1.12 Thứ Năm trong tuần thứ Nhất Mùa Vọng
Is 26:1-6; Tv 118:1,8-9,19-21,25-27; Mt 7:21,24-27
THỰC HÀNH LỜI CHÚA: NỀN MÓNG ĐỨC TIN
Tin mừng chúng ta nghe hôm nay là phần cuối của bài giảng trên núi. Sau khi giảng dạy rất nhiều điều, Chúa Giêsu kết luận: việc quan trọng không phải chỉ là lắng nghe những lời giảng đó, cũng không phải chỉ là việc tuyên xưng Chúa ngoài môi miệng, nhưng là biết đem những điều ấy ra thực hành. Và Ngài còn nói thêm: người nào lắng nghe lời Chúa mà không thực hành thì như người ngu xây nhà trên cát; còn người đã nghe lời Chúa mà còn thực hành lời Chúa nữa thì giống như người khôn xây nhà trên đá. Như thế, Chúa Giêsu diễn tả việc sống lời Chúa cũng như việc xây nhà. Mà công đoạn quan trọng nhất của việc xây nhà, chính là nền móng!
Lời Chúa nói làm chúng ta phải rà soát lại ngôi nhà đức tin của mình; nghĩa là mỗi chúng ta hồi tâm nhìn lại cách sống đạo của mình để biết được nhà mình đã xây thế nào?
Thư chung HĐGM-VN năm 2006 cho biết: người Việt Nam có lòng đạo đức, đọc kinh, dự lễ nhiều nhưng thực sự đời sống đạo chưa có chiều sâu, nghĩa là chưa thực hành lời Chúa trong cuộc sống của mình là mấy. Điều đó thật đúng với mỗi người chúng ta; bởi vì:
Khởi đầu bài giảng trên núi, Chúa nói: “phúc cho ai có tinh thần nghèo khó vì nước trời là của họ”; nhưng bản thân chúng ta nhiều khi còn ham mê của cải, chạy theo những tiện nghi vật chất, có khi còn làm giàu một cách bất chính nữa. (như trộm cắp, bất công, buôn gian bán lận…)
Chúa nói: “phúc cho ai hiền lành” vậy mà nhiều khi -không làm chủ được cảm xúc của mình- chúng ta còn gây gỗ, cãi nhau, “phá vỡ mái ấm gia đình”, làm “mất tình làng nghĩa xóm”, gây gương xấu cho người ngoại đạo.
Mối phúc thứ năm Chúa nói: “phúc cho ai có lòng thương xót”; Chúa còn đồng hóa Ngài với những kẻ nghèo đói, bé nhỏ nhưng rất nhiều khi chúng ta từ chối giúp đỡ họ dù chỉ một chén cơm hay một ly nước lã. ….
Nếu thực sự là thế thì quả thật, chúng ta là những người xây nhà trên cát, khi có mưa sa, bão tố, nước cuốn…nghĩa là những khó khăn bách hại, những trào lưu xấu ập vào, thì ngôi nhà đức tin của chúng ta sẽ sớm sập đổ.
Lời Chúa hôm nay cảnh tỉnh chúng ta. Và như thế việc sống lời Chúa là điều cần kíp vì chẳng ai có thể yên tâm “an cư lâu dài” khi xây nhà mình trên cát hoặc trên bờ đất lở!
Thực hành Lời Chúa cũng chính là sống đức tin. Thật vậy, người ta sống được là nhờ đức tin. Mà chỉ tin thôi thì chưa đủ, đức tin phải dẫn người ta đến hành động, nghĩa là sống theo những lời Chúa đã khuyên dạy. Xác tín về điều này, thánh Giacôbê tông đồ đã khẳng định: “Ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu được người ấy chăng? Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2, 14).
Đôi khi chúng ta cũng sống đạo một cách máy móc, đức tin của chúng ta chưa bén rễ sâu trong lời của Chúa. Chúng ta chỉ tuyên xưng trên môi miệng nhưng không thể hiện ra bằng việc làm cụ thể. Chúng ta sống thụ động khoanh tay ngồi đợi Chúa làm phép lạ.
Giáo lý Hội Thánh Công giáo cho chúng ta biết đức tin là một ân ban đến từ Thiên Chúa chứ không do con người thủ đắc. Thế nhưng tin luôn là mối tương giao hai chiều giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa yêu thương mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho chúng ta, nhưng đón nhận và sống mầu nhiệm ấy hay không điều đó phụ thuộc vào sự tự do của mỗi người. Ví như căn phòng luôn đóng kín cửa sẽ không nhận được ánh nắng ấm áp của buổi bình minh.
Như một hồ nước nhỏ không mở ra đón nhận dòng thủy triều mỗi ngày, nó sẽ trở thành ao tù. Cũng vậy nếu không mở lòng đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, đời sống đạo của chúng ta sẽ trở nên cằn cỗi, không đủ sức vượt qua những gian nan thử thách. Thực hành Lời Chúa còn là cách chúng ta thể hiện lòng yêu mến, là lúc chúng ta được “ở lại” trong Chúa thân thiết gần gũi như người yêu ở lại trong người mình yêu.
Người môn đệ chân chính của Chúa Giêsu là con người say mê học hỏi và thực thi lời Chúa. Chỉ khi thực thi lời Chúa con người mới tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Chỉ khi thực thi lời Chúa niềm tin được vững mạnh và đưa con người đến hạnh phúc vĩnh cửu.
Ý muốn của Thiên Chúa rất cao siêu huyền nhiệm và thường được gọi là “Thánh ý”. Thiên Chúa chỉ muốn những điều tốt lành cho con người, như bản chất của Ngài là tốt lành. Vì ý muốn của Chúa là muốn cho con người làm điều thiện để họ được hạnh phúc, nên mỗi khi chúng ta làm những điều tốt lành là chúng ta thực thi ý Chúa.
Thực hành lời Chúa không phải là điều dễ, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cuộc sống, phải từ bỏ chính mình, có khi phải chịu nhiều hy sinh, mất mát. Cuộc sống xã hội đang từng ngày thay đổi, vì thế Giáo hội luôn trăn trở để tìm ra cách thế hữu hiệu nhất để loan báo Tin Mừng sao cho đời sống đạo có chiều sâu vững vàng và phải bén rễ vào Đức Kitô, nếu không chúng ta sẽ bị đánh bật bởi những cái mới, trào lưu sống “hời hợt, ào ào, vội vã” mà đánh mất căn tính của mình. Vì thế chúng ta luôn được mời gọi tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa. Đồng thời mỗi ngày chúng ta cũng phải hun đúc niềm tin ấy bằng lòng yêu mến, nỗ lực cộng tác với ơn thánh hầu sống trọn những lời Chúa dạy.
Huệ Minh