Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 16 Tháng 6 2023 06:55

Trái Tim Từ Mẫu

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
    Trái Tim Từ Mẫu-Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ

 

 

17.6 Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ

2 Cr 5:14-21; Tv 103:1-2,3-4,8-9,11-12; Mt 5:33-37

Trái Tim Từ Mẫu

          Trong các lễ nhớ dành riêng cho Mẹ Maria liên quan tới lễ Đức Mẹ Lộ Đức, có lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Kiểu nói ”trái tim vô nhiễm” mới có sau này, và trở thành thông dụng sau khi Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố tín lý Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội năm 1854. Trước đó có các kiểu nói thông dụng như ”trái tim rất thanh sạch”, hay ”trái tim rất vẹn tuyền”, hoặc ”trái tim rất thánh” Đức Mẹ Maria...

          Việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ được dựa trên nền tảng Phúc Âm: “Maria ghi nhớ những điều này và suy niệm trong lòng” (Lc 2, 19), và “Còn Mẹ Ngài thì ghi nhớ những điều này trong lòng” (Lc 2, 51). Trong Cựu Ước, trái tim được xem là biểu tượng thẳm sâu trong tâm lòng con người, là trung tâm của mọi chọn lựa và cam kết. Còn đối với nhân loại thì đó là biểu tượng của tình yêu. Trong sách Đệ Nhị Luật ta đã nghe rằng: “Ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết tâm lòng, hết sức lực và trí khôn ngươi.” (Đnl 6,5). Trong Tin Mừng theo thánh Máccô thì khi các biệt phái chất vấn Đức Kitô về giới răn nào là trọng nhất, Ngài đã nhắc lại đoạn Kinh Thánh này để trả lời cho họ (Mc 12, 29-33).

          Chính Trái Tim Mẹ đã đáp trả bằng tiếng “Xin vâng” với Thiên Chúa khi được sứ thần Gabrien truyền tin. Do sự ưng thuận vì tình yêu, Mẹ Maria trước hết đã cưu mang Đức Giêsu trong trái tim mình và rồi cũng cưu mang trong cung lòng của Mẹ.

          Theo lịch sử, việc tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ được tìm thấy đầu tiên vào thế kỷ 12 với nhiều sử gia như Thánh Anselm (1109) và Thánh Bernard thành Clairvaux (1153) là thánh viết rất tài tình về việc tôn sùng thánh thiện này. Thánh Bernadine thành Siena (1380-1444) đã được gọi là Tiến Sĩ về lòng sùng kính Trái Tim Mẹ vì những trước tác về Trái Tim Mẹ. Ngài viết, “từ trái tim Mẹ, như lò lửa của Tình Yêu Rất Thánh, Đức Trinh Nữ Maria đã nói lên ngôn ngữ tuyệt vời nhất của một tình yêu mãnh liệt.” Thánh John Eudes (1601-1680) qua các bài viết của Ngài đã giúp khơi lại lòng sùng kính này.

          Đức Thánh Cha Lêô XIII và Piô X gọi ngài là “cha, thầy dạy và là tông đồ phụng vụ lòng sùng mến Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria”. Thánh John Eudes và những người theo ngài đã dành ngày 8 tháng 2 trong khoảng năm 1643 để kính nhớ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Về sau, Đức Piô VII cho mở rộng ngày mừng kính này để các giáo xứ hoặc hội đoàn nào muốn tôn sùng thì cũng được phép.

          Việc tôn sùng Trái Tim Mẹ Maria có một truyền thống đẹp đẽ hơn nữa qua tấm ảnh đeo của Thánh Catarina Laboure năm 1830 và việc hiện ra của Đức Mẹ tại Fatima từ ngày 13 tháng 5 đến 13 tháng 10 năm 1917. Mẹ đã hiện ra với 3 trẻ là Jacinta, Phanxicô và Luica tại Fatima, Bồ Đào Nha. Trong ngày 13 tháng 7, Mẹ đã cho các trẻ này biết rằng ''để cứu những người tôi lỗi, Thiên Chúa đã ước ao thiết lập việc sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ''. Toàn bộ lời nhắn nhủ của Mẹ là một lời cầu nguyện, thống hối và bằng những việc hy sinh, đền bù phạt tạ Thiên Chúa về những xúc phạm đến Ngài.

          Vào năm 1942, kỷ niệm 25 năm biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, Đức Thánh Cha Piô XII đã dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Cũng vào năm ấy, ngài đã chọn mừng lễ này vào ngày 22 tháng 8, một tuần sau lễ Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời. Ngày 4 tháng 5 năm 1944, ngài loan báo mở rộng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm cho Giáo Hội hoàn vũ. Với những cải cách về phụng vụ trong Công Đồng Vatican II, lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ được dời về một ngày ngay sau Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, chính là ngày thứ bảy sau chúa nhật thứ hai sau Lễ Hiện Xuống.

