thiên Chúa viếng thăm đang xẩy ra không những cho bản thân, mà còn cho cả dân tộc và toàn thể nhân loại, Ðức Maria đã nhận định về ý nghĩa sâu xa của việc Thiên Chúa viếng thăm: "Lòng nhân nghĩa của Người suốt đời nọ đến đời kia, trên những kẻ kính sợ Người". Chỉ có một lý do cho cuộc viếng thăm của Thiên Chúa, đó là thể hiện lòng nhân nghĩa đối với những người được Ngài viếng thăm. Do đó, nếu không đón nhận giờ Chúa viếng thăm, con người không những gây thiệt hại cho chính mình, mà còn cho cả người khác nữa.

          Xin Chúa cho chúng ta luôn biết lắng nghe tiếng Chúa cảnh tỉnh, đồng thời biết mở rộng tâm hồn đón nhận những giây phút ân sủng của Chúa để được sống an vui hạnh phúc.

Huệ Minh

Read 280 times Last modified on Thứ năm, 17 Tháng 11 2022 18:35