Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 15 Tháng 2 2024 16:18

Bỏ mình để theo Chúa

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Bỏ mình để theo Chúa

 

 

15.2 Thứ Năm sau Thứ Tư Lễ Tro

Đnl 30:15-20; Tv 1:1-2,3,4,6; Lc 9:22-25

Bỏ mình để theo Chúa

Vừa bước vào Mùa Chay, Tin Mừng trưng lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”! Thật là một lời cốt lõi.

Lời tiên báo đã làm giật mình các môn đệ và bao người. Họ đang mong mỏi Đấng Cứu Thế sẽ xây dựng nước của Người ở trần gian này phồn vinh mà cất đi mọi khổ đau ô nhục cho dân Chúa. Nào ngờ Chúa lại nói như vậy.

Chúa lại đòi các người theo Chúa thì “Phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo tôi”. Đối với người vô thần thì chẳng ai họ chấp nhận. Nhưng với người tin Thiên Chúa như các môn đệ thì Người dặn đừng sợ cái  “vác thập giá, từ bỏ mình kia” vì làm theo con đường Chúa dặn là đem lại hạnh phúc cho mình, cho tha nhân, là chính con đường Chúa sẽ đi để đem hạnh phúc cho nhân loại. Chúa là người đầu tiên từ bỏ mình ví chúng ta, vì Chúa Cha. Còn tôi, tôi có thể làm được gì? Chúa đã vạch rõ cái khả năng của tôi:“Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn nếu ai liều mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.

Phêrô vừa thay mặt anh em tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa (Mt 9,18-21), thì Đức Giêsu bắt đầu loan báo cho các môn đệ về con đường cứu thế của Ngài, là con đường tử nạn và phục sinh, đồng thời Ngài cũng loan báo về điều kiện phải có để theo Ngài.

Trong bài Tin mừng, Đức Giêsu cho biết rõ hơn con đường của Chúa là con đường gì: đó là con đường dẫn tới vinh quang phục sinh, nhưng trước đó phải qua đau khổ của thập giá; ai muốn đi theo Ngài thì cũng phải đi qua con đường thập giá, thậm chí phải vác thập giá hằng ngày.

Trong việc theo Chúa. Ngài đòi chúng ta phải lựa chọn và lựa chọn trong tự do. Cuộc sống là một chuỗi những lựa chọn. Mà chọn thì phải bỏ, bỏ cái này để được cái kia. Nên nhớ là chúng ta đã chọn Chúa và con đường của Chúa. Đó là sự lựa chọn căn bản, nhưng lựa chọn căn bản ấy phải thể hiện trong những lựa chọn hằng ngày theo cùng chiều hướng đó. Mùa Chay là thời gian chúng ta xét mình lại về những lựa chọn của mình, đồng thời lặp lại lựa chọn căn bản: chọn Chúa, chọn con đường thập giá, chọn từ bỏ.

Chúng ta thấy có mối tương quan biện chứng giữa “mất đi” và “được lại”. Người Kitô hữu chỉ thực sự hạnh phúc khi dám đánh mất đi cái tạm bợ để được lại cái vĩnh hằng, dám mất đi cái mau qua để được cái trường tồn. Người Kitô hữu chỉ thực sự khôn ngoan khi sẵn sàng “mất đi” sự sống hay chết để “được lại” sự sống đời đời. Và Đức Giêsu đã kết luận bài giáo huấn của Ngài bằng những lời này: “Nếu được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống mình, thì nào có lợi gì ?”

Bước theo chân Chúa mà phải từ bỏ những thứ bên ngoài, những cái làm ngăn trở con người theo Chúa, cái đó đã khó, nhưng bỏ mình, tức là bỏ đi cái ”tôi” của mình còn khó biết bao. Ở đây, Đức Giêsu nói rõ “bỏ mình”. Bỏ mình chính là bỏ cái tôi của mình, đó là sự từ bỏ khó khăn nhất. Hoàng đế Alexandre từng nói: “Thắng được vạn quân dễ hơn là thắng được chính mình”. Cái tôi chính là cá tính của mỗi người, vốn dễ kiêu ngạo muốn trên người, muốn thể hiện chính mình, muốn người khác theo ý mình; chứ không dễ gì khiêm tốn và phục vụ tha nhân. Nhưng đó lại là điều kiện của “thập giá”, bởi thập giá làm bằng chất liệu khiêm tốn và phục vụ.

Chúa Giêsu đến cứu chuộc trần gian, Người không cất đi những đau khổ, dù là Thiên Chúa, Người thừa sức làm việc ấy. Người vẫn dạy: vác thập giá mình mà theo Tôi”.Mục đích của Thiên Chúa là sự sống, là hạnh phúc cho con người nhưng trước khi tới đó phải đi qua đau khổ, thập giá. Người ban cho con người lòng tin, lòng cậy, lòng mến để họ thắng vượt khổ đau đường đời .

Phật giáo dạy “đời là bể khổ”. Sinh, lão, bệnh, tử, đều là khổ. Họ chẳng dạy gì về Thiên Chúa hay Thượng Đế. Khổ là do khát vọng ham biết, ham sống… mà không đạt được. Vì thế phải tự vượt thắng chính mình, diệt dục để thoát khổ. Có 12 nguyên nhân gây ra đau khổ và 8 cách diệt khổ. Đạt được bát chánh ấy là đạt giải thoát niết bàn.

Người Công Giáo chung với Phật giáo về diệt trừ những đau khổ, nhưng chỉ những đau khổ vô ích thôi. Còn đau khổ vì Chúa và tha nhân thì Chúa mời gọi. Trần gian này không là bể khổ, nhưng là  “đấu trường”, thi nhau tới bờ bến để được gặp Đấng Tạo Hoá yêu thương là phần thưởng của họ. Trong cuộc vượt biển ấy chẳng thiếu lúc trời đất thanh bình êm trôi, mà cũng chẳng vắng bão táp, phong ba. Nhưng mọi lúc mọi nơi ấy đều sống trong tin yêu, hy vọng tới bến bờ. Cuộc vượt biển ấy, ai nấy không chỉ dùng ý chí nghị lực của mình, mà còn phải cậy nhờ ân sủng Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và là nguyên nhân của mọi sức mạnh.

Theo Chúa phải vác thập giá. Vác thập giá không phải chỉ là dấu hiệu của đau đớn và sỉ nhục, nó còn là dụng cụ của sự chết. Đức Giêsu biết thế nào là đóng đinh vào thập giá.

Vác thập giá mình có nghĩa là chúng ta phải sẵn sàng đối diện với những hình khổ như vậy vì lòng trung thành với Chúa. Vác thập giá có nghĩa là sẵn sàng chịu đựng mọi thứ đau khổ loài người có thể làm cho chúng ta, vì lẽ chúng ta thành tâm đi theo Chúa Giêsu.

Huệ Minh

Read 72 times Last modified on Thứ bảy, 17 Tháng 2 2024 06:56