Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (bài ngắn - Ga 9, 1. 6-9. 13-17. 34-38)
Khi ấy, Chúa Giêsu đi qua, thấy một người mù từ khi mới sinh. Người nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt người ấy, và bảo: "Anh hãy đến hồ Silôe mà rửa" (chữ Silôe có nghĩa là được sai)". Anh ta ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được. Những người láng giềng và kẻ xưa kia từng thấy anh ta ăn xin đều nói: "Ðó chẳng phải là người vẫn ngồi ăn xin sao?" Có kẻ nói: "Ðúng hắn". Lại có người bảo: "Không phải, nhưng là một người giống hắn". Còn anh ta thì nói: "Chính tôi đây". Họ liền dẫn người trước kia bị mù đến với những người biệt phái, lý do tại Chúa Giêsu hoà bùn và chữa mắt cho anh ta lại nhằm ngày Sabbat. Các người biệt phái cũng hỏi anh ta do đâu được sáng mắt. Anh đáp: "Ngài đã xoa bùn vào mắt tôi, tôi đi rửa và tôi được sáng mắt". Mấy người biệt phái nói: "Người đó không phải bởi Thiên Chúa, vì không giữ ngày Sabbat". Mấy kẻ khác lại rằng: "Làm sao một người tội lỗi lại làm được những phép lạ thể ấy?" Họ bất đồng ý kiến với nhau. Họ liền quay lại hỏi người mù lần nữa: "Còn anh, anh nói gì về người đã mở mắt cho anh?" Anh đáp: "Ðó là một Tiên tri". Họ bảo anh ta: "Mày sinh ra trong tội mà mày dám dạy chúng ta ư?" Rồi họ đuổi anh ta ra ngoài. Chúa Giêsu hay tin họ đuổi anh ra ngoài, nên khi gặp anh, Người liền bảo: "Anh có tin Con Thiên Chúa không?" Anh thưa: "Thưa Ngài, nhưng Người là ai để tôi tin Người?" Chúa Giêsu đáp: "Anh đang nhìn thấy Người và chính Người đang nói với anh". Anh ta liền nói: "Lạy Ngài, tôi tin", và anh ta sấp mình thờ lạy Người.
Suy niệm
Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Bây lâu nay người ta thường tìm hiểu người đối diện qua đôi mắt của họ mỗi khi cùng trò chuyện, cùng làm việc và cùng tham gia mọi sinh hoạt trong cuộc sống. Thế nhưng, đó chỉ là một góc nhìn chủ quan, một cách đánh giá tha nhân xem ra không mấy gần gũi với thực tế. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ thứ tư mùa chay, mời gọi người tín hữu hãy cầu nguyện cho bản thân có được đôi mắt sáng, đôi mắt đây là đôi mắt tâm hồn, bởi khi có đôi mắt sáng, góc nhìn của người đó mới có chiều sâu, mới vượt ra khỏi giới hạn của định kiến, của dục vọng và của suy nghĩ thiển cận của bản thân. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, nhưng đó chỉ là một chút mang hình thức, còn tận đáy tâm hồn của người đó, cần có một đôi mắt sáng đến từ một trái tim mang dáng dấp của một trái tim bằng thịt, một trái tim biết yêu và biết rung động.
Sa-mu-el là một tiên tri lớn, được lớn lên trong môi trường tôn giáo truyền thống, được dạy dỗ nhờ các bậc hiền triết, các tiên tri, thế mà, khi được Thiên Chúa sai đi xức dầu cho một chàng thanh niên để làm vua dân Do thái, ông đã có những cái nhìn thất bại, chủ quan theo ý riêng của ông, qua những chọn lựa, ông đã nhận ra cái nhìn của Gia-vê Thiên Chúa hoàn toàn khác con người: “Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Samuel rằng: "Hãy đổ dầu cho đầy bình và lên đường. Ta sai ngươi đến nhà Isai dân thành Bêlem, vì Ta chọn một người con của ông ấy lên làm vua". Khi (họ) vào nhà, Sa-mu-el gặp ngay E-li-ap và nói: "Có phải người xức dầu của Chúa đang ở trước mặt Chúa đây không?" Và Chúa phán cùng Sa-mu-el: "Ðừng nhìn xem diện mạo, vóc cao, vì Ta đã loại nó rồi. Ta không xem xét theo kiểu của con người, vì chưng con người nhìn xem bên ngoài, còn Thiên Chúa thì nhìn xem tâm hồn". Là một người được chọn làm vua phải có tướng mạo uy nghi, mạnh mẽ, đó là cách nhìn theo hình thức bên ngoài, là cách thông thường của con người, nhưng Thiên Chúa lại có cái nhìn vào tận tâm hồn những ai Ngài cần dùng. Có những công việc, con người tưởng chừng như thành công sẽ đến, nhưng thay vào đó là thất bại, có những công việc, con người nghĩ rằng không bao giờ có thành công, thì mọi sự lại viên mãn. Bởi tất cả đều nằm trong cái nhìn của Thiên Chúa : “I-sai sai người đi tìm đứa con út. Ðứa út này có mái tóc hoe, có đôi mắt xinh và gương mặt đẹp. Chúa phán: "Ngươi hãy chỗi dậy, xức dầu lên nó, vì chính nó đó". Sa-mu-el lấy bình dầu ra, xức lên nó trước mặt các anh em, và Thánh Thần Chúa ngự trong Ða-vít từ ngày đó trở đi”.
Sống giữa một thế giới đầy những vẻ lấp lánh của hình thức, của mẫu mã, đôi mắt đức tin của người tín hữu Kito hôm nay, đang bị bóng đen của những mẫu mã đó che khuất. Do đó, chúng ta có thể hiểu được phần nào, những lời giáo huấn của thánh Phaolo gởi đến cộng đoàn Ê-phê-sô khi anh em tín hữu ở đó, có những cái nhìn lệch lạc về niềm tin, về cách làm chứng cho tin mừng thiếu nền tảng chân lý của tin mừng: “Anh em thân mến, xưa kia anh em là sự tối tăm, nhưng bây giờ, anh em là sự sáng trong Chúa. Anh em hãy ăn ở như con của sự sáng, bởi vì hoa trái của sự sáng ở tại tất cả những gì là tốt lành, là công chính và chân thật. Anh em hãy nhận biết điều gì làm đẹp lòng Chúa, và đừng thông phần vào những việc con cái tối tăm không sinh lợi ích gì, nhưng phải tố cáo thì hơn”. Được tái sinh nhờ phép rửa, người tín hữu cần có một đôi mắt sáng với những góc nhìn của chân lý đến từ tin mừng, có được như thế, cuộc sống và lời chứng từ cuộc sống, mới thực sự đem lại giá trị tinh thần cho tha nhân, đặc biệt là trong việc truyền giáo.
Khi gặp người mù, các Tông đồ cũng có cái nhìn theo định kiến, có phải vì cha mẹ ăn ở nên con cái là nạn nhân không ? các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng có những góc nhìn hạn hẹp theo truyền thống, theo lề luật, vì thế, những người bệnh thường bị quy gán với những lý do rất chủ quan, rất thiếu thực tế: “Khi ấy, Chúa Giêsu đi qua, thấy một người mù từ khi mới sinh. Môn đệ hỏi Người: "Thưa Thầy, ai đã phạm tội, anh này hay cha mẹ anh, khiến anh mù từ khi mới sinh?" Chúa Giêsu đáp: "Không phải anh cũng chẳng phải cha mẹ anh đã phạm tội, nhưng để công việc của Thiên Chúa tỏ ra nơi anh. Bao lâu còn ban ngày, Ta phải làm những việc của Ðấng đã sai Ta. Ðêm đến không ai có thể làm việc được nữa. Bao lâu Ta còn ở thế gian, Ta là sự sáng thế gian". Nói xong, Người nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt người ấy và bảo: "Anh hãy đến hồ Silôê mà rửa" (chữ Silôê có nghĩa là được sai). Anh ta ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được”. Trong cuộc sống, không chỉ ngoài xã hội, nhưng trong chính tôn giáo, nhiều khi vì quan niệm lệch lạc, vì truyền thống tôn giáo, vì định kiến xã hội trong cộng đoàn, có nhiều góc nhìn được phác họa, có nhiều thảm họa đã xảy ra trong các gia đình và cá nhân của cộng đoàn, gây nên nhiều nỗi tang thương, đau khổ và như bị ruồng bỏ. Đó có phải là kế hoạch của Thiên Chúa không ?