          Thiên Chúa đã chọn Mẹ Maria để cưu mang Đấng Cứu Thế, để cộng tác cho công trình cứu chuộc của Người. Công trình này xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa. Đức Maria đã cộng tác với Thiên Chúa để mang tình yêu của Người cho nhân loại. Chúa cũng mời gọi sự cộng tác của mỗi người chúng ta. Mỗi người đều có một vai trò và vị trí đặc biệt trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Điều Thiên Chúa cần nơi mỗi người chúng ta là noi gương Mẹ Maria, luôn sẵn sàng vâng phục thánh ý của Chúa.

           Đức Ki-tô “là đường, là sự thật và là sự sống”, Ngài nói: “Tôi sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” (Ga 18, 37b). Trình thuật tin mừng hôm nay nhắc lại cho chúng ta lời dạy của Đức Ki-tô: ““Có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.” (c. 37) là điều mà chúng ta phải để tâm suy ngẫm, xác định lại lối sống của mình theo Tin mừng hầu có thể là người ‘ đứng về phía Đức Ki-tô – về phía sự thật’.

          Mahatma Gandhi thủ lĩnh Ấn Độ khi còn nhỏ phạm lỗi nói dối mẹ. Bà mẹ đã tuyệt thực và nói: thà để mẹ chết còn hơn thấy con hèn nhát nói dối vì không muốn nhận lỗi. Cậu Gandhi đã khóc lóc xin mẹ nhưng mẹ không chịu, nên cậu đã lấy than hồng bỏ lên tay thề với mẹ tuyệt đối sẽ không bao giờ nói dối nữa.

          Khi ấy bà mẹ mới ôm con vào lòng và tha thứ cho cậu. Vết thẹo trong lòng bàn tay Gandhi là một dấu chứng, và cả thế giới đều có thể tin tưởng vào lời nói trung thực của ông. Mahatma Gandhi đã thề, và có lẽ là lời thề quyết liệt duy nhất trước người mẹ mà ông kính yêu. Ông đã không bao giờ phản bội lời thề đó. Trong Giáo hội cũng có những lời thề nguyện khấn hứa những điều tốt lành của Linh mục, tu sĩ, huynh đoàn, hội tận hiến…. Đó là những lời thề nguyện mang tính tích cực, hướng đến sự trọn lành thánh thiện. Giáo hội khuyến khích, nâng đỡ và mời gọi con cái mình thực hành những việc như thế. Tuy nhiên, có rất nhiều kẻ gian dối lại hay dùng lời thề để biện minh cho mình, để làm chứng là mình nói thật. Thực tế cho thấy, người thật thà là người thường rất ít khi dùng đến lời thề, vì lời nói của họ luôn đáng tin đối với mọi người.

          Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay, một cách nào đó nền giáo dục chạy theo thành tích đã đào tạo ra cả một thế hệ  mang não trạng gian dối – từ giáo viên cho đến học sinh. Chuyện có thật kể rằng: Ở một trường tiểu học X nọ, trong tiết thi kiểm tra học kỳ môn toán của học sinh lớp 5, giáo viên coi thi đã giải đề thi toán trên bảng rồi bảo học sinh chép và sửa vào bài thi, cô giáo nói: “Chuyện này chỉ có cô cháu mình biết với nhau thôi nhé.” Còn các em học sinh hầu hết đa số đi thi đều không tự tin, dù các em đã có học bài. Các em luôn có các tài  liệu, câu trả lời đề cương thi được photo rất nhỏ mang theo bên mình để ‘quay phim’. Và cũng hầu hết các em coi đó là chuyện bình thường tự nhiên ‘ai cũng làm’ – Ai mà không làm là dại! Tội gì mà phải hao hơi tốn sức học cho nhọc công(?) Một nền giáo dục đậm màu gian dối mà các em học sinh hấp thụ ngay từ tấm bé, thì thử hỏi thế hệ tương lai của xã hội, đất nước, Giáo hội Việt Nam sẽ như thế nào? Đúng là một thực tại đau lòng!

          Trong một bối cảnh như thế thì sự thật, chân lý chỉ còn là những thuật ngữ xa vời. Ở khắp nơi đâu người ta cũng thấy đồ ‘Zỏm’ (người dỏm, văn bằng dỏm, hàng hóa dỏm…), không tinh ý, ham rẻ, ham vẻ bề ngoài sẽ dễ dàng bị mắc lừa.

          Lời Chúa Giêsu: “Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt điều gì đều là do ác quỉ.” lại một lần nữa như tiếng chuông cảnh tỉnh, nhắc nhở Kitô hữu chúng ta: Ở trong chúng ta còn có bao nhiêu phần trăm sự thật? Chân lý đối với chúng ta có còn đáng giá? Chúng ta có còn là môn đệ của Đức Kitô hay chúng ta đang làm đệ tử của satan?

Huệ Minh

Read 223 times Last modified on Thứ bảy, 17 Tháng 6 2023 06:49