Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 08 Tháng 2 2024 06:43

Xin Chúa chữa cho ta

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
    XIN CHÚA CHỮA CHO TA

 

9.2Thứ Sáu trong tuần thứ Năm Mùa Quanh Năm

1 V 11:29-32; Tv 81:10-11,12-13,14-15; Mc 7:31-37

XIN CHÚA CHỮA CHO TA

Trên thế giới ngày nay còn nhiều người bị câm điếc. Những người câm thường hay bị điếc. Người bị câm điếc thường phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, họ bị coi như sống bên lề xã hội nên họ cảm thấy lẻ loi cô đơn. Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Marcô thuật lại việc Đức Giêsu chữa lành cho người bị câm điếc để đem lại đức tin và niềm vui cho anh ta. Sự chữa lành đó thuộc thể lý, nhưng qua đó, Chúa Giêsu muốn nói đến bệnh câm điếc thiêng liêng mà mọi người kẻ ít người nhiều đều mắc phải.

Cuộc chữa bệnh có những cách thực hành quen thuộc trong các truyện phép lạ thời đó. Đức Giêsu đưa anh bệnh ra riêng. Tất cả chuyện này có ý là giữ bí mật cách trị liệu của vị thầy. Các cơ quan có bệnh được chạm đến. Vị thầy ấn ngón tay trên hai tai điếc, rồi bôi nước miếng lên cái lưỡi ngọng. Ngước mắt lên trời là để xin sức mạnh siêu phàm; thở dài hay rên cũng nhắm như vậy. Tiếng epphatha trong bối cảnh phép lạ Hy Lạp là lời phù chú không ai hiểu được; nhưng trong Mc, từ này đã được dịch ra rõ ràng (tương tự 5,41). Đức Giêsu cho người ta biết rõ ràng quyền lực của Người. Đây là lời Người nói với anh bệnh cho đến lúc này vẫn chưa có khả năng nghe được, chứ không phải là nói với các cơ quan bị bệnh. Tức khắc, anh này được lành; sự kiện anh được lành được nêu ra như một điệp khúc đáp lại lời vừa được truyền ra. Rất có thể chi tiết “lưỡi bị buộc” có ý nói đến tên quỷ của bệnh, mà nay anh này đã được giải thoát khỏi.

Đức Giêsu truyền cả anh bệnh đã lành cũng như những người có mặt phải giữ im lặng. Nhưng những người đã đón nhận được mạc khải trong phép lạ này không thể giữ kín được. Tác giả Mc muốn nhắc độc giả vừa phải giữ làm sao để người ta khỏi hiểu sai thân thế và sứ mạng của Đức Giêsu, vừa phải nhận ra và giới thiệu Người là Đấng Cứu Thế. Phản ứng hứng khởi của dân cho ta lời giải nghĩa thần học của phép lạ. Nhờ hoạt động của Đức Giêsu, cuộc tạo thành đã hư hỏng nay được tái thiết (x. St 1,31).

Tin mừng kể lại như sau: “Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh.33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh.34 Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Épphatha", nghĩa là: hãy mở ra!35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng”.

Quả thật, niềm vui được chữa lành bệnh không chỉ nơi người bị bệnh mà niềm vui đó còn được lan tỏa nơi những người xung quanh. Để cảm nghiệm được niềm vui đó, chúng ta phải đặt mình vào vị trí vừa là người bị bệnh vừa là người trung gian cầu xin Chúa chữa bệnh.

Ở đâu có sự hiện diện của Chúa là ở đó có niềm vui. Niềm vui không chỉ được Chúa chữa lành bệnh tật mà niềm vui đó còn đem lại cho chúng ta sự sống cửu. Vì thế, mỗi ngày sống chúng ta đừng chạy đến với Chúa để xin Chúa điều này điều kia, mà trước hết, chúng ta hãy chạy đến với Chúa với tâm tình là một người con để dâng lên Chúa những tâm tình như người con đối với cha mẹ của mình. Để từ đó, chúng ta mới có một kinh nghiệm sống là sống cho Chúa như lời thánh Phaolô đã dạy: “Chúng ta có sống là sống cho Chúa”.

Người câm điếc gặp khó khăn khi muốn trình bày hay diễn đạt một lời nói cho người khác hiểu ý mình, nhưng họ lại cảm thấy ngại ngùng giống như có một sợi dây vô hình trói buộc, làm cho họ không thể nói ra. Tình trạng bất hạnh ấy dễ làm người ta mặc cảm, không nói được mà cũng chẳng nghe được, tự thân đã khiến người bị tật khó hiểu thế giới bên ngoài, và thế giới bên ngoài càng khó hiểu người bị tật ấy.

Do đó, người bị tật tự nhiên cảm thấy mình lẻ loi như đứng bên lề xã hội, họ có khuynh hướng muốn rút lui và sống trong cô đơn. Vì thế, những người bị tật ấy cần những người lành mạnh có thái độ thông cảm, tôn trọng và yêu thương thành thật.

Hôm nay chúng ta thấy Đức Giêsu không chữa bệnh đơn giản như mọi khi, nghĩa là chỉ đặt tay hay dùng một lời nói để chữa bệnh: Ta muốn ngươi được khỏi bệnh! Đức Giêsu lại đưa anh chàng ra khỏi đám đông, xỏ ngón tay vào tai người câm điếc, bôi bọt vào lưỡi anh ta và ngước mắt lên trời rên lên: “Epphata”: Hãy mở ra.

Về cử chỉ xỏ tay vào tai, bôi nước bọt vào lưỡi là cốt để khêu gợi đức tin là điều rất cần để Chúa ban ơn, mà bệnh nhân còn thiếu. Anh này điếc nên không nghe được, chỉ còn làm thế nào cho anh ta hiểu. Xỏ tay vào tai và đụng vào lưỡi để cho anh ta hiểu rằng: đó là những kết quả anh ta mong đợi.

Cử chỉ Chúa Giêsu trong phép lạ chữa lành người câm điếc, đã có một thời được Giáo hội lặp lại khi cử hành Bí tích Rửa tội. Thật thế, Bí tích Rửa tội cũng là một phép lạ trong đó chúng ta được chữa lành và tái sinh trong đời sống mới. Trong phép lạ này, Chúa Giêsu cũng nói với mỗi người chúng ta: Epphata, Hãy mở ra. Hãy mở lớn đôi tai để nghe được tiếng Ngài trong từng biến cố, từng giây phút của cuộc sống. Hãy mở rộng con tim và đôi tay để cảm thông và chia sẻ với người khác. Hãy mở miệng để cảm tạ, chúc tụng và loan báo tình thương Chúa, để nói những lời của yêu thương và hòa bình, của cảm thông và tha thứ.

Qua trang Tin mừng này, có lẽ tạo cho mỗi người cảm nhận được niềm vui từ người bệnh cũng như những người cộng tác đem người bệnh đến để xin Chúa Giêsu chữa trị.

Chúng ta phải phá bỏ bức tường câm điếc đã làm cho chúng ta xa cách tha nhân, không còn hiểu nhau, không còn thông cảm và thương yêu nhau, coi nhau như kẻ thù. Trái lại, phải xây lại nhịp cầu thông cảm và yêu thương mà chính Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta khi chịu phép Rửa tội. Trong ngày đó, chúng ta được cởi mở khỏi xiềng xích tội lỗi và được đàm đạo với Chúa như với người bạn chí thiết.

Huệ Minh

Read 68 times Last modified on Thứ sáu, 09 Tháng 2 2024 06:42