Virus Corona thật sự đáng sợ. Nó đi tới đâu là gây hoang mang chết chóc tới đó. Nó cướp đi tính mạng của hàng triệu người trên thế giới và riêng Việt Nam cũng vài chục ngàn người ra đi trong cô độc. Virus corona đã phơi bày nhiều bộ mặt mà chúng ta gọi là kẻ “mắc dịch”. Kẻ“mắc dịch” lương tri còn đáng sợ hơn con virus corona. Vậy những kẻ “mắc dịch” ấy là ai?
Thưa, họ là những người lợi dụng corona để kiếm lời, và bất chấp corona nguy hiểm đến đâu vẫn vì tiền mà trục lợi, mà bất chấp đau khổ, chết chóc nơi cộng đồng. Họ là những người mà ngôn ngữ phổ thông ta vẫn nói với nhau: “đồ mắc dịch”, hay “mày mắc dịch” vậy?
Những kẻ mắc dịch ấy hôm nay đang lần lượt bị réo gọi vào lò chống tham nhũng, và có những người chức cao quyền trọng cũng buộc thôi việc vì lương tâm không cho phép khi hành xử không theo vai trò trách nhiệm của mình để bề dưới làm sai , gây thiệt hại đến kinh tế và sự sống của bao người.
Nhìn vào Giáo Hội cũng có những chuyện tắc trách xảy ra như nhiều người chưa được đào tạo nhưng vẫn lãnh chức linh mục, và nổi cộm là vụ anh Hồ Hữu Hòa, dù chưa một dòng tu hay chủng viện nào chứng nhận đã tu học nhưng anh vẫn được lãnh chức linh mục. Rồi có nơi mời giám mục Anh Giáo để phong chức phó tế cho người tu đoàn của mình . . . Tất cả những chuyện này đều để cho trôi qua một cách khó hiểu?
Điều mà mọi người vẫn chờ mong có ai đó nhận lỗi, nhận trách nhiệm để cùng nhau sám hối về việc làm xấu xa của mình, hay về hành vi thiếu trách nhiệm mà gây tai họa cho nhau. Có nhận lỗi mới có sửa lỗi và đền bù. Có nhận lỗi mới có sám hối và canh tân.
Sẽ chẳng có gì đáng trách nếu như hành động của một người biết mình làm sai đã xin lỗi người khác. Nhưng đáng tiếc, việc nhận lỗi khi làm sai là một hành động “xa xỉ” trong xã hội hôm nay.
Con người quá tự tôn luôn cho mình cao quý nên hay có xu hướng không nhận lỗi, khôngnhận khuyết điểm. Chúng ta có thói quen hay đổ lỗi cho người khác mà không biết tự nhận lỗi về phía mình. Ở nhà, nếu chẳng may con học dốt là do lỗi của cô giáo không biết dạy bảo. Nếu tết không về quê thăm cha mẹ già là do công việc chứ không phải do ta không muốn. Ở công sở, nếu ta làm sai là lỗi tại “hoàn cảnh” hoặc tại “đồng nghiệp” chứ không phải ta không có trách nhiệm. Nếu chẳng may bị đuổi việc, ta nghĩ ngay đến việc bị “trù dập”; Tham nhũng thì nói là cầm nhầm . Điều hành bộ máy xã hội hay giáo hội đi xuống là do thế lực thù địch quậy phá . . ..
Người xưa đã dạy: người biết nhận lỗi, biết nhận sai lầm chẳng những không bị mất đi cái gì, trái lại, còn thể hiện tâm tính chân thành, không giả dối và luôn mong cầu điện thiện lành. Sống trên đời, học cách nhận lỗi là một loại đạo đức tốt đẹp cũng là một cách tu dưỡng tại tâm.
Hôm nay khởi đầu mùa chay thánh, chúng ta lại được nghe lời mời gọi: “Hãy sám hối”. Hãy sửa lại lỗi lầm. Hãy canh tân đời sống. Lời mời gọi đó đang kêu gọi đến những người bị “mắc dịch” lương tâm. Đừng vì tiền mà để lương tâm bị mắc dịch. Đừng vì lối sống thiếu trách nhiệm của mình mà làm lây lan sự dữ khắp nơi. “Hãy thay đổi cách hành động” cho xứng với nhân tính của một con người. Hãy thay đổi cách sống theo đúng với phẩm giá của con ngưới là “nhân chi sơ tính bản thiện”. Đừng hành động mà không ý thức về hậu quả tai hại do việc làm của mình gây nên.
Giờ đây, khởi đầu cho hành vi sám hối, Giáo hội mời gọi chúng ta hãy xức tro trên đầu để nhớ rằng mình là cát bụi. Cát bụi cuộc đời chẳng đáng là gì, chỉ “một cơn gió thoảng cũng đủ làm biến tan đi”. Biết cuộc đời chỉ một cơn gió thoảng cũng biến tan thì người ơi hãy biết sống thanh sạch lương tâm, đừng để mình trở thành kẻ mắc dịch lương tâm khi sống trái với luân thường đạo lý. Biết sự mong manh của kiếp người chúng ta hãy thành tâm sám hối ăn năn về những yếu đuối đã phạm và trông cậy vào ân sủng Chúa để canh tân sửa đổi mỗi ngày nên tốt hơn.
Ước gì lời sám hối không chỉ là lời nói suông mà còn là một nỗ lực thay đổi đời sống theo giáo huấn của Chúa.
Xin cho mùa chay thánh này chúng ta biết hy sinh hãm mình để cùng với ơn Chúa đẩy lùi căn bệnh “mắc dịch” đang làm hoen ố tâm hồn chúng ta. Hãy cầu xin Chúa thêm sức mạnh để chiến thắng sự dữ và hoàn thiện mình mỗi ngày nên hoàn hảo hơn. Amen
Lm. Jos Tạ duy Tuyền