Ai cũng mong cho mình có đôi mắt sáng, ai cũng mong cho mình được bình an, khỏe mạnh và lạc quan giữa cuộc đời. Nhưng tiếc thay, ai cũng muốn hơn người khác trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, vì thế, không thiếu những câu chuyện thương tâm xảy ra, chỉ vì không ưa nhau, không thích nhau, hay oán ghét hận thù nhau. Vì thích sống trong những lời khen, nên con người thích tạo những vỏ bọc bên ngoài thật sang trọng và đẳng cấp, tất cả chỉ mong được người đời khen ngợi và kính nể, mong có những cái nhìn tâm phục khẩu phục, thực chất những hình thức đó, đâu làm nên giá trị của một con người, đặc biệt là người Kito hữu. Thiên Chúa cần người tín hữu biết dựa vào những giá trị của tin mừng, biết khởi đi từ những giá trị nhân bản Kito giáo, để làm sao cho mình có đôi mắt đức tin sáng, cho bản thân có những cái nhìn đúng đắn, không mang màu sắc định kiến, hay theo kiểu thế gian, cũng như không dựa vào bất cứ những giá trị truyền thống nào của con người.
Để sống tâm tình mùa chay cách tích cực, người tín hữu phải có cái nhìn như thế nào về mùa chay, về ý nghĩa của thời gian thánh này. Có nhiều người đã đi qua nhiều mùa chay, nhưng chỉ biết đó là thời gian có ngắm nguyện, có tuần thánh, có những ngày phải ăn chay kiêng thịt, có ngày được hôn chân Chúa, nhưng thực chất, chưa một lần có cái nhìn sâu xa mang chiều kích nội tâm của mùa chay. Hãy trở về với chính mình, trở về với những suy tư và nhận thức của bản thân, để tìm lại giá trị và ý nghĩa của mùa chay. Đây có phải là thời gian cần thiết, để người tín hữu rà soát lại tâm tình sống đạo của mình, bấy lâu nay tôi nhìn Thiên Chúa với góc nhìn thế nào, Ngài là ai, Ngài có ảnh hưởng gì đến đời sống của tôi. Còn về bản thân, mùa chay là dịp thuận tiện để bày tỏ sự mong manh của mình, cần sự giao hòa từ Thiên Chúa, cần lòng nhân từ của Ngài để được thứ tha. Thiên Chúa đang đợi chờ con người, khát mong được gặp con người, để tha thứ, để yêu thương và để nên một với Ngài.
Con người không thể áp đặt bất cứ điều sự việc gì, hay một cái nhìn như thế nào cho Thiên Chúa được, bởi Ngài có những chương trình, những kế hoạch cho riêng mỗi người và mọi người. Vì thế, con người đừng nên dựa vào định kiến riêng tư, đừng dựa vào suy đoán chủ quan theo xã hội, cùng đừng dùng những truyền thống của con người để áp đặt cho Thiên Chúa. Sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới này là vì yêu, vì mong được chia sẻ tình yêu đó cho con người, chứ không phải hiện diện để phán xét hay nghiêm phạt. Nếu muốn được thông chia sự sống thần linh với Thiên Chúa, con người cần loại bỏ tất cả những gì trong bản thân, để có một trái tim trống rỗng, một lý trí và ý chí tích cực, tất cả dành cho Thiên Chúa, có như vậy, tinh thần mùa chay mới thực sự là một dịp thuận tiện để con người hoán đổi chính mình.
Lạy Chúa, Chúa đến trần gian để bày tỏ cho con người biết chương trình cứu độ của Chúa Cha, ơn cứu độ đó sẽ đưa con người đến với mầu nhiệm tình yêu Ba Ngôi, xin cho chúng con luôn ý thức rằng, để đi vào quỹ đạo của tình yêu Ba Ngôi, con người cần loại bỏ những định kiến thế gian trong chính mình. Satan luôn có mặt mọi nơi, mọi lúc và trong mọi công việc, để cám dỗ con người, chia cắt con người với Thiên Chúa, xin ban thêm sức mạnh của niềm tin và tình yêu, để chúng con vượt thắng mọi cám dỗ, không rơi vào cạm bẫy của Satan, để chúng con được ở mãi trong ngôi nhà tình yêu của Thiên Chúa. Amen.
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh