Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 24 Thường Niên, Năm A
Posted by Ban Biên TậpTin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 18, 21-35)
Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.
"Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả". Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.
"Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: "Hãy trả nợ cho ta". Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh". Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong.
"Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến vào bảo rằng: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?" Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.
"Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình".
Suy niệm
Tha thứ, luôn là một chủ đề được đề cập đến nhiều nhất trong sinh hoạt, từ xã hội cho đến tôn giáo. Bất cứ tôn giáo nào cũng đề cao vấn đề tha thứ, nhưng để biết tha thứ và tha thứ như thế nào mới là điều đáng quan tâm, bởi tha thứ chỉ có ý nghĩa khi nó được coi là kim chỉ nam của đời sống mỗi tín hữu, trong các tôn giáo cũng như tổ chức xã hội. Chủ đề sống Lời Chúa tuần lễ 24 thường niên này, Mẹ Giáo hội mời con cái hãy trở lại với chủ đề tha thứ. Đó là lời nhắc của Thầy Chí Thánh, đó là cánh cửa mở ra cho mọi người gặp gỡ Thiên Chúa. Ngài cần sự chân thành, nhưng cũng lưu tâm đến sự quảng đại của mỗi người. Tha thứ sẽ là nguồn năng lượng tích cực hơn, giúp cho con người trong một xã hội xích lại gần nhau, giúp cho các tín hữu trong tôn giáo, sống đúng với giáo lý và giới luật của tôn giáo, khi mình là một tín đồ.
Để cuộc sống có nhiều hương vị, làm cho mỗi ngày sống đẹp hơn, có ý nghĩa hơn, cần có những hương vị đặc biệt, tha thứ luôn được coi là thứ hương vị quan trọng, giúp cuộc sống dễ thương hơn. Ngay từ thời Cựu ước, những người khôn ngoan đã đặt hành vi tha thứ như một mối dây để gắn kết mọi người với nhau, bởi thù hận và giận ghét luôn tồn tại trong mọi sinh hoạt của con người: “ Thịnh nộ và giận dữ, cả hai đều đáng ghê tởm, người có tội đều mắc cả hai. Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù, và Chúa nghiêm trị tội lỗi nó. Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha. Người này tích lòng giận ghét người kia, mà dám xin Chúa cứu chữa sao? Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao? Nó là xác thịt mà tích lòng thịnh nộ, thì dám xin Chúa tha thứ làm sao? Ai sẽ khẩn cầu cho tội ác nó ?”. Vì không thể quên được lầm lỗi của anh em xúc phạm đến mình, lòng hận thù cứ lớn dần, tính giận dữ luôn thúc đẩy con người báo thù, vì thế, tha thứ sẽ là liều thuốc cần thiết, chữa lành những mầm bệnh gây mất tình huynh đệ cộng đoàn, chữa lành những tâm hồn đầy oán hờn, thiếu tình người.
Khi đã được tái sinh trong nước và Thánh Thần, người tín hữu Kito cần phải thay đổi thái độ sống của chính mình. Trước hết hãy khắc họa lại khuôn mặt mới của Thiên Chúa trong tâm trí và đời sống mình, thứ đến, hãy ý thức mình là khí cụ của Thiên Chúa, hãy để cho Ngài dùng, để cho Ngài mượn, để xây dựng gia đình thiêng liêng của Ngài. Thánh Phaolo đã căn dặn các tín hữu thành Roma như thế, khi ngài không muốn bất cứ ai đứng ngoài gia đình của Thiên Chúa: “Anh em thân mến, không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa; nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy, dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa. Vì lẽ ấy, nếu Ðức Kitô đã chết và sống lại, là để cai trị kẻ sống và kẻ chết”. Tình huynh đệ cộng đoàn luôn là sợi chỉ đỏ, để nối kết mọi tâm hồn với nhau, nối kết những người tội lỗi, ngày đêm mong muốn được nên thánh trong ơn gọi và hoàn cảnh hiện tại. Tha thứ, dù chỉ là một việc làm nhỏ, nhưng sẽ lan tỏa ra chung quanh, giúp mọi người thấy được giá trị nền tảng của Tin mừng, của Lời Chúa.
Theo Thầy bao nhiêu ngày tháng, nhưng các môn đệ vẫn băn khoăn về những bài giáo huấn của Thầy. Chất người trong các ông luôn nổi loạn, dù biết đó là những lời khuyên từ Thầy Chí Thánh, theo dòng thời gian, tâm tình này đã và đang thẩm thấu vào trong suy nghĩ và thái độ sống của họ. Tha thứ, một trong những hương vị cần thiết của đời tông đồ, cũng là một băn khoăn đối với họ. Thầy ơi, chúng con phải tha cho anh em bao nhiêu lần. Một trăn trở đang làm rối bời bao tâm hồn các môn đệ, biết vậy, Thầy lên tiếng ngay: “Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy”. Theo Thầy bao năm tháng, tương lai chưa có gì sáng sủa, chưa có gì hy vọng, chỉ thấy phải tha thứ, phải vác thập giá cuộc đời, phải bỏ mình, phải khiêm tốn, phải đưa áo trong cho kẻ cướp áo ngoài, phải đưa má bên kia cho kẻ muốn vả má bên này. Thầy dạy sao mà cứ đi ngược lại với xã hội, với cuộc sống chúng con đang đối diện, khó quá, không biết theo Thầy được bao lâu nữa đây !?.
Để quên được những lầm lỗi của tha nhân, không phải chỉ ngày một ngày hai, nhưng đòi hỏi người tha thứ phải ý thức được những lầm lỗi của mình, mà người khác đã quên, đó là một động lực để tha thứ. Thiên Chúa đã quên mọi lầm lỗi con người đã phạm và đã xứng thú, trong đó có chính mình, vậy mà mình không dám quên lầm lỗi của người khác. Thiên Chúa không đòi hỏi bất cứ gì, khi Ngài cho con người bao nhiêu món quà, vậy mà con người không bao giờ nhớ để cám ơn, đó có phải là một lầm lỗi lớn của con người không ? thế mà không bao giờ Ngài nhắc lại hay lên tiếng để đòi hỏi. Để nêu gương cho các học trò về chủ đề tha thứ, Thầy Chí Thánh đã thực hiện một hành vi thật đặc biệt, tha thứ cho kẻ bội phản, chối Thầy nhiều lần, đã đón nhận khổ hình thập giá, để chết cho bao người lỗi phạm đến Thiên Chúa. Không ai có thể im lặng được, khi có người chết thay cho mình, tha thứ cho mình và yêu mình đến cùng như Thầy. Vậy mình có nên nối dài câu chuyện tha thứ đó, bằng cách viết lên những hành động tha thứ bản thân có thể thực hiện được cho anh chị em mình không ?
Muốn sửa đổi một hành vi chưa tốt nơi bản thân, người ta thường làm một việc tốt ngược với hành vi kia, muốn loại trừ sự oán giận và ích kỷ trong mọi sinh hoạt của bản thân, thì tha thứ luôn được coi là phương cách hữu hiệu để thực hiện. Để tha thứ một cách nhẹ nhàng và có ý nghĩa, đòi hỏi cái tâm của người đó phải bình yên, trái tim phải có sự quảng đại của tình yêu, suy nghĩ hẹp hòi và nông cạn không còn hiện hữu trong khối óc rộng mở nữa. Con Thiên Chúa làm người, chấp nhận sự hữu hạn nơi con người, chấp nhận cả những khiếm khuyết từ ngôn ngữ, lời nói và thái độ sống còn nhiều thiếu sót nơi con người, để mời gọi con người họa lại khuôn mặt và cuộc đời của Ngài. Làm sao con người bất toàn có thể thực hiện được, nếu không có sự tha thứ đến từ Thiên Chúa. Sự tự mãn, tự kiêu, cũng là một cánh cửa lớn cần được mở ra, để sự tha thứ có chỗ đứng trong cuộc đời của người chứng nhân tin mừng. Chính thái độ sống tự mãn, tự kiêu đang lôi kéo nhau xa dần, làm sao có thể đón nhận một người anh em, khi họ thua kém mọi thứ, làm sao chấp nhận được tha nhân khi nhận thức và hiểu biết khác xa chính mình, tất cả nếu không có sự tha thứ, nếu không sẵn sàng quên những lầm lỗi của họ, chắc chắn sự tha thứ sẽ không hiện diện trong cộng đoàn huynh đệ đó được.
Lạy Chúa, để tha thứ cho con người, Chúa đã quên hết tất cả mọi lầm lỗi của chúng con, xin giúp chúng con học bài học quý giá này, biết quên đi mọi lầm lỗi của tha nhân, từ đây, chúng con mới có thể tha thứ cho nhau được. Chúng con đã quên ơn Chúa, quên rất nhiều món quà Chúa trao tặng cho, nhưng luôn nhớ những lầm lỗi, những thiếu sót của tha nhân, xin giúp chúng con biết sống quảng đại hơn, biết chấp nhận sự bất toàn của nhau, để những gì Chúa hướng dẫn, sớm trở thành hiện thực và trở nên sống động trong đời sống mỗi người tín hữu chúng con. Amen.
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh