Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 03 Tháng 8 2023 06:08

Ngôn sứ bị rẻ rúng…

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Ngôn sứ bị rẻ rúng…

 

 

4.8
Thánh Gioan Vianney, Lm

Lv 23:1,4-11,15-16,27,34-37; Tv 81:3-4,5-6,10-11; Mt 13:54-58

Ngôn sứ bị rẻ rúng…

          Hôm nay Giáo Hội mừng lễ thánh Gioan Maria Vianney. Đây là một vị đại thánh của Giáo Hội.

          Thánh Gioan Maria Vianney, sinh ngày 8 tháng 5 năm 1786 tại Lyon nước Pháp và sau bao nhiêu khó khăn gian khổ, Gioan Maria Vianney được chịu chức linh mục và được giao phó nhiệm vụ làm cha sở họ Ars, một giáo xứ vừa nghèo vừa khô khan nguội lạnh. Cha Gioan Maria Vianney đã lãnh nhận giáo xứ này với tinh thần vâng phục cao độ. Ngài quả là vị mục tử gương mẫu. Cuộc đời của ngài là cuộc đời chỉ biết lo cho việc loan báo Lời Thiên Chúa, giải tội, cầu nguyện và hãm mình. Có nhiều lúc, khuôn mặt ngài rạng rỡ khác thường, nhờ tình yêu bắt nguồn từ bí tích Thánh Thể mà ngài đem hết lòng sốt sắng để vừa cử hành, vừa thờ phượng.

          Khi mới 8 tuổi ngài mới học đọc và biết viết. Vì nhà nghèo nên được cha sở nuôi dạy, và sau đó đã đưa ngài vào chủng viện. Vào trong chủng viện ngài không học được gì cả.

          Ngày kia, một giáo sư thần học, thừa lệnh Đức Giám mục đến khảo sát Vianney xem có đủ khả năng học vấn để tiến tới chức Linh mục không. Nhưng Vianney không thể trả lời câu nào.

          Nổi nóng, vị giáo sư đập bàn, nói: “Vianney, anh dốt đặc như con lừa! Với một con lừa như anh, Giáo Hội hy vọng làm nên trò trống gì!”

          Vianney khiêm tốn bình tĩnh trả lời: “Thưa thầy, ngày xưa Samson chỉ dùng một cái xương hàm con lừa mà đánh bại 3000 quân Philitinh. Vậy với cả một con lừa này, chẳng lẽ Thiên Chúa không làm được việc gì sao ?”

          Cuộc cách mạng 1789 bùng nổ khiến thầy Vianney phải bỏ dở việc học. Nhưng sau đó thầy tìm hết cách để tự học dưới sự dìu dắt của cha xứ. Nhưng khổ thay, học mấy cũng chẳng nhớ. May lúc ấy địa phận gặp phải cảnh khan hiếm linh mục nên Vianney được bề trên gọi về để khảo hạch. Và lẽ dĩ nhiên là lần nào Vianney cũng trượt.

          Vianney không nản lòng, cứ tiếp tục học. Cuối cùng, bề trên thấy thầy bền chí quá bèn gọi cha xứ đến để hỏi về thầy:

          - Thầy có lòng đạo đức không ?

          - Thưa có.

          - Thầy có kính mến phép Thánh Thể ?

          - Thưa có.

          - Thầy có siêng năng lần hạt không ?

          - Thưa có.

Cha chính quyết định: “Thôi, cho thầy chịu chức vì thầy bền chí, chứ nếu cứ khảo hạch mãi thì không bao giờ đỗ được”.

          Như vậy thầy Gioan Maria Vianney được làm Linh mục là nhờ “phép chuẩn”. Vì tuy học hành kém cỏi, đầu óc mù tịt, nhưng nhờ có lòng đạo đức và sự bền chí mà ngài đã được thụ phong Linh mục. Nhưng khi ngài làm Linh mục rồi, Chúa đã ban cho ngài rất nhiều ơn đặc biệt đề cứu các linh hồn, đến nỗi một lần kia, quỷ Satan đã phải nói với ngài: “Nếu trên thế giới có hai đứa như mày thì bọn tao đành phải thất nghiệp mất”.

          Nhìn vào “cuốn tự điển cuộc sống” của thánh Vianney, người ta đọc thấy toàn là những chữ: ăn chay, hãm mình, đền tội, khổ hạnh... Nhìn vào gương mặt của ngài, người ta cũng gặp thấy toàn là những nét: gian truân, khắc khổ, lao nhọc, đau thương... Thế nhưng, trong con người ấy lại chói ngời một quả tim luôn tươi vui, từ ái và yêu thương đối với hết mọi người.

          Hằng ngày, vào khoảng 12 giờ, cha Vianney rời nhà thờ và trở về nhà xứ để ăn trưa. Đến một giờ, ngài lại vào toà giải tội và ngồi ở đó mãi cho đến tối. Trong khoảng thời gian nghỉ ngơi vắn vòi ấy, cha Vianney phải tranh thủ để làm nhiều bao công việc. Thường khi ăn cơm bao giờ ngài cũng đứng, vì ngồi thì sợ sẽ kéo dài giờ ra. Vừa ăn xong, ngài vội đi thăm các trẻ mồ côi, các em mẫu giáo... Ai cũng thấy ngài vui tươi âu yếm và sung sướng giữa những tâm hồn đơn sơ ấy. Từ giã các em, ngài rảo bước đến nhà các kẻ ốm liệt; gặp ai dọc đàng, ngài cũng ủi an thăm hỏi. Các gia đình đều mong cha sở đến thăm, vì đối với họ, dường như nơi ngài tàng ẩn một niềm vui không bao giờ cạn. Lúc trở lại nhà thờ ngài thường trao đổi một vài lời vắn tắt, có lúc rất dí dỏm, hài hước với các khách hành hương đang đứng trước sân nhà thờ chờ đến lượt vào toà xưng tội.

          Đời sống thánh Gioan Maria Vianney quả là một tấm gương hy sinh vì Chúa và các linh hồn, đúng như lời thánh nhân thường nói: “Hạnh phúc cho một vị linh mục được chết kiệt sức vì phục vụ Chúa và các linh hồn.” Hạnh phúc ấy đã đến với thánh Gioan Maria Vianney vào ngày 2 tháng 8 năm 1859. Thánh nhân lãnh nhận Bí tích Xức dầu bệnh nhân và Bí tích Thánh Thể, ngài cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa quảng đại quá khi con không đến với Chúa được, thì Chúa đến với con”. Ngày 4 tháng 8 năm 1859, khi vị linh mục đọc kinh cầu nguyện cho người hấp hối đến câu: “Xin các thiên thần Chúa đến rước linh hồn Gioan vào thành thánh Giêrusalem”, thánh nhân trút hơi thở cuối cùng một cách êm ái. Ngài hưởng thọ 73 tuổi; làm cha sở họ Arc được 41 năm.

          Tin thánh Gioan Maria Vianney qua đời đã lôi kéo cả một biển người đổ xô về giáo xứ Arc. Đoàn người đông đảo đã đi qua trước xác thánh nhân suốt 48 tiếng đồng hồ.

          Đức Giám mục giáo phận đã đến chủ sự Thánh lễ an táng và giảng thuyết: ngài nhấn mạnh rằng bao thế kỷ mới được thấy một cuộc đời linh mục như Thánh Gioan Maria Vianney. Thánh nhân được an táng trong nhà nguyện thánh Gioan Tẩy Giả, bên cạnh toà giải tội mà người ta đã gọi là “phép lạ lớn nhất ở Arc”.

Từ ngày ấy, biết bao nhiêu Hồng Y, Giám mục, linh mục đã đến quỳ cầu nguyện và đặt những cái hôn thành kính lên viên đá mộ thánh nhân. Ngày 31 tháng 5 năm 1925, thánh Gioan Maria Vianney được tuyên Hiển Thánh; và năm 1929, thánh nhân được đặt làm thánh bổn mạng các linh mục chính xứ trên toàn thế giới.

          Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc về thăm quê hương lần thứ hai của Đức Giêsu và Người đã gặp được sự bạc bẽo vô ơn.

          Người về đúng dịp ngày Sabat, dân làng đến hội đường nghe đọc sách thánh và hát thánh ca. Chúa Giêsu cùng các môn đệ  tiến vào hội đường. Đọc sách luật và thánh vịnh xong, Chúa Giêsu giảng thuyết như một giáo dân tham dự vào chức vụ tư tế. Vẻ uy nghi trang trọng của Người khác thường. Gương mặt của Người dịu hiền, thiện cảm. Giọng điệu của Người hấp dẫn bà con. Ý tứ Người trình bày đơn sơ, trong sáng hợp với tâm trí mọi người. Họ cảm thấy thấm thía kỳ diệu của Nước Thiên Chúa, của lòng nhân ái Chúa Cha trên trời. Người đòi mọi người phải sống yêu thương nhau như anh em ruột thịt. Họ đã ngạc nhiên thì thầm với nhau: “Bời đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ mộc sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria sao?”.

          Họ đã chứng kiến sự khôn ngoan và quyền phép của Chúa, nhưng vẫn tỏ ra nghi ngờ coi thường Chúa cũng như mọi người. Họ chẳng biết sự khôn ngoan quyền phép này bởi đâu. Nên họ đã truy tìm gốc gác của Người: xuất thân từ một làng quê Nazareth nhỏ bé, cha ông là người làm nghề thợ mộc, mẹ ông là bà Maria. Anh em bà con lối xóm của ông là những người rất bình thường. Còn Chúa Giêsu, chẳng thấy được học hành  gì, chi thấy là con nhà lao động làm thuê đóng bàn sửa ghế. Ông bỏ quê nhà đi mấy tháng nay trở về sao thay đổi chóng vậy! Chúa Giêsu, chỉ thấy Người vào nơi thanh vắng, ngửa mặt lên trời, âm thầm cầu nguyện cùng Chúa Cha trên trời. Đó chính là bí quyết làm cho Người khôn ngoan và đầy quyền phép để làm những việc lạ lùng mà con người chịu bó tay.

          Buồn thương thay cho các kinh sư, cho dân làng, họ được biết Người khôn ngoan, được thấy Người trừ được quỷ, được chứng kiến bao công việc kỳ diệu. Thế mà họ còn chụp cho Người là “tướng quỷ trừ quỷ”. Dân chúng thì chỉ biết thốt ra “chưa từng thấy ai ăn nói, hành động có uy quyền lạ lùng như vậy. Các môn đệ khi thấy Chúa dẹp yên bão gió thì cũng chỉ biết hỏi: “Người là ai mà bão biển phải tuân lệnh?”

          Họ đã chẳng nhận ra Người là con một Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa vì yêu thương loài người đã xuống thế làm người, sống với họ như anh em, như bạn bè mà cứu họ khỏi chết đời đời. Trước những bạc bẽo đối với mình, Chúa Giêsu vẫn âm thầm kiên nhẫn vui vẻ nhỏ nhẹ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng là ở chính quê hương mình”. Người ta đã ghét Chúa có lẽ còn vì một điều nữa là: vì Người đã không làm được theo ý riêng của họ, chắc là phải đem lại cho họ toàn là những lợi lộc trần thế thì phải chăng họ mới hài lòng?

          Con người ngày nay cũng chưa khá hơn những người Do Thái xưa nên vẫn “gần chùa gọi bụt bằng anh”.

          Vì ích kỷ, người ta không muốn nhìn nhận những điều hay lẽ phải của tha nhân mà chỉ biết bới lông tìm vết để hạ thấp họ. Chỉ có cái nhìn hời hợt mà không biết rằng chính những điều sâu xa bí ẩn mới làm ích lớn cho con người. Những chất mầu mỡ nằm ẩn trong đất mới giúp cho cây cối trổ sinh tươi tốt, nuôi sống muôn người muôn vật. Những kho tàng trong lòng đất: mỏ dầu, mỏ vàng, bạc, đồng, sắt…mới là tài nguyên giúp phát triển nền văn minh nhân loại. Chính những tài năng thượng đẳng thiêng liêng trong con người như ý chí, tự do, trí tuệ, nhân từ… mới có sức thăng tiến con người hơn cái tay, cái chân, cái mũi, cái mắt.

Huệ Minh

Read 130 times Last modified on Thứ sáu, 04 Tháng 8 2023 06:59