Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 2 Mùa Phục Sinh- Lòng Thương Xót Chúa
Posted by Ban Biên TậpTin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 20, 19-31)
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con". Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại". Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa". Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin".
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con". Ðoạn Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin". Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.
Suy niệm
Niềm vui vỡ òa khi các anh em cùng nhau chia sẻ những lần gặp Thầy sống lại, cùng chia sẻ những câu chuyện trước đây Thầy dặn dò, nhắc nhở và hôm nay trở thành hiện thực. Các Tông đồ như được ngập tràn trong niềm hạnh phúc, bởi họ được gặp lại Thầy sau biến cố tang thương, tưởng như không bao giờ được gặp lại Thầy quý yêu. Có một người học trò chưa được diễm phúc gặp Thầy, đó là Thomas, dù nghe anh em kể lại rất nhiều, người học trò này vẫn bán tín bán nghi, chưa thể chấp nhận một sự thật xem ra hoang tưởng. Trong sự hoài nghi để được lớn lên đó, Thầy Chí Thánh là Đức Giesu Kito đã hiện ra, gặp lại tất cả anh em, trong đó có người học trò đang nghi ngờ. Lần gặp gỡ này đã thay đổi cuộc đời của anh ta, đồng thời thay đổi niềm tin cho những ai là Kito hữu hôm nay, đang có những hoài nghi, những trăn trở về Đấng đã chết, nhưng nay được cho là đang sống.
Trở lại với những sinh hoạt của buổi bình minh Giáo hội, sách Tông Đồ Công Vụ tường thuật những bước chân ban đầu của Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa Ngôi Ba đã làm thay đổi tâm hồn, nhận thức và trái tim của các Tông Đồ, sau khi các ông được gặp lại Thầy. Với kinh nghiệm bản thân, cộng với sự tác động của Chúa Thánh Thần, các tín hữu đã tìm thấy chính mình, khi đi trên con đường mang tên thập giá với Đức Giesu, để rồi kết thúc con đường đó, họ được ngập tràn trong hạnh phúc của mầu nhiệm phục sinh: “Khi ấy, các anh em bền bỉ tham dự những buổi giáo lý của các Tông đồ, việc thông hiệp huynh đệ, việc bẻ bánh và cầu nguyện. Mọi người đều có lòng kính sợ. Vì các Tông đồ làm nhiều việc phi thường và nhiều phép lạ tại Giêrusalem, nên mọi người đều sợ hãi. Tất cả mọi kẻ tin đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ bán tài sản gia nghiệp, rồi phân phát cho mọi người tuỳ nhu cầu từng người”. Giá trị của con người là biết mình như thế nào và là gì trong thế giới này, Chúa phục sinh đã khai sáng tâm trí và mở ra cho con người một tương lai mới, đó là được tự do trong Thiên Chúa, chứ không còn bị lệ thuộc vào những yếu tố của thế gian.
Từ kinh nghiệm của bản thân, thánh Phê rô đã chìm sâu trong niềm vui phục sinh và ân sủng của Thánh Thần, để rồi ngài chia sẻ với tất cả con cái trong các cộng đoàn Giáo hội thuở ban đầu, những niềm vui tinh thần khi tin nhận Thiên Chúa và đồng hành với Đức Giesu trên con đường thập giá. Thái độ cúi xuống của Thiên Chúa, đã nâng phẩm giá con người lên một tầm cao mới, nơi đó, con người mang trong mình hơi thở của Thiên Chúa, sự sống của Ngài và hạnh phúc cũng đến từ trời cao: “Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì lòng từ bi cao cả, nhờ việc Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống, được hưởng gia nghiệp không hư nát, tinh tuyền, không suy tàn, dành để cho anh em trên trời. Anh em được bảo vệ trong quyền năng của Thiên Chúa, nhờ tin vào sự cứu độ đã được mạc khải trong thời sau hết”. Để có thể đón nhận biến cố Đức Giesu sống lại từ cõi chết, không phải là một điều dễ dàng đối với người tín hữu Kito vào buổi đầu của Giáo hội, nhưng Chúa Thánh Thần đã có những kế hoạch hết sức thú vị, đó là chương trình của tình yêu, để rồi con người nhận ra nhau là anh chị em, là con cái cùng một gia đình thiêng liêng, tất cả được sống trong mái ấm gia đình của Thiên Chúa.
