Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 30 Tháng 7 2023 07:32

Hạt Cải, Nắm Men

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Hạt Cải, Nắm Men

 

 

31.7
Thánh Ignatius thành Loyola, Lm

Xh 32:15-24,30-34; Tv 106:19-20,21-22,23; Mt 13:31-35

Hạt Cải, Nắm Men

          Thánh Ignatiô sinh tại Lôyôla miền Cantabria nước Tây Ban Nha trong một gia đình giầu sang, phú quí và đầy thế giá vào năm 1493. Lớn lên  như mọi chàng trai trong nước Tây Ban Nha lúc đó, thánh Ignatiô đã nhập ngũ và bị thương khi quân đội Tây Ban Nha giao tranh với quân đội Pháp ở Pampelune. Thời gian nằm bệnh viện, Chúa đã thúc đẩy thánh nhân đọc những sách đạo đức và Chúa đã thúc giục Ngài:” Hãy bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu”.

          Năm 1523, thánh nhân bắt đầu cuộc đời tu tập, sau khi đã bỏ thanh kiếm quí tộc của mình ở bàn thờ Đức trinh nữ Maria tại Mont-Serrat. Thánh nhân sống một đời sống họa lại tình yêu của Chúa Giêsu, Ngài đã sống khó nghèo như một người ăn mày và trong giai đoạn này, Ngài đã viết nhiều sách rất có giá trị về mặt đạo đức và thiêng liêng.

          Vì nhiệt thành với Chúa và yêu thương các linh hồn, thánh Ignatiô đã qui tụ được 9 người bạn cùng chí hướng và trên ngọn đồi MontMartre, thánh nhân đã đặt nền móng cho một dòng tu vào năm 1534 với lý tưởng tất cả cho vinh danh Chúa và vì phần rỗi các linh hồn. Thánh nhân đã đặt tên cho dòng của Ngài là Dòng Tên. Ngoài ba lời khuyên của Tin Mừng, vào năm 1540, thánh nhân còn thêm một lời khấn nữa là hiến mình cho công cuộc truyền giáo theo ý hướng của tòa thánh. Thánh nhân đã sống nhiệt thành với việc giảng dậy giáo lý và lòng đạo đức siêu vượt của Ngài đã giúp cho nước Chúa được phát triển và mở rộng khắp nơi.

          Thánh nhân đã sống theo lời Chúa:” Thầy đến đem lửa vào trái đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bừng lên”( Lc 12, 49 ). Thánh Ignatiô đã ra đi trở về với Chúa vào năm 1556 hưởng thọ 63 tuổi. Năm 1609 Đức Thánh Cha Phaolô V   đã phong Ngài lên bậc chân phước. Năm 1623, Đức Giáo Hoàng Urbanô VIII  đã tôn Ngài lên bậc hiển thánh và vào năm 1922, Đức Thánh Cha Piô XI đặt Ngài làm Đấng bảo trợ những tuân tĩnh tâm.

          Trong trích đoạn Tin mừng chúng ta nghe hôm nay, Chúa Giêsu đã dùng hai dụ ngôn là hạt cải và nắm men vùi trong ba đấu bột để cho thấy, sở dĩ Giáo Hội có thể tồn tại và phát triển cho tới ngày nay không phải do sức mạnh của con người, nhưng là do sức mạnh của ân sủng mà Thiên Chúa không ngừng ban cho. Thật vậy, sự bất tương xứng giữa hạt cải nhỏ bé khi được gieo vào lòng đất với cây cải to lớn đến độ chim trời có thể đến làm tổ nơi cành của nó, đã cho thấy nơi hạt giống nhỏ bé ấy đã chứa đựng một sức sống vô cùng mãnh liệt. Tương tự như thế, Giáo Hội ban đầu cũng chỉ là một nhóm thiểu số, không có gì nổi trội. Có thể nói, Nhóm Mười Hai không chỉ nhỏ về số lượng mà còn nhỏ cả về phẩm chất. 

          Tất cả họ đều là những con người ít học nếu không muốn nói là thất học, là những người nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần. Họ không hề có địa vị trong xã hội cũng như trong tôn giáo, là những con người đầy tham vọng ích kỷ và cuối cùng, họ là những con người thật yếu đuối: một Giuđa phản bội bên cạnh một Phêrô chối Thầy, không phải một lần mà đến ba lần; một Mátthêu bị người đời ghét bỏ, bên cạnh là một Simon nhiệt thành tới mức quá khích. Nói chung, tất cả họ đều vì hèn nhát mà bỏ Thầy trong cuộc khổ nạn. Thế nhưng, chính từ những con người như thế, Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo Hội của Ngài và Giáo Hội ấy đã tồn tại và phát triển cho tới ngày nay. 

          Thế nhưng, Giáo Hội không bao giờ được tự mãn về con số các thành viên mà mình đang có; bởi vì vẫn còn không ít người tự xưng mình là Kitô hữu nhưng không hề sống những đòi hỏi của Tin Mừng.

          Bởi vậy, Giáo Hội được mời gọi nhắm đến chiều sâu là sự biến đổi nội tâm để mỗi người Kitô hữu thực sự trở thành muối, thành men giữa đời hầu có thể làm cho con người và xã hội được biến đổi. Một Giáo Hội như thế được ví như nắm men được vùi trong ba đấu bột cho tới khi cả khối bột đều dậy men. Hơn nữa, Giáo Hội phải luôn trung thành với đường lối cứu độ của Đức Giêsu; và như thế, Giáo Hội được mời gọi phải biết từ bỏ mọi quyền lực thống trị, nhưng theo đuổi sự dấn thân phục vụ trong âm thầm. Hay nói như thánh Inhaxiô: “Trong tất cả mọi sự, nguyện cho danh Chúa được cả sáng hơn”. 

          Dụ ngôn hạt cải và nắm men trong Tin Mừng hôm nay đều nhấn mạnh đến sự bất tương xứng của thời kỳ đầu của Nước Trời và của thời kỳ kết thúc. Dụ ngôn hạt cải nói đến sự tăng trưởng của Nước Trời theo chiều rộng, còn dụ ngôn nắm men trong bột ám chỉ chiều sâu, tức là sự biến đổi bên trong. Cũng như cây cải nhỏ bé thường thấy ở miền giáp hồ Tibêria có thể cao tới ba thước, Nước Trời cũng bắt đầu hiện diện từ thời kỳ truyền giáo của Chúa Giêsu và của Giáo Hội tiên khởi trong sự khó nghèo và thiếu thốn. Và đó là giáo huấn nền tảng của dụ ngôn hạt cải và nắm men.

          Dựa vào những hình ảnh này, Chúa Giêsu cho thấy kiểu cách truyền giáo của Ngài không phù hợp với những chờ đợi của người Do thái, nghĩa là Nước Trời đến trong thầm lặng, như Chúa Giêsu đã nói: "Nước Thiên Chúa ở giữa các ngươi". Bởi vì thánh sử viết Tin Mừng sau thời kỳ truyền giáo của Chúa Giêsu trên đất Palestin, chúng ta có thể thấy ngay sự bành trướng đầu của Nước Trời và của Tin Mừng nơi các cộng đoàn Kitô tiên khởi. Thánh sử nói rõ: trên cành cây cải, chim trời có thể đến trú ngụ, điều này ám chỉ các dân ngoại được kết nạp vào Giáo Hội do Chúa Giêsu sáng lập.

          Dụ ngôn men trong bột, một nắm men có thể làm dậy cả khối bột. Ý nghĩa và bài học của dụ ngôn này đi song song với dụ ngôn hạt cải. Men Nước Trời tức ơn thánh, dù ngấm ngầm, nhưng hiệu nghiệm nơi tâm hồn con người và trong sứ điệp của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã nói rõ về sức mạnh của men Nước Trời. Ngài không đến theo kiểu cách lôi kéo sự chú ý của con người. "Nước Thiên Chúa ở giữa các ngươi". Trong cử hành Thánh Lễ, Lời Chúa và Mình Chúa như men có sức làm lớn lên và biến đổi tâm hồn con người. Ai biết lãnh nhận với tâm hồn ngay thẳng, người đó sẽ được biến đổi nên giống Chúa Giêsu.

          Không đơn giản để tin vào Tin Mừng mà Chúa Giêsu khởi xướng và ngay cả bản thân chúng ta cũng tự hỏi: Một nhóm nhỏ các môn đệ như thế này, đứng trước những khó khăn đang vây bủa, liệu họ có thể thành công được sao? Nếu họ đem thắc mắc này đến với Đức Giêsu thì chắc rằng Ngài đã trả lời: “Đúng thế, cũng như một hạt cải bé tí sẽ trở nên một cây cao lớn, hay một nhúm men ít ỏi sẽ làm dậy cả thúng bột, tác động của Thiên Chúa cũng sẽ khiến cho nhóm người bé mọn ít ỏi này trở thành một Dân Mới quy tụ hết mọi dân”. Người ta có thể không tin vào sức cải hóa của Tin Mừng hoặc là họ cũng sẽ không tin vào tác động của ơn Chúa. Thế nhưng, nếu ngày xưa Nhóm Mười Hai chùn bước trước tình trạng đầy dẫy khó khăn thì đã không có Giáo Hội như ngày hôm nay. Nếu như các môn đệ chỉ cậy dựa vào sức mình mà không cần ơn Chúa thì Giáo Hội hẳn là đã chết ngạt ngay sau khi Chúa Giêsu rời xa họ.

          Vậy nên, chúng ta phải luôn xác tín rằng, hai dụ ngôn hạt cải và men trong bột đều nói về sự phát triển của Nước Trời; nhưng khác nhau ở chỗ dụ ngôn hạt cải thành cây rau lớn, nhấn mạnh sự bành trướng về số lượng bên ngoài; còn men trong bột nói lên ảnh hưởng bên trong để biến đổi thế giới. Chính nhờ hai tác động bên trong và bên ngoài này, Giáo Hội mới có thể tồn tại và phát triển vững vàng dẫu trải qua muôn vàn khó khăn thử thách. 

 Huệ Minh

 

 

 

Read 143 times Last modified on Thứ hai, 31 Tháng 7 2023 06:46