Thánh Gioan đã tường thuật cuộc gặp gỡ rất thú vị giữa Đức Giesu phục sinh và các Tông đồ, đặc biệt là cuộc trò chuyện giữa Ngài với anh Toma. Với nhiều nguồn tin từ các người thân, từ các anh em trong cộng đoàn, các Tông đồ đã chấp nhận lời đồn đoán về việc Thầy mình đã sống lại, nhưng tất cả chỉ là trong trí tưởng tượng. Hôm nay, họ được gặp Thầy bằng xương bằng thịt, trên tay chân còn có cả dấu đinh và vết thương cạnh sườn. Nay không còn là lời đồn mà là sự thật: “Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con". Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người”. Đúng là Thầy rồi, một Đức Giesu đã bị kết án tử, đã bị treo trên thập giá, đã chết và nay đã sống lại. Đó là một con người, một nhân vật chứ không là hai. Họ đã tin chứ không còn hoài nghi. Lời chứng của họ đã tác động lên người bạn là Toma, anh ta không chấp nhận sự việc theo cảm tính, nhưng phải được kiểm chứng, vì thế, anh đã được đưa ngón tay mình vào lỗ đinh và cạnh sườn của Thầy mình. Quả thực Thầy mình đã sống lại: “Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con". Ðoạn Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin". Thầy ơi, con tin thật, Thầy là Đấng đã gọi và chọn con làm môn đệ, Thầy đã bị bắt, bị kết án, bị đóng đinh và nay Thầy đã sống lại trong quyền năng của Thiên Chúa. Con tin thật như thế.
Câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giesu phục sinh với thánh Toma, luôn là một đề tài nói về niềm tin của người tín hữu, hãy tin, đừng cứng lòng như Toma. Thực ra, người tín hữu hôm nay cần có một lời cám ơn trân trọng gởi tới cho thánh nhân, bởi thái độ của niềm tin ban đầu nơi ngài, đã góp thêm nhiều lời chứng về mầu nhiệm phục sinh của Đức Giesu. Để chấp nhận một sự thật xem ra không thể, con người khó có thể ngày một ngày hai là đón nhận, phải có một quá trình, phải có những lý chứng thật rõ ràng và xác đáng. Vì sao thánh Toma lại đòi kiểm chứng về lỗ đinh và vết thương của Thầy mình, vì sao thánh Toma lại yêu cầu được đụng chạm tới con người bằng xương bằng thịt của Thầy mình, bởi thánh nhân muốn xác nhận con người mà thánh nhân gọi là Đức Giesu, đã chết vì một bản án bất công, đã được mai táng trong mồ đá, nay con người đó đã sống lại thật, còn nguyên những dấu đinh, những vết thương trên thân thể. Đó là một con người, một nhân vật chứ không là hai con người ở hai thời điểm khác nhau của không gian và thời gian.
Đức Giesu Kito đã chết nhưng nay Người đã sống lại trong vinh quang của Thiên Chúa, dù đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, nhưng Người vẫn chấp nhận ở lại với con người, với một thân thể đầy dấu tích của đau khổ, của sự chết. Chính những dấu tích của đau khổ, của sự chết đó, diễn tả chiều sâu của một tình yêu vô điều kiện đến từ Thiên Chúa, yêu và yêu đến cùng. Sự đồng hành của Con Thiên Chúa phục sinh giúp người tín hữu có một động lực mạnh mẽ, để chấp nhận những đau khổ, những bệnh tật và những thất bại trong cuộc sống, bởi bên cạnh họ, có một Đấng đã chấp nhận tất cả, kể cả cái chết, để yêu và để được yêu con người. Đó là lòng thương xót Thiên Chúa dành cho con người. Và hôm nay, người tín hữu được mời gọi tôn kính lòng thương xót của Con Thiên Chúa, bởi từ nơi thân thể với những vết thương của mầu nhiệm thập giá, Con Thiên Chúa đã đón lấy tất cả những tội lỗi của nhân loại, đã tha thứ tất cả và đưa con người đi tới một tình trạng mới đó là được gọi Thiên Chúa là Cha nhân lành, được làm nghĩa tử của Ngài đã được sống đời đời với Ngài.
Lạy Chúa Giesu phục sinh, mầu nhiệm phục sinh của Chúa đã mở ra cho chúng con một tương lai mới, một niềm tin vững vàng hơn, nơi đó có những lời chứng thật rõ ràng và xác tín, xin giúp chúng con hôm nay, luôn vững niềm tin vào một Thiên Chúa tình yêu, một Thiên Chúa đã chấp nhận chết vì yêu chúng con. Chúa đã trải qua nhiều nỗi khổ đau trong cô đơn thất vọng, những cảm nghiệm đó Chúa chia sẻ với chúng con mỗi khi gặp khổ đau và thất vọng trong cuộc sống, xin giúp chúng con vững niềm tin hơn mỗi khi đối diện với những khó khăn và đau khổ, với bệnh tật và thất bại giữa cuộc đời. Amen.
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh